50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích trên tuyến vận tải huyền thoại

Ngày đăng: 20/10/2011 - 03:10

Kỳ tích trên tuyến vận tải biển ngày ấy đến nay vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa...

50 năm trước đây, một con đường huyền thoại trên biển đã được hình thành bằng tinh thần cách mạng, ý chí sắt đá, sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân. Kỳ tích trên tuyến vận tải biển ngày ấy đến nay vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa - đó là ý chí giải phóng dân tộc, trí tuệ và lòng quả cảm là con đường đi tới thành công.

duong-HCM1

Những chuyến tàu mở đường

Hình thành và chỉ tồn tại 14 năm, nhưng đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp một phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Những chuyến tàu của Đoàn vận tải thủy 759 (thành lập ngày 23/10/1961) đã mở đầu cho một hành trình đầy gian khó, hy sinh nhưng mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tiểu đoàn 603 là đơn vị đầu tiên được thành lập theo chủ trương của Bộ Chính trị và Tổng quân ủy trên đất Quảng Bình có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam theo đường biển trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Với mật danh là “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”, đơn vị có 107 chiến sĩ phần lớn là cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Tiếp đó, sau một quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759, đánh dấu sự ra đời của tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam trên biển.

Ngày 11/10/1962, chiếc tàu mang phiên hiệu “Phương Đông 1” do Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa làm chính trị viên cùng 11 thủy thủ, chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn, Hải Phòng tiến vào Nam bộ. Ngày 19/10/1962, tàu cập bến Vàm Lũng- Cà Mau an toàn. Đây là chuyến tàu đầu tiên của “Đoàn tàu không số” khai thông tuyến đường chiến lược trên biển. Tiếp theo tàu “Phương Đông 1” là những tàu Phương Đông, 2, 3, 4... lần lượt cập bến Cà Mau an toàn. Nhận được sự chi viện vũ khí, đạn dược từ hậu phương lớn miền Bắc, quân và dân miền Nam nói chung và quân và dân ĐBSCL đã làm nên nhiều trận đánh khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ.

Hồi ức

Lực lượng ban đầu đi tàu không số chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ Nam bộ tập kết, trong đó nhiều người có kinh nghiệm đi biển. Sau do yêu cầu nhiệm vụ, nguồn bổ sung được lấy từ các tỉnh miền Bắc. Anh em được huấn luyện cơ bản, đào tạo trung cấp hàng hải, kỹ chiến thuật trên biển, kiến thức thiên văn, luật hàng hải quốc tế... để khi ra khơi, linh hoạt ứng phó với các tình huống xảy đến, nhất là khi giáp mặt quân thù.

Toàn bộ quá trình tuyển lựa, đào tạo, làm nhiệm vụ đều tuyệt đối bí mật. Cựu chiến binh Lưu Lanh quê Thanh Hóa, hiện sống tại TP.Hải Phòng còn nhớ: “Dạo đó chúng tôi chẳng nghĩ gì đến cái chết. Lúc nào cũng hăm hở mong ngóng sớm được đi làm nhiệm vụ. Ai chưa được chọn thì cứ nghĩ hay tổ chức chưa tin tưởng mình?”.

Dù đã 50 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về những ngày tháng lênh đênh trên biển của con tàu không số huyền thoại vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí nguời lính già Nguyễn Xuân Thơm (15/7A Đoàn Nhữ Hài, P.12, Q.4, TP.HCM). Năm 1962, khi tàu Phương Đông chở chuyến hàng đầu tiên cập bến Vàm Lũng, ông theo tàu xuôi ra Bắc đi học.

Các cựu chiến binh tàu không số bên di tích đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Trọng Thiết

Ngay sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, ông thuộc biên chế tàu 43, từng đi 16 chuyến, trong đó có 12 chuyến thành công. Ông kể lại, ngày đó, trước khi lên đường, các thành viên của “Đoàn tàu không số” đều phải làm lễ truy điệu trước, tức là biết trước, được hiểm nguy nhưng không một ai nản lòng. Những con tàu không số không chọn lúc sóng yên biển lặng để lên đường mà chỉ nhằm vào những ngày trời xấu. Vì đó là cơ hội tuyệt vời để địch không phát hiện. Không chỉ có óc sáng tạo tuyệt vời, khả năng ứng phó với mọi biến cố, những chiến sĩ của đoàn tàu không số luôn quyết tâm bám biển, kiên cường bảo vệ tàu, hàng và cả tính mạng của anh em thủy thủ.

Sáng tạo độc đáo

Có thể nói, tuyến vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại, một kỳ tích của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp, đảm bảo cho các chiến trường ven biển miền Nam mà còn là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, trong suốt 168 chuyến đi, chỉ có 30 lần tàu ta chạm trán với địch phải chiến đấu, 11 lần phải phá hủy tàu, tổn thất về hàng khoảng 7%, có nghĩa là 93% chuyến tàu tới đích.

Trong quá trình mở tuyến vận tải quân sự trên biển, chúng ta đã biết chọn đúng thời cơ, kết hợp hoạt động bí mật và công khai. Tàu có thể xuất phát từ nhiều bến (kể cả ở nước ngoài), cập bến ở nhiều điểm, đi trên nhiều cung, tuyến khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, ra hải phận quốc tế.

Địch phong tỏa đường trong ta đi đường ngoài, địch ngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn. Khi địch áp sát tấn công ta đánh trả quyết liệt, có lúc phá hủy tàu để giữ bí mật cho tuyến đường, đã có nhiều lượt cán bộ chiến sĩ ngã xuống để dệt nên bản hùng ca độc lập tự do cho Tổ quốc.

Theo Báo GTVT

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả