Một mùa xuân mới nơi ý Đảng gặp lòng dân

Ngày đăng: 17/02/2018 - 14:02

Chặng đường 88 năm qua đã chứng minh rằng, mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng là mối quan hệ khăng khít, máu thịt. Lòng dân là gốc của ý Đảng, ý Đảng xuất phát từ lòng dân chính là điểm giao khiến cho mối quan hệ ấy tăng sức mạnh lên bội phần, là nền tảng cho mọi thành công của sự nghiệp cách mạng. Gìn giữ, vun đắp mối quan hệ tốt đẹp đời đời “lòng dân - ý Đảng” mãi là nhu cầu, đòi hỏi nội tại, đồng thời là mệnh lệnh sống còn trong thời đại hiện nay.

2. diễu hành nhân kỉ niệm 65 năm ngày Quốc khánh 29

Nhân dân - ngọn nguồn sức mạnh của Đảng

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặt quan điểm “lấy dân làm gốc” lên hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Theo Người, muốn cho dân tin, muốn được lòng dân, Đảng phải thực hành “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Vấn đề quan trọng bậc nhất là Đảng phải mang lại lợi ích cho Nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân, mang lại cho Nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động của mình, Ðảng ta luôn khẳng định: Toàn bộ hoạt động của Ðảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Sức mạnh của Ðảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân. Ðây là thuộc tính bản chất và là cội nguồn sức mạnh của Ðảng. Ðảng chăm lo mọi mặt đời sống Nhân dân, từ những việc lớn như lựa chọn con đường phát triển, đến những việc thiết thực hằng ngày: cơm ăn, áo mặc, tương cà, mắm muối. Hễ còn một người dân đói, bệnh tật, chưa biết chữ thì Ðảng chưa hoàn thành nhiệm vụ, chưa làm tròn bổn phận với Nhân dân.

Thực tế đã chứng minh, Đảng không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mà còn là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Một mặt, Đảng đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh soi đường, dẫn lối cho Nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi. Mặt khác, Nhân dân và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng chính là yếu tố làm nên mọi thắng lợi của Đảng, của cách mạng ViệtNam. Đó là biện chứng của lịch sử.

Soi lại lịch sử dân tộc, có thể thấy tư tưởng “lấy dân làm gốc” được hình thành từ rất sớm và đã trở thành nền tảng kế sách dựng nước và giữ nước của ông cha từ hàng nghìn năm qua. “Dân là gốc của nước nhà, gốc có vững thì nước mới yên” đã trở thành triết lý dựng nước, giữ nước của các triều đại phong kiến tiến bộ. Triết lý đó ngời sáng trong bài thơ thần Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt; thượng sách giữ nước của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”; trong tuyên ngôn “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” của Nguyễn Trãi...

Thế kỷ XX, sức mạnh vô địch của Nhân dân được nâng lên tầm cao trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Cách mạng Tháng Tám 1945 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, là sự hiện thực hóa khát vọng cháy bỏng và ý chí quyết tâm giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân của toàn Đảng, toàn dân ta. Trong số những bài học lớn rút ra từ thắng lợi vĩ đại này, nổi lên hàng đầu vẫn là sức mạnh của Nhân dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” rồi sau này là thắng lợi quyết định của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - những mốc son chói lọi ấy đều tỏa sáng trong những trang sử hào hùng của dân tộc bằng sức mạnh kỳ diệu của sự đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngược dòng lịch sử có thể thấy rằng, trọng dân, yêu dân, xây đắp niềm tin trong Nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng, cũng là yếu tố quyết định thành bại, sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Không có niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đội ngũ cán bộ, không được sự ủng hộ từ Nhân dân, không phát huy được sức mạnh nội lực của Nhân dân, chắc chắn không thể có được thành công.

Niềm tin nơi Nhân dân không tự nhiên mà có, nó được khởi dựng và đắp bồi từ chính sự mẫu mực, trong sạch, đạo đức, văn minh của Đảng, trước hết là của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.

Ngăn chặn xói mòn, đắp bồi tin tưởng

Bên cạnh những thành quả to lớn đã đạt được, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong nội bộ Đảng cũng đã bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt làm ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ lòng dân - ý Đảng. Bức xúc là tình trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”1, trong khi các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng. Có đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi: phải chăng chúng ta đang phung phí lòng tin của Nhân dân? Những cụm từ “bổ nhiệm thần tốc”, “sân sau”, những câu chuyện được Nhân dân truyền tai nhau về tiêu cực trong lựa chọn cán bộ: “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ”, “một người làm quan, cả họ được nhờ”… đang làm nhức nhối dư luận xã hội, bào mòn lòng tin của Nhân dân.

Trước nguy cơ đánh mất lòng tin trong Nhân dân, Đảng ta đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và đánh giá đúng sự thật. Ngày 16-1-2012, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” - một nghị quyết được viết rất ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều nội dung cơ bản và quan trọng với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là kiên quyết, kiên trì khắc phục những khuyết điểm, yếu kém kéo dài trong Đảng và tạo bước đột phá về công tác cán bộ. Nội dung cốt lõi của Nghị quyết gồm 3 vấn đề cấp bách và 4 nhóm giải pháp, trong đó, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của Nhân dân đối với Đảng được xác định là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Bốn năm sau, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đánh giá “việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị”2. Tuy nhiên, một số việc vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, trong đó “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”3. Nghị quyết Trung ương đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trên thực tế, sự suy thoái được biểu hiện dưới nhiều dạng thức: tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, “lợi ích nhóm”, cá nhân chủ nghĩa, mất dân chủ, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Nhiều cán bộ, đảng viên sống xa dân, vô trách nhiệm với dân; quan liêu, gia trưởng, độc đoán; v.v.. Đáng chú ý là những hiện tượng này không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí 112/168 quốc gia về chỉ số cảm nhận mức độ tham nhũng theo khảo sát của tổ chức Minh bạch Quốc tế; năm 2016 đứng ở vị trí 113 trong tổng số 176 quốc gia trên bảng xếp hạng toàn cầu, nằm trong nhóm nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng. Trong khi đời sống Nhân dân còn rất nhiều khó khăn, thì có những cán bộ, đảng viên không chỉ vô cảm, vô trách nhiệm trước những khó khăn của dân, mà còn lợi dụng chức quyền để thu vén cá nhân, đục khoét, vơ vét của công, làm giàu bất chính. Dù đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, không phải đại diện cho phẩm chất của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhưng chính những “con sâu”, “con mọt” đó đã làm tổn thương tình cảm và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Quyết không để những hiện tượng đó làm xói mòn bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Đảng, làm cản trở ý Đảng gặp lòng dân, Đảng ta đã quyết tâm siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng để lấy lại niềm tin nơi Nhân dân. Trong 5 năm (chủ yếu là 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật gần 1.400 tổ chức đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp. Trong số bị kỷ luật, có 82 tỉnh ủy viên và tương đương; hơn 1.500 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; hơn 8.700 bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật4.

Từ sau Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là kể từ sau Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, có thể nói công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Chỉ trong năm 2017, hàng loạt vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý, trong đó có những vụ việc liên quan tới nhiều cán bộ cấp cao, có cả Ủy viên Bộ Chính trị. Kỷ luật của Đảng không có “vùng cấm”, không có sự nể nang, né tránh, phân biệt giữa trung ương và địa phương, giữa cán bộ cấp thấp và cấp cao, giữa cán bộ đương chức và nghỉ hưu… Những điều đó cho thấy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang trở thành cao trào; lòng tin của dân đang phục hồi, củng cố.

Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân… ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”5. Khó khăn còn nhiều vô kể. Nhưng không thể không làm. Đảng ta đang quyết tâm tập trung toàn lực lượng để lấy lại lòng tin của Nhân dân bằng những hành động dứt khoát, quyết liệt. Nhân dân đồng lòng, ủng hộ Đảng. Một mùa xuân mới chứa chan niềm tin, hy vọng đang về báo hiệu sự hòa hợp ý Đảng lòng dân ở tầm cao mới với sức mạnh mới.

GS.TS. PHÙNG HỮU PHÚ

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương,

Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22.

2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 20, 22.

4. www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/ky-luat-nghiem-minh-de-dang-them-vung-manh-487567.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 250-251.

Bình luận