ASEAN, hạt nhân tích cực thúc đẩy một Đông Á hòa bình, ổn định và phát triển

Ngày đăng: 16/03/2012 - 10:03

2011, một năm đầy ắp những biến chuyển sôi động của thế giới nói chung cũng như khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nói riêng, đã khép lại. Nếu như bức tranh toàn cảnh thế giới năm qua ẩn chứa nhiều gam màu trầm với những biến động chính trị nghiêm trọng ở Trung Đông - Bắc Phi, cơn bão tài chính công ở châu Âu và bất ổn xã hội ở Mỹ do hệ lụy của khoảng cách giàu - nghèo, các vụ tấn công - khủng bố, xung đột vũ trang ở nhiều nơi…, thì tình hình chính trị - kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được đánh giá là tương đối ổn định và khả quan, ngoại trừ những tác động bất thường của động đất, sóng thần ở Nhật Bản đầu năm và thiên tai, bão lũ ở Đông Nam Á nửa cuối năm.

a

Để tối đa hóa các cơ hội, ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức, cách tốt nhất là gắn kết

chặt chẽ và đẩy mạnh hợp tác hơn nữa

ASEAN và bức tranh Đông Á năng động

Năm 2011 chứng kiến một diện mạo mới trong quan hệ giữa các quốc gia ở Đông Á. Là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh và năng động, với sự hiện diện của hai cường quốc kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản, cùng với những nền kinh tế trẻ đang nổi lên, với nguồn tài nguyên phong phú và vị trí địa chiến lược quan trọng, tiếp giáp một trong những tuyến đường biển trọng yếu của thế giới, Đông Á từ lâu đã và đang thu hút sự quan tâm, là nơi hội tụ lợi ích của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Bên cạnh đó, những dịch chuyển gần đây trong chính sách của các nước lớn, coi khu vực này là trọng tâm chiến lược của mình, đang mở ra những thời cơ và vận hội mới cho Đông Á. Ý thức rõ điều này, các quốc gia ở Đông Á hiểu rằng, để tối đa hóa các cơ hội, ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức, cách tốt nhất là gắn kết chặt chẽ và đẩy mạnh hợp tác hơn nữa.

Có thể nói rằng, không có nơi nào trên thế giới lại tồn tại các khuôn khổ hợp tác khu vực đan xen, nhiều chiều đa dạng như ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Khởi xướng và chủ trì phần lớn các khuôn khổ này, chính là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hàng loạt các cơ chế với tên gọi bắt đầu bằng “ASEAN” như ASEAN+1 (giữa ASEAN với từng đối tác), ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF với 27 nước tham gia), Hội nghị cấp cao Đông Á (với 18 nước thành viên)… đã và đang tích cực đóng vai trò tạo “sân chơi” và định hướng để các nước trong và ngoài khu vực cùng đẩy mạnh đối thoại, tăng cường hợp tác về các vấn đề có quan tâm và lợi ích chung. Điểm đáng chú ý là mỗi cơ chế và khuôn khổ này đều có những đặc thù và thế mạnh riêng, luôn có tính bổ trợ lẫn nhau, với ASEAN đóng vai trò hạt nhân, gắn kết và tạo chất xúc tác chung, cùng hướng đến mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Vượt ra ngoài khuôn khổ tiểu khu vực, ASEAN tiếp tục là nhân tố quan trọng trong các diễn đàn xuyên khu vực như APEC hoặc ASEM… Chính các khuôn khổ tạo thành các tầng nấc đan xen này được gọi là “cấu trúc hợp tác khu vực”, một khái niệm gần đây được đề cập đến khá nhiều.

Với những chiều hướng liên kết thuận lợi hiện nay ở khu vực, nhiều cơ hội hợp tác mới đang được mở ra cho Đông Á: khả năng kết nối cả về hạ tầng, thể chế và con người đang được thúc đẩy không những trong nội khối ASEAN mà từng bước rộng mở trên quy mô toàn Đông Á; các vấn đề hòa bình, an ninh và ổn định nay đã trở thành mối quan tâm và lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong khu vực; bầu không khí hợp tác, đối thoại để xây dựng lòng tin đã trở thành xu thế chủ đạo trong quan hệ giữa các nước, qua đó, các tranh chấp và khác biệt có thể được giải quyết trên tinh thần xây dựng; các nước cũng có thêm điều kiện để chung tay ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, môi trường, an ninh năng lượng, lương thực… Tuy nhiên, thời cơ luôn đi kèm với thách thức, lợi ích lớn luôn kéo theo sự cạnh tranh lớn, sự khác biệt, các tính toán chiến lược và sự đa dạng của các quốc gia trong khu vực tiếp tục là những bài toán đặt ra không chỉ đối với ASEAN - tổ chức đang nỗ lực đóng vai trò hạt nhân gắn kết ở khu vực, mà với tất cả các đối tác khi tham gia sân chơi Đông Á.

Vai trò của ASEAN ở khu vực  

Dù nằm trong phạm vi địa lý của Đông Nam Á, nhưng quá trình hình thành và lớn mạnh của ASEAN hơn 44 năm qua luôn gắn liền với Đông Á và Thái Bình Dương. Các nước ASEAN chiếm vị trí địa chiến lược quan trọng, bao quanh tuyến hàng hải quan trọng nhất ở khu vực chạy xuyên Thái Bình Dương, với nhiều nước trực tiếp giáp biển. Tuy nhiên, các nước ASEAN lại có quy mô diện tích và dân số vừa và nhỏ, nhìn trên bản đồ sẽ nằm lọt trong khu vực bao quanh bởi nhiều nước lớn. Về lịch sử và văn hóa, các quốc gia ASEAN nằm ở vị trí giao thoa giữa các nền văn minh của Trung Đông và Ấn Độ với Trung Quốc và Đông Bắc Á. Là những nền kinh tế trẻ đang nổi lên, ASEAN cũng khai thác nhiều tiềm năng từ các quan hệ thương mại và đầu tư với các quốc gia láng giềng vốn là những cường quốc kinh tế ở Đông Bắc Á, Nam Á và Thái Bình Dương. Tất cả những điểm nêu trên tạo thành chất keo gắn kết ASEAN với Đông Á, là động lực để ASEAN tích cực phát huy vai trò ở khu vực.

CACVND1Các vấn đề hòa bình, an ninh và ổn định nay đã trở thành mối quan tâm và lợi ích chung

của tất cả các quốc gia trong khu vực

Những thành quả ASEAN đã tạo dựng được hơn 4 thập kỷ qua trong việc góp phần thúc đẩy đối thoại, hợp tác cùng phát triển ở Đông Á được thể hiện rõ nhất qua sự tham gia sôi động của các đối tác tại các cơ chế và diễn đàn khu vực do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt. Phải có sức thu hút và giá trị đích thực thì mỗi đợt hội nghị hằng năm do ASEAN tổ chức, cả ở cấp cao và cấp bộ trưởng, với mười mấy hội nghị diễn ra cùng lúc, mới có sự hiện diện của hầu hết các vị lãnh đạo và quan chức các quốc gia lớn, nhỏ trong và ngoài khu vực, kể cả những nước vốn có quan hệ không mấy hữu nghị với nhau. Các đối tác tôn trọng vai trò chủ đạo của ASEAN tại các diễn đàn này, đánh giá cao các nội dung thảo luận do ASEAN khởi xướng, và sẵn sàng tham gia hỗ trợ các mục tiêu phát triển của ASEAN, cũng như cùng ASEAN giải quyết các vấn đề khu vực.

Đáng chú ý, kể từ khi ASEAN quyết định đẩy nhanh liên kết và hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, và hoạt động trên nền tảng pháp lý của Hiến chương ASEAN (có hiệu lực từ tháng 12-2008), vai trò của ASEAN ở khu vực ngày càng được củng cố, sự quan tâm và chú ý mà các đối tác dành cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ngày càng tăng. Đến nay, 18 nước và tổ chức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), văn kiện được xem như bộ quy tắc ứng xử mà các nước khi quan hệ với ASEAN cam kết tuân thủ; hơn 30 nước và tổ chức quốc tế cử đại sứ bên cạnh ASEAN; 6 nền kinh tế lớn (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia và Niu Dilân) thiết lập các khuôn khổ FTA hoặc Đối tác kinh tế toàn diện (CEP) với ASEAN; nhiều đối tác tiếp tục mong muốn trở thành bên đối thoại hoặc tham gia các cơ chế của ASEAN. Chính thông qua các nỗ lực tăng cường liên kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN và nâng cao sức mạnh nội khối, ASEAN đã tạo thêm các giá trị gia tăng cho mình, và qua đó, củng cố vai trò, vị thế ở khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Các đối tác hy vọng, ASEAN tiếp tục đóng vai trò là cầu nối, hạt nhân gắn kết và điều hòa các lợi ích đan xen ở khu vực; định hướng các khuôn khổ và diễn đàn hợp tác để ASEAN và các bên đối tác cùng ngồi lại bàn thúc đẩy hợp tác về các vấn đề có lợi ích chung, cũng như trao đổi thông tin, giải quyết các vướng mắc và cùng tham gia xử lý các thách thức chung. Một khu vực Đông Á đang diễn biến sôi động như hiện nay với ngày càng nhiều sự cạnh tranh về lợi ích càng cần có vai trò tích cực, chủ động hơn nữa của một thực thể tuy nhỏ, nhưng lại có khả năng ứng phó linh hoạt và kết nối được tất cả các đối tác lớn như ASEAN. ASEAN thực sự là động lực tích cực thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực; tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư (dự báo sau khi đạt mốc hình thành Cộng đồng, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới, có khả năng thu hút 80 tỷ USD FDI hằng năm, chiếm 3,4% tổng FDI toàn cầu); về phát triển, sự hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật của các đối tác sẽ giúp ASEAN thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó các vấn đề toàn cầu đặt ra...

Điểm mới trong bức tranh Đông Á năm qua chính là những nét chấm phá đầy thú vị về Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), lần đầu tiên với sự tham gia của Nga và Mỹ, hai cường quốc quan trọng đối với khu vực, đã thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN từ lâu, nhưng chưa tham gia EAS - một diễn đàn cấp cao của các nhà lãnh đạo, thảo luận về các vấn đề mang tầm chiến lược ở khu vực, ra đời từ năm 2005. Khi quyết định chính thức mời Nga và Mỹ tham gia EAS được đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN 17 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10-2010, đã dấy lên không ít câu hỏi về tương lai của cấu trúc khu vực cũng như vai trò của ASEAN trong bàn cờ mới này. Bản thân ASEAN cũng nhận thức rõ những vấn đề đặt ra, và đã nỗ lực tích cực cùng các đối tác phối hợp hình thành một cục diện hợp tác mới ở khu vực, trong đó có việc chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 6 (EAS-6), hội nghị đầu tiên của EAS mở rộng với 18 thành viên, bao gồm những nước lớn và đối tác quan trọng nhất của khu vực.

Với thành công của EAS-6 tại Bali, Inđônêxia, tháng 11-2011, Hội nghị cấp cao Đông Á đã và đang trở thành diễn đàn và thành tố quan trọng trong cấu trúc hợp tác khu vực vì hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển kinh tế, thương mại, và hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu. Quả thực, kết quả đầy khích lệ của EAS-6, một khuôn khổ do ASEAN giữ vai trò chủ đạo đang góp phần định hình rõ nét hơn cho một cấu trúc hợp tác mới hiệu quả hơn ở khu vực. 

Nỗ lực vì một tương lai tươi sáng hơn ở Đông Á

Tương lai của ASEAN gắn với Đông Á, Cộng đồng ASEAN là viên gạch quan trọng hướng đến xây dựng cộng đồng tương lai ở Đông Á, đây chính là kim chỉ nam cho các bước đi hiện tại và tiếp theo của ASEAN. Những thành quả tốt đẹp mà ASEAN có được tới nay đang tạo tiền đề thuận lợi tiếp tục củng cố và phát huy vai trò, vị thế của tổ chức này ở khu vực.

HPTAC_1

Hợp tác, đối thoại để xây dựng lòng tin đã trở thành xu thế chủ đạo

trong quan hệ giữa các nước

Điều quan trọng đầu tiên ASEAN cần thực hiện là xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, hoàn thành tất cả các mục tiêu liên kết đã đề ra, giữ vững đoàn kết và thống nhất nội khối để bảo đảm giá trị và sức sống ở khu vực cũng như vị thế trên trường quốc tế. Với việc ASEAN đang triển khai tích cực, theo tiến độ khả quan các đầu việc trong Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN (69% các nội dung hợp tác xây dựng APSC và 75,6% khối lượng công việc của AEC đang được tiến hành), nhằm hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 đang trong tầm với của thời gian 3 năm còn lại.

Thứ hai, ASEAN đã và đang ngày càng đóng vai trò hạt nhân tích cực trong việc củng cố và thúc đẩy một môi trường Đông Á hòa bình, an ninh và ổn định, cũng như hợp tác và phát triển ở khu vực. Do đó, ASEAN cần nỗ lực hơn nữa củng cố và làm sinh động hơn các khuôn khổ đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin ở khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+…; đồng thời phát huy hiệu quả vai trò của các công cụ bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực như TAC, SEANWFZ, DOC và nỗ lực hướng tới COC trong tương lai; khuyến khích các quốc gia tôn trọng và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử chung, hợp tác giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương ASEAN và Hiến chương Liên hợp quốc; song song với việc đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh biển, tội phạm xuyên quốc gia, tìm kiếm cứu hộ thiên tai…

Thứ ba, đẩy mạnh liên kết kinh tế và kết nối trên quy mô rộng lớn ở khu vực: trong bối cảnh hậu khủng hoảng như hiện nay, ASEAN cần tận dụng triệt để các cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài. Cần triển khai nghiêm túc, đúng lộ trình các nội dung xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các khuôn khổ FTA với các đối tác, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp khai thác tối đa các lợi ích kinh tế do các khuôn khổ này tạo ra. Triển khai kết nối không chỉ trong nội khối ASEAN, mà từng bước mở rộng ra toàn khu vực Đông Á vì mục đích của kết nối là khai thác quy mô hạ tầng rộng lớn và toàn diện hỗ trợ liên kết kinh tế. ASEAN đã thành lập Quỹ hạ tầng (AIF), đây là công cụ tài chính quan trọng hỗ trợ thực hiện kế hoạch tổng thể về kết nối, cần tiếp tục có hình thức huy động sự tham gia, hỗ trợ thực chất từ các đối tác ở Đông Á cho nỗ lực kết nối trong ASEAN cũng như xuyên khu vực Đông Á.

Thứ tư, tăng cường gắn kết giữa người dân, thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục và hợp tác xây dựng một bản sắc và ý thức cộng đồng ở Đông Á đóng vai trò thiết yếu để đưa các quốc gia xích lại gần nhau, vượt qua các khác biệt, bảo đảm tính bền vững của các nỗ lực liên kết khu vực ở Đông Á. Điều này có ý nghĩa quan trọng không kém so với các yếu tố kể trên, vì suy cho cùng, mọi nỗ lực của các chính phủ cũng đều hướng đến lợi ích của người dân.

Hợp tác và liên kết khu vực ở Đông Á là một tiến trình lâu dài và tiệm tiến. Đông Á là mái nhà lớn, trong đó ASEAN là một trong những cột trụ. ASEAN đã xác định sẽ xây dựng một Cộng đồng mở, và coi việc thúc đẩy quan hệ với các đối tác bên ngoài là một mục tiêu quan trọng hỗ trợ đắc lực cho liên kết nội khối và nâng cao vị thế của ASEAN. Các bước đi mà ASEAN cần thực hiện nêu trên vừa mang tính ngắn hạn, vừa có tầm chiến lược lâu dài đảm bảo song song cả hai yêu cầu củng cố sức mạnh nội khối và mở rộng, phát huy vai trò của ASEAN ở khu vực. Trong bối cảnh Đông Á đang có nhiều biến chuyển tích cực, năng động như hiện nay, với tiềm năng kinh tế và vị trí chiến lược mới của khu vực này trên bản đồ thế giới, ASEAN, nằm ở trung tâm của Đông Á về địa lý, đang nỗ lực không ngừng để trở thành hạt nhân trung tâm ở Đông Á, góp phần cùng các đối tác xây dựng một tương lai tươi sáng và thịnh vượng cho Đông Á, trong đó các lợi ích cơ bản của ASEAN sẽ được tăng cường.       

Phạm Quang Vinh

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả