Bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến ở nước ta hiện nay

Ngày đăng: 18/09/2017 - 14:09

Tóm tắt: Trên thế giới, Chính phủ điện tử đã và đang là một xu thế tất yếu. Ở Việt Nam, Chính phủ điện tử chính thức được triển khai từ năm 2006 với những bước đi đầu tiên còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Chính phủ, việc phát triển Chính phủ điện tử đã được triển khai cụ thể hơn trong “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020” mà một trong những vấn đề trọng tâm, đột phá là thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), trong đó cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến là một nội dung quan trọng và là một thành phần của kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử.

Từ khóa: Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, tính minh bạch, hiệu quả

Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai với những nỗ lực không ngừng của Chính phủ, người dân, cộng đồng doanh nghiệp đã dần quen với khái niệm dịch vụ công trực tuyến và có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều những dịch vụ này. Có thể nói, đây là một trong những bước đi quan trọng của Chính phủ trong nỗ lực xây dựng một Chính phủ hiện đại, năng động hướng đến phát triển nền hành chính phục vụ tốt nhất cho người dân.

Thực trạng dịch vụ công trực tuyến ở Việt Nam hiện nay

Có thể hiểu khái niệm “dịch vụ công trực tuyến” như sau: đó là dịch vụ công thông qua việc sử dụng một cách có hệ thống CNTT và viễn thông để triển khai hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, cung cấp và đáp ứng các nhu cầu chung thiết yếu của công dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Với việc sử dụng CNTT và viễn thông, dịch vụ công điện tử đáp ứng nhu cầu của công dân và tổ chức 24/24 giờ, ở bất cứ đâu có kết nối mạng internet, vượt qua mọi rào cản về địa lý, không gian và thời gian.

bao dam tinh minh bach1592017

Theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13-6-2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thì dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Đồng thời, quy định dịch vụ công trực tuyến của cơ quan hành chính nhà nước cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng gồm bốn mức: từ mức độ 1 đến mức độ 4.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán trực tuyến lệ phí (nếu có). Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Qua sự phân chia 4 cấp độ của dịch vụ công trực tuyến cho thấy, cấp độ càng cao sẽ càng giảm tải được áp lực công việc, giúp giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn. Qua đó, người dân được thụ hưởng dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như rút ngắn thời gian đăng ký, thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là tránh được những phiền hà từ tệ nhũng nhiễu, quan liêu… của một số cán bộ công quyền.

Tại hầu hết các tỉnh, thành phố hiện nay, việc thực hiện thủ tục công trực tuyến cấp độ 1, 2 đã cơ bản được đưa vào khai thác. Cấp độ 3, 4 cũng đang được nỗ lực triển khai ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa,…

Tuy nhiên, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 còn gặp một số khó khăn nhất định, chẳng hạn như nhiều người dân chưa từng tiếp xúc CNTT, chưa biết máy vi tính, internet là gì, trong khi đó nếu không có máy tính, mạng internet thì không thể sử dụng được dịch vụ công trực tuyến. Đây là một trong những khó khăn, trở ngại lớn nhất khi triển khai dịch vụ này. Bên cạnh đó, việc truyền tải dữ liệu trong hệ thống mạng chưa phải lúc nào cũng thông suốt, dẫn đến chậm trễ, khó khăn trong việc đăng ký hay cập nhật.

Ngoài ra, còn phải kể đến một nguyên nhân khác là do còn có tâm lý lo ngại về việc mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nên đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống, đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính. Hơn nữa, việc tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của dịch vụ công này còn hạn chế, nhiều người dân vẫn còn chưa biết những cơ quan nhà nước nào sử dụng dịch vụ này, trong khi một số người khác lại chỉ biết về dịch vụ này một cách mơ hồ, không biết phải tìm các dịch vụ công trực tuyến ở đâu...

Để việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở các cơ quan nhà nước mang lại hiệu quả cao nhất, nâng cao mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công, thì điều kiện để bảo đảm tính minh bạch thông tin, bảo mật thông tin là yêu cầu hết sức cần thiết.

Bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến

So với nền hành chính truyền thống mang nặng tính thủ công trước đây thì Chính phủ điện tử đã chứng tỏ được nhiều điểm ưu việt của mình. Với việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT và truyền thông trong hoạt động của các cơ quan chính phủ, cũng như trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, việc thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau và giữa các cơ quan nhà nước với nhân dân sẽ đạt được hiệu quả rõ rệt bởi ưu thế nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và ít nảy sinh tiêu cực.

Để bảo đảm tính minh bạch của dịch vụ công điện tử, việc đưa thông tin về dịch vụ công và quy trình thực hiện dịch vụ công phải thể hiện đầy đủ và rõ ràng trên trang thông tin điện tử hay cổng thông tin điện tử. Đồng thời, phải cung cấp các thông tin về quá trình xử lý dịch vụ công điện tử và kết quả giải quyết thủ tục/dịch vụ công đó. Hơn nữa, một yếu tố không thể thiếu được là phải có cơ chế kiểm tra danh tính của cá nhân, tổ chức tham gia dịch vụ công điện tử và bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân cũng như kiểm soát tính đúng đắn của các thông tin liên quan. Cụ thể là, việc cung cấp thông tin về dịch vụ công điện tử phải được:

- Cơ quan chủ quản có trách nhiệm đăng tải toàn bộ thông tin về dịch vụ công điện tử trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Thông tin về dịch vụ công điện tử phải được cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa kịp thời ngay sau khi có sự thay đổi.

- Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải có mục “Dịch vụ công điện tử” hoặc “Dịch vụ công trực tuyến”, thông báo danh mục các dịch vụ hành chính công và các dịch vụ công trực tuyến đang thực hiện và nêu rõ mức độ của dịch vụ. Các dịch vụ được tổ chức, phân loại theo ngành, lĩnh vực để thuận tiện cho việc khai thác sử dụng.

- Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải cung cấp chức năng hướng dẫn sử dụng, theo dõi tần suất sử dụng, quá trình xử lý và số lượng hồ sơ đã được xử lý đối với từng dịch vụ công điện tử từ mức độ 3 trở lên. Đồng thời, phải bảo đảm việc tích hợp thông tin dịch vụ công điện tử, bao gồm:

 + Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải được liên kết, tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến với các cổng thông tin điện tử của các đơn vị trực thuộc.

+ Cổng thông tin điện tử của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được liên kết, tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến với cổng thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn trực thuộc và ủy ban nhân dân cấp huyện trực thuộc.

Văn phòng Chính phủ là cơ quan đầu mối trong việc tổ chức tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Chính phủ. Công dân, doanh nghiệp hay tổ chức sử dụng dịch vụ luôn mong muốn các thông tin về dịch vụ được cung cấp đầy đủ và rõ ràng như: các yêu cầu về phía người sử dụng dịch vụ, quy trình thủ tục cụ thể, cách thức thông báo về quá trình thực hiện dịch vụ và kết quả cuối cùng. Khi khai báo thông tin cá nhân và các dữ liệu liên quan khác để truy cập dịch vụ, khách hàng có thể cần đến một số điều khoản ràng buộc như thời gian thực hiện dịch vụ này, lệ phí đã thanh toán… và có thể cần cung cấp thêm điều kiện in ấn cho những thông tin này. Cần có cơ chế kiểm tra tính chính xác về danh tính và các dữ liệu liên quan của cá nhân và tổ chức truy cập các dịch vụ công trực tuyến. Hơn nữa, cần phải bảo đảm rằng dịch vụ là an toàn và sự riêng tư sẽ được tôn trọng. Người truy cập các dịch vụ trực tuyến khác nhau sẽ có các thông tin cá nhân và danh tính khác nhau cần khai báo, chẳng hạn như khi sử dụng cùng một lúc dịch vụ nộp thuế và dịch vụ cấp phép xây dựng. Nếu cùng là một cá nhân truy cập vào hai dịch vụ này thì phải có một ID chung, như số chứng minh nhân dân. Cần có một chức năng của dịch vụ công điện tử cho phép kiểm tra cơ sở dữ liệu theo ID được khai báo để xác định danh tính cũng như các thông tin cá nhân có hợp pháp hay không. Do đó, nếu tất cả các dịch vụ công điện tử có quyền truy cập một cơ sở dữ liệu cá nhân duy nhất thì vấn đề bảo mật dữ liệu, sao lưu dữ liệu phòng cho các trường hợp rủi ro (cháy nổ, thiên tai…) là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, việc bảo đảm an toàn thông tin cá nhân với các giao dịch trực tuyến cũng được đặc biệt lưu tâm. Thực tế là nhiều người không muốn các thông tin cá nhân của họ bị chia sẻ cho các tổ chức khác sử dụng, chưa kể các nguy cơ khác như bị sửa đổi thông tin cá nhân hay bị đánh cắp những thông tin này để sử dụng vào các mục đích phi pháp khác. Do đó, các biện pháp như: sử dụng chữ ký số, đăng nhập kết hợp với sử dụng mật khẩu và mã hóa dữ liệu khách hàng thường được sử dụng cho các loại hình dịch vụ trực tuyến.

Dịch vụ công trực tuyến với ưu thế dễ sử dụng, nhanh chóng và hiệu quả là những yếu tố quan trọng tác động đến người dân, được cộng đồng doanh nghiệp hướng tới sử dụng ngày càng nhiều. Ngược lại, khi các công dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội tham gia dịch vụ công điện tử nhiều hơn, họ cũng có thể cung cấp thông tin phản hồi về các dịch vụ này. Từ đó, các dịch vụ công trực tuyến sẽ có thể được cải thiện để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng xã hội thông qua việc nâng cao chất lượng, giảm chi phí, tăng sự minh bạch và tiện lợi khi tham gia giao dịch. Vì vậy, việc bảo đảm tính minh bạch thông tin, bảo mật thông tin sẽ là một trong những điều kiện giúp cho người dân thực sự tin tưởng vào hệ thống giao dịch trực tuyến, vào Chính phủ điện tử.

Cung cấp các dịch vụ công điện tử không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, mà còn góp phần làm giảm áp lực công việc giấy tờ lên chính các cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng tích cực đến cách thức làm việc của Chính phủ.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Thủy

Học viện Hành chính quốc gia

 

 

Bình luận