Những chuẩn mực văn hóa được kết tinh từ văn hóa quân sự Việt Nam
Tóm tắt: Có thể nói, văn hóa quân sự là một nét đặc trưng, khá độc đáo trong văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam. Không phải nước nào cũng có văn hóa quân sự như ở Việt Nam. Do điều kiện lịch sử mà dân tộc ta phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm để giành lại độc lập dân tộc. Trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa quân sự, có những yếu tố, những sự kiện, nhân vật quân sự nổi bật đã trở thành giá trị, chuẩn mực văn hóa, trở thành những khuôn mẫu để mọi người phải học tập, phấn đấu noi theo.
Từ khóa: văn hóa quân sự, biểu tượng, giá trị, chuẩn mực
Theo quan điểm của các nhà văn hóa học, các thành tố của văn hóa không nằm ngoài ba yếu tố cơ bản là biểu tượng, giá trị và chuẩn mực. Ba yếu tố này hình thành nên các khuôn mẫu của văn hóa, quy định thế ứng xử của con người và luôn vận hành trong đời sống văn hóa - xã hội.
Vậy mối quan hệ giữa ba yếu tố này như thế nào?
Biểu tượng là cái mà người ta dễ dàng nhận ra nhất. Biểu là phô bày, thể hiện ra bên ngoài; tượng là vật, là hình ảnh. Như vậy, biểu tượng là “hình ảnh thể hiện ra bên ngoài”.
Cơ sở để xây dựng nên biểu tượng là giá trị. Giá trị làm cho một vật trở nên có ích lợi, có ý nghĩa, trở nên đáng quý về một mặt nào đó. Nó là cái kết tinh và làm nên cốt lõi của biểu tượng. Trong mỗi biểu tượng, theo đúng nghĩa của nó, người ta đều tìm thấy giá trị hay hệ thống các giá trị.
Những giá trị của biểu tượng muốn trở thành cái có ích lợi, có ý nghĩa, quý giá về một mặt nào đó thì bản thân nó phải trở thành chuẩn mực, nói nôm na là phải trở thành khuôn mẫu.
Từ góc độ phân tích, chuẩn mực được hiểu theo hai nghĩa:
Theo nghĩa thông thường, đó là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, so sánh rồi hướng theo đó mà hành động cho đúng.
Theo ý nghĩa xã hội, đó là cái được công nhận là đúng theo quy định hoặc theo thói quen của mọi người.
Từ góc độ khái quát, chuẩn mực là toàn bộ những khuôn phép, lề thói nói chung mà mọi người phải tuân theo, từ bên trong từng gia đình cho đến toàn thể xã hội.
Liên hệ tới nội dung văn hóa quân sự Việt Nam, chúng ta thấy có những yếu tố, những sự kiện, nhân vật quân sự nổi bật đã trở thành giá trị, trở thành chuẩn mực văn hóa, trở thành những khuôn mẫu để mọi người, không chỉ trong xã hội đó, thời kỳ đó mà mãi mãi sau này, phải học tập, phấn đấu noi theo, tuân theo nhằm phục vụ sự nghiệp đấu tranh vũ trang chống ngoại xâm để giữ nước. Có thể kể đến một số chuẩn mực văn hóa quân sự tiêu biểu sau:
Tính toàn dân trong khởi nghĩa và trong chiến tranh
Về khởi nghĩa, tính toàn dân đã đưa tới sự thành công của các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, của Lý Bí - Triệu Quang Phục, của Khúc Thừa Dụ trong thời chống Bắc thuộc và cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám trong thời kỳ hiện đại. Về chiến tranh, tính toàn dân đã đưa tới sự thành công của rất nhiều cuộc kháng chiến: từ cuộc kháng chiến chống Tần ở thế kỷ III trước Công nguyên, đến các cuộc chiến tranh giữ nước chống lại các triều đại phong kiến phương Bắc trong thời độc lập, tự chủ như: chống Tống ở thế kỷ X và thế kỷ XI dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt; chống Mông - Nguyên ở thế kỷ XIII dưới sự lãnh đạo của Trần Quốc Tuấn; chống Minh ở thế kỷ XV dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi; chống Xiêm, chống Thanh ở thế kỷ XVIII dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ. Và sau này, trong thời kỳ hiện đại, tính toàn dân cũng là yếu tố quyết định thành công của hai cuộc kháng chiến chống các đạo quân xâm lược của các nước tư bản phương Tây là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Danh nhân văn hóa quân sự Trần Quốc Tuấn
Trong văn hóa quân sự Việt Nam, Trần Quốc Tuấn là một vị tướng chỉ huy lừng danh, đồng thời cũng là một nhà lý luận quân sự hiếm có. Nếu như ở thế kỷ XIII, toàn bộ Á - Âu bị đặt dưới “dấu hiệu Mông Cổ”1 thì nước Đại Việt đã ba lần (1258, 1285 và 1288) chiến thắng quân Mông Cổ, trong đó hai lần (1285 và 1288) đều do Trần Quốc Tuấn lãnh đạo với tư cách là Tổng chỉ huy quân đội triều đình nhà Trần (Tiết chế thống lĩnh thiên hạ chư quân sự)2. Về mặt lý luận quân sự, ông có bốn tác phẩm lớn: Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Binh thư yếu lược, Dụ chư tỳ tướng hịch văn (thường gọi là Hịch tướng sĩ) và Di chúc. Trên phạm vi toàn thế giới, dưới thời trung đại - một thời đại lịch sử mà theo đánh giá của Ph. Ăngghen là “thời kỳ cằn cỗi về chiến lược quân sự” thì không một nhà quân sự nào có được những đóng góp to lớn trên cả hai mặt như ông.
Sách vở thế giới cũng cho thấy sự đánh giá rất cao công lao của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Chẳng hạn như bộ Bách khoa toàn thư mới nước Anh (The New Ency clopedia Britannica) dành riêng 31 dòng để nói về Trần Quốc Tuấn và mô tả ông là một chiến lược gia sáng chói, người đánh bại những đoàn quân của Hốt Tất Liệt (a brilliant military strategist who defeated Kublai Khan’s Mongol hordes).
Hay trong cuốn Xây dựng lại nước Việt Nam(VietnamRebuilding A nation), tác giả Sherry Garland đã viết: “Hoàng đế Mông Cổ Hốt Tất Liệt Đại Hãn đã tiến công Đại Việt. Đại binh của Đại Hãn đông gấp đôi quân nước Việt, nhưng vị thống soái Việt Namlà bậc thầy về chiến tranh du kích. Vì thế, Việt Nam đã trở thành một trong số ít nước trên thế giới đánh đuổi được quân xâm lược Mông Cổ”3.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938
Đây là một chiến thắng quân sự có ý nghĩa lịch sử cực kỳ to lớn, vượt ra ngoài phạm vi một trận đánh thông thường, là một chiến thắng đánh dấu mốc thời đại của một dân tộc, là kết quả tất yếu của cuộc chiến tranh giành lại chủ quyền trong suốt hàng nghìn năm của nhân dân ta nhằm chống lại chính sách thôn tính, đồng hóa của các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã khắc họa một truyền thống, một biểu tượng, một chuẩn mực trong lịch sử nghệ thuật quân sự dân tộc với tư cách là một quy luật giành thắng lợi trong chiến tranh mà cái cốt yếu là đánh giặc bằng thủy quân, giành thắng lợi trên chiến trường sông nước.
Chiến thắng Bạch Đằng không những đã đặt nền móng cho truyền thống nghệ thuật quân sự Đại Việt, mà còn đi vào binh thư của chính những kẻ đã từng thảm hại vì nó với tư cách một kiểu đánh thủy - một phương thức tiến hành chiến tranh. Võ bị chí là một cuốn binh thư nổi tiếng Trung Quốc, được biên soạn vào thời Minh. Đây là cuốn cẩm nang dạy cho các tướng lĩnh cầm quân của “Thiên triều” những mưu mẹo, phép tắc và trang bị dùng trong chiến tranh để đảm bảo giành thắng lợi qua tổng kết kinh nghiệm trong gần hai nghìn năm tranh đoạt và đi xâm lược trước đó của các triều đại phong kiến Trung Quốc, được minh họa bằng những trận đánh mẫu mực nhất trong lịch sử. Trong Thiên Thủy chiến (quyển 3), khi “dạy” về nghệ thuật dùng cọc để chống thuyền địch, cuốn sách ấy đã phải mượn đến Chiến thắng Bạch Đằng năm 938: Họ Ngô ở Giao Châu nhân nước thủy triều ra khiêu chiến mà giả cách chạy trốn, đợi thuyền địch vì nước triều rút, vướng cọc, nhân đấy mà đánh. Thế mới biết có thể dùng nạn mắc cạn để đánh quân địch được. Rõ ràng, trận chiến Bạch Đằng không còn nằm trong phạm vi nước Đại Việt nữa, mà đã trở thành một hiện tượng, một kiểu mẫu tiêu biểu cho nghệ thuật thủy chiến ở phương Đông đương thời.
Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bàn về chiến thắng Điện Biên Phủ, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: Cánh đồng Mường Thanh thì nhỏ, hẹp mà chiến thắng Điện Biên Phủ thì rất lớn, chiếm một vị trí tinh thần rất cao, chẳng những trong lịch sử Việt Nam mà còn cả trong lịch sử thế giới.
Thật vậy, đối với trong nước, chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của quân dân ta, đồng thời chấm dứt ách đô hộ gần một thế kỷ của người Pháp trên bán đảo Đông Dương. Nó còn dẫn đến giải pháp ngoại giao tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954, dù chưa đưa lại kết quả thỏa đáng nhưng cũng đã mở ra một giai đoạn mới, bước ngoặt mới trong lịch sử nước ta.
Về mặt chiến trận, Điện Biên Phủ là một chiến thắng lớn nhất và điển hình nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến thời điểm ấy. Vì vậy, khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử thế giới, các nhà khoa học đều cho rằng: Điện Biên Phủ là một sự kiện lịch sử có tính chất bước ngoặt. Dorin Mindonton, bình luận viên tờ Thời báo Niuoóc đưa ra một nhận định: Đây là một trong 16 trận đánh tiêu biểu, tạo ra bước ngoặt lớn trong chiến tranh hiện đại ở thế kỷ XX.
Còn ở góc độ chính trị, chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh cho hòa bình, tiến bộ của nhân loại, giáng một đòn chí mạng và góp phần vào việc đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới và cũng là hồi chuông báo hiệu cho sự thất bại của chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh một chân lý của thời đại. Đó là, các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược, nếu có ý chí kiên cường và có đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo; có phương pháp đấu tranh thích hợp, hiệu quả cho độc lập, tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Chân lý ngời sáng ấy đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đứng lên đấu tranh, tự giải phóng nhằm thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Không những thế, chiến thắng Điện Biên Phủ còn trở thành một chuẩn mực để đánh giá những sự kiện chiến tranh quan trọng thời nay. Ngay từ thời điểm đó, trong tiếng Pháp đã xuất hiện động từ dienbienfouer, có nghĩa là “giáng đòn quyết định”.
Vì Điện Biên Phủ đã trở thành chuẩn mực như vậy mà trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, quân ta đã mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh làm đòn nghi binh chiến lược khiến đế quốc Mỹ hốt hoảng lầm tưởng đây là một bài bản khôn khéo, để rồi “Bắc Việt Nam” đánh tiếng về vấn đề thương lượng như lịch sử đã diễn ra từ mười bốn năm trước đó. Trước tình hình trên, chúng tìm đủ mọi cách chống đỡ như: thực hiện 40 lần không kích của máy bay chiến lược B52, 500 lần chiếc/ngày của máy bay chiến thuật, điên cuồng, giãy giụa, nhằm thoát ra khỏi “cơn ác mộng Điện Biên Phủ”. Thậm chí Oétmolen - Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ còn đề cập tới khả năng dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật như trước kia, trong kế hoạch “Chim kền kền”, dưới thời Tổng thống Aixenhao, bọn can thiệp Mỹ đã từng đòi ném bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ năm 1954.
Kết quả là, cuối tháng 12-1972, khi lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ bị thất bại nặng nề trên bầu trời Hà Nội, giới báo chí đã mệnh danh ngay sự kiện lịch sử này là “Điện Biên Phủ trên không”.
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước
Trong văn hóa quân sự Việt Nam, tính chuẩn mực không chỉ dừng lại ở một cuộc hội chiến như trận Bạch Đằng năm 938; một chiến dịch, chiến lược như Điện Biên Phủ; một danh nhân văn hóa kiệt xuất như Trần Quốc Tuấn, mà còn phát triển đến một đặc điểm độc đáo, mang tính khái quát của văn hóa quân sự Việt Nam, lên tới quy mô một cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, tự do, đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đánh giá về cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ này của dân tộc ta trong thời hiện đại, các nhà khoa học xem đây là một sự kiện khuôn mẫu về sự dũng cảm, ngoan cường, về tính trí tuệ và tài năng ở thế kỷ XX. Trả lời phóng viên báo France observateur (Nước Pháp, người quan sát), ngày 23-3-1968, Giăngpônxắc - nhà triết học của chủ nghĩa hiện sinh, người Pháp, đã nhận định: “Việt Nam là lương tri của loài người”.
Ngay trong dịp tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 10-7-2008, khi trao đổi ý kiến xung quanh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, Tổng thống Braxin Luiz Incio Lula da Silva cũng đã trân trọng đánh giá: “Thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam là di sản cho cả nhân loại”4.
Dương Xuân Đống
Nhà nghiên cứu Văn hóa quân sự
1. Xem GE.Coedès (Nguyễn Thừa Hỷ dịch): Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông (Histoire ancienne des Etats Hindouisés d’ Extrême-Orient, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011.
2. Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, t. 2, tr. 54.
3. Sherry Garland: Vietnam Rebuilding A Nation (Xây dựng lại nước Việt Nam), Dillon Press Inc, Chicago, 1990, p.3.
4. Theo báo Quân đội nhân dân, ngày 11-7-2008.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực