ASEAN - Cuộc hành trình nửa thế kỷ (1967-2017)

Ngày đăng: 14/09/2017 - 09:09

Tóm tắt: Vừa tròn nửa thế kỷ từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN) được thành lập (8-8-1967 – 8-8-2017). Các quốc gia Đông Nam Á đã trải qua chặng đường dài, vượt qua nhiều gian nan, thử thách để đạt đến thời kỳ hòa bình, ổn định và phát triển như ngày nay. Điểm lại chặng đường 50 năm, có thể thấy ASEAN đã góp phần quan trọng vào sự đổi thay cơ bản của khu vực, tạo nên một Đông Nam Á có vị thế ngày càng được ghi nhận trên trường quốc tế. Bước vào tuổi 50 chính là dịp để các nước thành viên nhìn lại chặng đường đã qua và hướng tới “một Cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau” như Hiến chương ASEAN đã xác định.

Từ khóa: ASEAN, Đông Nam Á, hòa bình, ổn định, phát triển, Biển Đông...

Asean492017

1. Sự hình thành Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi nhiều tổ chức ở các châu lục được thành lập trong điều kiện hòa bình với mục tiêu hợp tác phát triển kinh tế thì Đông Nam Á (ĐNA) lại là một khu vực “nóng” trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tình hình Đông Dương căng thẳng do việc Chính phủ Mỹ tăng cường xâm lược Việt Nam, cuộc chiến tranh có nguy cơ lan rộng ra toàn Đông Dương, tác động tới tình hình ĐNA. Trong bối cảnh như vậy, các nhà lãnh đạo ở ĐNA tính toán trên hai mặt: một là ngăn chặn ảnh hưởng phong trào cách mạng từ Việt Nam lan tới, thường gọi là “nguy cơ cộng sản”; hai là tránh bị Mỹ lôi kéo vào cuộc chiến tranh Đông Dương đang có dấu hiệu sa lầy. Do vậy, mặc dầu văn kiện đầu tiên của ASEAN là Tuyên bố Bangkok năm 1967 nhấn mạnh việc hợp tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa, xây dựng một ĐNA hòa bình và thịnh vượng nhưng vấn đề chính trị và an ninh khu vực trở nên đặc biệt quan trọng, chi phối hoạt động của ASEAN trong một thời gian dài.

Tình hình chiến tranh ở Đông Dương đầu những năm 70 của thế kỷ trước buộc các nước ASEAN phải tính đến vấn đề làm thế nào để tránh khỏi dính líu vào cuộc chiến? Bản Tuyên bố Kuala Lumpur ra đời năm 1971 nêu mục tiêu xây dựng ĐNA thành “Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập”, viết tắt là ZOPFAN. Nhưng trong những năm đầu tiên, bản thân ASEAN chưa hoạt động được bao nhiêu, mối quan hệ Việt Nam - ASEAN còn ở giai đoạn thăm dò.

Tình hình Đông Dương diễn biến rất nhanh với sự tiến triển của lực lượng cách mạng ở cả ba nước. Tháng 4-1975, cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, miền Nam Việt Nam được giải phóng. Năm sau, công cuộc thống nhất nước Việt Nam hoàn thành với việc đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cùng thời gian đó đã thành lập nhà nước Campuchia Dân chủ và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Quân Mỹ rút khỏi Đông Dương, Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) giải thể. Đứng trước tình hình mới của một ĐNA hòa bình, cả hai phía Việt Nam và ASEAN đều tính đến việc điều chỉnh chính sách khu vực.

Tháng 2-1976, Hội nghị cấp cao ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Inđônêxia, công bố bản Hiệp ước Thân hữu và Hợp tác (TAC, thường gọi là Hiệp ước Bali) và Tuyên bố Hòa hợp ASEAN. Tháng 7 cùng năm, Chính phủ Việt Nam ra bản Tuyên bố về Chính sách bốn điểm đối với ĐNA. Nội dung cơ bản của hai văn kiện có nhiều điểm trùng khớp nhau: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với nhau, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng hòa bình, xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác. Điều đó cho thấy cả hai bên đều hướng tới một ĐNA hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng phát triển. Đây chính là mẫu số chung phản ánh nguyện vọng chính đáng và lợi ích thiết thực của người dân ĐNA, của các quốc gia ĐNA.

Nhưng ngay sau đó, những đám mây đen dần dần bao phủ bầu trời ĐNA, các nước bị lôi cuốn vào cơn lốc mới từ “vấn đề Campuchia”. Sự phân hóa ở ĐNA lại trở về thế đối đầu, thậm chí còn nghiêm trọng hơn thời kỳ trước. Hơn 10 năm sau, vấn đề Campuchia được giải quyết, tình hình được cải thiện, đánh dấu bằng sự kiện Việt Nam và Lào tham gia Hiệp ước Bali (1992) và tiếp đó diễn ra quá trình tiếp xúc giữa hai bên. Ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, là thành viên thứ 7, mở đầu quá trình hoàn thiện tổ chức này vào cuối thế kỷ XX với sự kết nạp ba nước Lào, Mianma và Campuchia. Như vậy, sau hơn 30 năm, Hiệp hội các quốc gia ĐNA trở thành một tổ chức liên kết toàn khu vực, thường gọi là ASEAN 10 (không tính đến Đông Timo mới ra đời năm 2003).

2. Nâng cao vị thế quốc tế của ASEAN

Trong suốt thời gian tồn tại và phát triển, ASEAN ngày càng mở rộng mối liên hệ với các quốc gia bên ngoài ĐNA, vị thế quốc tế của ASEAN ngày càng được nâng cao. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) chính thức thành lập vào tháng 7-1994 theo đuổi mục tiêu thúc đẩy cơ chế đối thoại, trao đổi ý kiến về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực, đóng góp vào những cố gắng xây dựng lòng tin, phát triển ngoại giao quốc phòng, tiến tới tiếp cận phương pháp giải quyết xung đột. Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) thành lập tại Bangkok ngày 1-3-1996 gồm 25 thành viên ban đầu (7 nước ASEAN, 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 15 nước thuộc EU), đến nay là 51 thành viên. Diễn đàn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ đối tác mới toàn diện vì sự phát triển mạnh mẽ giữa hai châu lục. Cùng với sự nỗ lực nội tại để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, ASEAN nhận được sự hỗ trợ thiết thực của ba nước Đông Bắc Á, tạo tiền đề cho việc thiết lập cơ chế ASEAN+3 (gồm các nước thành viên Hiệp hội cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc), và cơ chế ASEAN+1 với nhà lãnh đạo từng nước kể trên. Tháng 12-2005, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) họp tại Malaixia gồm 16 thành viên (10 nước ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Niu Dilân và Ấn Độ). Mỹ và Nga tham dự với tư cách quan sát viên, đến năm 2011 trở thành thành viên chính thức. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) bắt đầu nhóm họp từ năm 2006, đến năm 2010 mở rộng thành ADMM+ với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 8 nước đối tác, đối thoại gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Ôxtrâylia và Niu Dilân.

Như vậy, cùng việc trở thành một tổ chức toàn khu vực, ASEAN đồng thời đóng vai trò trung tâm, cầm lái trong các tổ chức liên quan như: ARF, ASEM, ASEAN+3, ASEAN+1, EAS, ADMM và ADMM+… Hoạt động của các tổ chức này đã góp phần tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong Hiệp hội, giữa Hiệp hội với các quốc gia bên ngoài có lợi ích gắn bó. Đây là những diễn đàn trao đổi quan điểm về các vấn đề hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển, xây dựng niềm tin, tìm giải pháp giảm nhẹ căng thẳng. Sự tham gia của các nước ngoài ĐNA, nhất là các cường quốc cho thấy vai trò chủ đạo của ASEAN được thừa nhận trong hoạt động của Diễn đàn mà các thành viên đều tìm thấy lợi ích của mình.

Đầu thế kỷ XXI, vượt qua khủng hoảng tiền tệ, kinh tế ĐNA dần dần khởi sắc. Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) ký năm 1992 đã đi được một chặng đường trong nhóm 6 nước đầu tiên, 4 nước gia nhập sau lần lượt hoàn tất quá trình này, kết thúc vào năm 2010. Việc thực hiện AFTA tạo cho ASEAN một thị trường thống nhất và một môi trường kinh tế năng động, là chiếc cầu nối để các nước ASEAN tham gia tích cực, có hiệu quả vào các tổ chức thương mại quốc tế như APEC, WTO và mở rộng quan hệ song phương với các nước.

Để thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, ASEAN đề xuất nhiều chương trình hợp tác như: Chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông, Chương trình hành động Hà Nội, Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI)… Theo xu hướng toàn cầu hóa, khuôn khổ khu vực tỏ ra chật chội đối với nền kinh tế của các quốc gia thành viên nên đã ra đời các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các nước ngoài ĐNA như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. Việc hình thành khu vực thị trường tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) tạo nên những bước đột phá mới, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc (2012). Mỹ cũng là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, đã ký Hiệp ước thương mại tự do song phương với một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, ASEAN cũng đứng trước nhiều thách thức, trong đó, khoảng cách về trình độ giữa hai nhóm nước trong ASEAN vẫn là trở ngại để tiến tới sự phát triển đồng đều, bền vững. Cơ chế lỏng lẻo của tổ chức cùng “phương thức ASEAN” đặt ra yêu cầu đổi mới để thích ứng với bước phát triển cao hơn, hiệu quả hơn, phù hợp hơn với xu hướng toàn cầu hóa. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Bali năm 2003, lần đầu tiên khái niệm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được đề xuất với mục tiêu đến năm 2020, ASEAN sẽ là khu vực sản xuất và thị trường chung với việc hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động có tay nghề được dịch chuyển tự do.

Việt Nam bước vào “sân chơi ASEAN” khá muộn với một nền kinh tế vừa ra khỏi chiến tranh đầy khó khăn, cho tới nay mới được hơn 20 năm. Song sự gia nhập ASEAN đã tạo lập một môi trường hòa bình, an ninh và ổn định có lợi cho sự phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác kinh tế khu vực, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư, tranh thủ mạnh mẽ nguồn lực từ bên ngoài, phát huy có hiệu quả nguồn lực bên trong, hòa vào dòng chảy chung của thị trường thế giới. Việt Nam thiết lập quan hệ kinh tế với các nước thành viên ASEAN, ký kết nhiều hiệp định thương mại với EU, với các nước lớn và nhiều nước khác, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

3. Những thách thức của ASEAN

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ASEAN luôn đứng trước nhiều thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Hai vấn đề nóng bỏng đối với an ninh ở ĐNA là nạn khủng bố do lực lượng Hồi giáo cực đoan gây ra và tham vọng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sau sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ, nạn khủng bố lan nhanh ở ĐNA, từ Philíppin, Inđônêxia đến miền Nam Thái Lan. ĐNA là nơi tập trung 20% tín đồ Hồi giáo trên thế giới, mặc dầu theo xu hướng tương đối ôn hòa nhưng có một bộ phận cực đoan, luôn hoạt động phá hoại gây nhiều rối loạn. Ở Philíppin, đáng kể nhất là nhóm Abu Sayyaf (Mặt trận Hồi giáo Moro MNLF) theo đuổi mục tiêu thiết lập nhà nước ly khai ở Mindanao, cai trị theo luật Sharia khắc nghiệt, tiến hành nhiều vụ bắt cóc con tin trong nước và người nước ngoài. Nhóm Jemaah Islamiyah (JI) có mạng lưới ở Malaixia, Xingapo, đặc biệt ở Inđônêxia đã gây ra nhiều vụ nổ bom, nghiêm trọng nhất là vụ nổ ở Bali hồi tháng 10-2002 làm 202 người thiệt mạng; các nhóm Hồi giáo ở 5 tỉnh miền Nam Thái Lan thường xuyên nổi dậy chống chính quyền trung ương Bangkok. Điều nguy hiểm là nhiều nhóm Hồi giáo ĐNA liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Xyri, có nguy cơ bị “IS hóa”. Tình hình đó buộc các chính phủ ĐNA phải tăng cường hợp tác đấu tranh chống khủng bố. Những năm gần đây, mạng lưới Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lan đến ĐNA. Năm 2015, ước tính từ 600 đến 900 người ĐNA gia nhập IS chiến đấu tại Xyri, khoảng 700 người tới từ Inđônêxia, còn Malaixia và Philíppin, mỗi nước chừng 100 người. IS muốn một thành lập các nhà nước Hồi giáo bên ngoài Trung Đông mà Inđônêxia là một địa điểm được nhắm tới.

Năm 2007, các nước ASEAN ký Công ước về chống khủng bố, trong đó nêu rõ mục đích tạo nên khuôn khổ cho việc hợp tác khu vực nhằm ngăn ngừa, đấu tranh và trừng trị khủng bố dưới mọi hình thức; tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật cũng như các cơ quan khác của các nước thành viên ASEAN trong đấu tranh chống khủng bố. Thủ tướng Xingapo Lý Hiển Long nhận định hiểm họa khủng bố ở châu Á là vấn đề nghiêm trọng và khó khăn, nguy cơ IS vươn tới Đông Nam Á đang ngày một gần. Nhưng cho đến nay, hành động hợp tác chống khủng bố vẫn có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là thực tế, cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan “chỉ mới bắt đầu”. Hội nghị quốc tế chống khủng bố họp ở Bali vào tháng 8-2016 với sự tham dự của 30 quốc gia đã bàn những biện pháp trao đổi thông tin, chống tài trợ cho khủng bố, siết chặt các quy định về thẻ ngân hàng nhằm tránh bị lợi dụng vào việc cung cấp tài chính cho những kẻ khủng bố tham gia các cuộc xung đột ở nước ngoài. Các nước nhấn mạnh việc ngăn chặn nguy cơ lan tràn lực lượng IS vào ĐNA, nhất là những người gốc ĐNA đã chiến đấu ở Xyri nay trở về quê hương xây dựng lực lượng chiến binh IS. Rõ ràng, cuộc đấu tranh chống khủng bố vẫn luôn là mối quan tâm của ASEAN trong quá trình xây dựng một ĐNA hòa bình và an ninh.

Một vấn đề nóng khác ngày càng nổi lên trong khu vực là vấn đề Biển Đông, chủ yếu do tham vọng chủ quyền của Trung Quốc. Tuyên truyền luận điểm ngụy tạo về “đường 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”, “đường chữ U” mà phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực PCA đã bác bỏ hồi tháng 7-2016), Trung Quốc muốn chiếm 80% diện tích Biển Đông. Liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông, có 5 nước 6 bên là Việt Nam, Philíppin, Brunây, Malaixia, Trung Quốc và Đài Loan. Nhưng do vị trí chiến lược về mặt an ninh quốc phòng và là một trong những đường hàng hải quan trọng nhất, tấp nập nhất trên thế giới nên Biển Đông đã thu hút mối quan tâm của nhiều nước trong và ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ôxtrâylia, Ấn Độ và EU. Việc Trung Quốc đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956 và 1974 cùng một số bãi đá ngầm ở Trường Sa (trong đó có Gạc Ma, Châu Viên) năm 1988 làm cho các nước ĐNA hết sức lo ngại. Năm 1992, lần đầu tiên ASEAN ra tuyên bố về Biển Đông, coi những diễn biến bất lợi ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực, là mối đe dọa đến an ninh toàn ĐNA, không riêng một nước nào.

Sau một thời gian dài đàm phán, ngày 4-11-2002 tại Phnôm Pênh, ASEAN và Trung Quốc đã ký “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Các nước tham gia ký DOC cam kết tôn trọng các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ĐNA (TAC) và 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; cam kết việc xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau, tái khẳng định sự tôn trọng của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông, chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi pháp luật bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và các cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp. Cho đến nay, DOC vẫn là văn kiện quan trọng nhất trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc về Biển Đông. Cuộc đàm phán về “Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN được bắt đầu từ tháng 4-2017, chưa công bố kết quả.

Mặc dầu đã cam kết, Trung Quốc vẫn không ngừng vi phạm DOC, luôn gây tình hình bất ổn trong khu vực: nhiều lần xâm phạm các vùng biển của Việt Nam và Philíppin, thường xuyên gây không khí căng thẳng trên Biển Đông. Cùng trong thời gian này, Trung Quốc ráo riết xây dựng các đảo đá, bãi cạn ở vùng biển Trường Sa thành căn cứ quân sự với nhiều đường băng, bến cảng, nhà chứa máy bay và thiết bị liên lạc.

Bị đe dọa đến địa vị siêu cường duy nhất, để bảo vệ lợi ích và uy tín của nước Mỹ, thực hiện cam kết với các nước đồng minh, năm 2010 chính quyền Obama đưa ra chính sách “tái cân bằng”, “xoay trục về châu Á” nhằm kiềm chế sự lấn lướt của Bắc Kinh, bảo đảm quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump đang đặt ra nhiều băn khoăn về đối sách của Washington trong vấn đề Biển Đông.

Đứng trước hoạt động lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông, thái độ của các nước ASEAN vừa có điểm tương đồng, vừa có điểm bất đồng. Các nước ĐNA gặp nhau ở chỗ cùng muốn duy trì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, bày tỏ sự quan ngại trước tình hình căng thẳng, kêu gọi các bên tôn trọng DOC và tiến tới ký kết COC. Nhưng do vị trí địa lý và mối quan hệ lợi ích với Trung Quốc về chính trị và kinh tế khác nhau nên không tránh khỏi những quan điểm và chính sách khác nhau. Sự rạn nứt bộc lộ rõ nhất tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh hồi tháng 7-2012 khi không ra được Tuyên bố chung vì nước chủ nhà Campuchia khước từ việc đưa vấn đề Biển Đông vào văn kiện chính thức của hội nghị. Trong những lần hội nghị ở các năm tiếp theo tổ chức tại Mianma, Malaixia, Lào, Philíppin, mặc dầu có những tranh cãi gay gắt, người ta cố gắng tránh lặp lại “sự cố Phnôm Pênh” bằng việc đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố của nhiều diễn đàn khác bằng những thuật ngữ quen thuộc, chung chung, không phản ánh đầy đủ thực trạng tình hình nghiêm trọng do sự lấn lướt của Trung Quốc gây ra.

4. Tầm nhìn ASEAN

Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập ASEAN, tháng 12-1997, lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua văn kiện Tầm nhìn ASEAN với mục tiêu tổng quát đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc ĐNA, gắn bó trong một Cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ IX tại Bali (tháng 10-2003) ra Tuyên bố Hòa hợp Bali 2 khẳng định lại những mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, quyết định đến năm 2020 (sau rút ngắn về năm 2015) sẽ hình thành một Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột chính là Cộng đồng an ninh ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN, Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN.

Theo định hướng đó, bản Hiến chương ASEAN được soạn thảo và các nước phê chuẩn, có hiệu lực từ ngày 15-12-2008. Hiến chương khẳng định “ASEAN, với tư cách là một tổ chức liên chính phủ, từ nay có tư cách pháp nhân”, mối quan hệ nội khối mang tính ràng buộc chặt chẽ hơn, mỗi thành viên đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện các điều khoản trong Hiến chương. Hiến chương ghi rõ một trong những nguyên tắc của ASEAN là “Tôn trọng các quyền tự do cơ bản, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, đẩy mạnh công bằng xã hội”. Lần đầu tiên văn kiện ASEAN chính thức đề cập vấn đề nhân quyền và kèm theo đó là việc thiết lập Cơ quan nhân quyền ASEAN. Hiến chương nhấn mạnh mối quan hệ với các đối tác bên ngoài nhằm không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của Cộng đồng.

Sau quá trình thực hiện các công việc theo lộ trình xây dựng Cộng đồng, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 họp tại Malaixia tháng 11-2015 ra Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN. Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của Hiệp hội, một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử ĐNA.

*

Điểm lại chặng đường 50 năm, có thể thấy ASEAN đã góp phần quan trọng vào sự đổi thay cơ bản của khu vực, tạo nên một ĐNA từ thuộc địa của thực dân phương Tây thành nơi tụ hội các quốc gia độc lập dưới nhiều thể chế khác nhau; từ một vùng nóng bỏng của thời kỳ Chiến tranh lạnh thành một khu vực hòa bình, an ninh, tương đối ổn định; từ những nền kinh tế phụ thuộc, tản mạn thành một thị trường kinh tế tự chủ được gắn kết nội khối và liên hệ bên ngoài qua những hiệp định thương mại tự do; từ một Hiệp hội khá lỏng lẻo thành một Cộng đồng với ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, có vị thế ngày càng được xác lập trên trường quốc tế.

Từ tuổi 50, ASEAN phấn đấu đi theo định hướng đã vạch ra, đạt được những mục tiêu của Hiến chương, các dân tộc ĐNA gắn bó trong một Cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau, có sự ổn định chính trị và an ninh, có vị trí được xác định trong nền kinh tế phát triển theo xu thế toàn cầu hóa, phát huy những sắc màu của nền văn hóa đa dạng và đem lại phúc lợi thiết thực cho mọi người dân. Đây là khả năng lý tưởng, đòi hỏi ý chí thống nhất và sự nỗ lực hết mình của các quốc gia thành viên. ASEAN sẽ tồn tại như nó đã có và đang có, những ý tưởng nêu ra được thực hiện có chừng mực, sẵn sàng hòa hoãn trong các vấn đề đặt ra vì sự ổn định chung của khu vực và lợi ích riêng của mỗi quốc gia, hết sức tránh sự rạn nứt trong nội khối, cố gắng giữ thế đứng cân bằng trong sự cạnh tranh giữa các nước lớn. Muốn vậy, ASEAN phải hết sức tránh nguy cơ bị chia rẽ mà điểm huyệt thử thách ASEAN hiện nay chính là đối sách trong vấn đề Biển Đông.

Đối với Việt Nam, kinh nghiệm lịch sử của những thời kỳ đã qua rất đáng suy ngẫm để củng cố sự đồng thuận trong nước, tranh thủ những lực lượng bên ngoài có thể tranh thủ, hết sức tránh rơi vào tình thế đơn độc, tìm ra giải pháp có lợi, hợp lý nhất trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trước sau như một, Việt Nam vẫn luôn là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trước vận mệnh của ASEAN và triển vọng của khu vực ĐNA.

GS.NGND. Vũ Dương Ninh

Bình luận