Sự thống nhất biện chứng giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 07/08/2017 - 09:08

Những năm gần đây, xuất hiện một số người phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng cách tách rời, đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Họ cho rằng "Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng là sai lầm". Họ lý giải rằng chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời ở châu Âu với nội dung đấu tranh giai cấp bỏ quên lợi ích dân tộc, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam; rằng ở Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ.

Để góp phần phê phán quan điểm sai lầm "phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin", bài viết này trình bày sự thống nhất biện chứng giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam suốt thế kỷ XX đến nay, với ba nội dung:

- Chủ nghĩa Mác - Lênin là sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò dẫn đường của chủ nghĩa Mác - Lênin với thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

- Thực tiễn cách mạng Việt Nam và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Chủ nghĩa Mác - Lênin là sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc

Chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học nghiên cứu về bản chất và điều kiện giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn thế giới khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, bất công; khỏi mọi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu và khỏi mọi sự phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp. Chủ nghĩa Mác - Lênin, hệ tư tưởng của giai cấp mang bản chất quốc tế, đồng thời mang tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, vì muốn giải phóng mình trên phạm vi toàn thế giới thì "giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu"1. Khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, vấn đề dân tộc trở thành vấn đề dân tộc thuộc địa thì cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản ở chính quốc và cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc gắn bó hữu cơ với nhau. Từ đó, Lênin đã nêu ra Cương lĩnh dân tộc với ba nội dung: "Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; các dân tộc được quyền tự quyết; liên hợp công nhân tất cả các dân tộc lại: đó là cương lĩnh dân tộc mà chủ nghĩa Mác, kinh nghiệm toàn thế giới và kinh nghiệm của nước Nga dạy cho công nhân"2. Cũng từ đó Lênin nêu ra khẩu hiệu: "Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!".

Chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ mang bản chất giai cấp công nhân quốc tế mà còn mang tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, là sự thống nhất giữa chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân và chủ nghĩa yêu nước. Đó là cơ sở lý luận và thực tiễn thời đại hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa giai cấp công nhân và dân tộc, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Vì vậy, quan điểm cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ nói đến đấu tranh giai cấp bỏ quên lợi ích các dân tộc không phù hợp với thực tiễn Việt Nam là quan điểm sai lầm, cần phải phê phán.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò dẫn đường của chủ nghĩa Mác - Lênin với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao chủ nghĩa Mác - Lênin với cách mạng Việt Nam. Mở đầu cuốn Đường cách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trích ở trang đầu câu nói nổi tiếng của V.I. Lênin: "Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong"1. Ở cuối phần một cuốn sách này, Người khẳng định vai trò dẫn đường của lý luận cách mạng và đảng cách mạng. Người viết:

"Cách mệnh trước hết phải có cái gì?

Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"[1].

Năm 1951, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh: Học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức là những nhiệm vụ cần kíp của Đảng.

Năm 1960, trong bài Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng Việt Nam không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1966, trong Bài nói ở lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng"[2]. Người còn khẳng định: "Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: Suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới"2.

Năm 1969, trong di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tôi để lại mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác". Nội dung đầu tiên trong Di chúc là "TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG"3. Tiếp đến, nói về đoàn viên và thanh niên, Bác cho rằng: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên""4.

"Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân"[3].

Tóm lại, trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có hình ảnh Các Mác và Lênin, có nội dung của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, Đảng Cộng sản và nhân dân lao động, trước hết là lớp trẻ. Từ đó cho thấy, chủ nghĩa Mác - Lênin là cái cốt khoa học lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin nghĩa là từ bỏ cái cốt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng cần phải được phê phán.

3. Thực tiễn cách mạng Việt Nam và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Thực tiễn thế giới và Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay, chủ nghĩa tư bản châu Âu, Bắc Mỹ mở rộng địa bàn thống trị của nó thông qua các cuộc chiến tranh xâm lược nước khác. Việt Nam trở thành đối tượng xâm lược của chủ nghĩa tư bản thực dân Pháp. Sau những cuộc đàn áp đẫm máu phong trào yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đặt ách thống trị trên toàn cõi Đông Dương với cái tên mới "xứ Đông Dương thuộc Pháp gồm năm kỳ" (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao Miên), cái tên Việt Nam cũng không còn nữa.

Giai cấp tư sản thực dân Pháp đã từ chối hợp tác với phong trào Tây Du của cụ Phan Châu Trinh; giai cấp tư sản quân phiệt Nhật từ chối hợp tác với phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Sự từ chối ấy bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là không thể có sự hợp tác bình đẳng giữa kẻ thống trị với người bị trị, giữa kẻ cướp nước với những người mất nước. Trong lịch sử thời kỳ này ở Việt Nam, giai cấp tư sản Việt Nam có hai bộ phận: bộ phận tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước nhưng yếu kém cả về kinh tế, chính trị, dễ thỏa hiệp về tư tưởng, bộ phận tư sản mại bản thì cam tâm làm tay sai cho thực dân, đế quốc.

Sau thất bại của các phong trào nói trên, con đường cứu nước như trong đêm tối, tưởng như không có con đường nào khác thoát khỏi kiếp nô lệ ngựa trâu mà lời tự vãn của cụ Phan Bội Châu đã nói lên điều đó. "Trong đời tôi chứng kiến trăm lần thất bại chưa có một lần thành công".

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam với tinh thần yêu nước chống ngoại xâm đã từng đánh bại những đế quốc lớn như đế quốc Mông - Nguyên, đế quốc Minh mà ngày nay, sau hơn 70 năm trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1858-1929) chống thực dân tư sản Pháp với tinh thần "khi nào người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam chống người Tây" lại cứ thất bại mãi. Người trả lời đúng câu hỏi trên là Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Trở lại lịch sử đầu thế kỷ XX, ai cũng biết sau nhiều năm suy ngẫm và 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước qua khoảng 30 quốc gia dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra từ cách mạng tư sản Pháp và cách mạng tư sản Mỹ là các cuộc cách mạng không đến nơi (tức là không triệt để). Rằng "Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã bốn lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy"[4]. Đồng thời từ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, từ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: Con đường để giải phóng thực sự các dân tộc bị áp bức chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản, con đường đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Sau 10 năm chuẩn bị trên cả ba phương diện: tư tưởng lý luận, đường lối chính trị và tổ chức cán bộ, Nguyễn Ái Quốc đã thống nhất lực lượng cách mạng Việt Nam với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Do có Đảng lãnh đạo đề ra đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo - đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam đã vượt qua bốn cột mốc lớn: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi năm 1975 và đi lên xây dựng chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước, tiến hành đổi mới thắng lợi với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ đó có thể kết luận, Đảng ta đã lãnh đạo tất cả các loại hình cách mạng của thời đại ngày nay để thực hiện các mục tiêu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thì không có việc năm 1946, Chính phủ Pháp tiếp phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu theo nghi thức tiếp nguyên thủ quốc gia. Không có thắng lợi của chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 thì thực dân Pháp không thể ký Hiệp định Giơnevơ. Không có thắng lợi của 20 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược với chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, Mỹ không chịu ký Hiệp định Pari tháng giêng năm 1973. Với thắng lợi của 40 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước trong đó có 30 năm đổi mới, Việt Nam giữ vững hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, tham gia tích cực các tổ chức quốc tế trước hết là ASEAN và Liên hợp quốc. Toàn bộ thắng lợi trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là sự lãnh đạo đúng đắn sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Từ đó không thể phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận vai trò dẫn đường của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong suốt quá trình đổi mới, các văn kiện, nghị quyết của Đảng đều khẳng định vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam nói chung và đối với quá trình đổi mới nói riêng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng rút ra bài học số một sau 15 năm đổi mới là: "Trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh"[5]. Từ đó, văn kiện khẳng định vị trí quan trọng của Cương lĩnh năm 1991: Cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng hiện nay và trong những thập kỷ tới. Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Văn kiện Đại hội X của Đảng tiếp tục rút ra bài học kinh nghiệm thành công số một của 20 năm đổi mới là: "Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng"[6]. Từ đó khẳng định yêu cầu số một trong đổi mới, chỉnh đốn Đảng là: "Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không đa nguyên, đa đảng"2.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội lần thứ XI của Đảng thông qua, Đảng ta khẳng định bài học số một là: "nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau"1. "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản"2.

Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, phần phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên"[7].

Qua nội dung bài viết, một lần nữa cần khẳng định sự thống nhất biện chứng giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hợp thành nền tảng tư tưởng của Đảng, là nhân tố cơ bản bảo đảm những thắng lợi của cách mạng Việt Nam suốt 85 năm qua và những thập kỷ tiếp theo.

Để cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm chống chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có hiệu quả, xin kiến nghị:

Một là, mỗi đảng viên của Đảng phải nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật của Đảng theo Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Mặt khác, Đảng cũng phải tiến hành công tác giáo dục lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng một cách có hiệu quả; có thái độ kiên quyết, xử lý nghiêm khắc theo Cương lĩnh và Điều lệ Đảng đối với những đảng viên xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

Hai là, phải tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận một cách kiên quyết hơn, tích cực hơn, chủ động và sáng tạo hơn đối với các quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

PGS. TS. NGUYỄN VĂN OÁNH*
Bài viết trích dẫn trong cuốn Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tư tưởng,
cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

1. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.624.

2. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.25, tr.375.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.277.

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289.

[2], 2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.113, 114-115, 621, 622.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.296.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.19.

[6], 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr.70, 276.

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.65, 88.

[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, lưu hành nội bộ, tháng 4-2015, tr.82.

Bình luận