Nhớ lời Bác Hồ dạy tết trồng cây

Ngày đăng: 18/02/2018 - 15:02

Cứ mỗi mùa Xuân sang, Bác Hồ mong mỗi người Việt Nam ta đón Tết cổ truyền dân tộc trong mùa Xuân vui vẻ, xứng đáng với Xuân và để mừng Xuân bằng việc làm thiết thực Tết trồng cây.

Với tầm nhìn chiến lược về tương lai, Tết trồng cây là công việc mà Bác Hồ đã phát động cho toàn dân ta từ tháng 11-1959. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy ở đó những ý nghĩa sâu xa bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam cũng như những ý tưởng đi trước thời đại trong việc giữ gìn môi trường thiên nhiên, sinh thái của Bác Hồ.

Tết trồng cây là một công việc có ý nghĩa lớn lao:

Trước hết, đó là việc làm thiết thực để chào mừng ngày Đảng ta ra đời, điều đó Bác Hồ đã chỉ rõ trong những bài Người viết về Tết trồng cây: “Để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt”; “Khắp mọi nơi đang nhộn nhịp chuẩn bị Tết trồng cây để chào mừng một cách thiết thực ngày thành lập Đảng ta. Đó là một phong trào rất tốt”.

Bác nêu lên cho toàn dân phong trào Tết trồng cây khi nước nhà chưa được thống nhất, cho nên Bác kêu gọi nhân dân miền Bắc: “Ta trồng cây cho ta và cho cả miền Nam nữa”. Vậy là Tết trồng cây cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

Tết trồng cây đưa đến cho mỗi người, mỗi gia đình việc làm niềm vui trong tình cảm truyền thống Việt Nam đón Tết cổ truyền của dân tộc “Vui Tết trồng cây, nơi nơi phấn khởi, người người thi đua”. Và từ việc làm đó đã mang lại nguồn lợi lớn cho cuộc sống và môi trường: Nếu làm đúng được điều Bác dạy “Mùa Xuân là Tết trồng cây, mỗi người Việt Nam (trừ các cháu bé) trồng một cây và chăm sóc tốt (ngoài kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước)”, thì mỗi năm đất nước Việt Nam có vài chục triệu cây, và “Vì lợi ích 10 năm trồng cây” thì độ 10 năm “trong làng mạc và bên đường cái khắp đất nước Việt Nam” sẽ có hàng trăm ngàn triệu cây. Điều đó đưa lại kết quả như Người đã chỉ rõ “Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân”. Và Tết trồng cây sẽ tạo nên một màu xanh cho đất nước - xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển - góp phần bảo vệ mùa màng, bảo vệ xóm làng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, hạn chế được những thiệt hại của mưa bão, sạt lở đất và xói mòn. Thế là “trồng cây tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”.

“Mùa Xuân là Tết trồng cây”, chính là “loài người lợi dụng cái luật tự nhiên của tạo hoá” để làm sôi động cuộc sống của tạo hoá, của con người” cho nên “Tết trồng cây mùa Xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui”.

Bác bảo đầu năm mọi người hãy thực hiện việc trồng cây, gợi nhớ cho mỗi chúng ta về sự chăm chút lo toan tới đạo lý sống trồng cây để trồng người, điều đó như Bác đã dạy: “Một năm bắt đầu từ mùa Xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ”; điều đó như trong lần kỷ niệm sinh nhật đầu tiên (19-5-1946) của Bác, Bác tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo đến chúc mừng nhân ngày sinh của Người, Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu về chăm nom cho cây nhớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người gương mẫu giữa nói và làm. Ngoài thì giờ làm công việc cho Đảng, cho dân, Người luôn tranh thủ thời gian tham gia lao động, sản xuất như cuốc đất, trồng rau, trồng cây. Tết năm 1960 - Tết mừng Đảng ta 30 tuổi, mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh, Bác Hồ đi trồng cây tại Công viên hồ Bẩy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất), bắt đầu từ đó đến nay và mãi mãi về sau, Bác Hồ cho chúng ta những mùa Xuân có ý nghĩa nhân văn: cứ ngày Tết đến, đất nước, nhân dân lại nô nức thực hiện Tết trồng cây mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, và là để đền ơn trả nghĩa công lao Bác Hồ. Và cũng bắt đầu từ đây, Bác luôn theo dõi, cổ vũ động viên, khen thưởng gương “người tốt việc tốt” của Tết trồng cây. Bác Hồ đã từng căn dặn: những việc tuy nhỏ, nhưng có ích như thế là phẩm chất đẹp, góp gió thành bão, nhiều việc nhỏ tốt cộng lại sẽ trở thành sức mạnh vĩ đại tạo nên lòng kính phục và sự mong muốn noi theo. “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng” xây dựng con người mới, xã hội mới; Những gương người tốt việc tốt đều là người thật, việc thật, có tác dụng thiết thực giúp cho mỗi người đều có thể học tập, noi theo, để qua đó mà xem xét ngay chính mình. Người tốt việc tốt của Tết trồng cây cũng là thể hiện ý nghĩa đó. Bác Hồ đã tặng huy hiệu của Người cho những người làm tốt công việc trồng cây: Báo Nhân dân ngày 30-1-1962 đưa tin Bác Hồ thưởng huy hiệu của Người cho hai thanh niên (Tiến và Long) đã có thành tích hăng hái trồng cây; ngày 5-2-1964, Bác tặng huy hiệu cho các cụ: Dương Đình Đông 60 tuổi ở Kim Anh - Vĩnh Phúc tích cực trồng cây (được 14.000 cây các loại) và chăm sóc cây giỏi trong năm 1963; cụ Lạng 60 tuổi ở Mai Thuỷ - Lệ Thuỷ - Quảng Bình cũng trồng cây và chăm sóc cây giỏi, đồng thời vận động mọi người tham gia phong trào trồng cây...

Khi Bác Hồ bước sang tuổi thuộc “lớp người xưa nay hiếm”, Bác càng chăm lo nhiều hơn cho sự nghiệp trồng cây, trồng người, cho công việc “định từ mùa Xuân” Tết trồng cây:

Ngày 1-2-1969, Bác gặp ông Tổng cục trưởng Lâm nghiệp về bài Tết trồng cây, căn dặn viết thư cho Uỷ ban Hành chính Lạng Sơn bảo vệ cho được những loại cây gỗ quý hiếm còn lại; ngày 5-2-1969, bài báo cuối cùng của Bác, Tết trồng cây đăng trên báo Nhân dân. Trong bài báo này, Bác dẫn chứng nhiều về các địa phương, cá nhân có nhiều thành tích trồng cây, gây rừng, nhắc nhở một số địa phương còn yếu trong công tác này và Người chỉ ra rằng, muốn làm tốt công tác trồng rừng, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ngành cần làm tốt công tác vận động quần chúng, quan tâm đúng mức đến lợi ích của họ để phong trào trồng cây gây rừng ngày càng được mở rộng và sôi nổi. Bài báo kết luận: “Kinh nghiệm cho thấy rằng: mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực”.

Và ngày 16-2-1969 (tức ngày mồng một Tết Kỷ Dậu), Bác đến đồi trồng cây “Đón Bác Hồ” và trồng cây ở xã Vật Lại - huyện Ba Vì - khi đó thuộc tỉnh Hà Tây. Nói chuyện và chúc Tết nhân dân địa phương, Bác nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hoà. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Hôm ấy, trồng cây xong, đã gần trưa, đồng chí Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã đã xin mời Bác ăn bữa cơm Tết cùng địa phương. Bác bảo: Bác cảm ơn vì những người giúp việc đã chuẩn bị cơm cho Bác rồi và Bác mời đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã sang ăn cơm cùng Bác. Việc Bác không ăn cơm với xã có nguyên do: lần Bác về thăm Hưng Yên, các đồng chí ở tỉnh mời Bác ăn cơm, Bác nhận lời. Nhưng rồi sau đó tỉnh có làm bản thanh toán tài chính ghi rõ “thịt một con bò”. Từ đó, mỗi khi về địa phương làm việc, Bác thường mang cơm từ nhà đi để tránh tiếng như Bác đã nói: hôm đó về thăm, Bác ăn có vài miếng thịt bò mà họ quyết toán chiêu đãi Bác Hồ cả một con bò, và như thế Bác Hồ bao che cho cái chuyện xôi thịt. Và sáng mồng một Tết năm 1969, Bác cũng không để có ngoại lệ. Đây là lần cuối cùng và là cây cuối cùng Bác trồng để gieo mầm cho sự sống đời sau và cũng là bữa cơm ngày Tết cuối cùng của Bác khi về địa phương - đó là tấm gương đạo đức soi sáng cho lẽ đời.

Cũng trong dịp Tết trồng cây năm Kỷ Dậu ấy, Bác Hồ đã thưởng huy hiệu của Người cho những cụ già có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây gây rừng. Đây là những người cuối cùng được nhận huy hiệu của Bác về phong trào Tết trồng cây: cụ Trần Văn Cựu, xã Đức Lập - Đức Thọ - Hà Tĩnh; cụ Kiều, xã Tứ Mỹ - Quảng Bình; cụ Trường Đình Gióng, xã Yên Tiến - Ý Yên - Nam Định; cụ Dương Thị Na, hợp tác xã Úc Sơn - xã Hương Sơn - Phú Bình - Thái Nguyên.

Xuân mới lịch mới tới, Tết trồng cây theo lời dạy của Bác lại về trong hoàn cảnh đất nước đang trong công cuộc đổi mới, hội nhập với thế giới, đem lại thêm sức mạnh tinh thần và ý chí phấn đấu để xây dựng Tổ quốc Việt Nam. Cũng như mùa Xuân của trời đất, mùa Xuân của dân tộc, bên cạnh những bông hoa tươi và nắng ấm vẫn còn những buổi mưa phùn và gió rét. Ngày nay bên cạnh những xu hướng tích cực trong sự nghiệp trồng cây, trồng rừng, không tránh khỏi những tiêu cực đáng đau lòng bởi vẫn còn những cấp, những ngành, những địa phương chưa coi trọng việc trồng cây gây rừng, chưa coi sự nghiệp trồng cây mà Bác Hồ gieo mầm là sự nghiệp quốc kế dân sinh; thậm chí đang có những kẻ quan tham ăn chặn tiền của những dự án của Nhà nước về trồng rừng; lâm tặc tàn phá rừng đang gây nguy hại cho môi trường thiên nhiên, cho cuộc sống của con người. Chỉ nhìn qua những cơn bão lũ tràn vào trong thời gian gần đây đã làm chết hàng trăm người, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, trong đó có nguyên nhân chủ quan của chính con người - chỉ vì mưu lợi trước mắt mà con người đã huỷ hoại chính đồng loại của mình như: nạn phá rừng và kể cả những dự án trồng rừng trên giấy, diện tích che phủ rừng trước kia là 70% thì bây giờ chỉ còn 40%. Rừng là cái ô sinh thái chống mưa lũ, nhưng nay cái ô đó bị rách tơi tả thì mưa to bao nhiêu sẽ tạo thành lũ bấy nhiêu. Rồi ngoài dự án trồng 5 triệu hécta rừng bị phá sản sau nhiều năm thực hiện vì bị lâm tặc tàn phá năm sau cao hơn năm trước - cho ta thấy rõ khi môi trường bị tàn phá ghê gớm sẽ gây nên sự nổi giận của thiên nhiên đối với con người.

Từ thực tế này, mỗi người chúng ta càng thấy giá trị lớn lao lời Bác Hồ dạy từ những năm 60 của thế kỷ trước về Tết trồng cây. Thấm thoát đã hơn 40 năm vắng bóng Người, nhớ về Tết trồng cây, chúng ta càng nhớ Bác Hồ và thấy Bác vẫn còn sống mãi như màu xanh bất tử của cây rừng. Mong sao việc học lại những điều dạy và những việc Bác Hồ làm về Tết trồng cây để mỗi người chúng ta suy nghĩ và cố gắng phấn đấu: Xuân về ta tiếp tục sự nghiệp trồng cây, trồng người mà Bác Hồ đã chăm lo để đất nước ta càng ngày càng Xuân.

Bài viết trích trong cuốn Bác Hồ chúc tết
do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Bình luận