Bảo đảm an ninh thông tin tiền tệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Ngày đăng: 01/11/2017 - 09:11

Tóm tắt: Thời gian gần đây, sự nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng đã và đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống an toàn của mỗi người dân, làm mất an ninh, trật tự xã hội. Nhiều thông tin sai lệch được phát tán trên mạng đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, khủng bố tinh thần của công dân, gây hoang mang dư luận… Đặc biệt, những thông tin thất thiệt trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ có thể gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, thậm chí đe dọa đến an ninh, trật tự xã hội.

Từ khóa: an ninh thông tin - tiền tệ, thông tin, truyền thông

1. Sự nhiễu loạn thông tin và những hệ lụy đối với an ninh xã hội

Mới đây, ngày 9-8-2017, tin đồn ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt, dù ngay sau đó đã kịp thời được Tổng cục Cảnh sát bác bỏ và báo chí đồng loạt đăng tin cải chính, song cũng đã tạo nên làn sóng bán tháo và hạ giá cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV, khiến tổng giá trị vốn hóa của BID mất khoảng 10% và vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam mất khoảng 2 tỉ USD. Tin đồn gây hệ lụy lớn bởi BIDV thuộc nhóm 4 ngân hàng thương mại lớn nhất và là một trong những công ty đại chúng có vốn hóa thị trường lớn nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay, với gần 75.000 tỉ đồng. Trước đó, tin đồn thất thiệt về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt giữ hồi tháng 2-2013 cũng đã gây nên cơn sốc giá, khiến gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn, chỉ số chứng khoán VN-Index giảm 3,36%, còn HNX-Index giảm 5,3%. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỉ đồng chỉ trong một phiên giao dịch.

money-flatlay-2

Tin đồn thất thiệt trong kinh tế có nhiều dạng, cấp độ và phạm vi, cũng như xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song thường có đặc tính là chứa đựng các “hoang tin” với yếu tố giật gân, không đúng sự thực và có thể gây ra, trực tiếp hoặc gián tiếp, những hệ lụy kinh tế đắt đỏ cho các đối tượng mà tin đồn hướng tới. Hệ lụy càng lớn khi đối tượng của tin đồn có vị thế, vai trò quan trọng trong xã hội; khi tin đồn được tung ra có tổ chức chặt chẽ và nhằm mục đích không trong sáng.

Hiện nay, Việt Nam đã đạt tỷ lệ người dùng Internet trên 52% dân số, đứng thứ tư trên thế giới về thời gian sử dụng Internet với 5,2 giờ mỗi ngày; đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội (thống kê của wearesocial.net); trên 55% dân số đang sử dụng điện thoại di động. ViệtNamhiện đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Năm 2016, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng thuộc nhóm các nước có chỉ số phát triển cao, đứng thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2015...

Hằng năm, ViệtNamphải chịu hàng nghìn cuộc tấn công mạng và là nước đứng thứ 20 trên thế giới về xếp hạng các quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất. Năm 2016, nước ta phải chịu thiệt hại lên tới 10.400 tỉ đồng so với mức 8.700 tỉ đồng năm 2015. Riêng trong quý I năm 2017, khoảng 7.700 trang/cổng thông tin điện tử của nước ta bị các cuộc tấn công mạng dưới các hình thức như lừa đảo, cài mã độc, thay đổi giao diện… Theo thông tin từ Bộ Công an, chỉ trong nửa đầu năm 2017, cả nước có hơn 4.600 trang thông tin có tên miền quốc gia bị tin tặc tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, có 148 trang web thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước, khu vực tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng mà tin tặc có thể khai thác và chiếm đoạt. Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng đã chia sẻ tại hội thảo Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng vì an ninh quốc gia (tổ chức ngày 25-8-2017 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), vụ tấn công vào ngành hàng không của Việt Nam ngày 29-7-2016 là vụ tấn công điển hình và gần đây nhất, đã gây tổn hại về vật chất và uy tín đối với ngành hàng không và cả môi trường an toàn và ổn định nói chung. Trong cuộc tấn công đó, tin tặc đã chiếm đoạt 91,7 MB dữ liệu với nhiều thông tin nhạy cảm, làm ngưng trệ gần 100 chuyến bay, chiếm quyền điều khiển giao diện màn hình hiển thị tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhiều vụ lộ, lọt bí mật nhà nước đã xảy ra, tình trạng đăng tải thông tin, tài liệu bí mật Nhà nước trên không gian mạng đang diễn biến nghiêm trọng… Hệ thống thông tin trọng yếu của quốc gia, nhất là hàng không, ngân hàng, viễn thông có nguy cơ bị phá hoại nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công mạng, điển hình là vụ tấn công mạng vào hệ thống của Vietnam Airlines, VFF, Báo sinh viên Việt Nam, hệ thống của Netlink... Các hành vi tấn công mạng, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua các hoạt động thương mại điện tử, sử dụng các dịch vụ Internet, viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tống tiền, kinh doanh trái phép các loại tiền điện tử… diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho nhiều tổ chức, cá nhân.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang định hình với đặc trưng không gian mạng ngày càng bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và có tác động ngày càng mạnh đến an ninh tài chính, tiền tệ, hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức cho công tác truyền thông và công tác bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ, an ninh mạng. Với sự xuất hiện và tăng nhanh những sản phẩm tài chính - tiền tệ mới, hiện đại và việc nhà nước khuyến khích người dân giảm thiểu sử dụng tiền mặt để sử dụng các hình thức thanh toán điện tử khác, việc ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cần tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an toàn tiền gửi cho khách hàng là rất quan trọng, nếu không sẽ không chỉ gây tổn thất tài chính cho ngân hàng và khách hàng, mà còn làm gia tăng tin đồn thất thiệt và suy giảm lòng tin trên thị trường tài chính - tiền tệ.

Thực tế ngày càng cho thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa cho phép, vừa đòi hỏi các ngân hàng trong nước phải nắm bắt, thích nghi và thay đổi kịp thời với xu thế công nghệ mới, định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, tăng đầu tư công nghệ, nâng cấp trung tâm dữ liệu dự phòng, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh; phát triển các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, mang tính tích hợp cao; tăng doanh thu của ngân hàng bán lẻ nhờ vào web, điện thoại di động hay ứng dụng trên máy tính bảng; giảm dần vai trò của mạng lưới và nhân lực của các chi nhánh; nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, cải thiện năng lực xử lý các tình huống, thách thức về vấn đề bảo mật thông tin và bảo đảm an ninh mạng, an ninh tài chính - tiền tệ, an ninh công nghệ thông tin trước sự tấn công của các loại tội phạm công nghệ cao và giữ vững quyền kiểm soát hệ thống của các ngân hàng quốc gia; xây dựng văn hóa kinh doanh phù hợp, phát triển các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, tiện ích cao, chất lượng, củng cố thương hiệu và uy tín... để tồn tại, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

2. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ

Nhận diện, ngăn chặn, sớm bác bỏ các tin đồn thất thiệt, bảo đảm chất lượng thông tin gắn với an ninh tài chính - tiền tệ ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô là trách nhiệm chung của các cơ quan chức năng, tổ chức, cơ quan truyền thông, cộng đồng xã hội và các cá nhân có liên quan, theo đó:

Thứ nhất, tăng cường hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, cũng như nâng cao chất lượng công tác truyền thông gắn với các hoạt động tài chính - tiền tệ

Các cơ quan quản lý nhà nước, trước hết là Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần tăng cường phối hợp làm tốt trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, truyền thông và trách nhiệm giải trình của mình; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi và tăng cường xử phạt đối với những hành vi cung cấp, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín và làm tổn hại danh dự, nhân phẩm và lợi ích kinh tế - tài chính - tiền tệ chính đáng của tổ chức, cá nhân…

Trên thực tế, hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước ta hiện nay vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, chưa được khắc phục; nhận thức của cán bộ, nhân viên về vấn đề này còn mơ hồ, thái độ lơ là. Với sự phát triển ngày càng hiện đại của công nghệ số và xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây, những lỗ hổng bảo mật cũng vì thế mà tăng theo, kéo theo những lo ngại ngày càng lớn về rủi ro bị tin tặc tấn công. Bởi vậy, cơ chế kiểm soát rủi ro dựa trên các phương pháp truyền thống, cơ chế giám sát ở mỗi ngân hàng và toàn hệ thống cũng cần được đổi mới và hiện đại hóa cho phù hợp.

Để ngăn chặn những tác động tiêu cực mà tin đồn thất thiệt gây ra cho cá nhân và cộng đồng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an ninh kinh tế tài chính quốc gia, Chính phủ và Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan như: Nghị định 63/2007/NĐ-CP, Nghị định 97/2008/NĐ-CP, Nghị định 28/2009/NĐ-CP, Luật dân sự và Luật hình sự, Luật an ninh quốc gia, Luật an toàn thông tin mạng và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng... Tuy nhiên, nhìn chung, cơ sở luật định về an ninh thông tin và an toàn mạng còn chưa đầy đủ, chưa bao phủ hết và cập nhật những diễn biến ngày càng phức tạp đe dọa an ninh mạng và an toàn thông tin quốc gia. Thực tế đòi hỏi Việt Nam cần sớm xây dựng một đạo luật riêng về an ninh mạng quốc gia với tư cách là mạng lưới kết nối toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm: mạng Internet; mạng viễn thông; hệ thống máy tính; hệ thống xử lý và điều khiển thông tin được Nhà nước xác lập phạm vi quản lý, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bằng chính sách, pháp luật và năng lực công nghệ nhằm nhận diện đầy đủ và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia nói chung và an ninh tài chính - tiền tệ nói riêng.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, công bố, tuyên truyền, giáo dục và thực thi bộ tiêu chuẩn quốc gia về bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia; chứng nhận hợp chuẩn bảo đảm an ninh hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; kiểm tra, phát hiện, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật của hệ thống thông tin là mục tiêu của hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia; giám sát, cảnh báo, ứng cứu, khắc phục sự cố xảy ra đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Thiết lập tường lửa, sử dụng thiết bị bảo mật, phần mềm, công cụ kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế truy cập tới các vùng thông tin do Nhà nước quản lý khi có yêu cầu; tổ chức nghiên cứu khoa học, giải pháp, công nghệ, thử nghiệm, ứng dụng, sản xuất, cung cấp hệ thống bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia; thu hút, giáo dục, bồi dưỡng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, chuyên gia an ninh mạng; bảo đảm trang bị cho cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia và tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm an ninh hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia...

Thứ hai, tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp thông tin và quản lý thông tin giữa các cơ quan quản lý thị trường tài chính - tiền tệ như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp cung cấp mạng viễn thông...

Theo đó, một mặt, cần làm tốt công tác bảo vệ bí mật của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư; xây dựng các quy định, quy trình, quy chuẩn, hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong rà soát, phát hiện và phòng ngừa sự cố, khắc phục “lỗ hổng” bảo mật; tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin tại các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư; từ đó đề ra các giải pháp phòng ngừa và khắc phục nguy cơ mất an ninh, an toàn, bảo vệ bí mật Nhà nước và cơ quan...; mặt khác, cần tăng cường trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin định kỳ và không định kỳ đầy đủ, cần thiết theo quy định; chủ động phối hợp nhận diện và loại bỏ thông tin có nội dung sai lệch, độc hại, gây nhiễu nhận thức và thông tin lành mạnh thị trường tài chính - tiền tệ, thông tin chống Nhà nước trên không gian mạng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phân tích, đánh giá, phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý kịp thời các rủi ro, vi phạm pháp luật trong hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như của hệ thống các tổ chức tín dụng; phát hiện và kiến nghị kịp thời lên cấp có thẩm quyền để chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước và ngành ngân hàng; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhà nước gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng.

Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác giữa ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại với các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài ngành, với cơ quan quản lý báo chí để truyền thông rộng rãi, đầy đủ và định hướng dư luận đúng đắn về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, xử lý kịp thời các thông tin chưa chính xác liên quan đến hoạt động ngân hàng, hình thành một mạng lưới truyền thông thống nhất từ trung ương đến các địa phương; các ngân hàng nhà nước chi nhánh địa phương chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, chủ trương chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kết quả hoạt động của ngành ngân hàng và của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, các chính sách tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm giúp người dân tiếp cận và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân về các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời chủ động làm tốt công tác thông tin truyền thông về hoạt động ngân hàng nói chung và của tổ chức tín dụng nói riêng; v.v..

Cần nhấn mạnh rằng, sự chủ động triển khai đồng bộ, chú ý tính hai mặt của các giải pháp, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả đảm bảo an ninh, an toàn thông tin kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư vừa là yêu cầu, vừa phải là kết quả tổng hòa của một quá trình lâu dài, thường xuyên trên cơ sở sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác truyền thông gắn với bảo vệ an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư…

Thứ ba, nâng cao năng lực, chất lượng thông tin nghiệp vụ và đề cao trách nhiệm của các cơ quan truyền thông

Trong nền kinh tế thị trường, công tác truyền thông có vai trò to lớn trong việc cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời về thị trường hàng hóa, thị trường tài chính…, có khả năng hình thành, định hướng dư luận và các hành vi xã hội hiện thực theo những chiều hướng có chủ định.

Để nâng cao chất lượng cũng như tăng cường trách nhiệm của truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông cần hoàn thiện quy trình xuất bản, làm rõ trách nhiệm và chế tài nghiêm khắc cho các hoạt động từ lấy tin, xử lý, viết bài và biên tập, xuất bản, bảo đảm chất lượng thông tin và uy tín của đơn vị, cá nhân trong hoạt động truyền thông.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống thông tin ngành và coi trọng bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, sự cẩn trọng và đạo đức nghề nghiệp, cũng như bản lĩnh, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội. Trong tác nghiệp, việc rút tít và sử dụng, phân tích số liệu trong bài viết cần tránh lạm dụng các yếu tố gây ngộ nhận, kích động tâm lý và lan truyền các phản ứng tự phát đám đông; nhất là không được tự tiện bịa đặt, suy diễn định hướng nhận thức dư luận không đúng bản chất thực tế sự việc. Ví dụ, việc tăng giảm giá các hàng hóa, dịch vụ thị trường tới một vài % là bình thường, nếu lạm dụng các từ ngữ như “tăng kỷ lục”, “tăng dựng đứng”, “tụt dốc không phanh, bắt đáy”... thì không những không còn thu hút người đọc hiểu biết, mà còn phản tác dụng và có thể gây nhiễu thị trường, làm tăng sự hoảng loạn tâm lý đám đông, không có lợi cho an ninh quốc gia nói chung và an ninh tài chính - tiền tệ nói riêng.

Đồng thời, thực tế cũng đòi hỏi Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực thi các chính sách và quy định pháp quy liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ được tiếp cận thông tin, đưa tin và cung cấp thông tin của công dân, cơ quan báo chí và doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, cũng như các cơ quan quản lý các cấp; khuyến khích các cơ quan và doanh nghiệp chủ động công tác thông tin cho báo chí, đồng thời tiếp thu và trả lời các thông tin báo chí, trong đó lấy sự bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và tiến bộ xã hội theo các yêu cầu phát triển bền vững và cam kết hội nhập là mục tiêu cao nhất.

Các cơ quan báo chí cần nhận thức đúng đắn hơn sứ mệnh và quan điểm phục vụ, cân bằng giữa quyền lợi với trách nhiệm của mình đối với bạn đọc và xã hội; tổ chức tốt việc xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông có nội dung và hình thức tuyên truyền thích hợp cho từng nhóm đối tượng trong xã hội, phù hợp với thực tiễn; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trao đổi thông tin, khoa học công nghệ và nghiệp vụ truyền thông về phát triển kinh tế bền vững; xây dựng những giải thưởng nhằm khuyến khích và tôn vinh các đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động này…

TS. Nguyễn Minh Phong

Báo Nhân Dân

Ths. Nguyễn Tiến Dũng

Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải


Bình luận