Mỗi quan hệ giữa bí thư với cấp ủy
Một trong ba nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng được Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI đề ra là "xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị". Việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của bí thư với cấp uỷ thực chất là sự tiếp tục cụ thể hoá nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" theo quy định của Điều lệ Đảng.
Lâu nay, cơ chế tập thể lãnh đạo trong mỗi đảng bộ (đại hội, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, thường trực cấp uỷ) và cá nhân phụ trách (đảng viên, cấp uỷ viên, bí thư, phó bí thư) chưa được quan tâm nghiên cứu nhằm xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn trong nội bộ tổ chức đảng và trong mối quan hệ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Bài viết này tập trung làm sáng tỏ mối quan hệ giữa bí thư và tập thể cấp uỷ - mối quan hệ chủ yếu, quan trọng trước tiên cần được quy chế hoá.
1. Tập thể cấp uỷ và cá nhân bí thư
Đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên thực hiện vai trò lãnh đạo tập thể trước tiên và có thẩm quyền cao nhất của mỗi đảng bộ, chi bộ nhưng lại kết thúc mọi hoạt động ngay sau đại hội. Cấp uỷ (gọi tắt của ban chấp hành đảng bộ, chi bộ) do đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên bầu ra là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội. Như vậy, trong suốt cả nhiệm kỳ, sự lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ phụ thuộc hoàn toàn vào cấp uỷ.
Cách nói "cấp uỷ" hay "tập thể cấp uỷ" chỉ là một vì cấp uỷ là một tập thể với số lượng cụ thể do đại hội quyết định theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương. Thành viên trong cấp uỷ gọi là cấp uỷ viên.
Mặc dù cấp uỷ là cơ quan lãnh đạo thực hiện nghị quyết đại hội, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, song việc lãnh đạo chủ yếu diễn ra tại các kỳ họp, thường lệ là ba tháng một lần đối với cấp tỉnh, cấp huyện và một tháng một lần đối với cấp uỷ cấp cơ sở nên lại phải tiếp tục "uỷ quyền" hầu hết các công việc cho ban thường vụ cấp uỷ. Như vậy, ban thường vụ cấp uỷ thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của đại hội đại biểu, nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ cùng cấp và của cấp trên; quyết định những vấn đề về chủ trương, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp cấp uỷ.
Tuy nhiên, do ban thường vụ cấp uỷ thường lệ mỗi tháng họp một lần nên việc chỉ đạo, kiểm tra thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ và cấp uỷ cấp trên, giải quyết công việc hằng ngày của đảng bộ, quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của ban thường vụ lại tiếp tục được giao cho thường trực cấp uỷ (bao gồm bí thư và các phó bí thư).
Bí thư cũng như các phó bí thư của cấp uỷ không phải là một cấp lãnh đạo trong hệ thống tổ chức của Đảng mà chỉ là người tổ chức, kiểm tra việc thực hiện những quyết định lãnh đạo, chỉ đạo của ban thường vụ, của cấp uỷ và các quy định của Trung ương. Bí thư cũng không phải là "người đứng đầu cấp uỷ đảng" với tư cách là một chủ thể có quyền lực (ban hành các quyết định) mà chỉ là người được thay mặt cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ chủ trì tổ chức triển khai thực hiện các quyết định của cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ.
2. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách
Điều lệ Đảng đã nêu rõ: "Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách"[1].
Tập thể lãnh đạo của cấp uỷ đảng các cấp không chỉ là cấp uỷ mà còn là ban thường vụ cấp uỷ. Ngay cả trong trường hợp chi bộ không có chi uỷ mà chỉ có bí thư, phó bí thư, thậm chí chỉ có bí thư thì tập thể lãnh đạo ở đó chính là chi bộ chứ không phải cá nhân bí thư, phó bí thư.
Tập thể lãnh đạo bằng các quyết định (việc ban hành các văn bản như nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận, thông báo...) thông qua các cuộc họp tập thể theo thẩm quyền; bố trí, phân công cán bộ đảm trách những cương vị lãnh đạo chủ chốt trong cả hệ thống chính trị; tuyên truyền, vận động quần chúng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống tổ chức đảng, sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên và kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cấp uỷ cấp dưới. Cấp uỷ đảng được quyền quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.
Điều lệ Đảng đã xác định rõ trách nhiệm: "Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình"[2].
Theo đó, ban thường vụ cấp uỷ cũng phải báo cáo mọi hoạt động lãnh đạo cho cấp uỷ, chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước cấp uỷ vì trách nhiệm trước mọi quyết định đó đối với toàn đảng bộ lại chính là cấp uỷ. Do vậy, cấp uỷ phải kiểm soát được quyền lực của mình thông qua kiểm tra, nghe báo cáo, giám sát việc thực hiện của ban thường vụ - vấn đề lâu nay thường rất coi nhẹ. Thường trực cấp uỷ cũng phải thường xuyên báo cáo và chịu trách nhiệm trước ban thường vụ cấp uỷ về những việc do ban thường vụ cấp uỷ giao. Do không hiểu thấu đáo và do không có các quy định chặt chẽ để thể hiện quyền lực và kiểm soát quyền lực của cấp có thẩm quyền trong Đảng nên nhiều khi cấp phải báo cáo, cấp được uỷ quyền, cấp được giao nhiệm vụ có xu hướng coi nhẹ, lấn át, lạm quyền, dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền ngay trong quá trình thực hiện cơ chế đó. Thực tế đã có không ít trường hợp, bí thư trở thành "thủ trưởng" của cấp uỷ hoặc chi phối mọi hoạt động của cấp uỷ. Trong những trường hợp như vậy, cấp uỷ chỉ còn là cái bóng minh họa cho ban thường vụ và ban thường vụ lại minh họa cho bí thư, thậm chí hợp pháp hoá các quyết định sai lầm của bí thư với danh nghĩa quyết định là của tập thể.
Lịch sử ra đời và phát triển của Đảng ta nhờ vào sức mạnh của sự đoàn kết trên cơ sở thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ và nay nó đã trở thành nguyên tắc quan trọng, cơ bản nhất trong mọi hoạt động của Đảng. Cơ chế "lãnh đạo tập thể" là sự thể hiện cao nhất của dân chủ trong hoạt động của Đảng. Mọi quyết định quan trọng đều phải được tập thể bàn bạc, phân tích kỹ lưỡng và được hơn một nửa số thành viên của tổ chức đó thông qua. Vẫn biết không phải tất cả các trường hợp quyết định của đa số là đúng đắn nhưng không vì thế mà phủ nhận vai trò quyết định của đa số sau khi đã bàn bạc dân chủ. "Ý kiến thuộc về thiểu số được bảo lưu và cấp uỷ có thẩm quyền xem xét, không phân biệt đối xử" của Điều lệ Đảng quy định cũng là một giải pháp cho trường hợp quyết định không đúng đắn của đa số (nếu có)... chính là "dân chủ" trong Đảng.
Khi nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng được hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành, "Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương"[3]. Mọi tổ chức đảng, đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng chính là "tập trung" trong Đảng.
Trong cuộc sống phong phú, phức tạp, những vấn đề còn khá mới mẻ, thậm chí do nhiều nguyên nhân khác nhau tất yếu dẫn đến những quan niệm khác nhau, thậm chí trái chiều nhau. Vấn đề quan trọng là phải thực sự cầu thị, phát huy dân chủ, trân trọng ý kiến khác nhau trong cấp uỷ với phương châm: "chưa tiếp thu nhưng không bao giờ bác bỏ". Nên chăng, cần có quy định cụ thể về chế độ báo cáo, xem xét, kết luận của cấp có thẩm quyền về những ý kiến thuộc về thiểu số. Trong những ý kiến thuộc về thiểu số đó, có thể có những ý kiến đúng đắn, khoa học, mở đường cho một cách làm mới, thậm chí chỉ là một ý chí chống lại các quyết sách không đúng đắn của tập thể - trong trường hợp tập thể cấp uỷ bè cánh, mất dân chủ.
Có chính sách bảo vệ những người có ý kiến bảo lưu và tôn vinh nếu nó thực sự góp phần đổi mới tư duy lý luận, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng hiện nay.
Để các quyết định đúng đắn của Đảng đi vào cuộc sống, việc tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện là khâu quyết định, nếu không, quyết định đó chỉ "nằm trên giấy". Trong suốt quá trình triển khai thực hiện, việc phân công cá nhân phụ trách chính là một trong những phương thức lãnh đạo thông qua mỗi đảng viên, trước hết là đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Sau khi có quyết định của cấp uỷ, việc giao cho mỗi cá nhân phụ trách một công việc cụ thể là vô cùng quan trọng. Cá nhân được hiểu là từng đảng viên, thành viên của cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ chứ không chỉ là bí thư hay phó bí thư, dù họ giữ cương vị quan trọng. Cá nhân phụ trách có nghĩa là trách nhiệm, bổn phận, quyền hạn được cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ giao.
Mặc dù bí thư cũng chỉ với tư cách là cá nhân được cấp uỷ, ban thường vụ giao nhưng sự khác biệt chính là trọng trách càng cao thì nghĩa vụ, trách nhiệm phải càng lớn. Vì vậy, cho dù thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo trong Đảng, không phải là thủ trưởng của cấp uỷ nhưng bí thư vẫn được coi là "người đứng đầu cấp uỷ". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Lãnh đạo cần phải tập thể, mà phụ trách cần phải cá nhân. Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc"[4]; hết sức tránh trường hợp "ai cũng phụ trách mà không ai phụ trách"[5].
3. Xác định rõ quyền và trách nhiệm của cấp uỷ và bí thư là vấn đề trung tâm của cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách
Theo quy định của Điều lệ Đảng, thẩm quyền và trách nhiệm của cấp uỷ đảng là "lãnh đạo thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên". Ban thường vụ "lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của đại hội đại biểu, nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ cùng cấp và cấp uỷ cấp trên; quyết định những vấn đề về chủ trương, tổ chức cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của cấp uỷ".
Thực chất, nếu xét về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách theo nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ thì bí thư chỉ là một cá nhân phục tùng sự phân công của cấp uỷ về nhiệm vụ nào đó. Trên thực tế, việc cấp uỷ "giao việc" cho bí thư cũng chẳng mấy rõ ràng. Không chỉ với bí thư mà các phó bí thư và từng thành viên trong cấp uỷ cũng trong tình trạng như vậy.
Sau các quyết định của cấp uỷ, nếu chỉ giao việc một cách chung chung như "giao cho các tổ chức đảng cấp dưới thực hiện", "văn phòng và các ban đảng theo dõi, kiểm tra, báo cáo" thì hiệu lực thi hành rất thấp. Tuy nhiên, mối quan hệ cấp uỷ với bí thư không thuần tuý là mối quan hệ lãnh đạo và phụ trách mà bí thư còn có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của cấp uỷ.
Cũng theo quy định của Điều lệ Đảng, nhiệm vụ của bí thư, phó bí thư (thường trực cấp uỷ) là "chỉ đạo kiểm tra thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ, của ban thường vụ và cấp uỷ cấp trên; giải quyết công việc hằng ngày của đảng bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của ban thường vụ; chủ trì toàn bộ công việc của cấp uỷ".
Như vậy, có thể xác định rõ hơn quyền của bí thư là ra các quyết định nhằm giải quyết những công việc hằng ngày của tổ chức đảng; dự thảo nội dung cho các kỳ họp của ban thường vụ, cấp uỷ; chủ trì các cuộc họp ban thường vụ, cấp uỷ kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các quyết định theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân, bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng tiếp theo. Bí thư còn là người đại diện cho cấp uỷ, tổ chức đảng trong các quan hệ với các tổ chức, cơ quan, đơn vị khác.
Để thực hiện phương châm "quyền và trách nhiệm phải đi đôi với nhau", cần có quy chế quy định trách nhiệm của bí thư trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp cấp uỷ, ban thường vụ; trình bày, lập luận, thuyết phục những nội dung trong dự thảo các quyết định. Trong thực tế, các cấp uỷ viên khác thường ít có điều kiện nắm đầy đủ thông tin, thường trông chờ vào ý kiến của bí thư và các phó bí thư nên vai trò của bí thư cứ thế mà tăng lên, thậm chí dẫn đến độc quyền trong tổ chức đảng. Cấp uỷ và cả đảng bộ chỉ còn cách là trông chờ vào sự sáng suốt và cái tâm trong sáng của người bí thư. Vì vậy, cần xác định rõ hơn trách nhiệm chung, trách nhiệm cụ thể của bí thư trong việc bảo đảm tính nguyên tắc, tính khoa học, tính khách quan của dự thảo các quyết định, nhất là về nhân sự, đánh giá, kết luận và giải pháp quan trọng trong chức năng, nhiệm vụ của ban thường vụ, cấp uỷ.
Ví dụ, khi thực hiện nhiệm vụ chủ trì xây dựng kế hoạch, triển khai việc thực hiện nghị quyết thì đồng thời phải xác định quyền đề xuất với tập thể cấp uỷ các phương án để cấp uỷ bàn bạc, lựa chọn và trách nhiệm cá nhân nếu đề xuất đó thiếu khách quan, công tâm vì lợi ích cá nhân hoặc thiếu tính khả thi.
Chủ trương của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về thí điểm giao quyền cho bí thư cấp uỷ lựa chọn, giới thiệu để bầu cử uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cũng là một trong những việc làm thiết thực để thực hiện phương châm trao quyền và trách nhiệm rõ hơn, cụ thể hơn đối với bí thư cấp uỷ. Nếu người đứng đầu không được quyền lựa chọn người giúp việc, cơ quan tham mưu thì khó mà thiết lập được chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và chuyện "thành tích là của tôi, khuyết điểm là của cả tập thể" vẫn còn đất để phát triển.
Như vậy, Đảng cần rà soát, ban hành đồng bộ chính sách theo hướng quy chế hoá, quy trình hoá và công khai hoá các mặt công tác của cấp uỷ cũng như thẩm quyền và trách nhiệm của bí thư trong từng công việc lãnh đạo (chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, kiểm tra...) theo chức trách, nhiệm vụ của cấp uỷ; chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Cơ chế, quy chế, chính sách phải hướng vào việc đảm bảo trên thực tế vai trò lãnh đạo của cấp uỷ và phát huy vai trò phụ trách của bí thư.
Khi đã có tiêu chí và quy trình đánh giá từng cấp uỷ viên hàng năm hoặc cuối nhiệm kỳ, kể cả việc lấy phiếu tham khảo sự tín nhiệm của đảng viên, cấp uỷ viên trong đảng bộ thì chắc chắn uy tín của cấp uỷ viên, trong đó có bí thư được phản ánh sát thực hơn. Những cấp uỷ viên có bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng chắc chắn sẽ là ứng viên sáng giá, đủ tín nhiệm để gánh vác trọng trách ở cương vị cao hơn. Đồng thời, những người có uy tín quá thấp sau hai lần đánh giá phải được xem xét, thay thế, không cần đợi hết nhiệm kỳ, góp phần khắc phục tình trạng "có vào mà không có ra", "có lên mà không có xuống" ở không ít cấp ủy hiện nay.
Khi trách nhiệm của cấp uỷ, bí thư được "quy chế hoá" thì khi mỗi vụ việc thuộc về trách nhiệm của cấp uỷ xảy ra mới xác định được ai chịu trách nhiệm chính và ai chịu trách nhiệm liên đới. Đảng viên và Nhân dân phải được biết và giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm đó. Mọi sai phạm được xử lý theo quy định và mọi đảng viên đều bình đẳng trước quy định đó, không còn trường hợp "nhẹ trên nặng dưới", "kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc" hoặc điều chuyển sang vị trí khác.
4. Tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức của các cấp uỷ đảng
Nhân dân trông đợi vào những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực của mỗi cấp uỷ đảng và mỗi đảng viên, nhất là người đứng đầu. Vì là vấn đề phức tạp, đụng chạm đến lợi ích của mỗi người nên khi thực hiện chắc chắn có nhiều lực cản và lực cản lớn nhất ở chính người lãnh đạo. Nếu có nhiều quy định và quy định càng chi tiết, rõ ràng, công khai và thường xuyên kiểm điểm, lấy tín nhiệm... có thể sẽ "làm khó" cho bí thư vì bản thân bí thư cấp uỷ phải "khép mình" vào trong khuôn khổ của các quy định.
Ngay cả quan niệm về đánh giá cấp uỷ viên, bí thư cấp uỷ cũng cần được thống nhất qua quy chế, quy định trong đánh giá cấp uỷ viên và bí thư cấp uỷ. Nhiều khi ranh giới quyết đoán với độc đoán, gia trưởng của một người lãnh đạo không dễ phân biệt. Quyết đoán thể hiện ở việc thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, thẳng thắn trao đổi trước khi quyết định tập thể nhưng rất kiên trì trong tổ chức thực hiện khi đã quyết định, không ngại va chạm, không vụ lợi. Độc đoán là đi ngược với dân chủ, không tiếp thu ý kiến (mặc dù đúng đắn) nhưng "trái" với ý kiến chuẩn bị của mình, thậm chí trù úm với người có ý kiến khác - một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng dân chủ hình thức trong nhiều cấp uỷ thời gian qua. Cũng có trường hợp ngược lại, do thiếu bản lĩnh, thiếu tính quyết đoán, quá thận trọng và cầu an nên thường đưa nhiều phương án để tập thể quyết định và thường đổ lỗi cho tập thể mỗi khi sai lầm, khuyết điểm.
Đảng ta đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường vai trò lãnh đạo của tập thể cấp uỷ và tổ chức đảng, trong đó làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, của cơ quan tham mưu là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt coi trọng bố trí người đứng đầu tổ chức có đức, có tài, có tính Đảng cao, gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống, đấu tranh chống tham nhũng, nói đi đôi với làm. Vì sự phức tạp, khó khăn của cuộc "cách mạng" trong chính tập thể lãnh đạo nên phải xác định quyết tâm chính trị cao, có chương trình cụ thể và thu hút toàn thể đảng viên và Nhân dân tham gia, tránh tình trạng triển khai đối phó, làm cho nhiều chủ trương đúng đắn của Đảng không đi vào cuộc sống. Vì vậy, giải pháp quan trọng, mấu chốt nhất trong quá trình thực hiện nghị quyết lần này là ở quyết tâm chính trị của mỗi cấp ủy mà "linh hồn" là đồng chí bí thư.
Ngoài việc xây dựng chế tài gắn chặt quyền và trách nhiệm của chức danh bí thư, cần có chính sách đãi ngộ thoả đáng, sự tôn vinh, trân trọng của xã hội đối với những cán bộ thanh liêm, gương mẫu, thực sự tài năng, đức độ. Có như vậy, mỗi cấp uỷ viên càng có quyết tâm phấn đấu trở thành tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, tinh thần kỷ luật để toàn đảng bộ noi theo, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực, đạo đức và uy tín của tổ chức đảng, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
TS. Nguyễn Minh Tuấn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực