Những ý tưởng cho nền giáo dục hiện đại

Ngày đăng: 15/11/2017 - 08:11

Một cuốn Sổ tay hướng dẫn phòng, chống nạn mua bán người của các tác giả là hai nữ sinh học lớp 12 Trường THPT chuyên Chu Văn An (tỉnh Lạng Sơn) đã cung cấp những kiến thức cơ bản về tội phạm mua bán người, từ đó đưa ra các kỹ năng và các biện pháp nâng cao kỹ năng phòng, chống nạn mua bán người cho học sinh trung học nói chung và học sinh trung học tỉnh Lạng Sơn nói riêng.

Các giám khảo lắng nghe các tác giả thuyết minh công trình tại vòng chung khảo.

Các giám khảo lắng nghe các tác giả thuyết minh công trình tại vòng chung khảo.

Sổ tay “chống mua bán người” của hai nữ sinh lớp 12

“Với hơn 231km đường biên giới, hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia, 10 lối mở biên giới và vô số đường mòn, lối tắt... số lượng nạn nhân thuộc lứa tuổi học sinh trung học của nạn mua bán người (MBN) tại tỉnh Lạng Sơn ngày một gia tăng. Đáng lo ngại hơn, phần lớn nạn nhân là những cô gái, chàng trai trẻ nhẹ dạ, cả tin” - Lý Phương Anh, đại diện nhóm tác giả công trình Sổ tay trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống MBN dành cho học sinh trung học tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ về lý do nảy sinh ý tưởng về công trình này.

Quả thật, khó có thể tin rằng, tác giả của một công trình nghiên cứu với đề tài mang ý nghĩa thiết thực cho an ninh, trật tự xã hội này lại là hai nữ sinh đang học lớp 12. Với cách thức diễn giải dễ hiểu, dễ vận dụng, những thông tin chính xác, được tổng hợp kỹ lưỡng, chi tiết, cùng nhiều hình thức minh họa rõ ràng nhưng không hề mất đi những nét hồn nhiên đặc trưng của tuổi học trò; nội dung trong Sổ tay đã phân tích rõ khái niệm, động cơ, thủ đoạn, mục đích cũng như hậu quả của nạn MBN, đồng thời trang bị cho người đọc nhiều thông tin hữu ích như kỹ năng nhận diện đối tượng MBN, cảnh giác mỗi khi ra khỏi nhà, kỹ năng khi sắp bị, đã bị lừa bán, kỹ năng tìm kiếm hỗ trợ, giải cứu nạn nhân...

“Với những kỹ năng này, các bạn học sinh có thể nhanh chóng nhận ra tội phạm MBN qua cách giao tiếp, hành động, nghề nghiệp của chúng. Ngay cả khi các bạn không may sắp, hoặc đã trở thành nạn nhân, Sổ tay cũng là cuốn cẩm nang chứa các cách thức hiệu quả để trốn thoát khỏi bàn tay tội phạm. Không những vậy, với những kỹ năng có trong Sổ tay, người đọc hoàn toàn có thể trở thành tuyên truyền viên, phổ biến kiến thức hữu ích đến bạn bè”, Trần Lê Linh Chi, thành viên còn lại của nhóm tác giả giải thích.

Đáng chú ý, để đưa những kỹ năng phòng, chống MBN vượt ra khỏi vòng lý thuyết, các tác giả còn xây dựng nhiều biện pháp như tuyên truyền thông qua nhà trường, cộng đồng, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là tổ chức tìm hiểu trải nghiệm thực tế của nạn nhân MBN; tọa đàm với chuyên gia và các lực lượng chức năng; thực nghiệm kỹ năng qua clip, ảnh... gắn vào các buổi sinh hoạt lớp.

Có thể nói, công trình này chứa đựng toàn bộ tâm huyết hai nữ tác giả trẻ mới 17 tuổi trong hơn một năm tìm hiểu, nghiên cứu hàng trăm loại tài liệu từ báo chí, sách vở cho đến thu thập các nguồn thông tin tin cậy từ internet... Kết quả đánh giá hiệu quả thực nghiệm qua phiếu điều tra hơn 154 học sinh cho thấy, 148 trường hợp đã nắm vững số điện thoại khẩn cấp khi phát hiện MBN, 98 trường hợp đã đưa ra được cách giải quyết hợp lý.

Cuốn sổ tay thú vị của hai nữ sinh lớp 12 Lạng Sơn.

Cuốn sổ tay thú vị của hai nữ sinh lớp 12 Lạng Sơn.

Cần sự hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cuốn Sổ tay trên là một trong số mười công trình tiêu biểu lọt vào chung khảo Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan tổ chức vào tháng 4 năm nay. Sau hơn 5 tháng triển khai, chương trình đã tiếp nhận 329 công trình, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ trên cả nước gửi về.

Trong đó, có 171 công trình, sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 84 công trình, sáng kiến sáng tạo, chế tạo các công cụ phục vụ giảng dạy, học tập; 74 công trình nghiên cứu về lĩnh vực khoa học giáo dục. Đáng chú ý, có một tác giả mới mười tuổi và bốn tác giả khác 13 tuổi. Nhiều tác giả là thạc sĩ, nghiên cứu sinh Việt Nam tại nước ngoài như Hunggari, Thái Lan.

Đánh giá về chương trình, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám khảo Cuộc thi Nguyễn Quân khẳng định: đa phần các công trình bảo đảm được tính mới, một số công trình thể hiện tính sáng tạo cao.

Tác giả một công trình lọt vào chung khảo chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục diễn giải ý tưởng trước hội đồng giám khảo.

Tác giả một công trình lọt vào chung khảo chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục diễn giải ý tưởng trước hội đồng giám khảo.

“Rất nhiều công trình bám sát vấn đề thực tiễn của giáo dục hiện nay, theo đó nghiên cứu nhiều vấn đề có thể nâng cao chất lượng giáo dục cũng như phổ biến, đưa vào chương trình học của nhà trường. Tôi đặc biệt đánh giá cao tính thiết thực, phổ quát của các công trình này”, ông Nguyễn Quân cho hay.

“Các công trình phần lớn đã ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm phục vụ công tác giáo dục, điển hình như thư viện ảo, lớp học ảo... Qua đây, học sinh sẽ được tiếp cận phương pháp đào tạo toàn diện, được hệ thống hóa kiến thức, đánh thức sự say mê trong học tập, nghiên cứu”, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.

Cũng theo vị giám khảo của chương trình này, nếu các ý tưởng, sáng kiến của chương trình nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các ban, ngành liên quan, chất lượng giáo dục của đất nước hoàn toàn có thể được cải thiện một cách tích cực.

“Những công trình như bảo tàng, lớp học ảo đương nhiên cần sự đầu tư thích hợp. Ngay cả các công cụ, phần mềm sử dụng trong quá trình xây dựng công trình, nếu nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ là nguồn động viên vô cùng quý báu vì tương lai nền giáo dục nước nhà”, ông Nguyễn Quân chia sẻ.

LINH PHAN

(Theo Báo Nhân dân điện tử)

Bình luận