Vai trò của báo chí, văn học - nghệ thuật trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam*
Trong xã hội hiện đại, việc tiếp thu tri thức, tiếp nhận và xử lý thông tin, tiếp xúc với các luận giải khác nhau về sự kiện - vấn đề - hiện tượng đã hoặc đang xảy ra, thỏa mãn và nâng cao năng lực, trình độ thẩm mỹ hướng tới sự hoàn thiện nhân cách,... trở thành nhu cầu thiết yếu hằng ngày của sự phát triển xã hội - con người; và báo chí, văn học - nghệ thuật chính là các lĩnh vực vừa chứa đựng các giá trị tinh thần, vừa có khả năng tạo dựng hệ thống phương tiện trực tiếp đáp ứng nhu cầu đó. Hơn 10 năm trước, báo chí và văn học - nghệ thuật Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, Việt Nam mới kết nối internet từ năm 1996. Nhưng hôm nay, chúng ta có thể tiếp cận các con số ấn tượng như: đến tháng 12-2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí in; 92 báo và tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình; một hãng thông tấn quốc gia; 64 nhà xuất bản, số người sử dụng internet đến cuối năm 2013 là 31.304.211 người, tỷ lệ số dân sử dụng internet là 35,58%; đến năm 2013 cả nước có 253 hãng phim (trong đó có 30 hãng phim nhà nước, 223 hãng phim tư nhân), 161 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của trung ương và địa phương, các bộ, ngành...
Đó là kết quả trực tiếp của các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với phát triển báo chí, văn học - nghệ thuật. Kết quả đó không chỉ là sự phát triển hệ thống báo chí, xuất bản về số lượng mà kết hợp với chú trọng đào tạo đội ngũ người làm nghề, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện (như với báo hình, ngày nay truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số,... đã có mặt tại hầu hết các thành phố, thị xã, phủ sóng đến nhiều vùng sâu, vùng xa). Bước vào thời kỳ Đổi mới, nhất là trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, từ nâng cao nhận thức để có đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với sự phát triển văn học - nghệ thuật trong bối cảnh mới, chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật đã trực tiếp từng bước làm hình thành thị trường sản phẩm và dịch vụ văn học - nghệ thuật, có một số tác động tích cực tới quá trình "tác giả - tác phẩm - công chúng cảm thụ", tạo ra sự đa dạng khi đưa văn học - nghệ thuật đến xã hội... Sau 15 năm, chúng ta đã xây dựng được một nền báo chí, văn học - nghệ thuật khá phong phú, đa dạng, có khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin, nhu cầu thẩm mỹ của công chúng có lớp tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp,... khác nhau, sinh sống tại các vùng văn hóa khác nhau. Tới hôm nay, hầu hết người dân Việt Nam có thể tiếp cận thông tin về sự kiện - vấn đề trong nước và quốc tế một cách cập nhật, từ nhiều nguồn, có thể đọc tác phẩm văn học cổ điển, hiện đại của Việt Nam hoặc thế giới được xuất bản khá thường xuyên, kể cả tác phẩm vừa được trao giải thưởng quốc tế như giải Nobel; có thể thưởng thức các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh,... qua nhiều hình thức chuyển tải, từ sân khấu biểu diễn đến hệ thống truyền thanh, truyền hình...
Tuy nhiên, số lượng báo chí, nhà xuất bản, đoàn nghệ thuật và sự phong phú về phương tiện của báo chí, văn học - nghệ thuật không phải là mục đích duy nhất chúng ta hướng tới, quan trọng hơn là báo chí và văn học - nghệ thuật phải có bước tiến mới, lành mạnh trong cung cấp và xử lý thông tin, cung cấp tri thức, trau dồi lý tưởng, khả năng cảm thụ nghệ thuật,... Vì thế, cần nhìn thẳng vào một số hạn chế đã và đang tồn tại trong báo chí, văn học - nghệ thuật. Thí dụ: Vài năm gần đây, để khắc phục sự suy giảm số lượng phát hành, một số tờ báo duy trì sự tồn tại chủ yếu bằng cách chạy theo thị hiếu tầm thường, các sự vụ giật gân với các tin tức "cướp, giết, hiếp, sô hàng, lộ hàng, tình, tiền", trở thành nơi giới showbiz "hết khoe thân, khoe của, nay chuyển sang khoe tình". Đến bất kỳ sạp báo nào cũng thấy la liệt các tờ báo trình bày lòe loẹt, đập vào mắt là "tít" giật gân kèm hình ảnh gợi cảm để tác động đến sự tò mò. Ở một số tòa soạn, việc đưa tin bài phản ánh sự kiện, con người tích cực, đăng tải ý kiến thiện chí, có tính chất xây dựng,... dường như chỉ để bảo đảm "đủ mâm bát", còn dành chỗ cho chuyện vụ án, nơi các "siêu mẫu", "nữ hoàng nội y", "ngôi sao" công kích, nói xấu nhau hoặc đưa ra những phát ngôn thiếu cân nhắc. Tình trạng này thể hiện rõ hơn qua tin bài, hình ảnh trên một số tờ báo và trang điện tử với hiện tượng chụp giật, khai thác và xào xáo tin tức với vô số lỗi chính tả, ngữ pháp, kiến thức. Một số tờ báo trở thành nơi lăngxê mấy "ngôi sao ca nhạc sớm nở, tối tàn", biện hộ một số bộ phim mang tính bạo lực, hời hợt về ý tưởng, xây dựng cẩu thả, hoặc quảng bá một số bộ phim "gây sốt" nhưng lại làm người xem thất vọng. Rồi nữa là một số kênh truyền hình với chương trình giải trí, "vui chơi có thưởng", tiểu phẩm gây cười nhạt nhẽo, hoặc các chương trình "truyền hình thực tế" được kết hợp với các scandal tranh cãi ngoài nghệ thuật được đưa lên báo mạng để thu hút người xem.
Trong những năm qua, liên kết xuất bản trở thành yếu tố quan trọng giúp ngành xuất bản phát triển; nhưng cũng trong thời gian này, ngành xuất bản đã in và phát hành một số tác phẩm văn học có nội dung không phù hợp với yêu cầu tinh thần xã hội. Về lĩnh vực văn học - nghệ thuật, mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư trong khả năng có thể, nhưng mấy năm qua, văn học - nghệ thuật Việt Nam vẫn thiếu tác phẩm có giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao, hấp dẫn công chúng, có khả năng tồn tại lâu dài xứng tầm với thành tựu của công cuộc đổi mới. Đã có nhiều cách lý giải, nhiều câu trả lời cho câu hỏi: "Làm thế nào để có tác phẩm đỉnh cao", nhưng hầu như vẫn chỉ có ý nghĩa trong hội thảo, hội nghị, công trình nghiên cứu, còn trên thực tế, sự chi phối của xu hướng văn học - nghệ thuật có tính "thời vụ, ăn xổi ở thì" vẫn chưa đưa tới tác phẩm có giá trị. Văn học - nghệ thuật đang thiếu vắng hình ảnh người lao động hôm nay với những nỗi trăn trở và sự nỗ lực để xây dựng cuộc sống; càng thiếu hơn hình ảnh "Anh bộ đội Cụ Hồ", người chiến sĩ công an đang ngày đêm có mặt ở những nơi khó khăn nhất để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự và tham gia xây dựng kinh tế - xã hội... Hiện thực đất nước hôm nay không chỉ tập trung ở một số đô thị, khu công nghiệp, mà thể hiện trên phạm vi rộng lớn hơn rất nhiều, là cuộc sống của hơn 70% dân số lao động nông nghiệp đang cùng Đảng, Nhà nước tìm lời giải bài toán làm thế nào để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Khi văn học - nghệ thuật quá chú ý tới quan niệm sống, mức sống, lối sống được coi là hiện đại ở đô thị sẽ đưa lại hai hậu quả: một là phiến diện trong nhận thức - phản ánh thẩm mỹ của văn nghệ sĩ về con người, đất nước Việt Nam hôm nay; hai là quảng bá thái quá về quan niệm sống, lối sống lấy văn minh hiện đại làm chuẩn mực, chạy theo mức sống mà khả năng kinh tế cá nhân và xã hội chưa thể đáp ứng. Cũng cần kể tới sự du nhập, áp dụng, quảng bá một cách thiếu chọn lọc một số quan niệm, xu hướng, trào lưu,... văn học - nghệ thuật được dán nhãn hiệu "hiện đại" đã và đang có tác động tiêu cực, làm tha hóa một bộ phận công chúng nghệ thuật, nhất là lớp trẻ. Có thể coi tình trạng này là tác nhân làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu kéo dài và nhân rộng, thì khó có thể bảo đảm thế hệ tương lai sẽ chủ động nối tiếp, phát triển truyền thống văn hóa.
Khi báo chí và văn học - nghệ thuật có thể khiến con người xa rời các giá trị đạo đức, sùng bái lối sống tiêu thụ,... thì cần phải xây dựng một chương trình hành động thiết thực, cụ thể, có hiệu quả đối với hai lĩnh vực này. Hội Nhà báo, Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Điện ảnh, Hội Nhạc sĩ,... không có chức năng quản lý hoạt động sáng tác, công bố tác phẩm, nếu hội viên có vi phạm thì chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể xử lý. Do đó, để báo chí, văn học - nghệ thuật sớm khắc phục những yếu kém, tiếp tục phát triển, thì một trong các biện pháp cần thiết là nhấn mạnh vai trò trách nhiệm, thái độ kiên quyết của cơ quan quản lý như tòa soạn, đơn vị chủ quản, công ty tổ chức biểu diễn,...; nhất là vai trò của cơ quan chức năng trong chế tài, xử lý các vi phạm.
Cần sớm có giải pháp hiệu quả quản lý báo mạng (kể cả giải pháp kỹ thuật); kiên quyết xử lý các tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng bạn đọc. Tăng cường quản lý lễ hội, quản lý biểu diễn nghệ thuật, xuất bản và điện ảnh. Sâu xa hơn, dù kết quả có thể chỉ đến sau vài chục năm thì ngay bây giờ, cần xem xét, xây dựng, đổi mới quá trình đào tạo nhà báo, văn nghệ sĩ từ trong nhà trường, giúp hình thành sự thống nhất giữa tài năng với đạo đức. Khắc phục hạn chế trong báo chí, văn học - nghệ thuật cần được đặt trong tương quan với khắc phục hạn chế trong các lĩnh vực xã hội khác, nhất là trong giáo dục và đào tạo. Bởi giáo dục và đào tạo không chỉ là "chiếc nôi" nuôi dưỡng, gây dựng dấu ấn đầu tiên của tài năng, nơi cung cấp tri thức, định tính phương pháp tư duy, mà còn là nơi đặt nền móng cho sự hình thành thị hiếu luôn biết hướng về chân - thiện - mỹ. Hiện tượng học sinh "chán học" các môn Văn học, Sử học, Giáo dục công dân,... là vấn đề phải được nghiên cứu, sớm có biện pháp khắc phục qua việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các bộ môn này từ cấp học phổ thông. Đó là những bộ môn "học làm người", nếu để học sinh coi nhẹ, chúng ta sẽ khó có thể đào tạo nên thế hệ người Việt Nam mới phát triển hài hòa, toàn diện, có ý thức công dân, có năng lực cảm thụ và sáng tạo văn hóa,...
Các vấn đề cần khắc phục của văn hóa không xuất hiện một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ là kết quả của các tác động khách quan trong quá trình giao lưu, hội nhập kinh tế và văn hóa với thế giới, mà trước hết, là vai trò của yếu tố chủ quan, từ các thế hệ chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, và lãnh đạo văn hóa. Nói cách khác, là từ vai trò của các thế hệ có tư cách là chủ thể văn hóa. Để giải quyết vấn đề, chúng ta không nên chỉ hướng ánh mắt ra bên ngoài, đi tìm lý do từ ngoại cảnh, mà cần thiết phải nhìn thẳng vào chính chúng ta, với tất cả hay - dở, đúng - sai, sáng suốt - sai lầm. Văn hóa Việt Nam vốn có nội lực mạnh mẽ. Không có nội lực đó, chúng ta đã không thể đi qua hàng nghìn năm luôn phải đứng trước nguy cơ bị đồng hóa văn hóa, và văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh nội sinh, làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Vì thế, không có lý do gì để chúng ta tự làm suy yếu sức mạnh văn hóa của mình trong thời đại mới, thời đại mà chúng ta đã nhận thức đúng đắn rằng, sự phát triển kinh tế phải được bảo đảm, phải dựa trên nền tảng của phát triển văn hóa. Hội nhập thế giới đang phát lộ nhiều diễn biến phức tạp cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, và trong chính bản thân mỗi con người. Hội nhập thế giới đang đưa tới các cơ hội đồng thời cũng đặt chúng ta trước nhiều thách thức. Hội nhập để phát triển là con đường để đất nước đi lên; nhưng thiếu sự chủ động đối phó với sự xâm lăng văn hóa; thiếu chắt lọc trong tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; thiếu nâng niu, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc để lạc hướng, làm hao tổn nội lực, làm phai nhạt và thậm chí đánh mất cả những gì đã có, chắc chắn không bao giờ là lựa chọn đúng.
NGUYỄN HỮU
Bài viết trích trong cuốn Bình luận và phê phán
do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực