Xây dựng tủ sách gia đình góp phần nâng cao văn hóa đọc cho toàn dân

Ngày đăng: 19/04/2018 - 08:04

Từ hàng ngàn năm nay, đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống xã hội loài người, trong tiến trình văn minh nhân loại. Bởi lẽ sách cho ta tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi phương diện của đời sống xã hội, giúp cho con người có thêm kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống, lao động, học tập và cả trau dồi tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, tư duy. Tóm lại sách góp phần giúp cho “con người sống người hơn” (Karl Marc) trong một xã hội luôn phức tạp và đầy biến động.

Ở Việt Nam từ xưa đến nay, gia đình luôn luôn được coi trọng và đánh giá cao. Xét về nội hàm lý luận: Gia đình là tế bào của xã hội, là đầu mối giao tiếp giữa cá nhân và xã hội. Gia đình cũng được xem như một môi trường cơ bản (nếu không nói là có tính quyết định) để góp phần nuôi dưỡng, hình thành nên nhân cách và tư cách, đạo đức và tài năng của từng thành viên trong gia đình (kể từ khi lọt lòng mẹ đến lúc tuổi già); đồng thời nhìn nhận ở góc độ xã hội, gia đình cũng là nơi gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại lối sống tha hóa, vị kỷ, phi đạo đức, phi nhân tính của con người – những mặt trái của kinh tế thị trường.

Nhìn vào lịch sử tiến hóa của xã hội loài người trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy vai trò to lớn của sách báo và tủ sách gia đình đối với việc phát triển nhân cách, trí tuệ và tài năng cho con người và từng thành viên trong gia đình, dòng họ. Từ xa xưa, nhiều gia đình với những tủ sách gia đình và cách giáo dục con cái tiến bộ, đã trở thành vườn ươm tài năng của các bậc thánh hiền, các lãnh tụ - vĩ nhân, các bậc danh nhân trên thế giới trong nhiều lĩnh vực: văn học, nghệ thuật, giáo dục, âm nhạc, hội họa, kỹ thuật, y học, công nghệ, quân sự, ngoại giao... Có một câu nói rất hay của nhà chính trị - nhà hùng biện La Mã nổi tiếng Marcus Tulius Cicero (106-43 trước Công nguyên) về vai trò của sách đối với đời sống gia đình: “Ngôi nhà không có sách như thân thể không có linh hồn”.

Việt Nam là một nước có nền văn hiến đã lâu. Chúng ta cũng được biết đến là một dân tộc ham học và ham đọc sách. Mặc dầu trong hàng ngàn năm Bắc thuộc bị nô lệ, lầm than, không có chữ viết riêng cho dân tộc mình, mà phải mượn văn tự ngoại lai, song ý thức và lòng tự tôn dân tộc, ý thức về văn hiến nước nhà vẫn không hề bị mai một. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, bên cạnh những thư viện mang tầm quốc gia, như: Bí thư các, Quốc sử quán..., vẫn có không ít thư viện tư gia và tủ sách gia đình của quan lại và các học giả, tri thức đương thời, như của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhà sử học Lê Văn Hưu, nhà giáo dục học Chu Văn An, thi hào Nguyễn Du, thi hào Nguyễn Trãi, của học giả Lê Quí Đôn, của dòng họ Ngô Gia văn phái v.v.. Đó phải chăng là những tinh hoa của văn hóa dân tộc trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập, mà thư viện, tủ sách gia đình của các bậc danh nhân ấy đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc không chỉ trí tuệ, tài năng mà còn cả chí khí và ước vọng cao đẹp của họ, mong muốn đem tri thức và ánh sáng chân lý đến phục vụ nhân quần trong xã hội. Đối với nhiều người trong số họ, đức hiếu học đi đôi với lòng quí trọng sách vở, xem thi thư là kho báu, là di sản, tinh hoa vốn quí của cha ông, của dân tộc cho muôn đời sau. Chúng ta hãy nghe Lê Quí Đôn dạy học trò và con cháu: “Bụng không chứa nổi ba vạn cuốn sách, mắt không nhìn thấy khắp núi sông thiên hạ thì vị tất đã làm được văn hay”.

Lê Nguyên Trung - người đậu cử nhân năm 1813, làm quan đời Vua Gia Long - cũng đã rất đề cao vai trò của sách vở và tủ sách gia đình. Và bản thân Ông cũng đã gom góp xây dựng được một tủ sách gia đình khá lớn, để phục vụ cho gia đình, dòng họ, quê hương. Ông viết: “Người chứa sách cần phải năng đọc sách, lại phải biết kính cẩn giữ gìn sách. Tôi đi làm quan đã lâu, tiêu pha tằn tiện, còn thừa tiền là đem mua sách để dành. Hễ mua được bộ nào thì đóng thành bộ ấy, tự an ủi đó là gia bảo của nhà ta. Con cháu ta quả thật biết học hành thì phải biết kính giữ sách, không để thất lạc, ngõ hầu không bỏ hoang ruộng của mình, không bỏ rơi của báu, tiến lên làm điều thiện. Như thế không phụ lòng yêu sách, thích chứa sách của ta”.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, nhiều người dân, nhiều gia đình Việt Nam đã giàu có và sung túc hơn, đời sống kinh tế khá giả hơn trước. Nhiều gia đình không chỉ ở thành thị, mà cả ở vùng nông thôn, thậm chí vùng sâu, vùng xa đã xây được nhà cửa khang trang hơn; đồng thời nhiều nhà cũng đã mua sách và xây dựng tủ sách cho gia đình, nhằm phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, làm ăn kinh tế và thư giãn, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Cũng tùy theo điều kiện, khả năng tài chính và đặc thù nghề nghiệp mà mỗi gia đình lại có tủ sách gia đình mình theo một phong cách riêng, một “gu thẩm mỹ riêng”. Nhiều gia đình với ba hoặc bốn thế hệ sống quần tụ trong một mái nhà, thì tủ sách gia đình phong phú hơn, vì nhiều thế hệ có sự quan tâm khác nhau về nhu cầu đọc, chủng loại sách báo mình yêu thích. Ví dụ, các cháu thiếu nhi ngoài sách giáo khoa và sách đọc thêm, thích đọc truyện thiếu nhi, truyện tranh; các sinh viên thích đọc sách khoa học, tiểu thuyết, thơ văn; các cô gái thì thích đọc sách thời trang, sách làm đẹp; các bà nội trợ thì thích đọc sách nấu ăn, sách dạy con trẻ; nông dân thì thích đọc sách về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, làm ăn kinh tế; các nhà nghiên cứu, trí thức thì thích đọc sách về nghề nghiệp, sách chính trị - xã hội trong nước và thế giới, v.v..

khong gian tu sach gd2018

Không gian nhỏ cho một Tủ sách gia đình

Điều đáng quý là những năm gần đây đã xuất hiện mô hình thư viện, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng. Nhìn chung các thư viện này đều do tư nhân xây dựng, đầu tư và tổ chức việc đọc cho gia đình, dòng họ và cho nhân dân trên địa bàn hoàn toàn miễn phí. Tiêu biểu là thư viện, tủ sách của ông Bùi Đình Thăng (Hưng Yên), ông Nguyễn Văn Chín (Hà Nội), ông Đoàn Duy Thành (Hải Dương), ông Huỳnh Tấn Hưng (Vĩnh Long), ông Phạm Chí Thiện (Hải Dương), ông Phạm Đức Dương (Hà Nội), ông Đặng Huỳnh (Bến Tre), ông Vũ Đức Hiếu (Hòa Bình), ông Trương Văn Huyên (Tiền Giang), ông Võ Đức Nam (Bình Định)... Tính đến năm 2018, cả nước đã có hơn 50 thư viện, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của một “hiệp sĩ” văn hóa đọc trong hơn 10 năm trở lại đây: Đó là anh Nguyễn Quang Thạch, người đã tham gia tổ chức xây dựng các Tủ sách dòng họ, Tủ sách gia đình và nhất là chương trình “Sách hóa nông thôn” với hàng trăm, hàng ngàn tủ sách ở Việt Nam. Các mô hình tủ sách ngoài công lập nói trên đã và đang có tác dụng, ảnh hưởng to lớn trong việc củng cố, duy trì và nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân.

tu sach gd2018

Cả nhà cùng đọc sách - niềm vui và hạnh phúc bên tri thức

Tháng 6-2011, nhân ngày “Gia đình Việt Nam”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc vận động xây dựng “Tủ sách gia đình văn hóa”, với mục đích: Xây dựng và hình thành thói quen đọc sách cho mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình, trước hết là trẻ em; thông qua đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, hình thành nhân cách tốt đẹp của con người, tạo nên những giá trị văn hóa bền vững trong gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 05-9-2009). Với chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020: 50% gia đình ở thành phố, đô thị có tủ sách gia đình; 30% gia đình ở vùng nông thôn có tủ sách gia đình; 15% gia đình ở vùng đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa có tủ sách gia đình.

Nhân Ngày sách Việt Nam lần thứ 5 (21-4-2018) với chủ đề “Sách với gia đình”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào tháng 4-2018, xin gửi đến quý vị độc giả một “thông điệp văn hóa” tuy không mới, song vẫn chưa hề cũ - nhất là trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 9 (khóa XI) của Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

ThS. Nguyễn Hữu Giới

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

Bình luận