Nắm vững quan điểm cơ bản của Đảng về thông tin truyền thông vào nghiên cứu, giảng dạy báo chí

Ngày đăng: 01/08/2017 - 09:08

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi báo chí là phương tiện hữu hiệu để tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng, là vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X đã nêu rõ: công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Ðảng. Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới... Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí. Để thực hiện yêu cầu này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X đã chỉ ra các giải pháp quan trọng đối với công tác báo chí: Coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí... Xây dựng quy chế để thường xuyên làm tốt việc định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí...; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; quy định thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo báo chí của Đảng, cơ quan quản lý báo chí của Nhà nước, Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí và người làm báo; xây dựng chế tài đủ mạnh, xử lý dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh các sai phạm. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống báo chí, các đài phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương và báo chí điện tử; sắp xếp, thu gọn đầu mối theo hướng khoa học, hợp lý, hiệu quả. Nghiên cứu, phân loại báo chí theo chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tính đa dạng; khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan báo chí...[1].

Tại mục VII - “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người” trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đưa ra những quan điểm lớn về báo chí, truyền thông; đồng thời chỉ rõ: “Truyền thông đại chúng phát triển nhanh cả về loại hình, quy mô, lực lượng, phương tiện kỹ thuật và ảnh hưởng xã hội”[2].

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, nước ta có 845 cơ quan báo chí (trong đó có 119 báo in, 98 báo và tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình với gần 200 kênh truyền hình, 01 hãng thông tấn quốc gia). Tổng cộng có 1.111 ấn phẩm, 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp và 420 mạng xã hội được phép hoạt động; trong đó, báo điện tử và các trang thông tin trên mạng đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Số lượng độc giả của báo chí in có xu hướng ngày càng giảm, trong khi đó lượng độc giả truy cập báo mạng ngày càng tăng. Nguồn nhân lực báo chí có mức tăng trung bình hằng năm khoảng 6,5% (năm 2009 chỉ có 31.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, đến nay con số này đã tăng lên khoảng 35.000 người, trong đó có gần 17.000 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ hành nghề).

Tuy nhiên, so với những thành quả đạt được trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thì thành quả đạt được trong lĩnh vực văn hoá chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hoá lành mạnh. “Hệ thống thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích...”[3].

Trên thế giới, các cơ quan báo in đang sáp nhập, giảm số lượng phát hành, thay thế hoặc giải thể. Ở Việt Nam, mỗi năm, số lượng đầu báo đều có xu hướng tăng do sự phát triển khoa học công nghệ, khoa học nghiên cứu lý luận và nhu cầu cung cấp thông tin ở các viện, các trường đại học... Nhu cầu đọc báo in giảm, nhu cầu báo điện tử tăng lên. Có thể khẳng định hệ thống báo chí của nước ta vừa thừa, vừa thiếu:

Tôn chỉ, mục đích của nhiều tờ báo, tạp chí còn chồng chéo. Chưa có sự kiểm định đúng sai, chưa quản lý chặt chẽ nội dung thông tin, xuất bản. Nhiều báo điện tử, báo mạng đưa thông tin không đúng đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin phản cảm, câu khách, không phù hợp phong tục tập quán tốt của người Việt Nam. Công tác xuất bản còn nhiều khuyết điểm gây dư luận không tốt trong xã hội. Chưa quản lý được số lượng đầu báo và người làm báo. Công tác xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí cũng còn nhiều hạn chế.

Chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản và người đứng đầu; chưa duy trì tốt việc thực hiện Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Việc rà soát nội dung đăng tải trên báo chí, trang tin điện tử và mạng xã hội... nhằm hạn chế tối đa những bài viết có nội dung sai phạm cũng còn những thiếu sót.

Xuất phát từ thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng và nhân dân ta đã xác định, công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí trong thời gian tới cần nâng cao hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ: “Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hoá và con người Việt Nam. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”[4].

Đề án “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025” đã được Hội nghị Trung ương 10 khoá XI (tháng 1-2015) đưa ra những định hướng cơ bản để báo chí Việt Nam tiếp tục hoàn thiện và phát triển. Đây là vấn đề lớn được dư luận rất quan tâm.

Bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Trong thời gian qua, báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cũng còn những khuyết điểm, hạn chế, bất cập cả trong hoạt động của báo chí và trong công tác quản lý báo chí.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá sâu sắc thực trạng phát triển và quản lý báo chí với những kết quả, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân cụ thể; thấy rõ xu hướng phát triển thông tin, truyền thông trên thế giới, Trung ương khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.

Trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, cần quán triệt quan điểm phát triển đi đôi với quản lý tốt. Phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để đoàn kết, tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá và con người Việt Nam.

Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển trên cơ sở bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần tuý, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí. “Phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học - công nghệ và xu thế phát triển thông tin, truyền thông trên thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí, đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ trên mạng Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng”[5].

Mục tiêu của Quy hoạch là sắp xếp hệ thống báo chí gắn liền với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu thông tin đa dạng của nhân dân, phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên Internet. Khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật.

Xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản, nhất là người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí phải xác định rõ ràng, cụ thể định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển và quản lý đối với từng loại hình báo chí, bao gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình theo lộ trình, bước đi phù hợp.

Các quan điểm chỉ đạo trên và việc sắp xếp báo chí theo “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025” sẽ được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở tạo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy báo chí và truyền thông góp phần đưa báo chí phát triển mạnh, đúng định hướng, hiện đại và chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới; bảo đảm việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác nhất tới người dân, đồng thời bảo đảm phát triển mạnh hơn nguồn lực báo chí.

ThS. Nguyễn Thùy Vân Anh*


* Giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

[1]. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 50-51.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 124.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.125.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 129.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, 2015, tr. 243.

Bình luận