Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân

Ngày đăng: 14/02/2018 - 08:02

Trên thế giới hiếm có vị đứng đầu nhà nước nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi khi năm mới tới - Tết đến xuân về đều có thơ chúc Tết - mừng Xuân đồng bào, chiến sĩ cả nước và bầu bạn khắp năm châu, trở thành nét đẹp văn hóa của Bác và của dân tộc.

Sinh thời của Bác, cứ đến thời khắc giao thừa thiêng liêng của đất trời và lòng người, nhân dân ta hồi hộp, xúc động đón nghe tiếng nói ấm áp, hiền từ, âm vang của Bác Chúc mừng năm mới, Mừng xuân mới, Mừng Việt Nam, Mừng thế giới. Bác để lại cho chúng ta 22 bài thơ Chúc Tết - mừng Xuân, đó là những bài thơ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân bất hủ trong gia tài thơ xuân của dân tộc.

Đọc thơ xuân, làm thơ chúc Tết đã là một sinh hoạt truyền thống trong đời sống cũng như trong văn học của dân tộc chúng ta. Song, có một điều khác hẳn là, thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác Hồ không phải là thơ chúc tụng thường tình. Thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác trước hết là tình cảm rộng lớn vĩ đại, chân thành, trung hậu của Bác đối với nhân dân, đối với dân tộc, đối với con người. Đọc thơ Bác và qua những biểu hiện thực tế trong cuộc sống hằng ngày của Bác, ta thấy Bác rất yêu thương con người, quan tâm chăm sóc đến mọi người, động viên mọi người vươn lên cùng đồng tâm hiệp lực trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Hình ảnh Bác khắc sâu trong mỗi người dân đất Việt. Như chúng ta biết, trong thời khắc giao thừa linh thiêng và những ngày mồng một đầu năm mới, Bác thường đến thăm những gia đình nghèo khó ở một số ngõ phố của nhân dân lao động Thủ đô, hoặc về ăn Tết với đồng bào Hà Bắc; khi thì đến tận mâm pháo chúc mừng một đơn vị bộ đội, khi thì cùng đi trồng cây với cán bộ và nhân dân trên đồi Vật Lại (Hà Tây)... Sự quan tâm của Bác đối với con người thật là sâu sắc, và cái tình của Bác thật mênh mông. Ở Bác đã quy tụ những tình cảm của nhân dân ta từ ngàn xưa hoà hợp với tâm hồn của người cách mạng vĩ đại.

Trong 22 bài thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác, Bác dùng tới 20 chữ Chúc, 25 chữ Mừng, 18 chữ Xuân, 4 chữ Tết giàu sắc thái biểu cảm và ý nghĩa khác nhau. Trong nhiều bài thơ, đầu các câu thơ là lời Mừng, lời Chúc:

...

Mừng năm Thìn vừa qua,

Mừng Xuân Tỵ đã tới.

Mừng phát động nông dân,

Mừng hậu phương phấn khởi.

Mừng tiền tuyến toàn quân

Thi đua chiến thắng mới.

Mừng toàn dân kết đoàn,

Mừng kháng chiến thắng lợi.

Mừng năm mới, nhiệm vụ mới,

Lực lượng mới, thành công mới.

Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào,

Mừng phe dân chủ hòa bình thế giới.

(Chúc Tết Quý Tỵ - 1953)[1]

...

Chúc miền Bắc hăng hái thi đua!

Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!

Chúc hòa bình thống nhất thành công!

Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!

(Chúc Tết Tân Sửu - 1961)2

Mùa xuân năm 1942, sau một năm về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Bác viết bài thơ chúc Tết đầu tiên - bài Mừng xuân 1942 giữa lúc chiến tranh thế giới đang ở thời kỳ ác liệt, dân ta tuy còn dưới ách áp bức bạo tàn của phát xít Nhật và thực dân Pháp, nhưng cách mạng đã có đường hướng và lực lượng, dân tộc đã đứng trước ngưỡng của thời kỳ độc lập dân tộc, bài thơ như một sự báo hiệu một mùa xuân cách mạng đang tới. Những lời chúc chân tình xuất phát từ tình hình thực tế của đất nước và thế giới bằng cái nhìn lạc quan, hướng về tương lai mà thành thơ:

...

Năm cũ qua rồi chúc năm mới:

Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi;

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!

Chúc toàn quốc ta trong năm này,

Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới![2]...

Những lời chúc, lời mừng đầu năm của Bác gói ghém xiết bao tình cảm yêu nước, yêu dân, lòng hữu ái giai cấp, tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Tình cảm ấy thấm sâu vào lòng người một cách thiết tha, đầm ấm mà cũng xao xuyến, rạo rực bật ra sức mạnh tiềm tàng của truyền thống, của hiện tại và của cả tương lai.

Thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác là một hiện tượng rất dân tộc, độc đáo, và độc đáo hơn nữa trong Thơ chúc Tết - mừng Xuân ấy lại là đường lối cách mạng cụ thể của một năm, một giai đoạn. Nếu tổng hợp toàn bộ những bài thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác theo trật tự thời gian, thì một hiện tượng hết sức diệu kỳ hiện ra, đó là đường lối cách mạng của Đảng, của Bác qua những chặng đường cụ thể, của hai cuộc kháng chiến oanh liệt với những chiến thắng, những chiến công tiếp nối chiến công được thể hiện bằng một hình thức giản dị, nôm na, dễ hiểu. Cho nên giá trị to lớn của Thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác không có gì so sánh được, - những bài thơ ấy đã đi vào quần chúng, làm cho quần chúng nhận thức được đường lối cách mạng, mục tiêu cách mạng và ý thức được nhiệm vụ của mình một cách rõ ràng với một quyết tâm cao.

Trong thơ Bác, cái tình và đường lối cách mạng thẩm thấu, quyện chặt vào nhau, cũng như nhà tư tưởng, nhà chính trị và nhà thơ thống nhất làm một. Đường lối nâng cái tình lên mức cao quý thiêng liêng, cái tình đưa đường lối đi vào quần chúng nhẹ nhàng, cơ động.

Thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác còn là hồi kèn xung trận, là khẩu hiệu hành động, là lời kêu gọi, lời hịch của cha ông và của Đảng hoà vào tiếng nói, tiếng thơ của một con người thời đại, một lãnh tụ vĩ đại. Lời Chúc năm mới của Bác vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mồng một Tháng Giêng năm Đinh Hợi - 1947 là phát súng lệnh, là Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông:

...

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

(Chúc Tết Đinh Hợi - 1947)[3]

Khi cuộc kháng chiến đến giai đoạn quyết liệt, Bác kêu gọi:

Xuân này kháng chiến đã năm xuân,

Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công

Toàn dân hăng hái một lòng

Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời.

(Chúc Tết Tân Mão - 1951)2

Ta thắng, thực dân Pháp thua. Cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm kết thúc. Miền Bắc bước vào mùa xuân tươi đẹp, mùa xuân của chủ nghĩa xã hội Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh; miền Nam giữ vững thành đồng Đấu tranh tiến tới với sức triệu người hơn sóng biển Đông, quyết giành bằng được Hoà bình thống nhất.

Đế quốc Mỹ điên cuồng ồ ạt đem quân xâm lược miền Nam, trắng trợn leo thang đánh phá dã man miền Bắc. Toàn dân tộc ta Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Bài thơ cuối cùng của Bác Chúc Tết Kỷ Dậu - 1969 trở thành lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết của Tổ quốc, là lời hịch của cha ông ta vang vọng từ ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

(Chúc Tết Kỷ Dậu - 1969)[4]

Đồng chí Xuân Thuỷ đã nói đúng cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta về thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác:

Mỗi vần thơ chúc Tết tối ba mươi

Như pháo nổ, như hoa cười, như truyền hịch

(Đinh ninh lời thề)

Những lời chúc, lời mừng chân thành nhất xuất phát từ một tâm hồn nhân hậu, cao cả, một tầm tư tưởng lớn của thời đại khi nói, khi viết là thành thơ. Thơ ấy thân ái nôm na mà không rơi vào tầm thường chút nào, rất giản dị mà không dễ dãi, tiếng nói thông thường nhưng lại là tiếng nói của thơ. Thơ ấy sống và sống mãi.

Sức sống của thơ Bác là nói một cách dễ hiểu, sâu sắc, hàm súc về những vấn đề trung tâm của cách mạng đáp ứng sự chờ đón, khát khao của quần chúng, giải đáp những câu hỏi của thời đại. Bất cứ bài thơ chúc Tết - mừng Xuân nào của Bác cũng xuất phát từ yêu cầu, từ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Chẳng hạn như Bác chúc Tết đồng bào năm 1954:

Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:

- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,

- Cải cách ruộng đất là công việc rất to.

Dần dần làm cho người cày có ruộng, khỏi lo nghèo nàn.

Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,

Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.

Hoà bình dân chủ thế giới khắp Nam Bắc Tây Đông,

Năm mới, thắng lợi mới, thành công càng nhiều.

(Chúc Tết Giáp Ngọ - 1954)[5]

Chất liệu của thơ Bác là chất liệu của hiện thực, hiện thực được ánh sáng lý tưởng soi rọi nên vừa chân thật, vừa bay bổng. Tất cả đều hài hoà trong cái nhìn toàn diện, thấu đáo:

Năm Dần, mừng xuân thế giới,

Cả năm châu phấp phới cờ hồng.

Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,

Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong.

Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới,

Sức triệu người hơn sóng biển Đông.

...

(Chúc Tết Nhâm Dần - 1962)[6]

hoặc:

Mừng miền Nam rực rỡ chiến công,

Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plâyme, Đà Nẵng...

Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng,

Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng

(Chúc Tết Bính Ngọ - 1966)[7]

Thơ Bác rất linh hoạt, đa dạng, không bị câu thúc bởi niêm luật hoặc sự gò bó của thể loại. Thơ Bác luôn luôn phù hợp, bám sát yêu cầu của lời mừng, lời chúc hằng năm. Bác sử dụng nhiều thể thơ: đường luật, tứ tuyệt, lục bát... và cả thể thơ tự do nữa.

Đây là những vần thơ lục bát thiết tha:

Bắc Nam như cội với cành

Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng.

Rồi đây thống nhất thành công

Bắc Nam ta lại vui chung một nhà.

...

(Chúc Tết Giáp Thìn - 1964)[8]

Những bài thơ tứ tuyệt như một bài ca:

Xuân về xin có một bài ca,

Gửi chúc đồng bào cả nước ta:

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,

Tin mừng thắng trận nở như hoa!

(Chúc Tết Đinh Mùi - 1967)2

Trong các bài thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác có nhiều bài nghiễm nhiên gia nhập thơ ca dân gian, nhiều bài đã là đề tài cho sáng tác âm nhạc. Gần đây, các nhạc sĩ đang cố gắng từ những bài thơ của Bác sáng tạo và làm phong phú thể hát chúc, hát mừng của nền âm nhạc dân tộc.

Bác và Đảng đã mở ra cho dân tộc ta một mùa xuân mới, chúng ta kiên quyết giữ gìn lấy. Bác rất yêu mùa xuân. Thơ chúc Tết của Bác bao giờ cũng gắn với mừng xuân. Mùa xuân là của Bác, của Đảng, của toàn dân tộc ta. Không phải ngẫu nhiên mà Bác viết nhiều về mùa xuân, về Tết, có những câu Bác nói đến ba lần xuân:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.

(Nguyên Tiêu)[9]

(Đêm nay, rằm tháng Giêng, trăng vừa tròn,

Sông xuân, nước xuân liền với trời xuân).

Xuân trong thơ Bác khoáng đạt, tươi vui.

Xuân trong thơ Bác là xuân của đất nước, của dân tộc. Đất nước đang vào xuân, cảnh đông tàn đang qua cảnh huy hoàng ngày xuân đã đến và đang đến. Đã bao nhiêu năm chiến đấu và xây dựng đất nước, đã bao nhiêu năm Tết trồng cây làm theo lời Bác, đang thực sự làm cho đất nước càng ngày càng xuân làm cho Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên (Một năm là cả bốn mùa xuân).

Bác - Đảng - Mùa Xuân là một.

Mỗi khi đất nước sang xuân, mỗi lần Tết đến, chúng ta lại khám phá thêm được cái hay, cái đẹp của thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác. Từ ngày Bác đi xa, quân và dân hai miền Nam - Bắc đã thực hiện lời Bác dạy. Đế quốc Mỹ đã cút, ngụy đã nhào, non sông thu về một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà, Tổ quốc hoàn toàn độc lập, tự do, nhưng khi giây phút thiêng liêng giao thừa đến không còn được nghe tiếng nói hiền từ, ấm áp vang xa của Bác chúc Tết, mừng Xuân đồng bào, chiến sĩ và bầu bạn quốc tế. Dẫu vậy, những bài thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác vẫn đi cùng năm tháng, vẫn âm vang trong lòng mọi người mỗi khi Tết đến xuân về. Bác sống trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Vẫn muốn mượn mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu làm lời kết luận:

Bác ơi!

Tết đến giao thừa đó

Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần

Ríu rít đàn em vui pháo nổ

Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân.

(Theo chân Bác)

Bài viết trích trong cuốn Thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác Hồ và lời bình
do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản



[1], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.65; t.13, tr.40.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.249.

[3], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.20; t.7, tr.2.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.531-532.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.400.

[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.335.

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.1.

[8], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.224; t.15, tr.257.

[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.467.

Bình luận