Nội dung cơ bản của công tác xây dựng Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 12/02/2018 - 14:02

a) Xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận

Phải dựa vào lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, lý luận. Trong việc tiếp nhận và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh lưu ý bốn điểm chính sau đây:

Một là, việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin là nhiệm vụ của mọi đảng viên. Nội dung học tập phải luôn phù hợp với từng đối tượng.

Hai là, việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin phải luôn luôn phù hợp với từng hoàn cảnh.

Ba là, trong quá trình hoạt động, Đảng ta phải chú ý học tập, kế thừa những kinh nghiệm tốt của các đảng cộng sản khác, đồng thời phải tổng kết kinh nghiệm của mình để bổ sung làm phong phú kho tàng chủ nghĩa Mác - Lênin.

Bốn là, Đảng ta phải tăng cường đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

b) Xây dựng Đảng về chính trị

Tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đảng về chính trị có nhiều nội dung, bao gồm: xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị; xây dựng đường lối chính trị; bảo vệ chính trị, củng cố lập trường chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị... Trong đó, theo Hồ Chí Minh, đường lối chính trị là một vấn đề cốt tử trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Người cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối chính trị gây hậu quả nghiêm trọng đối với vận mệnh của Tổ quốc, sinh mệnh chính trị của hàng triệu đảng viên và nhân dân lao động.

Đảng muốn xây dựng đường lối chính trị đúng đắn cần phải dựa trên những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ. Phải học tập kinh nghiệm của các Đảng Cộng sản anh em, nhưng phải tính đến những điều kiện cụ thể của đất nước và của thời đại để có đường lối chính trị đúng.

Đảng cần phải giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, thông tin thời sự cho cán bộ, đảng viên để họ luôn luôn kiên định lập trường, giữ vững bản lĩnh chính trị trong mọi hoàn cảnh.

c) Xây dựng Đảng về tổ chức

Về hệ thống tổ chức của Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Sức mạnh của các tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau; mỗi cấp độ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng.

Trong hệ thống tổ chức đảng, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ. Bởi lẽ, đối với bản thân Đảng, chi bộ là tổ chức hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên; chi bộ có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân.

Hồ Chí Minh đề ra một hệ thống các quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ. Người nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy, là mắt khâu trung gian nối liền giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Người cán bộ phải có đủ đức và tài, phẩm chất và năng lực, trong đó đức, phẩm chất là gốc.

Nội dung của công tác cán bộ bao hàm các mắt khâu liên hoàn, có quan hệ chặt chẽ với nhau: tuyển chọn cán bộ; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ; đánh giá đúng cán bộ; tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ; thực hiện các chính sách đối với cán bộ.

d) Xây dựng Đảng về đạo đức

Hồ Chí Minh khẳng định: Một Đảng chân chính cách mạng phải có đạo đức. Đạo đức tạo nên uy tín, sức mạnh của Đảng, giúp Đảng đủ tư cách lãnh đạo, hướng dẫn quần chúng nhân dân. Có đạo đức cách mạng trong sáng, Đảng ta mới lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Đó là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và cũng là tư cách số một của Đảng cầm quyền.

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức của Đảng ta là đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Đạo đức đó mang bản chất của giai cấp công nhân, cũng là đạo đức Mác - Lênin, đạo đức cộng sản chủ nghĩa, phù hợp với truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Giáo dục đạo đức cách mạng là một nội dung quan trọng trong việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Nó gắn chặt với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức, nhằm làm cho Đảng luôn luôn thật sự trong sạch. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[1].

Quan tâm đến vấn đề đạo đức, gắn đạo đức với tư cách của một Đảng chân chính cách mạng, Hồ Chí Minh đã bổ sung, mở rộng, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nội dung công tác xây dựng Đảng, phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử của các nước phương Đông và Việt Nam.

Bài viết trích trong cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh (Chương trình bồi dưỡng chuyên đề dành cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân
do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622.

Bình luận