Bộ sách lịch sử đạt giải Vàng sách hay năm 2014

Ngày đăng: 26/06/2015 - 10:06

Bộ sách 9 tập Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng biên soạn là một công trình nghiên cứu khá quy mô, hàm chứa những nội dung khoa học. Kế thừa những thành quả của cả một quá trình nghiên cứu, bộ sách 9 tập về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ cập nhật những nhận thức mới và tư liệu mới về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn gợi mở nhiều vấn đề cần tiếp tục đi sâu về các chiều cạnh, hoặc chứa đựng, hoặc liên quan tới sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Bộ sách là thành quả sự nỗ lực to lớn, liên tục của cả một tập thể tác giả.

lich su KCCM 9 tap

Bộ sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) đạt giải Vàng sách hay năm 2014

Hơn 20 năm nghiên cứu, biên soạn

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc đã gần 40 năm, nhưng một loạt vấn đề khoa học chứa đựng trong bản thân cuộc kháng chiến đã, đang và vẫn sẽ còn là những chủ đề tìm hiểu, đi sâu nghiên cứu của những người quan tâm và giới sử học trong nước cũng như nước ngoài.

Với nỗ lực của các nhà nghiên cứu, đã xuất hiện nhiều công trình lịch sử - biên khảo hoặc chuyên khảo đề cập tới, hoặc từng giai đoạn, từng thời kỳ hoặc những chiều cạnh khác nhau của cuộc kháng chiến. Thế nhưng, một công trình khoa học dày dặn phản ánh được toàn bộ diễn trình cuộc kháng chiến, bao quát được toàn bộ nội dung cơ bản thuộc về/hoặc liên quan tới cuộc kháng chiến trong 21 năm ấy, thì cho đến nay, vẫn còn là một mong muốn và trăn trở của nhiều người Việt Nam, của giới khoa học xã hội Việt Nam.

Nguyên gốc ban đầu của công trình là bộ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) gồm 2 tập, được biên soạn vào những năm 1990-1991 phục vụ công tác giảng dạy tại các trường quân đội; đồng thời, đáp ứng đòi hỏi nghiên cứu và tìm hiểu của giới nghiên cứu cũng như của người đọc lúc bấy giờ, song do nhiều lý do, hai tập sách đó chủ yếu mang tính lược sử. Vì thế, một công trình khoa học dày dặn phản ánh được toàn bộ diễn trình cuộc kháng chiến, bao quát được toàn bộ nội dung cơ bản thuộc về/hoặc liên quan tới cuộc kháng chiến trong 21 năm ấy, luôn là một mong muốn và trăn trở của nhiều người Việt Nam, của giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Nắm bắt yêu cầu đó, tập thể lãnh đạo, chỉ huy Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, bắt tay xây dựng đề cương sơ lược cho bộ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), bao gồm 9 tập, triển khai nghiên cứu và xuất bản dần từng tập để có được bộ sách 9 tập như hiện nay. Tuy nhiên, để có một công trình ngang với tầm vóc, phản ánh tương đối toàn diện lịch sử của “cuộc chiến tranh thần thánh” thực không hề dễ dàng, không thể giải quyết một sớm một chiều. Nỗ lực thu thập tư liệu, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã tổ chức triển khai biên soạn từng tập một với thời gian biên soạn khoảng chừng 2 năm. Sau mỗi tập, các tác giả đều tổ chức rút kinh nghiệm, bổ sung, xây dựng đề cương chi tiết các tập tiếp theo để biên soạn hoàn chỉnh hơn. Tính từ thời điểm xây dựng đề cương sơ lược (1992) cho đến khi xuất bản tập cuối cùng (2012), thời gian hoàn thiện công trình kéo dài đến 20 năm.

Dù 9 tập sách lần lượt được xuất bản, nhưng công trình thực ra cũng mới chỉ chủ yếu lưu hành trong quân đội, với số lượng hạn chế, chưa phổ biến rộng rãi. Đầu năm 2013, nhận thấy đây là công trình nghiên cứu tương đối đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, miêu tả và làm rõ được những chiến công và sự hy sinh to lớn của nhân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức hiệu đính, bổ sung, sửa chữa và xuất bản trọn bộ 9 tập Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), phát hành rộng rãi đến bạn đọc trong và ngoài nước.

Và thành quả mang những giá trị "Vàng"

Phải khẳng định ngay rằng, cho đến nay, tính cả ở trong và ngoài nước, thì bộ sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) với gần 4.000 trang khổ 14,5 x 20,5 cm là công trình khoa học đầu tiên phản ánh một cách đầy đủ, chi tiết, toàn diện và sâu sắc nhất về lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 21 năm của nhân dân Việt Nam.

Phản ánh toàn bộ diễn biến cuộc kháng chiến trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1975, bộ sách được bố cục thành 3 phần lớn (mở đầu, diễn biến, tổng luận) với 42 chương, nương theo sự phân kỳ như lâu nay giới sử học Việt Nam thường làm. Sự phân kỳ và bố cục các chương mục trong bộ sách là hợp lý, ôm trùm và chuyển tải được những chặng đường phát triển, những nội dung chủ yếu của cuộc kháng chiến qua những mốc lịch sử quan trọng, nổi bật.

Vấn đề căn bản cho thành công của một công trình sử học trước tiên nằm ở khâu sưu tầm và xử lý tư liệu. Đây là một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi nhiều thao tác khoa học phức hợp và phức tạp.

Viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khai thác tư liệu không chỉ là yêu cầu khoa học thuần túy. Tiếp cận được khối tư liệu mật, tư liệu “gốc” hiện nằm tại các trung tâm lưu trữ của Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước có liên quan không hề dễ dàng đối với bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Ngoài ra, để khai thác và sử dụng được những nguồn tư liệu như thế, ngoài thời gian, tài lực, các tác giả còn cần đến sự kiên nhẫn, thuần thục và sự vững vàng trong phương pháp tiếp cận, xử lý sử liệu. Về phương diện đó, bộ sách 9 tập thực sự đưa đến cho độc giả một lượng tri thức và sử liệu quý giá. Tập thể tác giả đã khai thác những tư liệu chưa được phổ biến rộng rãi, nhiều tư liệu có giá trị đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Việt Nam; đồng thời khai thác những tư liệu vừa mới được công bố, giải mật từ các nguồn khác nhau ở cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bao năm qua đã có nhiều công trình đề cập hoặc từng giai đoạn, từng thời kỳ hoặc từng lĩnh vực. Một yêu cầu đặt ra cho những nghiên cứu đi sau là phải sưu tập, kiếm tìm, thẩm định không chỉ tư liệu, mà còn phải kế thừa, cập nhật các kết quả, các quan điểm nghiên cứu mới, lấy đó làm cơ sở so sánh, đối chiếu, chọn lọc để đưa vào sử dụng - điều này được thể hiện khá hiệu quả trong công trình.

Lựa chọn/chọn lọc những sự kiện, hiện tượng lịch sử; những tên đất, tên người của chặng đường lịch sử 21 năm một cách khoa học, có tính tiêu biểu để đưa vào công trình, với thái độ nghiêm túc và có trách nhiệm, tập thể tác giả đã cố gắng phản ánh hiện thực lịch sử một cách chân thực, khách quan, lần lượt dẫn dắt, lý giải cho người đọc từ bối cảnh trong nước và quốc tế dẫn đến cuộc kháng chiến (tập I), trình bày cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước theo trình tự thời gian, qua các chặng đường lịch sử (từ tập I đến tập VIII) để rồi cuối cùng tổng kết lại cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ suốt 21 năm của nhân dân Việt Nam (tập IX). Mỗi tập có một tên gọi riêng phù hợp với nội dung đề cập theo từng vấn đề, từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

Nhìn chung, giá trị xuyên suốt về mặt nội dung của bộ sách là ở chỗ, ngoài việc lý giải, khẳng định tầm vóc thời đại, diễn tiến, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến, chỉ ra những chặng đường phát triển thành công, công trình còn trình bày, phân tích những mất mát, tổn thất, hy sinh, những khúc quanh, những chặng đường cam go, những diễn biến phức tạp bên trong cuộc chiến. Và bao giờ cũng vậy, một công trình sử học quan phương có yêu cầu căn bản là làm rõ tính chính đáng của chủ thể lịch sử mà công trình ấy theo đuổi. Về phương diện này, bộ sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể được xem là bằng chứng khoa học cả về sử liệu và luận lý cho tính chính đáng lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cho vai trò lịch sử của quần chúng nhân dân và của Đảng Lao động Việt Nam. Bộ sách thể hiện cái nhìn tổng thể, thống nhất với quan điểm nhất quán rõ ràng; đồng thời, là một trong những công trình lớn thể hiện sự nhận thức lịch sử của giới sử học quân sự nói riêng cũng như của giới sử học Việt Nam nói chung về một chặng đường lịch sử đầy biến cố trong lịch sử dân tộc. Xem xét lịch sử như một chỉnh thể, nắm bắt logic nội tại của lịch sử, vượt qua cái nhìn thiên kiến, cục bộ của “người trong cuộc”, công trình 9 tập của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam là một tài liệu chính thống đặt nền tảng quan điểm xuyên suốt, thống nhất đối với phân tích lịch sử.

Thể hiện quan điểm lịch sử của một cơ quan nghiên cứu lịch sử quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng, công trình cũng đóng góp vào việc đúc kết truyền thống quân sự Việt Nam, thể hiện rõ nét qua việc đúc rút kinh nghiệm lịch sử, qua những nhận định, đánh giá, tổng kết về nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại.

Thay lời kết

Nghiên cứu và tái hiện một cách đầy đủ mọi chiều cạnh lịch sử một cuộc chiến tranh lớn là không hề đơn giản, đặc biệt đối với một công trình sử học có tính chính thống, quan phương, với mục tiêu ghi lại chân thực lịch sử, bổ sung tri thức lịch sử.

Là ấn phẩm có giá trị về nhiều mặt, có chất lượng khoa học, giải đáp nhiều vấn đề đặt ra về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam, có thể trở thành công cụ tra cứu cho việc tìm hiểu về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, song bộ sách cũng không tránh khỏi một vài thiếu hụt nhỏ đặt trong yêu cầu giải quyết tường tận mọi vấn đề.

Do khuôn khổ có hạn, nhìn chung, công trình chỉ có thể phản ánh lịch sử ở mức độ chi tiết nhất định, và do quá trình biên soạn, xuất bản kéo dài, nên có những tập, nhất là những tập đầu, tuy đã khai thác và cập nhật được những tư liệu mới vào lúc đó song theo thời gian, đến nay vẫn có hạn chế nhất định. Là tổng hợp kết quả nhận thức tại thời điểm bộ sách ra đời, tập thể tác giả, dù đã dày công nghiên cứu, song vẫn chưa thể bổ khuyết, hoặc nhìn nhận thấu đáo một số sự kiện lịch sử gây tranh cãi. Còn nhiều sự kiện, vấn đề lịch sử vẫn cần được bổ sung chi tiết, cụ thể, sáng rõ hơn. Cũng lưu ý thêm rằng, tuy chưa phân tích, lý giải và minh định đầy đủ những sự kiện vốn đã và đang gây nhiều tranh cãi, song các tác giả đã điểm lại, dẫn ra các sự kiện, vấn đề còn chưa thống nhất (phong trào Đồng khởi, sự kiện Tết Mậu Thân 1968, vấn đề tôn giáo, vấn đề lực lượng thứ ba, sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, vai trò của nội các Dương Văn Minh, những dích dắc quan hệ đồng minh của Việt Nam với một số nước lớn...). Nhìn nhận những sự kiện/vấn đề đó từ nhiều góc độ, tập thể tác giả đã gợi mở hướng nghiên cứu tiếp theo, khơi gợi những nội dung mới cần được nghiên cứu sâu thêm.

“Lịch sử chỉ diễn ra một lần, song lịch sử luôn được viết đi rồi viết lại” - trên khía cạnh đó, công trình 9 tập Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam là một cố gắng đáng ghi nhận trong nỗ lực tiệm cận hơn với sự thật lịch sử. Bộ sách đồng thời cũng là sự tri ân sâu nặng đối với biết bao thế hệ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

PGS, TS. Hồ Khang

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

Bình luận