Phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền

Ngày đăng: 25/09/2017 - 10:09

Với ý đồ chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta, các thế lực thù địch luôn khẳng định, chế độ một đảng duy nhất cầm quyền là nguyên nhân gây ra những khó khăn, cản trở trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam; rằng thể chế một đảng duy nhất cầm quyền, về nguyên tắc, là không dân chủ và không thể thực hiện được dân chủ ngay trong đảng cầm quyền, và do đó, trong xã hội. Họ cho rằng, chế độ và thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền chính là mảnh đất tốt cho sự nẩy sinh, dung dưỡng và phát triển tư tưởng và hành vi chuyên quyền, độc đoán, từ đó dẫn đến sự lộng hành quyền lực của bản thân đảng cầm quyền, gây mất dân chủ, làm rối loạn chính trị, bế tắc kinh tế, cản trở quá trình phát triển xã hội.

Căn cứ vào lý thuyết chính trị tự do phương Tây, các lực lượng thù địch cho rằng, điều kiện của dân chủ trong một chế độ chính trị là thể chế đa đảng đối lập (ít nhất là hai đảng), bởi ở đó tồn tại các lực lượng (ít nhất là hai lực lượng) đối trọng, tạo nên sự đối lập, các thế lực chính trị hoàn toàn tự do cạnh tranh; đó chính là cơ chế tạo nên động lực thực hiện dân chủ, thúc đẩy xã hội phát triển. Dân chủ cũng chỉ có được trong chế độ và tổ chức nhà nước có tam quyền phân lập như là cơ chế đối trọng, đấu tranh, cân bằng các nhánh quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, làm điều kiện cho các bộ phận xã hội thực hiện các quyền độc lập của mình.

Vấn đề mấu chốt để có thể xác định sự đúng - sai của quan điểm nêu trên, trước hết, đó là phải xác định rõ quan niệm nền tảng có tính xuất phát điểm - dân chủ - thế nào là dân chủ. Các loại lý thuyết chính trị phương Tây nêu trên coi dân chủ chính là hình thức của thể chế chính trị và của chế độ, của tổ chức nhà nước. Chế độ dân chủ, theo các quan điểm đó, thể hiện ở chỗ: thứ nhất, thể chế chính trị có tồn tại chế độ đa đảng hay không; thứ hai, chế độ và tổ chức nhà nước có phân lập các nhánh quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp hay không; thứ ba, trong tuyển cử và hoạt động chính trị có tự do cạnh tranh hay không?

Lịch sử chính trị thế giới cho thấy, không phải cứ có thể chế chính trị đa đảng đối lập, có nhà nước tam quyền phân lập và tự do cạnh tranh chính trị là dân chủ, là bảo đảm và thực hiện được dân chủ! Thực tế chúng ta đều thấy, các thể chế chính trị đa đảng và tổ chức nhà nước tam quyền phân lập theo mô hình phương Tây không phải đã làm cho các nước đó có dân chủ và thực hành được dân chủ! Các cuộc đấu tranh cho dân chủ của các tầng lớp nhân dân ở các nước đó không ngừng diễn ra, tính chất đấu tranh đòi dân chủ ngày càng phức tạp. Ở các thể chế chính trị đa đảng của các nước phát triển phương Tây, dân chủ cũng chỉ là dân chủ của giới tư bản tài phiệt, của những người nắm quyền lực chính trị; người dân nghèo, đặc biệt là người da màu, không có quyền dân chủ và thực hành dân chủ. Sự cạnh tranh tự do để nắm quyền cũng như tự do dân chủ, thực tế chỉ là sự đọ sức giữa các thế lực tư bản tài chính lũng đoạn. Trong khi, ở thể chế một đảng cầm quyền của Trung Quốc (dù là nhiều đảng, thực chất mấy chục năm qua vẫn là Đảng Cộng sản cầm quyền), của Lào, Cuba và của Việt Nam, mặc dù xã hội chưa đạt trình độ phát triển cao như các nước phát triển phương Tây, song chế độ dân chủ được đề cao, được bảo đảm, dân chủ ngày càng được thực hành rộng rãi hơn, thực chất hơn; đời sống chính trị - xã hội ổn định.

Vậy là, bản chất của dân chủ, về căn bản, không chỉ thể hiện ở chế độ xã hội hay ở thể chế chính trị, cũng không chỉ ở việc chúng được tổ chức và vận hành như thế nào; vấn đề có tính quyết định là dân chủ có được thực hiện hay không và nó được thực hành trong đời sống hiện thực ra sao; mọi quyền lực (chính trị, nhà nước) có thuộc về nhân dân hay không; nhân dân có quyền và có được quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống của chính mình theo Hiến pháp và pháp luật (do nhân dân lập nên) hay không? Để làm chủ xã hội, nhân dân phải là người chủ, tự xây dựng nên nhà nước, nên thể chế chính trị theo mục đích và đáp ứng các quyền và lợi ích của mình. Trong thực tế, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân chỉ được thực hiện một cách thực sự trong một chế độ xã hội với thể chế chính trị được tổ chức và vận hành đúng nguyên tắc "của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân", phù hợp, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Nhìn từ phương diện xã hội, dân chủ là một chế độ xã hội của nhân dân, được xây dựng trên cơ sở quyền là chủ và làm chủ của nhân dân, bảo đảm cho mọi công dân trực tiếp hoặc gián tiếp tham chính: Nhân dân là người quyết định việc lựa chọn các chủ trương, xây dựng đường lối, quyết định các quyết sách quốc gia; người dân bình đẳng, tự do thể hiện chính kiến của bản thân và căn cứ vào ý kiến của đa số để đưa ra những quyết định liên quan đến việc lựa chọn chế độ chính trị cho quốc gia cũng như mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của nó. Mặc dù dân chủ tồn tại và vận hành dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng nguyên tắc chung của nó bao gồm: sự tự chủ của nhân dân trong quá trình thảo luận và hiệp thương trên cơ sở tự do, bình đẳng; dựa vào ý kiến đa số để quyết định và bảo lưu ý kiến của thiểu số. Tiêu chí cơ bản của dân chủ là nhân dân là chủ và làm chủ - chỉ cần nhân dân là chủ và làm chủ thì dù vận dụng chế độ chính trị nào, thể chế quyền lực nào, cơ chế vận hành ra sao, v.v. đều có thể coi đó là chế độ dân chủ. Nhân dân được thực sự là chủ và làm chủ, mọi hoạt động của đảng cầm quyền đều nhằm thực hiện nguyện vọng, ý chí và lợi ích của nhân dân - đó là điều cốt tử và tiêu chuẩn số một để đánh giá chế độ chính trị dân chủ và trình độ phát triển của dân chủ.

Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời của nhân dân lao động, dân tộc Việt Nam, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc; có mục đích, lý tưởng phù hợp với khát vọng của nhân dân, của dân tộc là phấn đấu cho nền dân chủ cao đẹp nhất mà loài người từ xưa đến nay khát khao vươn tới - nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hơn 70 năm qua, với tư cách đảng cầm quyền, Đảng đã lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nhân dân lên làm chủ đất nước, xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao vị thế và trình độ làm chủ xã hội của nhân dân. Và ngày nay nhân dân Việt Nam đang làm chủ xã hội, làm chủ mục tiêu, lý tưởng và đường lối chính trị của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện được sứ mệnh trọng đại đó là vì mục tiêu, lý tưởng, đường lối của Đảng chính là mục tiêu, lý tưởng, đường lối của nhân dân. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, và từ nhân dân, Đảng đứng lên thực hiện sứ mệnh trọng đại đó của toàn dân. Đảng như thế chính là Đảng của nhân dân và vì nhân dân. Sự cầm quyền, lãnh đạo của Đảng là chính đáng. Nhiệm vụ trọng đại hiện nay của Đảng là tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để xây dựng Đảng thật sự là một Đảng trong sạch và vững mạnh - là Đảng đạo đức, Đảng trí tuệ, Đảng văn minh (Hồ Chí Minh) của dân tộc, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, ngăn ngừa và khắc phục những nguy cơ (suy thoái, biến chất, chủ quan, duy ý chí, chuyên quyền) của một đảng duy nhất cầm quyền; đứng vững trên những nguyên tắc dân chủ, xây dựng cho được cơ chế vận hành khoa học để Đảng không ngừng nâng cao chất lượng thực hành dân chủ, phát huy dân chủ trong Đảng và trong toàn xã hội.

Để phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, trước hết Đảng cần đề cao quan điểm: dân chủ không chỉ là sinh mệnh của Đảng, mà là sinh mệnh của xã hội; không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội, không có phát triển và hoàn thiện con người. Dân chủ trong Đảng chưa phải là mục đích cuối cùng của chính trị. Dân chủ trong Đảng là sức mạnh và điều kiện cho việc xây dựng thành công một xã hội dân chủ, văn minh. Trên quan điểm nền tảng đó, các phương hướng cần được thực hiện để bảo đảm phát huy dân chủ là:

- Xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh nhằm không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu vì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và hiệu quả hệ thống chính trị, trước hết là lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo yêu cầu của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đúng với tư cách nền tảng pháp lý cho Đảng và nhân dân thực hành dân chủ, ở đó sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực nhà nước cần rõ ràng, rành mạch, không trùng chéo, tạo ra sự hỗ trợ, tương tác, đồng thời, sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau, tạo nên hiệu lực lớn và sự vận hành hiệu quả của các cơ quan quyền lực trên cơ sở phát huy cao nhất sức mạnh Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đó cũng là cơ sở pháp lý cho Đảng hoạt động, lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, v.v. một cách dân chủ và bản thân các lĩnh vực đó cũng được thực hành dân chủ.

- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát triển nền kinh tế bảo đảm dân chủ và bảo đảm các điều kiện dân chủ để phát huy tối đa sức mạnh tiềm tàng của tất cả các thành phần kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Bằng bản chất dân chủ của mình, Đảng lãnh đạo công tác xây dựng đường lối, chính sách đúng với xu thế phát triển xã hội và đem lại lợi ích cao nhất cho nhân dân; xây dựng cơ chế để Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý một cách dân chủ các quá trình thực hiện chính sách.

- Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cần hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó, đặc biệt quan tâm đổi mới cơ chế Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ theo hướng thực sự khoa học, rành mạch, hiệu lực và hiệu quả để nâng cao vai trò và phát huy năng lực làm chủ của nhân dân.

- Xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là tổ chức chính trị - xã hội, liên minh các lực lượng đoàn thể nhân dân, làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các cơ quan đảng và cơ quan nhà nước; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, chống quan liêu, tham nhũng, làm trong sạch và nâng cao phẩm chất đạo đức và trách nhiệm công vụ của cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, nhằm bảo đảm cho việc phát huy dân chủ trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền trong điều kiện hiện nay, cần tiến hành một số giải pháp chủ yếu sau:

- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cho phù hợp với đặc điểm kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế - đây là yếu tố quyết định cho việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa hiện nay. Để hệ thống chính trị vận hành tốt, quan hệ giữa các nhánh quyền lực phải bảo đảm sự cân bằng động - tạo được sự phù hợp và linh hoạt trong cơ chế và vận hành của các thành viên của hệ thống. Đảng cần hóa giải những nguy cơ quyền lực có thể tập trung hóa; phân định rành mạch các chức năng giữa Đảng và Nhà nước, nhằm tránh nguy cơ độc đoán, chuyên quyền; phân định hợp lý, tránh sự chồng chéo trong thực hiện các quyền giữa các cơ quan nhà nước.

- Đổi mới quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục tình trạng Đảng bao biện, lấn sân Nhà nước, trùng lắp và chồng chéo chức năng của Đảng và chức năng của Nhà nước. Đổi mới quan hệ này theo nguyên tắc: Đảng cầm quyền trên cơ sở khoa học, lãnh đạo một cách dân chủ, dựa vào pháp luật để cầm quyền, xây dựng phương thức và thể chế hợp lý; thể chế hóa quan hệ đảng - chính quyền, bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện, điều hòa hiệu quả mọi lĩnh vực; Nhà nước quản lý bằng pháp luật, nhân dân làm chủ thực sự các quá trình kinh tế, chính trị, xã hội, v.v..

- Mở rộng dân chủ trong Đảng - điều kiện quan trọng của phát huy dân chủ trong toàn xã hội. Nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm túc trong hoạt động chính trị về chế độ tập trung dân chủ. Tập trung trên cơ sở dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung, phát huy đầy đủ dân chủ, kiện toàn đời sống dân chủ, tăng cường tính tổ chức và tính kỷ luật. Nguyên tắc này cần được thực hiện đúng trong các quan hệ: lãnh đạo - bị lãnh đạo, tổ chức cấp trên - tổ chức cấp dưới, giữa đảng viên với tổ chức đảng, giữa Trung ương với các tổ chức các cấp và đảng viên. Quá trình đi đến phục tùng phải được thảo luận công khai, tranh luận thẳng thắn, lấy lợi ích chung làm tiêu chí. Ý kiến thiểu số phải được bảo lưu, có cơ chế xem xét nghiêm túc. Có cơ chế để bảo đảm các nghị quyết là đúng đắn. Tránh áp đặt ý kiến cá nhân, ngăn ngừa dân chủ cực đoan, chuyên quyền độc đoán.

- Quá trình phát huy dân chủ trong Đảng cần được thể chế hóa, quy phạm hóa, trình tự hoá. Thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ trong Đảng: tôn trọng địa vị và bảo đảm quyền dân chủ của đảng viên; đảng viên được thảo luận những vấn đề trọng đại của đất nước, các quyết định của Đảng phải tuân thủ nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số; cơ cấu lãnh đạo các cấp đều được đề xuất từ dưới lên thông qua bầu cử; thực hiện bãi miễn người lãnh đạo; nghị quyết được hình thành theo trình tự dân chủ, quyết định của lãnh đạo các cấp phải thông qua thảo luận tập thể, cấm cá nhân chuyên quyền; mọi đảng viên đều là người giám sát đồng thời bị giám sát; mọi tổ chức và đảng viên phải chấp hành, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng.

- Chế độ bầu cử là phong vũ biểu của dân chủ trong Đảng. Không có tuyển cử dân chủ trong Đảng thì không có dân chủ trong Đảng. Bầu cử phải bảo đảm minh bạch, quyền được biết của đảng viên, quyền tham dự, quyền lựa chọn, quyền giám sát. Hoàn thiện chế độ tham dự dân chủ trong Đảng: chế độ thông báo, chế độ phản ánh tình trạng và chế độ trưng cầu dân ý đối với các vấn đề trọng đại của Đảng. Xây dựng cơ chế bảo đảm quyền lợi của đảng viên trong sinh hoạt, tham gia trực tiếp vào việc quyết định những công việc quan trọng của Đảng. Xây dựng và hoàn thiện chế độ giám sát dân chủ: bảo đảm đảng viên thực hiện đầy đủ quyền giám sát; kiện toàn trình tự và chế độ giám sát, chế độ báo cáo công tác định kỳ và chế độ làm việc; kiện toàn chế độ giám sát để đảng viên giám sát dân chủ đối với tổ chức đảng.

- Năng lực lãnh đạo của Đảng là điều kiện quan trọng của việc phát huy thực hành dân chủ. Đảng cầm quyền phải đủ tầm xây dựng chiến lược, sách lược và thực thi dân chủ: Đảng phải đứng ở tầm cao tư duy lý luận và thực tiễn, có tầm hoạch định toàn cục, quy hoạch hợp lý, bố trí cụ thể. Đối với mục tiêu và nhiệm vụ phát triển ngắn hạn và dài hạn, ngay cả phương pháp thao tác và các bước đi cụ thể... đều phải có quy hoạch chính xác theo tính tiệm tiến. Phát huy dân chủ cũng gắn liền với phương thức và chế độ lãnh đạo, phương thức và chế độ thực hành; gắn với cách thức và chế độ đại hội Đảng các cấp; chế độ lãnh đạo và sự hiệp thương giữa các thành viên trong hệ thống chính trị.

- Đổi mới thể chế hành chính, từng bước chuyển biến chức năng Chính phủ, cải tiến phương thức quản lý, đẩy mạnh việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả hành chính, hình thành thể chế quản lý hành chính có quy phạm hành động, điều hòa năng động, công bằng, minh bạch, liêm khiết với hiệu quả cao.

- Xây dựng cơ chế sử dụng cán bộ theo nguyên tắc "có lên có xuống", tạo nguồn cán bộ đủ tài đức, tạo lập môi trường đào tạo và sử dụng cán bộ công khai, bình đẳng, cạnh tranh, lựa chọn người hiền tài thực sự đúng đắn, khách quan và hiệu quả. Có cơ chế, chính sách hữu hiệu đối với công tác tuyển chọn người tài nhằm thu hút được nhiều người tài vào các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, làm cho Đảng, Nhà nước ngày một vững mạnh.

- Xây dựng cơ chế vận hành quyền lực có kết cấu hợp lý, sắp xếp khoa học, trình tự chặt chẽ, kiềm chế có hiệu quả. Đây không chỉ là điều kiện để bộ máy đảng và bộ máy nhà nước vận hành và hoạt động hiệu lực và hiệu quả, mà cũng là những biện pháp căn bản để ngăn chặn nạn quan liêu, tham nhũng, những tiêu cực, những tệ nạn, sai phạm trong Đảng, trong Nhà nước, trong xã hội.

- Cơ quan quyết sách các cấp phải hoàn thiện quy tắc và trình tự quyết sách quan trọng, xây dựng chế độ phản hồi ý kiến nhân dân, chế độ cáo thị và đối thoại về các vấn đề quan trọng của đất nước; hoàn thiện chế độ tư vấn, chuyên gia, thực hành chế độ luận chức và chế độ trách nhiệm trong quyết sách, ngăn chặn tình trạng tham nhũng chính sách, chính sách vì lợi ích nhóm.

GS. TS. NGUYỄN VĂN HUYÊN*
Bài viết trích trong cuốn Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam
do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bình luận