Truyền thông phải bảo vệ lợi ích của trẻ em

Ngày đăng: 14/11/2017 - 08:11

Hiện nay, tình trạng gia tăng xuất bản phẩm, chương trình giải trí có nội dung bạo lực, phản cảm, thậm chí dung tục,… trên một số phương tiện truyền thông nhưng không có cảnh báo về mặt nội dung, chất lượng đã và đang đặt ra mối lo ngại về tác động tiêu cực đến giới trẻ. Vì thế, Thông tư 09/2017/TT-BTTTT chính thức có hiệu lực từ ngày 01-10-2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về tỷ lệ, nội dung, thời lượng và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các phương tiện báo chí và xuất bản phẩm được dư luận đánh giá là cần thiết, kịp thời.

Số liệu do Viện Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Bộ Công an) công bố gần đây cho biết: Khoảng 70% số vụ án hình sự có đối tượng tội phạm là thanh, thiếu niên; hành vi phạm tội có xu hướng ngày càng lạnh lùng và man rợ hơn. Bên cạnh các nguyên nhân từ mâu thuẫn gia đình, nhà trường và xã hội, không ít chuyên gia về tâm lý giáo dục, tội phạm học, giáo viên cho đến các bậc cha mẹ học sinh đã chỉ ra rằng, truyền thông với việc đăng tải những bài viết, hình ảnh, chương trình giải trí, bộ phim,... có tính chất bạo lực, nhạy cảm,... đã và đang tạo nhiều tác động làm lệch lạc nhận thức dẫn đến các hành vi tiêu cực của một bộ phận giới trẻ. Hậu quả là tình trạng bạo lực học đường, quan hệ tình dục tuổi vị thành niên, trẻ hóa tội phạm,... ngày một tăng.

Chỉ cần lướt qua lịch phát sóng của các kênh truyền hình trên cả nước, có thể thấy không hiếm bộ phim có nội dung không phù hợp với trẻ em đã và đang được trình chiếu trong khung giờ “vàng” (từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày) nhưng không có cảnh báo đối tượng nào bị hạn chế xem. Do đó, tình trạng trẻ em xem phim dành cho người lớn diễn ra khá phổ biến nhưng không phải bố mẹ nào cũng có ý thức khuyến cáo con mình.

Trong khi đó, một số bộ phim dành cho tuổi mới lớn cũng khiến không ít khán giả phát hoảng vì những cảnh phòng the trần trụi, hay ngôn ngữ táo bạo của những “nhân vật học sinh cấp 3”. Thậm chí, có bộ phim mà nội dung và hình ảnh liên quan đến chủ đề nhạy cảm như tội ác, lệch lạc tình dục, xuyên tạc tôn giáo,... lại được phát sóng trong “khung giờ vàng” của kênh truyền hình chuyên về khoa học, giáo dục nhưng không có cảnh báo đối tượng xem phù hợp, cho nên dễ dẫn đến việc người xem mặc nhiên coi đó là bộ phim dành cho mọi lứa tuổi và có tính giáo dục!

Hiện nay, trên không ít kênh, sóng phát thanh, truyền hình, các chương trình giải trí dành cho thiếu nhi đang có xu hướng nở rộ, tuy nhiên, trong một số gameshow (trò chơi truyền hình), trẻ em đang phải khoác những chiếc áo quá rộng khi mới ít tuổi đã phải quằn quại, đau đớn để thể hiện thứ ca khúc thất tình, chia ly của người lớn, hoặc phải mặc bộ trang phục quá khêu gợi, không phù hợp với lứa tuổi các em, thậm chí phải hóa thân thành người lớn, tác phong và cách ứng xử mất đi sự hồn nhiên, trong trẻo. Sẽ khó lường trước hậu quả nếu người xem là trẻ nhỏ nảy sinh tâm lý bắt chước, hoặc coi đó là hình mẫu, thần tượng...

Trong hoạt động xuất bản, đã xuất hiện các ấn phẩm gắn mác dành cho thiếu nhi nhưng lại dường như dành cho... “người lớn” bởi tần suất khá dày đặc những lời thoại thô tục, minh họa nhân vật “thiếu vải” với những cảnh “phòng the”... được bày bán tràn lan. Một số báo, tạp chí dành cho tuổi mới lớn nhưng lại khai thác đời tư của các “sao” với mối tình dang dở, phong cách sống cởi mở, xa hoa,... tác động đến tâm lý trẻ em dễ học theo lối sống mang tính hưởng thụ, xao nhãng việc học tập.

Tại Đức, Cục Truyền thông Liên bang về các tác hại của truyền thông với thanh, thiếu niên được giao nhiệm vụ phân loại, đánh giá và xử lý mọi “miêu tả bạo lực trên các phương tiện truyền thông”. Ở Anh, các nhà xuất bản còn tiến hành phân loại sách thiếu nhi dựa trên khả năng đọc, hiểu của các em nhỏ. Tùy thuộc mỗi quốc gia, những cơ quan, tổ chức phụ trách quá trình đánh giá, phân loại nội dung chương trình cũng có nhiều khác biệt. Thí dụ tại Mỹ và một số nước phương Tây, bên cạnh hệ thống đánh giá nội dung của các cơ quan Chính phủ, tồn tại song song một số tổ chức độc lập. Mức hình phạt dành cho các cá nhân, tổ chức vi phạm hệ thống tiêu chí đánh giá nội dung tại nhiều quốc gia cũng được quy định rõ ràng và khắt khe.

Tháng 3-2017, chính phủ Đức tuyên bố sẽ xử phạt các mạng xã hội lớn như Youtube, Facebook số tiền lên tới 53 triệu USD nếu các hãng này không cam kết gỡ bỏ những nguồn thông tin độc hại trên dịch vụ của mình (bao gồm thông tin sai lệch, công kích chính phủ, nội dung và hình ảnh bạo lực,...).

Những kinh nghiệm và thực tiễn về việc xây dựng hệ thống đánh giá, phân loại nội dung, cảnh báo người dùng trên thế giới có thể xem là nguồn tham khảo, gợi ý bổ ích trong việc quản lý, thực hiện việc gắn nhãn mác phân loại đối tượng trên các sản phẩm văn hóa, cũng như các biện pháp xử lý nếu có vi phạm,... ở nước ta. Việc siết chặt quản lý nội dung các website, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến bên cạnh các chương trình truyền hình, phát thanh, báo chí và xuất bản cần được chú trọng, bởi lẽ các nghiên cứu của nước ngoài cho thấy, những hệ quả, tác động xấu từ trò chơi điện tử và mạng xã hội, nhất là những sản phẩm có nội dung người lớn đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình hình thành và phát triển nhân cách ở trẻ nhỏ.

QUANG MINH

(Theo Báo Nhân dân điện tử)


Bình luận