Đảng Cộng sản Việt Nam với công cuộc dựng nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 15/08/2017 - 11:08

Lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay luôn chứng tỏ rằng thời nào cũng vậy, dựng nước phải đi đôi với giữ nước và xây dựng đất nước bao giờ cũng là gốc của giữ nước. Tuy nhiên, bên cạnh những đặc điểm chung, mỗi thời có một kiểu xây dựng đất nước khác nhau.

Trong hàng thiên niên kỷ trước đây, xã hội Việt Nam được xây dựng theo chế độ phong kiến, một chế độ mà về cơ bản đã đóng vai trò tích cực với quốc gia, dân tộc, một chế độ phong kiến đã biết dung hòa với các truyền thống công xã trong dân gian, để xây dựng nên Nhà nước, xã hội Đại Việt, dân giàu, nước mạnh. Chính nhờ công cuộc xây dựng đó mà ông cha chúng ta đã giữ được đất nước gần một nghìn năm sau một nghìn năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, công cuộc dựng nước đó của ông cha chúng ta có những hạn chế lịch sử, những hạn chế do chính bản chất chế độ phong kiến đem lại.

Theo quy luật thông thường của lịch sử nhân loại, tiếp nối sau thời kỳ dựng nước phong kiến sẽ là thời kỳ dựng nước tư sản, nhưng ở Việt Nam đã không diễn ra quá trình đó. Sự thống trị của chế độ thực dân Pháp trong gần một thế kỷ đã làm cho quá trình dựng nước không đi theo trình tự thông thường. Trong thời kỳ thực dân, ở Việt Nam mục tiêu trước hết là cứu nước, nhưng vấn đề dựng nước luôn được hiện hữu trong mọi cương lĩnh cứu nước, đóng vai trò động lực của sự nghiệp cứu nước.

Bất cứ trào lưu chính trị nào ở nước ta đầu thế kỷ XX đều phải trả lời các câu hỏi: Đất nước được giải phóng rồi thì sẽ đi về đâu? Xây dựng đất nước theo chế độ nào? Đã có nhiều cách trả lời theo mô hình dựng nước tư sản dưới những hình thức khác nhau. Thế nhưng, mô hình dựng nước đó không phù hợp với nhân dân ta và điều đó được chứng minh bằng sự chết yểu của các phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng tư sản. Cũng có nghĩa là ở Việt Nam, trong những điều kiện lịch sử đầu thế kỷ XX, con đường dựng nước theo tư tưởng tư sản chưa bắt đầu thì đã tỏ ra lỗi thời và cần phải được vượt qua. Trong thời đại mới, nhân dân Việt Nam cần đến một lý tưởng dựng nước kiểu mới, đóng vai trò động lực tinh thần mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh cứu nước, giải phóng dân tộc. Lý tưởng đó nằm trong con đường cứu nước kiểu mới mà Nguyễn ái Quốc đã tìm ra. Con đường đó chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước đầu thế kỷ XX, đồng thời cũng xác lập phương hướng dựng nước kiểu mới trong tương lai.

hồ Chí Minh nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1 và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”2. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, do hồ Chí Minh khởi thảo được thông qua tại hội nghị hợp nhất thành lập Đảng từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930 đã ghi rõ: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”3. Tư tưởng cứu nước và dựng nước của hồ Chí Minh lại được tái hiện trong Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú trình bày và được thông qua tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất (từ ngày 14 đến ngày 30-10-1930): “Trong lúc đầu, cuộc cách mạng Đông Dương sẽ là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền... Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng... xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên chánh các nước giúp sức cho mà phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”4.

Như vậy, Chủ tịch hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định rất sớm phương hướng dựng nước xã hội chủ nghĩa sau khi giải phóng đất nước khỏi ách thực dân phong kiến, không đi con đường tư bản chủ nghĩa, không trở thành một nước cộng hòa đại nghị tư sản. Cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn là sự thống nhất giữa cứu nước và dựng nước, dựng nước và giữ nước; là sự thống nhất giữa giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Cuộc cách mạng đó không chỉ giải phóng nhân dân ta khỏi ách áp bức dân tộc mà còn phải xóa bỏ chế độ người áp bức bóc lột người trên đất nước ta.

Chủ nghĩa yêu nước kiểu mới hồ Chí Minh trong nội dung cốt lõi của nó tất yếu phải chứa đựng chủ nghĩa xã hội. hồ Chí Minh viết: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1, và “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”2. Muốn cho mọi người đều ấm no, hạnh phúc thì phải phát triển kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, xóa bỏ chế độ người bóc lột người. Mà xóa bỏ chế độ người bóc lột người thì phải xóa bỏ cái nguyên nhân cơ bản sản sinh ra chế độ đó, phải xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa. Trong bản chất sâu xa của nó, tư tưởng dựng nước xã hội chủ nghĩa của hồ Chí Minh là tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, là thống nhất với tư tưởng của C.Mác, Ph.ăngghen và V.i.Lênin.

hiện nay, có một số người cho rằng tư tưởng hồ Chí Minh khác với tư tưởng của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin; rằng hồ Chí Minh không nói đến đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ, đến việc chế độ công hữu sẽ thay thế chế độ tư hữu. Có người đi xa hơn cho rằng dường như hồ Chí Minh đã phê phán sự hạn chế của C.Mác, xem cơ sở thực tiễn của chủ nghĩa đó chỉ là châu Âu, rằng tư tưởng hồ Chí Minh đã vượt qua được sự hạn chế đó của thuyết đấu tranh giai cấp, đã tìm ra động lực mới của cách mạng Việt Nam là ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc chứ không phải ngọn cờ đấu tranh giai cấp. Cũng không phải không có người cho rằng tư tưởng hồ Chí Minh về dựng nước gần với Tôn Trung Sơn hơn là với C.Mác... Tất cả những luận điểm đó ít nhiều đã làm cho mơ hồ, rối loạn nhiều vấn đề vốn đã rõ ràng.

Đúng là hồ Chí Minh đã diễn đạt mục tiêu của chủ nghĩa xã hội dưới những hình thức và bằng những lời lẽ giản dị, súc tích dễ đi vào lòng người nhất. hồ Chí Minh ít nói, ít nói chứ không phải không nói đến vấn đề chế độ công hữu phải thay thế chế độ tư hữu, đến vấn đề đấu tranh giữa hai con đường trong thời kỳ quá độ. Nhưng, điều đó không có nghĩa là hồ Chí Minh không tán thành một tư tưởng cơ bản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là: “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”1. Đúng là ba tiêu ngữ độc lập, tự do, hạnh phúc xuất hiện một cách tuyệt vời vào lúc mà Đảng ta muốn che giấu màu sắc cộng sản của mình, vào lúc Đảng phải tuyên bố tự giải tán mà thực chất là rút vào bí mật. Thế nhưng, từ đó mà cho rằng tư tưởng hồ Chí Minh gần với “chủ nghĩa tam dân” thì đó là một sự xuyên tạc và hạ thấp tư tưởng hồ Chí Minh. Tư tưởng hồ Chí Minh có thể tiếp thu có phê phán những yếu tố tích cực trong “chủ nghĩa tam dân”, cũng như mọi trào lưu tư tưởng lý luận khác nhưng đó là hai hệ tư tưởng khác nhau. “Chủ nghĩa tam dân” là hệ tư tưởng tư sản Trung Quốc, là lý tưởng về một xã hội tư sản với nền cộng hòa đại nghị tư sản; còn tư tưởng hồ Chí Minh là hệ tư tưởng công nhân, là lý tưởng về một xã hội xã hội chủ nghĩa phồn vinh, không còn chế độ người bóc lột người.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, hồ Chí Minh đã trình bày những vấn đề lý luận và đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta một cách có hệ thống, sâu sắc. Khi đề cập đến nhiệm vụ cách mạng miền Bắc, Người viết: Miền Bắc nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Và trong lĩnh vực cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế, Người cũng đề cập đến việc: thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh, và “một việc cần kíp nữa là cải tạo hòa bình đối với giai cấp tư sản dân tộc. Về kinh tế, chúng ta không tịch thu tư liệu sản xuất của họ, mà dùng chính sách chuộc lại. Về chính trị, chúng ta vẫn cho họ có quyền lợi thích đáng, họ vẫn được giữ địa vị một thành viên trong Mặt trận Tổ quốc”1.

Đường lối đổi mới của Đảng ta hiện nay là đổi mới có nguyên tắc, đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng hồ Chí Minh; là bước tiếp tục kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng hồ Chí Minh về dựng nước trong điều kiện mới. Tuy nhiên, ngày nay đang có những người đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới “triệt để” hơn nữa, không “nửa vời”; về thực chất, họ muốn đưa ra một cương lĩnh dựng nước kiểu khác với Cương lĩnh năm 1991 của Đảng. họ đòi từ bỏ lý luận về thời kỳ quá độ, về đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, bỏ việc phân chia các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa và kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa; không chấp nhận vai trò kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Trên lĩnh vực chính trị, họ yêu cầu Đảng ta từ bỏ học thuyết về đấu tranh giai cấp, coi chỉ có sự đồng thuận dân tộc mới là động lực phát triển đất nước; từ bỏ học thuyết về Đảng kiểu mới, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. họ cho rằng như vậy mới là đổi mới theo tư tưởng hồ Chí Minh!

Mười bảy năm sau khi Chủ tịch hồ Chí Minh đi xa, đường lối đổi mới của Đảng ta mới ra đời. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng tư tưởng của Người vẫn tiếp tục soi đường cho công cuộc đổi mới. Ngay từ đầu năm 1961, Người đã cảnh báo rằng: “hãy tiến lên, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội! Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc. Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước”1. Như vậy, đề ra và thực hiện đường lối đổi mới, phát triển một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa chính là tuân theo lời dạy trên đây của Bác hồ.

Đổi mới nhưng không đổi hướng, đổi màu. Chúng ta đổi mới để đi lên chủ nghĩa xã hội nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn như Bác hồ đã dạy. Ngày nay, có không ít người thường dẫn câu của V.i.Lênin: “Toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi”2 trong bài Bàn về chế độ hợp tác xã để cổ súy cho việc xem xét lại, hoài nghi tất cả các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học. Thực ra câu đó của V.i.Lênin đề cập đến một nội dung khác, không thể lấy câu đó để phủ nhận toàn bộ học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học. Đường lối đổi mới vì chủ nghĩa xã hội của Đảng ta nhất thiết phải là chủ nghĩa xã hội đích thực, chân chính chứ không thể là các thứ chủ nghĩa xã hội tư sản và tiểu tư sản.

Đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đích thực là phấn đấu cho nước Việt Nam giữ vững nền độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia trong khi hội nhập vào một thế giới toàn cầu hóa để phát triển, xây dựng một xã hội giàu mạnh, phồn vinh, không còn chế độ người bóc lột người, mọi người ai cũng ấm no, hạnh phúc. Một xã hội như vậy chỉ có thể ra đời trên cơ sở một nền kinh tế phát triển cao, dựa trên chế độ sở hữu công cộng về các tư liệu sản xuất chủ yếu như Cương lĩnh năm 1991 của Đảng ta đã khẳng định. Những hình thức cụ thể nào của chế độ tư hữu ở nước ta sẽ bị vượt qua như thế nào và vào lúc nào, đó là những vấn đề không đơn giản mà chỉ có sự nghiên cứu, tìm tòi nghiêm túc, kết hợp lý luận với tổng kết thực tiễn sinh động mới cho ta câu trả lời thích đáng. Chắc chắn rằng, đó là một quá trình phức tạp và lâu dài không cho phép có những kết luận vội vã, duy ý chí... Thế nhưng, sớm muộn điều đó cũng sẽ phải diễn ra!

Xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới là thay vì xóa bỏ ngay lập tức chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa và những quan hệ bóc lột đi liền với chế độ đó, chúng ta chuyển sang thực hiện một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa dưới sự quản lý của Nhà nước, khuyến khích sử dụng các thành phần kinh tế tư nhân và tư nhân tư bản chủ nghĩa, hướng chúng vào những hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước để phát triển mạnh mẽ các lực lượng sản xuất xã hội. Chúng ta thừa nhận sự tồn tại của thành phần kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận sự tồn tại của những quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa; có trách nhiệm vừa bảo vệ quyền lợi của người lao động vừa bảo vệ quyền lợi kinh doanh chính đáng, hợp pháp của nhà tư sản. Chúng ta dùng chủ nghĩa tư bản làm nấc thang lên chủ nghĩa xã hội nhưng kiên quyết bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; cùng với đó những biểu hiện cực đoan, tội lỗi, trái với pháp luật của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa và những mặt tiêu cực, không lành mạnh của cơ chế thị trường phải được đấu tranh kiên quyết nhằm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, giữ vững chế độ.

Dường như phương thức tấn công đó là một bước lùi, có vẻ càng xa mục tiêu hơn so với phương thức cũ. Thế nhưng, đó là một bước lùi cần thiết, hợp quy luật; lùi để tiến, tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc hơn như Bác hồ đã dạy và do đó, rút cục cũng sẽ tiến nhanh, tiến mạnh hơn phương thức cũ. Tuy nhiên, cũng giống như một đội quân phải đi vòng để tấn công và do đó có nguy cơ mất phương hướng trong khi hành tiến theo đường vòng; trên con đường dựng nước theo đường lối đổi mới, một số người nào đó cũng có nguy cơ lạc hướng trong khi tập trung chú ý vượt qua những vật cản trước mắt, có thể đi chệch khỏi mục tiêu cơ bản của cuộc cách mạng. Điều đó càng đòi hỏi Đảng ta trong quá trình đổi mới phải không ngừng chăm lo giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, rèn luyện đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh... cho đảng viên và quần chúng. Làm được như vậy cũng chính là tiếp tục kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng hồ Chí Minh.

Trung tướng, GS. TRẦN XUÂN TRƯỜNG*

Bài viết trích trong cuốn Đạo đức Bác Hồ tấm gương soi sáng cho muôn đời

do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản

* Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 30, 563.

3.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 1.

4.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, hà Nội, 1998, t. 2, tr. 93-94.

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 187, 64.

1. C.Mác và Ph.ăngghen: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 616.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 414.

1.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 71.

2.V.i.Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 428.

Bình luận