Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân mậu Thân 1968 - Sau 50 năm nhìn lại
Cùng với thời gian, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ngày càng được khẳng định là một sự kiện có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Từ thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 có thể rút ra một số vấn đề sau:
Thứ nhất, để tạo cú sốc lớn không chỉ đối với chính quyền và quân đội Sài Gòn mà còn làm chấn động cả nước Mỹ, quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn nỗ lực tạo thời cơ, nắm bắt và lựa chọn thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược, tiến công và nổi dậy, tạo bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh.
Sau thất bại của chiến lược "chiến tranh đặc biệt", từ năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam nhằm "bẻ gãy xương sống Việt cộng" và "chụp bắt cơ quan đầu não" kháng chiến của ta; đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc.
Trước âm mưu và thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ, cách mạng và cuộc kháng chiến của nhân dân ta đứng trước tình thế hết sức khó khăn. Với lực lượng đông và vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, Mỹ đã mở các cuộc hành quân "tìm diệt" bộ đội chủ lực và cơ quan đầu não chỉ đạo kháng chiến bằng hai cuộc phản công chiến lược lớn mùa khô 1965-1966 và mùa khô 1966-1967; đồng thời, dùng không quân và hải quân leo thang đánh phá miền Bắc.
Nắm vững tư tưởng tiến công, tích cực chủ động cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, quân và dân ta trên khắp các chiến trường đẩy mạnh các hoạt động buộc địch trong tình trạng bị động, lúng túng đối phó. Gọng kìm "tìm diệt" của Mỹ - ngụy bị bẻ gãy; kế hoạch "bình định" cũng không đạt kết quả. Năm 1967, chính quyền Sài Gòn chỉ kiểm soát được 5.400 trong tổng số 16.293 ấp trên toàn miền Nam. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta cũng bị thất bại.
Trên cơ sở đánh giá tương quan lực lượng, từ ngày 20 đến ngày 24-10-1967, Bộ Chính trị họp bàn chủ trương và kế hoạch chiến lược năm 1968. Tại cuộc họp này, Bộ Chính trị nhận định: Mỹ đang thất bại lớn, nếu có tăng quân cũng không giải quyết được gì, mà tình hình càng bế tắc, càng bị cô lập thêm, mâu thuẫn càng sâu sắc. Tuy nhiên, "Mỹ còn rất ngoan cố... đang cố gắng tăng cường lực lượng để giữ cho tình hình không xấu đi". Chớp thời cơ này, Bộ Chính trị quyết định một phương thức tiến công, một cách đánh mới có hiệu lực cao: Bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam. Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị đã chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968. Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 14 họp thông qua Nghị quyết tháng 12-1967 của Bộ Chính trị, quyết định "động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định"[1] cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Để giành thắng lợi trong chiến tranh, việc chọn thời cơ là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Nhận thức được vấn đề này, Đảng ta đã chọn năm 1968 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, năm mà tình hình nước Mỹ rất nhạy cảm về chính trị. Hơn nữa vào thời điểm này, sau ba năm đưa quân viễn chinh trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, nhưng mục tiêu "bẻ gãy xương sống Việt cộng" cơ bản bị phá sản sau những thất bại trong các cuộc tiến công chiến lược vào mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 và những cố gắng leo thang đánh phá miền Bắc. Những cố gắng của Mỹ vào thời điểm này đã gần đến đỉnh điểm. Tính đến tháng 12-1967, Mỹ đã huy động vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam gần nửa triệu quân với 40% số sư đoàn bộ binh, 30% lực lượng không quân chiến thuật, hơn 30% lực lượng hải quân của nước Mỹ. Lực lượng dự bị dành cho chiến lược "chiến tranh cục bộ" đã được sử dụng hết, thậm chí phải huy động một phần dự trữ dành cho chiến lược toàn cầu. Chi phí cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tính đến năm 1968 đã lên tới gần 70 tỷ đôla (gấp ba lần cuộc chiến tranh ở Triều Tiên). Gánh nặng này đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và xã hội nước Mỹ, đến chiến lược toàn cầu và làm cho Quốc hội Mỹ phân hóa sâu sắc.
Năm 1968 hội tụ các điều kiện thuận lợi cả về quân sự và chính trị cho ta giành thắng lợi lớn. Thời cơ này được tạo ra và nắm bắt đúng lúc, không sớm và cũng không muộn. Tình hình chiến tranh ở Việt Nam đã làm cho nội bộ chính quyền Mỹ chia rẽ, đang ở thế ngập ngừng về chiến lược. Phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam dâng cao, lan tràn khắp nước Mỹ.
Trong khi đó, mặc dù vẫn còn một số hạn chế như vấn đề bổ sung lực lượng, khả năng tiêu diệt những đơn vị lớn của Mỹ... song các đơn vị của ta đã có thể thực hành tác chiến và giành thắng lợi cả về mặt chiến lược và chiến thuật. Các lực lượng vũ trang đã có những tiến bộ vượt bậc và vận dụng thành công những phương thức tác chiến độc đáo và linh hoạt, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Quyền làm chủ được mở rộng; thế bao vây xung quanh các đô thị, căn cứ Mỹ, quân đội Sài Gòn được hình thành; phong trào đấu tranh chính trị tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả ngày càng lớn.
Từ những phân tính trên, Đảng ta khẳng định "Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn", cho phép chúng ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định.
Thứ hai, xác định hình thức và phương thức tiến công địch.
Căn cứ vào các nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh - Quân ủy Trung ương đã xây dựng phương án trong đó xác định: Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, "một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và các thành phố lớn"[2]. Thời gian tiến hành tổng tiến công được chọn vào Tết Mậu Thân. Quân ủy Trung ương chỉ đạo các mặt trận, chiến trường khẩn trương sắp xếp, điều chỉnh các mặt công tác phù hợp với yêu cầu tổng tiến công trên toàn miền Nam.
Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đã làm cho địch bất ngờ cả về chiến lược, chiến thuật và mục tiêu, cũng như về thời điểm tiến công. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh mở màn trước Tổng tiến công Tết Mậu Thân 10 ngày đã làm cho Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn phán đoán sẽ có một "Điện Biên Phủ" tại Khe Sanh. Nhưng ta mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh chỉ là một hướng để nghi binh, phân tán và giam chân địch nhằm đưa chiến tranh quy mô lớn vào các thành phố, thị xã và hàng loạt căn cứ, kho tàng, sân bay, sở chỉ huy. Trong điều kiện địch còn khá mạnh, hơn một triệu quân với tiềm lực chiến tranh dồi dào nên để giành thắng lợi quyết định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cân nhắc rất kỹ để chọn hình thức, phương pháp tiến công phù hợp. Yếu tố bí mật, bất ngờ đã làm cho Mỹ, chính quyền Sài Gòn luôn bị động, phân tán lực lượng đối phó và không phát huy được sức mạnh của vũ khí, trang bị vượt trội. Quân ta chủ động tiến công vào nơi địch không phòng bị, vào thời điểm Tết, địch không ngờ nhất. Tiến công vào các mục tiêu này đã tác động nhanh chóng, sâu sắc cả về chính trị và quân sự, gây nên những đột biến trong đối sách chiến lược cũng như cục diện chung của chiến tranh ở miền Nam.
Khi quân Mỹ, quân đội Sài Gòn tập trung dồn chủ lực đối phó ở Khe Sanh, đêm 30, rạng sáng ngày 31-1-1968, quân ta đồng loạt tiến công trên toàn miền Nam.ÂÂ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là cách đánh chưa từng diễn ra, khiến Mỹ, chính quyền Sài Gòn không hề nghĩ tới và cũng không thể nghĩ tới. Đó là sự sáng tạo của phương châm đánh địch trên cả "ba vùng chiến lược". Nếu không có ba vùng chiến lược được xây dựng từ nhiều năm trước với những cơ sở vững mạnh và quần chúng đông đảo ủng hộ thì không thể có chiến tranh ở thành thị, nhất là ở các thành phố trọng điểm Sài Gòn - Huế - Đà Nẵng là những trung tâm chính trị, quân sự. Đánh vào đây là đánh vào các cơ quan đầu não, các trung tâm chỉ huy, đánh vào sinh lực cao nhất của địch, chỗ hiểm yếu, dễ chấn động và nhạy cảm nhất của chúng. Như vậy, chủ trương mở cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 là nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương ngừng ném bom miền Bắc, xuống thang chiến tranh và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán chính là chủ trương "biết thắng Mỹ" vừa với sức ta, mở ra một giai đoạn mới "vừa đánh vừa đàm", phù hợp với truyền thống quân sự của dân tộc.
Chính cuộc tiến công táo bạo này đã làm rung chuyển cả Nhà Trắng, gây chấn động dữ dội không chỉ ở nước Mỹ mà cả thế giới. Hãng thông tấn AFP của Pháp, ngày 3-2-1968 đã đưa tin: "Đây chắc chắn là chiến trường rộng lớn nhất trong các cuộc chiến tranh. Toàn bộ nước Việt Nam đều bốc lửa từ Khe Sanh đến Cà Mau"; "sức mạnh Huê Kỳ đã mất uy thế. Đội quân mạnh nhất thế giới đã bị đẩy vào tuyến phòng ngự trên toàn lãnh thổ"[3]. Còn Maicơn Máclia trong cuốn Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày nhận xét: "Chiến tranh Việt Nam có quá nhiều bất ngờ nhưng không có bất ngờ nào làm người ta phải sửng sốt nhiều hơn trận tiến công Tết. Đặc biệt, nó lại diễn ra ngay trong Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, nơi từng nhiều lần tuyên bố rằng tình hình tồi tệ đã qua rồi"[4]. Quả vậy, với việc lựa chọn hình thức tiến công và nổi dậy đồng loạt, bằng sự phối hợp giữa các chiến trường, Mậu Thân 1968 đã trở thành một trận quyết chiến chiến lược làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc kháng chiến. Đây thực sự là một sáng tạo độc đáo của Đảng ta về nghệ thuật lựa chọn hình thức và phương thức tiến công địch.
Thứ ba, chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu táo bạo, bất ngờ.
Chọn đô thị làm hướng tiến công chủ yếu là ta đã chọn vào nơi hiểm yếu nhất của kẻ thù. Lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta đưa chiến tranh vào đô thị, thực hiện một đòn đánh hiểm vào cơ quan đầu não của địch. Với lực lượng quân sự tinh nhuệ như đặc công, biệt động, kết hợp với mũi tiến công của lực lượng xung kích và các cuộc nổi dậy của quần chúng, các mục tiêu trọng yếu của địch trong đô thị đều bị Quân giải phóng tiến công và làm chủ. Với mục tiêu tiến công táo bạo, bất ngờ này, Thượng nghị sĩ Mỹ Rôbớt Kennơđi phải thốt lên: Tại sao nửa triệu lính Mỹ có 70 vạn lính Việt Nam cộng tác, có ưu thế hoàn toàn trên không và ngoài biển, được cung cấp đầy đủ và được trang bị những vũ khí hiện đại nhất lại không có khả năng bảo vệ được thành phố khỏi bị đối phương tấn công?
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngay cả khi quân và dân ta đã giải phóng được nhiều vùng nông thôn, rừng núi và đồng bằng rộng lớn, chúng ta cũng không chủ trương mở một cuộc tổng tiến công vào các đô thị để kết thúc cuộc kháng chiến. Với việc lựa chọn hướng và mục tiêu tiến công đánh đòn quyết định, việc tìm ra cách đánh tối ưu nhằm tạo hiệu lực chiến lược trên cơ sở tương quan lực lượng và vũ khí trang bị, cũng như việc phối hợp giữa các chiến trường, mặt trận trên quy mô toàn miền, cả nước đã làm cho cuộc tiến công trong Tết Mậu Thân trở thành một trận quyết chiến chiến lược chưa từng có trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là một sáng tạo độc đáo trong tư duy chiến lược của Đảng, một điển hình về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Thứ tư, huy động và phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại trong cuộc tiến công vào hệ thống dinh lũy sào huyệt của địch.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, ngay từ đầu năm 1967, cán bộ, đảng viên liên tục được bí mật tăng cường vào đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm nghiên cứu mục tiêu, gây dựng cơ sở, tạo chỗ đứng chân, bảo đảm vật chất cho các hoạt động chiến đấu, xây dựng hệ thống hầm chứa vũ khí và vận chuyển vũ khí từ căn cứ vào ém sẵn trong nội thành, phục vụ yêu cầu tác chiến. Các cơ sở cách mạng bí mật được hình thành, trong đó riêng Ban bảo đảm thuộc biệt động Thành đã xây dựng được 19 "lõm chính trị", "lõm" căn cứ gồm 325 gia đình công nhân và lao động trung kiên[5]... Bên cạnh đó, lực lượng quần chúng yêu nước, nhất là các nhân sĩ, trí thức được các tổ chức như Trí vận, Hoa vận, Công vận, Phụ vận... bí mật vận động, tập hợp trong các tổ chức công khai, bán công khai trở thành đội quân chính trị hùng hậu sẵn sàng tham gia tổng tiến công.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chúng ta đã huy động tổng lực từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đến đặc công, biệt động... Sức mạnh tổng hợp của lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang ba thứ quân; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa và nhỏ được phát huy, thể hiện nghệ thuật đánh địch bằng mưu cao, kế hiểm.
Mặc dù thời gian chuẩn bị trực tiếp cho nhiệm vụ chiến lược không nhiều, trong khi có quá nhiều khó khăn về vũ khí trang bị, lương thực và chia cắt về chiến trường... nhưng tất cả đều nổ súng đúng mục tiêu và thời gian quy định "với một sự hợp đồng về chiến lược tuyệt diệu"[6]. Đó chính là kết quả của trí thông minh, lòng quả cảm, với khát vọng cháy bỏng về một nền hòa bình, thống nhất, từ Bộ thống soái tối cao chỉ đạo cuộc chiến tranh đến những địa phương, đơn vị vũ trang, những tổ, đội biệt động, những chiến sĩ mới nhập ngũ trong đêm giao thừa, những người dân một lòng trung thành với cách mạng... đã biến những điều không thể trở thành hiện thực. Miền Bắc dồn sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn nhanh chóng mở rộng, tăng sức vận chuyển. Miền Nam khẩn trương chuẩn bị thế trận và lực lượng, hình thành các phương án công kích về quân sự và nổi dậy của quần chúng.
Dựa vào sự đùm bọc, đồng thuận, giúp đỡ, chở che, tham gia tích cực của nhân dân, các đơn vị đã triển khai thành công lối đánh dũng mãnh, táo bạo, bất ngờ, đồng loạt, nhằm trúng các mục tiêu yết hầu "huyết mạch", "tim óc" của địch ở các cơ quan đầu não từ trung ương tới địa phương của chính quyền Sài Gòn, các sở chỉ huy, các bộ tư lệnh quân đoàn, sư đoàn, sân bay, bến cảng, kho tàng, đầu mối giao thông... Đó là những mục tiêu tập trung sinh lực của địch, những mục tiêu nhạy cảm nhất trong bộ máy chiến tranh của chúng ở miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, cuộc tiến công vào Tòa Đại sứ Mỹ của các chiến sĩ biệt động Quân giải phóng vượt xa ý nghĩa của một trận đánh thông thường, gây tiếng vang lớn trên khắp thế giới và ở nước Mỹ.
Với tư duy "không thể đánh theo lối cũ", cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã giải quyết bài toán "thế nhùng nhằng, giằng co" được Bộ Chính trị giao cho "Tổ kế hoạch" trong hội nghị tháng 6-1967 và tạo nên chuyển biến lớn trên chiến trường. Tết Mậu Thân và những tác động của nó đã hiện thực hóa mục tiêu chiến lược: Phơi bày toàn bộ quá trình thất bại của Mỹ trên chiến trường cả về quân sự, chính trị; sự bất lực của một đạo quân đông tới gần 1,3 triệu, được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Cũng chính từ bản đồng ca được cất lên trong Xuân Mậu Thân 1968, đã buộc Tổng thống Mỹ Giônxơn phải công khai tuyên bố: đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quan trọng hơn, Mỹ buộc phải rút dần quân ra khỏi miền Nam Việt Nam trong khi chưa một mục tiêu nào được thực hiện. Việc trút bỏ gánh nặng chiến tranh lên vai chính quyền và quân đội Sài Gòn - một lực lượng vốn đã bại trận trước khi quân Mỹ buộc phải tham chiến và ngày càng phụ thuộc vào sự hiện diện của quân Mỹ về thực chất, đã làm cho Mỹ phải phụ thuộc vào chính kẻ đã và đang phụ thuộc vào mình.
Với tất cả những lý do đó, cho dù sau Tết Mậu Thân 1968, cuộc chiến vẫn còn kéo dài và rất quyết liệt - phải 5 năm sau Mỹ mới rút hết quân và 7 năm sau, chính quyền Sài Gòn mới sụp đổ hoàn toàn, nhưng với quyết định ngày 31-3-1968 của Tổng thống Mỹ Giônxơn, về thực chất, số phận cuộc chiến giữa đế quốc Mỹ và nhân dân Việt Nam đã được định đoạt.
Tuy chưa đạt được yêu cầu theo khả năng thứ nhất - một trong ba khả năng mà Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 dự kiến, nhưng thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tiếp tục khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn và quyết tâm to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi lĩnh vực, kinh tế đạt mức tăng trưởng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao và khẳng định. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng xuất hiện nhiều nguy cơ, khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Bằng chiến lược "diễn biến hòa bình", các thế lực thù địch lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế để tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam với những thủ đoạn mới, tinh vi, thâm độc, nguy hiểm.
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, bản chất truyền thống tốt đẹp và những chiến công oanh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Nghiêng mình tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, nhớ về thắng lợi Mậu Thân để suy nghĩ sâu sắc hơn về những nhân tố làm nên chiến thắng. Đó là khát vọng cháy bỏng của những người dân yêu nước Việt Nam về một nền hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc; đó là sự chỉ đạo chiến lược của Đảng trong nắm chắc tư tưởng tiến công, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, táo bạo và chọn đúng phương hướng cũng như thời cơ cụ thể; đó là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của toàn quân, toàn dân ta; đó còn là sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại nhằm tạo nên sức mạnh to lớn; là tình đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trên tinh thần vô sản quốc tế trong sáng.
Trân trọng lịch sử, những bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cần được kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới, đòi hỏi toàn quân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Với cơ sở và niềm tin từ thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với sự nỗ lực cao nhất của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản
[2]. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập V - Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.42.
[3]. Thượng tướng Trần Văn Trà: "Thắng lợi và suy nghĩ về thắng lợi", Tạp chí Lịch sử quân sự, số 2 năm 1988.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực