Phân bố dân số, di cư và đô thị hóa: Những nội dung mới cần được quan tâm

Ngày đăng: 26/01/2018 - 09:01

Tóm tắt: Phân bố dân số, di cư và đô thị hóa là những vấn đề hết sức quan trọng trong lĩnh vực dân số, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới công tác dân số, coi dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1961, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến dân số. Gần đây nhất, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Với mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số mà Nghị quyết đưa ra, trong giai đoạn tới, vấn đề phân bố dân số, di cư và đô thị hóa sẽ có những điểm mới cần được quan tâm.

Từ khóa: phân bố dân số, di cư, đô thị hóa, công tác dân số

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ở Việt Nam, biến động tự nhiên dân số đã thu hẹp và quá độ dân số đã đi vào giai đoạn cuối. Mức chết hiện đã giảm thấp và ổn định cùng với mức sinh đã đạt ngưỡng mức sinh thay thế và ít biến động mạnh dưới tác động của chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, những đổi mới trong cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội và quản lý dân cư đã khiến cho biến động cơ học dân số ở từng tỉnh/thành phố, vùng miền gia tăng mạnh với sự xuất hiện của nhiều luồng/dòng di dân tự phát. Xu thế di dân nội địa đã không chỉ tăng về quy mô mà còn có những biến đổi mạnh mẽ về các hình thái di cư trong những giai đoạn khác nhau. Phân bố dân cư của các địa phương, vùng miền trong giai đoạn hiện nay đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ di dân. Đô thị hóa là một trong những mục tiêu của phát triển và hiện đại hóa đất nước. Nó chịu ảnh hưởng từ chủ trương, chính sách về đô thị hóa lẫn di dân nông thôn - thành thị. Ngày 6-1-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Kết luận số 119/KT-TW nêu rõ “cần chuyển trọng tâm chính sách từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định việc “chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển”. Theo đó, phân bố dân cư, di cư và đô thị hóa sẽ có những nội dung mới cần được quan tâm khi thực hiện các mục tiêu chính sách dân số trong giai đoạn tới đây.

phan bo120181 3

1. Phân bố dân số: Chưa là lợi thế cho phát triển

Phân bố dân số hợp lý được coi là một lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nói riêng cũng như của quốc gia nói chung. Tuy nhiên, thực trạng phân bố dân số của nước ta vẫn cho thấy những điểm thách thức không thuận lợi cho phát triển.

Phân bố dân số không cân đối giữa các vùng lãnh thổ và chịu ảnh hưởng khá mạnh của di dân tự phát

Do điều kiện tự nhiên và lịch sử, dân số Việt Nam phân bố không cân đối theo các vùng địa lý - kinh tế xét về phương diện tiềm năng đất đai và tài nguyên thiên nhiên với nguồn nhân lực. Việc xác định phân bố dân cư theo các vùng địa lý - kinh tế có ý nghĩa quan trọng phục vụ cho việc tái phân bố lực lượng sản xuất, lao động và dân cư. Dưới tác động của tăng dân số tự nhiên và di dân, việc phân bố lại dân cư theo vùng địa lý - kinh tế ở nước ta trong thời gian qua đã có những thay đổi đáng kể.

Trong số 6 vùng địa lý - kinh tế, hai vùng có tỷ trọng dân số vùng trên tổng dân số liên tục tăng là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; 3 vùng có tỷ trọng dân số vùng trên tổng dân số liên tục giảm là Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong giai đoạn 1979-1999, tỷ trọng dân số của Đồng bằng sông Hồng trong tổng dân số toàn quốc giảm xuống, song từ 1999 đến 2009 và 2014, tỷ trọng dân số của vùng này lại tăng lên. Kết nối với dữ liệu mức sinh của các vùng thì có thể thấy, việc tăng hay giảm tỷ trọng dân số ở các vùng miền này chủ yếu liên quan đến di dân tự phát, ít liên quan đến sinh - chết.

Dân cư vẫn tập trung chủ yếu ở nông thôn, song sẽ chuyển dần sang phân bố cân bằng nông thôn - thành thị

Trên phạm vi cả nước, trong những năm gần đây sự thay đổi tỷ trọng dân số thành thị và nông thôn diễn ra chậm. Từ sau ngày thống nhất đất nước đến năm 1994, tức là khoảng 20 năm, tỷ trọng dân số thành thị và nông thôn thay đổi không đáng kể. Từ 1994 đến 1999, và sau đó là 2000-2014, sự tập trung dân cư vào vùng đô thị diễn ra với cường độ lớn hơn do các nguyên nhân mở rộng địa giới đô thị và di cư nông thôn - đô thị bùng phát mạnh. Đến năm 2016, có 34,5% dân số nước ta sống ở khu vực đô thị, trong khi có 65,5% dân số sống tại khu vực nông thôn. Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020 và Chiến lược đô thị hóa, đến giai đoạn 2020, sẽ có khoảng 40% dân số Việt Nam sinh sống ở khu vực đô thị. Tỷ trọng này sẽ tiến tới khoảng 50% vào năm 2025.

Mật độ dân số trung bình cao, đặc biệt có những điểm tích tụ lớn

Do quy mô dân số tăng nên mật độ dân số trung bình của cả nước vẫn tiếp tục gia tăng và hiện là 280 người/km2 (năm 2016). Như vậy, mật độ dân số trung bình của nước ta đã gấp 5,6 lần mật độ dân số chuẩn đảm bảo cho phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề xuất (50 người/km2), đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng về mật độ dân số của các quốc gia ASEAN và đứng thứ 49 trong bảng xếp hạng 244 quốc gia và vùng lãnh thổ về mật độ dân số.

Trong các vùng địa lý, Đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi có mật độ dân số cao nhất hiện nay mặc dù đã có giảm so với năm 1999. Trong số 9 tỉnh của vùng này, 7 tỉnh có mật độ dân số lớn hơn 1.000 người/km2. 5 vùng địa lý - kinh tế còn lại là những vùng có mật độ dân số vẫn tiếp tục tăng đến thời điểm năm 2014, đặc biệt mật độ dân số gia tăng mạnh ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (gấp 2 lần trong giai đoạn 1999-2014).

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị lớn nhất cả nước về quy mô dân số (tương ứng khoảng 7.328.400 người và 8.297.500 người vào năm 2016) đồng thời cũng là những điểm tích tụ dân cư lớn nhất hiện nay. Mật độ dân số Thành phố Hồ Chí Minh đã lên tới 4.025 người/km2 và mật độ dân số Hà Nội lên tới 2.182 người/km2 năm 2016.

2. Di cư trong nước: Mang lại cả cơ hội và thách thức

Trước kia, chế độ hộ khẩu và bao cấp lương thực, thực phẩm là những rào cản rất lớn đối với việc di chuyển của người dân. Sau đổi mới, di cư nội địa bùng phát đã mang lại cả những cơ hội lẫn thách thức cho các địa phương có nhiều người xuất cư hay nhiều người nhập cư. Di cư hiện nay vẫn đang tiếp tục có những biến đổi mạnh cả về quy mô lẫn hình thái và các luồng/dòng di cư.

Quy mô và khoảng cách di cư tăng

Giai đoạn 2004-2009, số người di cư tăng hơn 3,27 triệu người so với thời kỳ 1994-1999 (9,086 triệu người so với 5,816 triệu người). Giai đoạn từ 2009-2014, có phần tác động từ suy thoái kinh tế 2010-2013, tổng số người di cư thời kỳ này (7,444 triệu người) có giảm so với thời kỳ 2004-2009 song vẫn cao hơn thời kỳ 1994-1999. Xu thế chung vẫn cho thấy, số người di cư ở các khoảng cách xa tăng lên đáng kể, đặc biệt là di cư giữa các tỉnh, giữa các vùng. Điều này chứng tỏ tính năng động xã hội của người dân tiếp tục được đẩy cao.

Luồng di cư nông thôn - thành thị tiếp tục chiếm ưu thế

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, các đô thị đã trở thành điểm thu hút lao động nông thôn và kéo theo quá trình di cư nông thôn - thành thị. Số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn 1994-1999, di cư nông thôn - nông thôn là hình thức có nhiều người di cư nhất, nhưng đến giai đoạn 2004-2009, hình thức di cư nông thôn - thành thị đã trở thành hình thức chủ yếu. Giai đoạn 2009-2014, nông thôn vẫn là khu vực xuất cư chủ đạo và quy mô, mật độ dân số tiếp tục được giảm tải áp lực thông qua di dân cơ học. Thành thị tiếp tục là khu vực nhập cư chủ đạo với mức nhập cư cao gấp 2 hoặc 3 lần so với khu vực nông thôn. Có thể thấy rằng luồng di dân này một phần mang yếu tố tích cực như cung cấp thêm lực lượng lao động cho các đô thị trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, song cũng tạo ra nhiều sức ép tiêu cực cho cơ sở hạ tầng đô thị và các vấn đề xã hội liên quan đến người di cư.

Di cư dài hạn đến các thành phố lớn giảm song di cư tạm thời tăng

Nếu giai đoạn 2004-2009, Hà Nội có 382.824 người nhập cư hiện đang cư trú thì sang giai đoạn 2009-2014, số người nhập cư vào Hà Nội là 202.915 người. Các con số tương ứng tại Thành phố Hồ Chí Minh là 1.024.489 và 547.697 người, tại Đà Nẵng là 81.324 và 21.826 người. Ngược với xu hướng giảm đối với di cư dài hạn, di cư tạm thời (dưới 12 tháng) đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng lại tăng mạnh.

Di cư vẫn mang tính chọn lọc cao, xu hướng nữ hóa dòng di dân gia tăng

Người di cư thường là những người ở độ tuổi trẻ, từ 20 đến 35. Tuổi trung vị của người di cư là khoảng 25, có nghĩa là một nửa dân số di cư là những người dưới 25 tuổi. Trong Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014, có 67,8% số người di cư nằm trong độ tuổi 15-34; 45,9% nằm trong độ tuổi 20-29. Đặc trưng này cho thấy có một lực lượng lao động trẻ được cung cấp cho các địa phương nhập cư, song những thách thức về vấn đề hôn nhân, gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản sẽ cần được quan tâm.

Các tháp dân số của người di cư giai đoạn 2004-2009 cũng cho thấy một phát hiện thú vị khác là phụ nữ tham gia vào dân số di cư nhiều hơn nam giới trong nhóm tuổi 15-29. Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ ngày 1-4-2014 cũng cho thấy 23,8% nữ thanh niên trong nhóm tuổi 20-24 tham gia di cư so với 10,7% nam thanh niên. Các tỷ lệ tương ứng ở nhóm tuổi 25-29 là 20,1% so với 11,4%.

Những người di cư thường có trình độ học vấn chuyên môn kỹ thuật cao hơn so với người không di cư. Theo Điều tra di cư nội địa quốc gia Việt Nam năm 2015, tỷ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tới 31,7% trong khi tỷ lệ này ở người không di cư chỉ chiếm có 24,5%. Ở tất cả các bậc chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ người di cư có trình độ luôn cao hơn so với người không di cư. Như vậy, có thể thấy nhóm dân số di cư sẽ mang cả lợi ích lẫn thách thức cho các vùng đi và đến. Nơi đến sẽ nhận được nguồn nhân lực có chất lượng tốt hơn, đồng thời nơi đi lại mất đi một bộ phận nhân lực cao phục vụ cho phát triển trong tương lai.

Di cư quay về xuất hiện và có xu hướng gia tăng mạnh

Trong giai đoạn 1980-2000, xu hướng di cư từ Đồng bằng sông Hồng đến các tỉnh Tây Nguyên diễn ra mạnh mẽ. Đến giai đoạn 2004-2009, hiện tượng người di cư quay về đã xuất hiện. Tây Nguyên là vùng có tỷ suất xuất cư giai đoạn 2004-2009 là 27%, tăng hơn 1,9 lần so với giai đoạn 1994-1999. Điều này cho thấy có sự “đảo chiều” trong xu hướng di cư ở Tây Nguyên. Sau giải phóng, đây là vùng nhập cư chủ yếu thì đến giai đoạn này xuất cư lại đang tăng mạnh.

Dưới ảnh hưởng của suy thoái kinh tế từ khoảng những năm 2010-2013, tình trạng công nhân ở các khu công nghiệp, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Bộ, là người di cư nông thôn - đô thị những năm trước đây, quay trở về quê cũ có xu hướng ngày càng gia tăng. Kết quả Điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình tại các thời điểm 1-4-2012, 1-4-2013 và 1-4-2014 cũng cho thấy hằng năm, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã đón lại một lượng lớn những người dân đã cư trú ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ những năm trước đó.

Hiện tượng di cư “quay về” có thể khiến vùng đến mất những lao động được đào tạo và đã thích ứng với cuộc sống tại địa phương sau một thời gian cư trú. Các lao động, lúc này đã là những người có kiến thức và kinh nghiệm, sẽ quay về “đầu quân” cho các doanh nghiệp tại quê hương gốc của họ, hoặc tự tạo việc làm ở quê... nhưng thường “thoát ly” khỏi các công việc đồng áng truyền thống với thu nhập thấp.

3. Đô thị hóa: Nhanh về chiều rộng, thiếu chiều sâu

Số lượng các đô thị tăng nhanh, tỷ lệ đô thị hóa chậm

Trong giai đoạn 1990-2014, số lượng đô thị của Việt Nam không ngừng tăng lên. Nếu năm 1990 ở Việt Nam mới chỉ có 500 đô thị lớn nhỏ, với dân số đạt gần 13 triệu người, chiếm 19,5% tổng số dân, thì đến năm 2014 Việt Nam đã có 770 đô thị với 29,94 triệu dân, chiếm 33,1% tổng dân số. Số lượng đô thị tăng mạnh trong khi tỷ lệ dân số đô thị tăng chậm (0,5%/năm) cho thấy đô thị hóa của nước ta còn mang tính “cưỡng bức”. Đó là đô thị hóa do mở rộng địa giới hành chính và chuyển đổi sử dụng đất nông thôn thành đất đô thị.

Mức độ đô thị hóa khác nhau giữa các vùng miền và ngay cả giữa cùng loại đô thị

Mức độ đô thị hóa và số lượng các đô thị cũng khác nhau ở mỗi vùng. Theo kết quả Điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1-4-2016, trong khi Đông Nam Bộ đã có tỷ lệ dân số đô thị đạt xấp xỉ 63% thì Đồng bằng sông Hồng mới có tỷ lệ dân số đô thị đạt 35,7%; Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên có tỷ lệ dân số đô thị dưới 30% và Trung du và miền núi phía Bắc hiện chỉ có 18,3% dân số đô thị. Trong số 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, tỷ lệ dân số đô thị của các thành phố này hiện cũng rất khác nhau. Trong khi Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh có 87,4% và 81,3% dân số đô thị thì Cần Thơ có 66,8% dân số đô thị. Hà Nội và Hải Phòng chỉ có 52,4% và 46,7% dân số đô thị.

Tốc độ tăng dân số thành thị luôn cao hơn tốc độ tăng dân số ở nông thôn do nhập cư, không gian đô thị được mở rộng

Cùng với sự phát triển số lượng các đô thị, trong giai đoạn từ năm 1990 đến nay, tốc độ tăng dân số đô thị luôn luôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số nông thôn, mặc dù mức sinh ở nông thôn cao hơn thành thị, trung bình gấp 3 lần. Điều này là do công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã tạo nên quá trình đô thị hóa thông qua di dân nông thôn - thành thị. Một trong những chỉ báo về mở rộng không gian đô thị là nhà ở đô thị. Trong 10 năm từ 1999-2009, số lượng nhà ở của Việt Nam đã tăng từ 16,6 triệu lên 22,2 triệu - tăng 33,2%. Tổng diện tích sử dụng trên đầu người đã tăng từ 10,23 m2 lên 19,3 m2 - tăng gần gấp 2 lần. Số nhà ở ở khu vực đô thị đã tăng từ 4,02 triệu lên 6,76 triệu - tăng 67,9% trong khi mức tăng về số lượng nhà ở ở khu vực nông thôn chỉ là 22,2%. Như vậy có thể thấy rằng, không gian đô thị đã được mở rộng đáng kể. Ở nhiều thành phố lớn, nhiều khu đô thị mới được hình thành với nhiều khu nhà ở mới được xây dựng.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang chịu áp lực dân số đô thị ở mức cao

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 đô thị đặc biệt của nước ta. Hiện nay 2 đô thị này đang phải chịu áp lực rất lớn cả về mật độ dân số và cơ sở hạ tầng. Tại Hà Nội, năm 2008, việc mở rộng địa giới thành phố Hà Nội thông qua sáp nhập Hà Nội và Hà Tây đã khiến không gian địa lý của Hà Nội được mở rộng gấp 3,6 lần. Năm 2016, Hà Nội có mật độ dân số trung bình 2.182 người/km2. Đáng chú ý, hiện nay mật độ dân số tại các quận trung tâm của Hà Nội đã ở mức rất cao. Năm 2015, có 6 trong số 19 quận của thành phố có mật độ dân số lớn hơn 20.000 người/km2, nơi đông dân nhất là quận Đống Đa có 41.310 người/km2. Tính ra bình quân ở quận Đống Đa, cứ 1 mét vuông đất có tới 4 người ở.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mật độ dân số của thành phố là 4.025 người/km2 vào năm 2016. Trong 15 năm gần đây, mật độ dân số thành phố đã tăng 1,6 lần. Tại thời điểm năm 2015, có 13 trong số 19 quận của thành phố Hồ Chí Minh có mật độ dân số ở mức cao và rất cao (lớn hơn 20.000 người/km2), nơi có mật độ cao nhất là Quận 11 (44.863 người/km2).

Hiện nay, tất cả các đô thị lớn ở Việt Nam đều chưa có đủ cơ sở hạ tầng đô thị. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang chịu những áp lực nặng nề của quy mô và mật độ dân số lên hạ tầng giao thông. Với mật độ dân số tính trên một đơn vị diện tích lãnh thổ như phân tích ở trên, mật độ tham gia giao thông thực tế cao hơn 1,5 lần. Diện tích đường của Hà Nội hiện nay khá thấp. Với mật độ dân số bình quân của Hà Nội hiện tại và tỷ lệ sở hữu xe ô tô là 250/1.000 người thì toàn bộ diện tích đường của Hà nội chỉ cho phép 50% số xe ô tô cá nhân lưu thông. Mật độ dân số nhiều quận đã gấp hơn 10 lần mật độ dân số trung bình toàn thành phố, là nơi tập trung các phương tiện giao thông, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng xảy ra thường xuyên. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mật độ dân số trung bình cao hơn Hà Nội, mật độ dân số ở nhiều quận trung tâm cũng cao hơn các quận của Hà Nội, tỷ lệ sở hữu ô tô cá nhân cũng cao hơn, do vậy  tình trạng ùn tắc giao thông trong nội đô thành phố cũng trầm trọng hơn.

4. Chính sách cho tương lai

Phân bố dân cư hợp lý và tạo điều kiện cho các vùng địa lý - kinh tế cũng như các địa phương phát huy hết tiềm năng, thế mạnh để phát triển vẫn cần là một mục tiêu chiến lược trong Chiến lược phát triển bền vững đất nước trong những năm tới. Phân bố lại dân cư và nguồn lao động được thực hiện thông qua các chính sách điều tiết lại “lực hút” và “lực đẩy” của di cư.

Di cư là một xu thế tất yếu luôn đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, là một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương xét cả ở những địa phương có nhiều người nhập cư lẫn những địa phương có nhiều người xuất cư. Vấn đề di cư cần được nhìn nhận khách quan ở cả khía cạnh tích cực lẫn những thách thức cho phát triển. Vì thế, cần lồng ghép các vấn đề di cư trong các chính sách và kế hoạch phát triển của các cấp, các ngành để khai thác được sự đóng góp tốt nhất của di cư cho phát triển ở cả địa phương nơi xuất cư cũng như các địa phương nơi nhập cư.

Trong tương lai, cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình phát triển bền vững ở nông thôn và phát triển vùng, nâng cao mức sống, cải thiện môi trường sống và điều kiện sinh hoạt của người dân, làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm đối với người dân ở nông thôn cũng như giúp tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Các chính sách này sẽ góp phần giảm bớt khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch về điều kiện sống ở khu vực nông thôn so với khu vực đô thị, sẽ phần nào giảm nhẹ luồng di dân nông thôn - thành thị, cũng như giảm nhẹ sức ép về cả môi trường sống và môi trường tự nhiên của các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn hiện nay.

Đô thị hóa sẽ là yếu tố trung tâm trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của ViệtNamtới đây. Không một quốc gia nào đạt được mức thu nhập cao và tăng trưởng mạnh mẽ mà không trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và hầu hết mọi quốc gia phải đạt được tỷ lệ đô thị hóa tối thiểu là 50% trước khi đạt được vị thế của một quốc gia có thu nhập trung bình. Quá trình đô thị hóa của Việt Nam sẽ phải tiếp tục với tốc độ nhanh trong 10 năm tới và dự kiến đến năm 2015, 50% dân số Việt Nam sẽ sống ở đô thị. Đô thị hóa cần chú trọng đến phát triển theo chiều sâu với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị. Quy hoạch và quản lý dân cư đô thị cần có một chiến lược ứng phó với những rủi ro song hành cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh như tắc nghẽn giao thông, áp lực tới hệ thống cung cấp nước sạch, thoát nước, ô nhiễm môi trường, rác thải… Chính phủ và chính quyền các thành phố cần có chính sách “giãn dân” hợp lý được lồng ghép và song hành cùng với quy hoạch lại sử dụng đất đô thị, quy hoạch phát triển không gian đô thị, quy hoạch hệ thống giao thông và dịch vụ đô thị cơ bản, quy hoạch hệ thống các trường nghề, trường cao đẳng, trường đại học, quy hoạch hệ thống bệnh viện,…

Cần rà soát và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể đô thị quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Trong Quy hoạch tổng thể này cần tính đến các hình thái định cư cân bằng hơn cho người dân. Trong quy hoạch nên khuyến khích phát triển các trung tâm đô thị nhỏ hơn, dẫn tới định hướng lại các dòng di cư nông thôn - đô thị. Thay vì người di cư “lao đến” các thành phố lớn như trong thời gian qua, người dân sẽ di cư đến các đô thị nhỏ. Sự kết nối giữa các đô thị nhỏ với nhau và giữa các đô thị nhỏ với các thành phố lớn được bảo đảm thông qua mạng lưới hạ tầng giao thông hiện đại trong mô hình một hệ thống đô thị.

PGS.TS. Lưu Bích Ngọc

Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội,

Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Bình luận