Ba giải pháp tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay

Ngày đăng: 04/02/2015 - 08:02

bagiaiphaptieptucdoimoiphuongthuccamquyen

Thế giới ngày càng phát triển đa dạng, phức tạp và sôi động chưa hề từng thấy, không chỉ dừng lại ở quy mô, tốc độ mà cả chiều sâu của nó. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã và đang đối mặt với không ít thời cơ trăm năm và cả những thách thức sinh tử, mất còn, chưa hề gặp trong lịch sử phát triển. Với tư cách là Đảng duy nhất cầm quyền xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, một cách tự nhiên, toàn bộ công việc cầm quyền của Đảng, ở đây trước hết và trực tiếp là phương thức cầm quyền, không thể không thay đổi nhằm đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ lịch sử mà dân tộc giao phó và nhân dân ủy thác. Chỉ có như thế, Đảng mới trưởng thành và ngày càng trở thành chính dân tộc, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, tiếp tục gánh vác thành công trọng trách ngang tầm thời cuộc hiện nay.

Từ nhận thức sơ giản đó, trong rất nhiều vấn đề về phương thức cầm quyền của Đảng và công việc tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay, cần giải quyết cấp bách ba vấn đề có tính chất căn bản nổi bật sau đây:

1. “Hai nhận thức” trong việc đổi mới trọng trách cầm quyền tất yếu của Đảng

Xét một cách tổng thể, toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với xã hội có thể hình dung gồm ba nhóm công việc chính yếu: 1) Hoạch định đường lối chính trị (đối với Đảng) và chính sách, pháp luật (đối với Nhà nước) đúng đắn nhằm phát triển đất nước không ngừng; 2) Tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối chính trị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; 3) Kiểm tra, giám sát, thanh tra toàn bộ việc thực hiện đường lối chính trị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đó cũng chính là những lĩnh vực, là môi trường, là thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy của Đảng và Nhà nước...

Về bản chất, lãnh đạo và quản lý là hai công việc khác nhau, nhưng thống nhất, thậm chí có điểm chồng lấn, đan xen.

Lãnh đạo là một khái niệm rộng hơn quản lý. Sự lãnh đạo xuất hiện bất kỳ khi nào một người hoặc tổ chức cố gắng để tác động hoặc chi phối hành vi của một cá nhân, một nhóm người hay rộng hơn là đất nước, bất kể điều kiện, hoàn cảnh nào. Còn sự quản lý, đó là quá trình làm việc cùng với và thông qua các cá nhân, các nhóm xã hội và những nguồn lực khác (như thiết bị, vốn, công nghệ...) để đạt được những mục đích của tổ chức. Về sự lãnh đạo, cũng có thể vì mục tiêu của chính người lãnh đạo hoặc những mục tiêu của ban lãnh đạo hoặc những mục tiêu của đối tượng hoặc nhóm đối tượng, và những mục tiêu này cũng có thể “đồng dạng” hoặc không “đồng dạng” với mục tiêu của tổ chức. Còn sự quản lý được áp dụng cho các tổ chức (dù đó là doanh nghiệp, cơ quan giáo dục hay tổ chức chính trị, quân đội, thậm chí là gia đình); và để thành công, các tổ chức này đòi hỏi những nhà quản lý phải có những kỹ năng giữa cá nhân con người với nhau. Do đó, sự khác nhau quan trọng giữa hai khái niệm lãnh đạo và quản lý nằm ở mục tiêu của tổ chức. Song, xét theo một ý nghĩa nào đó, sự quản lý là một loại hình lãnh đạo chuyên biệt, trong đó việc đạt được những mục tiêu của tổ chức có ý nghĩa quan trọng nhất. Nói cách khác, việc đạt được các mục tiêu của tổ chức thể hiện và thông qua sự quản lý chính là sự lãnh đạo. Theo đó, mỗi người trong tổ chức lãnh đạo đều là một nhà quản lý trong một số hoạt động nhất định.

Diễn đạt một cách khái quát có tính hình tượng, nếu nhà lãnh đạo chế ngự hoàn cảnh - những ngoại vi không ổn định, bất thường, mơ hồ và đôi khi có vẻ chúng chống lại, thậm chí hạ gục chúng ta, nếu chúng ta lơ là - thì những nhà quản lý lại quy phục, thậm chí đầu hàng hoàn cảnh. Nếu nhà quản lý trông nom thì một nhà lãnh đạo đổi mới. Nếu nhà quản lý là một bản photocopy thì nhà lãnh đạo là bản gốc. Nếu nhà quản lý làm nhiệm vụ duy trì thì nhà lãnh đạo có trọng trách phát triển. Nếu nhà quản lý tập trung vào hệ thống và cấu trúc thì nhà lãnh đạo tập trung vào con người. Nếu nhà lãnh đạo xây dựng lòng tin thì nhà quản lý nặng về kiểm soát. Nếu nhà quản lý có tầm nhìn ngắn hạn thì nhà lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn. Nếu nhà quản lý đòi hỏi như thế nào và khi nào thì nhà lãnh đạo đòi hỏi cái gì và tại sao. Nhà quản lý nhìn tới dòng cuối cùng thì nhà lãnh đạo nhìn tới tận chân trời. Nếu nhà quản lý cần sự noi gương và làm theo thì nhà lãnh đạo phải cần sự bắt đầu và sáng tạo. Nếu nhà quản lý chấp nhận nguyên trạng thì nhà lãnh đạo thách thức nó. Nếu nhà quản lý làm mọi điều theo cách đúng thì những nhà lãnh đạo cần làm những điều đúng, v.v..

Theo đó, vậy phương thức cầm quyền của Đảng là gì?

Trên bình diện triết học - lịch sử, có thể hiểu một cách bao quát nhất phương thức cầm quyền của Đảng là toàn bộ những phương pháp, cách thức, và tập trung nhất, cao nhất là nghệ thuật nắm lấy chính quyền nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân, thông qua đó, khẳng định quyền uy của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trực tiếp chi phối và quyết định sự phát triển của đất nước, bằng quyết sách chính trị, bằng tổ chức bộ máy của Đảng, bằng thực lực sức mạnh hữu hình và vô hình, và bằng uy tín của Đảng trong thực tiễn phát triển của đất nước, của thời đại.

2. Phương châm “Năm hóa” đối với đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng

Thực thi phương thức cầm quyền của Đảng bao gồm rất nhiều vấn đề. Nhưng, tựu trung, ở đây có năm khía cạnh về phương châm, nổi bật cần thấu triệt:

Thứ nhất, khoa học hóa: Nếu vị trí cầm quyền càng chính danh, vai trò cầm quyền càng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của dân tộc, thì, một cách tự nhiên, trách nhiệm cầm quyền đòi hỏi càng phải mang tính pháp lý, mục tiêu cầm quyền càng phải minh bạch, phương pháp cầm quyền càng phải phù hợp và hiệu quả. Toàn bộ những công việc tối thiểu đó tiếp tục cần được nghiên cứu một cách hệ thống, căn bản và có tính khả dụng. Nó không chấp nhận sự tùy hứng, tùy thời, càng không thể là kết quả của sự áp đặt hay sự chắp vá, vụn vặt, hoặc chuyển dịch kinh nghiệm một cách cơ học, mô phỏng phi thực tế. Nghĩa là, phải được xác thực bởi những quy luật, rộng hơn là các vấn đề mang tính quy luật của toàn bộ công việc cầm quyền nói chung và phương thức cầm quyền nói riêng. Ở đây, có hai góc độ cần lưu ý là sự nhắc nhở và cảnh báo của Ph. Ăngghen, rằng, khoa học càng được nghiên cứu vô tư bao nhiêu càng có ý nghĩa thúc đẩy cách mạng và lịch sử bấy nhiêu; và rằng, một chương trình càng sa vào cụ thể, tỉ mỉ bao nhiêu sẽ càng rơi vào ảo tưởng bấy nhiêu. Điều này có ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với vấn đề đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng trong bối cảnh hết sức phức tạp, khó tiên lượng hiện nay.

Thứ hai, dân chủ hóa: Mục tiêu cầm quyền càng tập trung thì hơn bao giờ hết, hiện nay, phương thức cầm quyền càng dân chủ. Hiện nay, Đảng là người duy nhất cầm quyền, nhất là khi chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế không chỉ về bề rộng mà cả về chiều sâu, trong một cục diện thế giới biến động phức tạp và không lường. Đó là con đường ngắn nhất, là động lực, “chìa khóa thành công”... phải được thực thi trước hết, mạnh mẽ và sâu sắc từ trong Đảng. Đó chính là phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Vì, mục tiêu thì chỉ có một, nhưng phương thức vì mục tiêu thì có hàng trăm, thậm chí nhiều trăm cách thức, phương lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Kế hoạch một, quyết tâm phải mười và biện pháp phải hai mươi. Cần ngăn chặn những bệnh hoạn trong tiến trình cầm quyền theo nguyên tắc tập trung dân chủ: cụ thể là thói quan liêu mệnh lệnh, “quan liêu vất vả” (V. I. Lênin) hoặc các tệ dân chủ hình thức, dân chủ bắt buộc, dân chủ tham khảo, dân chủ giả hiệu… Đặc biệt, cầm quyền phải gắn liền với trách nhiệm. Do đó, dân chủ trong cầm quyền chính là chống mọi hành vi tham nhũng cầm quyền, nhất là thói ỷ thế cầm quyền dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, lấn quyền và tham nhũng quyền lực… phá hoại vị thế và vai trò cầm quyền của Đảng.

Thứ ba, văn hóa hóa: Vì Đảng “là đạo đức, là văn minh” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng “là trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta” (V.I. Lênin) nên một cách tự nhiên, phương thức cầm quyền của Đảng không thể không là sự tập trung và thể hiện tinh hoa văn hóa, là sự mẫu mực về văn hóa, và là tấm gương phản chiếu về văn hóa. Điều đó chứ không phải gì khác sẽ làm nên cốt cách, khí phách và bản lĩnh chính trị, bản lĩnh hành động của Đảng.

Nói cụ thể, văn hóa trong chính trị của Đảng phải được thể hiện trước hết ở phương thức cầm quyền. Nó phải thấm đẫm tinh hoa văn hóa và truyền thống nhân văn dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới hiện đại, trên từng phương diện cầm quyền, ở mỗi tổ chức của Đảng, trong mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền, trước hết về tư chất phẩm hạnh cá nhân, về lề lối, phong cách và phương pháp cầm quyền. Toàn bộ vấn đề này là một trong những nhân tố cơ bản quyết định sự thành bại của mục tiêu cầm quyền và vị thế, uy tín của Đảng cầm quyền.

Thứ tư, hiện đại hóa: Thời đại hiện nay, với sự phát triển kinh ngạc của khoa học công nghệ và kinh tế tri thức, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đã đem lại cơ hội to lớn và khả năng tiềm tàng về sự đổi mới không ngừng phương thức cầm quyền của Đảng chúng ta. Và, như trên đã nói, mục tiêu và trọng trách của nhà lãnh đạo là tập trung vào con người, thì không có lý do gì để phương thức cầm quyền của Đảng từ chối mệnh đề tối thượng sau đây: Con người và rộng ra là tổ chức phải là trung tâm của mọi sự đổi mới, phát triển phương thức cầm quyền chứ tuyệt đối không phải con người và tổ chức quay chung quanh sự đổi mới hay phát triển phương thức cầm quyền nào đó của Đảng. Nói gọn lại, tất cả điều đó trước hay sau chỉ là phương tiện của mục tiêu phát triển con người mà thôi.

Thứ năm, trách nhiệm hóa: “Đảng ta là đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói; và sự thật, 85 năm Đảng ta không ngừng trưởng thành và gánh vác chắc chắn sứ mệnh lịch sử dân tộc và đáp lại xứng đáng sự tin cậy của nhân dân, vì Đảng luôn đứng vững trên nền móng nhân dân, với vị thế là “đứa con nòi”. Và, như thế, một cách tự nhiên, Đảng càng phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc, trong tư cách là một “đứa con nòi” không chỉ về phương diện đạo lý mà cả về bình diện pháp lý.

3. “Năm cầm” trong phương thức cầm quyền của Đảng

Từ phương châm khái lược đó, công việc của Đảng là người lãnh đạo, là người cầm quyền, và làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó, hiện nay, việc tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng bao hàm những công việc gì, chúng như thế nào... Có thể hình dung gồm năm loại công việc chủ yếu sau đây:

Một là, cầm “Đạo”: Đó chính là con đường mà Đảng phải đi, nền tảng mà Đảng phải giữ, nguyên tắc mà Đảng phải nắm lấy và phát triển bằng mọi giá, nếu Đảng tiếp tục cầm quyền: Con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng tư tưởng chính trị là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu, phát triển những tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu cho nền tảng tư tưởng chính trị đó, hiện diện bằng cương lĩnh và tất cả quyết sách chính trị của Đảng. Chỉ có như vậy, Đảng mới thật sự là Đảng mácxít chân chính. Nói cụ thể, tất cả điều này khẳng định tính chính danh, địa vị pháp lý cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đây là vấn đề cơ bản, có tính bất biến, chi phối đối với (và trong) công việc đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng.

Hai là, cầm “Cương”: Đó là toàn bộ công việc trên phương diện pháp lý và những nguyên tắc căn bản và chủ yếu của Đảng làm nên rường cột bảo đảm cho Đảng được tổ chức và hoạt động một cách chính danh, khoa học và tất yếu trên vị thế và vai trò là một đảng duy nhất cầm quyền, ngang tầm yêu cầu phát triển đúng đắn của đất nước và chịu trách nhiệm lịch sử trước nhân dân về sự cầm quyền của mình. Đây là công việc có nghĩa rường cột.

Về cơ chế tổ chức và vận hành trong Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ bao trùm và xuyên suốt, theo hướng tinh, gọn, hiện đại và hiệu quả. Không thể tổ chức những bộ máy song trùng giữa Đảng và các thành viên khác trong hệ thống chính trị.

Về cơ chế vận hành hệ thống chính trị, hoàn thiện mối quan hệ Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ, theo hướng Đảng hóa thân trong bộ máy nhà nước và các thành viên khác của hệ thống chính trị; đồng thời hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đúng Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Đảng và các quy chế trong Đảng (đối với cán bộ, đảng viên của Đảng), chứ không phải là người đứng bên trên hay bên cạnh.

Đồng thời, ở góc độ khác, cần thấu triệt điều mà lâu nay chưa được chú trọng thỏa đáng rằng, Đảng lãnh đạo Nhà nước xây dựng và thực thi pháp luật, Nhà nước của ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cho nên việc giám sát, xây dựng và bảo vệ Đảng là quyền, trách nhiệm và lợi ích của nhân dân, bằng và thông qua pháp luật và các quy chế khác. Vì, cầm quyền, hiểu theo nghĩa nào đó, chính là sự tương tác; và vì Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và lịch sử về sự cầm quyền của mình. Đó là điều chắc chắn về đạo lý, mà Đảng “là đứa con nòi”, phải giữ gìn và bảo vệ vô điều kiện một cách xứng đáng.

Điều cần khẳng định và kiên quyết thực thi ở đây là, trên phương diện pháp lý, không một ai, một tổ chức nào của Đảng được phép đứng ngoài hay đứng trên Điều lệ Đảng, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đứng ngoài hay đứng trên Hiến pháp và pháp luật, đứng ngoài sự giám sát của nhân dân.

Ba là, cầm “Tướng”: Phương thức Đảng cầm quyền trên phương diện tổ chức, thiển nghĩ là phải cầm “Tướng”, chứ không phải cầm quân. Đây là công việc then chốt. Vì, Đảng là người mang sứ mệnh và trọng trách lãnh đạo, như trên đã kiến giải. Điều này đòi hỏi Đảng tự nhiên phải nắm lấy và không thể nhường hay buông công việc then chốt là cầm “Tướng” với cương vị là người lãnh đạo; và Đảng phải ra những quyết sách chi phối quyết định đối với các “tướng” cầm quân ở các thành viên khác trong toàn bộ hệ thống chính trị nước ta, xét trong toàn bộ sự cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trên cơ sở pháp lý và Điều lệ Đảng. Đảng không làm thay những việc của những vị “tướng” cầm quân, mà chỉ cầm và nắm lấy đội ngũ “tướng”, ở bất cứ phương diện nào dù kinh tế hay chính trị, quốc phòng hay đối ngoại, dù là thành viên nào của hệ thống chính trị Việt Nam. Nói như Trần Hưng Đạo, hơn 750 năm trước, rằng, “việc quân cốt là ở dùng tướng”, “chọn dùng tướng giỏi”.

Bốn là, cầm “Tâm”: Một trong những sức mạnh vô địch của Đảng là sức mạnh văn hóa, đạo đức của Đảng; và chính điều này góp phần làm nên vị thế lịch sử của Đảng và được nhân dân trao cho “đứa con nòi” của mình vai trò lãnh đạo nhân dân và dân tộc, giữa trùng điệp các đảng phái chính trị đủ loại khác nhảy ra mưu đoạt vũ đài lịch sử với Đảng lúc sinh thời và những lúc cam go mất còn nhất của lịch sử nước nhà. Ấy là cái “Tâm” của Đảng làm nên cái Tín và cái Tâm của đồng bào mình đối với Đảng và sống chết với Đảng vậy. Cái Tín tỏa từ trong Đảng làm nên cái Tín trong nhân dân và trong đồng chí, bạn bè quốc tế, tất cả làm giàu thêm và nhân lên sức mạnh vô địch của cái Tâm, cái Tín đối với Đảng.

Trong Đảng, ai cũng phải giữ bổn phận tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, phải “giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, để thực thi đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường đoàn kết quốc tế; lấy cái “tâm” làm gốc, giữ nguyên tắc đảng làm đầu. Đảng phải cầm lấy “tâm”, giữ điều “tín” ở tầm chiến lược, dù ở đâu, ở lúc nào hay dù với ai, và nhất quyết “không gây thù oán với một ai”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, như thuật “Tâm công” của ông cha ta 600 năm về trước. Đảng mất lòng tin ở bạn bè, đồng chí, đối tác là mất lớn, mất lòng tin ở nhân dân có nguy cơ lâm vào vòng sinh tử và mất tất cả. Có Tâm mới có Tín, cầm Tâm mới cầm được Tín! Mỗi vị tướng mà Đảng “cầm” phải là và xứng đáng là một tấm gương sáng về Tâm về Tín. Nhân dân tin sẽ yêu và soi vào gương ấy! Vì vậy, cầm “Tâm” để nâng tầm Tín là phương lược cầm quyền mang ý nghĩa tồn vong, thành bại đối với Đảng từ trong lịch sử, mà hiện nay cần kíp hơn bất cứ lúc nào.

Năm là, cầm “Thời”: Đây chính là tầm nhìn thời cuộc của Đảng. Không cầm nổi thời, Đảng thật khó thành công về phương thức trong công cuộc cầm quyền. Ở đây, hội tụ khả năng tiên liệu thời thế mang tầm nhìn chiến lược, sự mẫn cảm thời cuộc trong Đảng, trong nước và trên thế giới một cách toàn cục và sâu sắc, là một trong những tiền đề xây dựng quyết sách chính trị chiến lược đúng đắn, lộ trình, bước đi và hệ giải pháp cầm quyền then chốt và chủ yếu nhất của Đảng... là vấn đề có ý nghĩa căn bản, mệnh hệ, mà trước hết từ trong việc cầm “Thời” của Đảng.

Về điều cầm “Thời” này, hơn 750 năm trước Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế”; và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào năm 1942, trong bài thơ Học dịch kỳ (Học đánh cờ), Người cũng viết: “Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế/ Kiên quyết thời thời yếu tấn công/ Thác lộ song xa dã một dụng/ Phùng thời nhất tốt khả thành công” (Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tấn công/ Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công). Tới đây, xin phỏng theo minh ý của cụ Ức Trai, gần 600 năm trước, tức năm 1426, để vận về Đảng trong việc cầm “Thời”: Rằng, Đảng giỏi cầm quyền là ở chỗ ưu thời mẫn thế, ở chỗ hiểu thấu và biết nắm lấy thời thế. Và rằng, được thời và có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ thành lớn; mất thời và không thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại nên nguy; sự thay đổi ấy chỉ ở trong khoảng bàn tay.

Có thể nói gọn lại, “năm cầm” trên chính là phương thức cầm quyền rường cột, cốt yếu nắm chắc ThờiThế trong tất thảy công việc thuộc phương thức cầm quyền của Đảng, ngõ hầu vừa không bỏ sót quyền của chính mình, vừa khắc phục sự “cầm” nhầm quyền của người khác, của các thành viên khác trong hệ thống chính trị nước ta.

Hơn lúc nào hết, hiện nay, để tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng ngang tầm trọng trách lịch sử trong tiến trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thiển nghĩ ba giải pháp tối thiểu ấy, Đảng dứt khoát phải nắm lấy thật toàn vẹn và thật chắc chắn, quyết không buông!

Nhị Lê

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

(Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức)



Bình luận