Bác Hồ, nơi trái tim đất nước

Ngày đăng: 19/05/2014 - 10:05

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang nghiêm mà gần gũi, giản dị, mà thanh cao giữa Thủ đô Hà Nội. Nơi đây, nhiều thập niên qua luôn là điểm hẹn của hàng triệu con người thuộc mọi lứa tuổi, mầu da, sắc tộc, tôn giáo đến từ khắp các châu lục bày tỏ tình cảm, sự kính trọng, lòng biết ơn đối với một Con Người mà tên gọi và cuộc đời, sự nghiệp đã trở thành hình ảnh của dân tộc, biểu tượng của thời đại...

Bác Hồ với khách quốc tế và các cháu thiếu nhi Việt Nam. Ảnh tư liệu

Bác Hồ với khách quốc tế và các cháu thiếu nhi Việt Nam. Ảnh tư liệu

   Sáng tháng năm, sau mưa, những chùm hoa đua sắc trên nền thảm xanh tốt tươi bên Quảng trường Lăng Bác. Bảo tàng Hồ Chí Minh, tòa nhà mang biểu tượng bông sen kỳ vĩ tỏa sáng trong nắng vàng rực rỡ. Chị Vương Nguyệt Ánh, cán bộ của Bảo tàng cùng các đồng nghiệp duyên dáng trong tà áo dài chuẩn bị đón một vị khách đặc biệt. Chiến sĩ cảnh vệ Hoàng Ðức Hùng quân phục chỉnh tề, gương mặt trẻ hồi hộp đón vị khách quý. Ðược biết, với nhiệm vụ nghiên cứu và giáo dục khoa học về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, nơi đây đang lưu trữ, trưng bày "kho" tư liệu, hiện vật quý giá đồ sộ, gồm 13 nghìn hiện vật cùng hơn 1,5 vạn bản sách, gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người.

   11 giờ ngày 9-5, Thủ tướng Xri Lan-ca, ông Ð.M.Giay-a-rát-nê cùng đoàn tiến vào sảnh Bảo tàng. Ông mặc bộ lễ phục trắng, bút cài túi ngực. Ở tuổi 83, ông nhanh nhẹn bước đi trong sự đón tiếp ân cần của cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong lúc cùng đoàn chụp ảnh trước tượng đài của Người, ông nhớ lại: Hồ Chí Minh đã ba lần đến đất nước Xri Lan-ca, vào các năm 1911, 1928 và 1946. Tôi hằng ngưỡng mộ Hồ Chí Minh, lãnh tụ đáng kính của nhân dân Việt Nam.

   Thủ tướng Ð.M.Giay-a-rát-nê đã dành nhiều thời gian, qua các khu trưng bày, chăm chú nghe thuyết minh. Ông đặc biệt ấn tượng trước tổ hợp hình ảnh và hiện vật về Bác Hồ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Giữa trưa hè Hà Nội, lưu luyến, xúc động, rời bảo tàng, ông chia sẻ: Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh ngày nay không chỉ gần gũi thân thiết đối với cả dân tộc Việt Nam mà còn đối với cả trăm triệu con người trên thế giới.

  Những tư liệu lịch sử cho thấy, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở thành lãnh tụ tối cao của đất nước, Bác Hồ đã từng sống, làm việc và tới thăm 56 quốc gia thuộc năm châu lục. Một vị chính khách nước ngoài thăm Bảo tàng đã lưu bút tôn vinh: Hồ Chí Minh, vị đại sứ Việt Nam trên khắp toàn cầu. Ðể đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, hiện nay trên toàn quốc đã hình thành hệ thống với gần 700 di tích, điểm di tích và lưu niệm về Người. Tại Thủ đô Hà Nội, cùng với Lăng của Người, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu Di tích tại Phủ Chủ tịch đã đón tiếp hơn 100 triệu lượt người, trong đó có mười hai triệu lượt khách quốc tế.

    Trong dòng người bất tận, chúng tôi đã được nghe và ghi lại được những cảm tưởng chân thật, chứa đựng sự tôn kính, yêu thương sâu nặng đối với Bác, với đất nước, con người Việt Nam.

   Ngay từ ngày đầu xuân 2014, anh Kiều Xuân Long, trong đoàn Doanh nhân từ Cà Mau về Thủ đô thăm Bác Hồ, bộc bạch: Ðã rất lâu, cuộc sống mưu sinh lôi cuốn khiến tôi không có điều kiện sống với những kỷ niệm, ký ức tuổi niên thiếu về Bác Hồ. Nay về bên Bác, thêm tự hào về Bác, về đất nước con người Việt Nam, củng cố trong tôi tâm nguyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Từ quê hương đồng khởi Bến Tre, má Phan Thị Bảy, mẹ liệt sĩ, 78 tuổi, ngồi trên xe lăn vào Lăng viếng Bác, thăm nơi ở của Người. Khuôn mặt má luôn rạng ngời bên ngôi nhà sàn rợp bóng cây xanh, thơm hương hoa Hoàng lan. Má toại nguyện rồi! Bên ngôi nhà sàn, má Bảy chụp rất nhiều ảnh. Má nói: Ðể gửi cho con cháu, nhắc chúng nó nhớ học tập noi gương Bác mỗi ngày. Từ quê hương huyện Hòa An (Cao Bằng) về Khu di tích, cụ Cam Thị Bình, bộc bạch: Ðồng bào dân tộc Tày chúng tôi nguyện mỗi ngày nỗ lực sát cánh cùng con cháu sống, học tập và cống hiến cho Ðảng, cho đất nước theo tấm gương của Người.

Bác Hồ với khách quốc tế. Ảnh tư liệu

Ðến từ châu Phi, ông Bơ-rác Dây-di Da-u-roa, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Cốt-đi-voa cho biết, đã có nhiều năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Thăm các công trình văn hóa tưởng niệm Bác tại Hà Nội, ông ghi cảm tưởng: Tư tưởng đạo đức, ý chí kiên cường và lòng yêu nước phi thường của Bác Hồ là bài học cao quý đối với tôi. Nhân dân Việt Nam thật tự hào có người lãnh đạo như thế.

Một nhà khoa học Mỹ, tiến sĩ Rây-mông, thuộc Ðại học Harvard, sau khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, đã bày tỏ: Người là một biểu tượng sâu sắc về trí tuệ và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, tôi nguyện sẽ đem hết sức mình làm chiếc cầu nối giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ.

Ðồng chí Gioóc In-sun-da, trong đoàn Ðảng Cộng sản Chi-lê, khi thăm các công trình văn hóa tưởng niệm Bác tại Hà Nội, đã thay mặt Ðoàn ghi cảm tưởng: Hồ Chí Minh là tấm gương bền bỉ và quả cảm trong nỗ lực đưa những lý tưởng cộng sản vào thực tiễn. Việt Nam đã giúp toàn thế giới giương cao những giá trị nhân văn vĩ đại. Thành tựu đó có vai trò quyết định của đồng chí Hồ Chí Minh...

Ðã gần 45 năm Người đi xa, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nơi hội tụ tình cảm thiêng liêng, là kỳ đài lịch sử nơi trái tim đất nước. Vào dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Bác, Chính phủ Việt Nam đã cử đoàn cán bộ cấp cao do Thiếu tướng Phạm Văn Lập, Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu sang Mát-xcơ-va cùng Ðại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức cuộc gặp mặt, tri ân các chuyên gia của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay đã có nhiều đóng góp với nhiệm vụ gìn giữ và bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Bác.

Cuộc hội ngộ, tri ân do Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn và Thiếu tướng Chính ủy Phạm Văn Lập với 26 nhà khoa học diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, đầy xúc động. Trong đó có Giáo sư, Viện sĩ L. Pu-tin, nguyên Hiệu trưởng Ðại học Y khoa số hai Mát-xcơ-va, nay đã 90 tuổi; GS, Viện sĩ Ðê-nhi-xốp đã sang Việt Nam từ cuối tháng 8-1969; ông Gin-kin A-na-tô-li có mặt ở Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt (sau này con trai ông cũng tình nguyện sang Việt Nam sát cánh cùng đồng nghiệp Việt Nam thực thi nhiệm vụ gìn giữ thi hài Bác).

Với tình cảm quốc tế trong sáng, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự tham gia của chuyên gia nước bạn, suốt mấy chục năm qua thi hài của Người luôn được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất. Người nằm đó, gần gũi thân thương. Lăng Bác có ngày mở cửa đón 36 nghìn khách trong nước và quốc tế. Trong hàng triệu tấm lòng khách quốc tế đến với Bác, có biết bao câu chuyện ân tình, cảm động. Mới đây, cụ Hòa thượng Phoong Xả Ma Lợt, 101 tuổi, Chủ tịch Hội Liên minh Phật giáo Lào sang thăm Việt Nam. Tuổi đã cao, sức khỏe yếu, phải ngồi trên xe lăn nhưng cụ vẫn yêu cầu được vào Lăng viếng Bác. Thỏa ước nguyện "gặp lại Người". Cụ kể, vào cuối năm 1928 và đầu năm 1929, khi hoạt động ở Thái Lan cụ đã từng nhiều lần được gặp và trò chuyện cùng Bác. Bác Hồ đã nhen nhóm trong cụ tinh thần dân tộc cao cả, vun đắp tình đoàn kết ba nước Ðông Dương... Khi lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến trao tặng cụ Huy hiệu Bác Hồ, như có phép lạ, Hòa thượng Phoong Xả Ma Lợt đã bật đứng dậy trên xe lăn để cán bộ Việt Nam đeo tấm Huy hiệu Người nơi ngực trái.

Tháng năm này, dòng người muôn phương lại về Thủ đô, vào Lăng viếng Bác, tìm về bên ngôi nhà sàn bình dị nơi Bác từng sống và làm việc. Ngôi nhà soi mình bên hồ nước, đàn cá Bác chăm ngày nào vẫn tụ về bên những bậc thềm xưa. Quanh ngôi nhà, rợp tán xanh các loại cây đặc trưng từ các vùng miền Tổ quốc đang kết trái, đơm hoa, tỏa hương thanh khiết. Phòng làm việc của Bác vẹn nguyên chiếc đài, cây bút, chiếc quạt... giản dị. Phòng ăn của Người còn đó tập thực đơn bữa ăn hằng ngày, mỗi bữa chỉ ba món mà người dân quê quen dùng. Bên nhà sàn, con Ðường Xoài tán đan xanh, nơi Bác từng cùng đi bộ, tiếp đồng bào miền Nam và khách quốc tế trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Con đường thân thiết trong câu thơ Tố Hữu: "Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ đường xoài hoa trắng nắng đu đưa". Hoa trắng ấy là hoa ban Tây Bắc, trồng bên hàng cây xoài. Sinh thời, trong một lần đi dạo dưới tán xoài trăm tuổi, Bác nói với người thư ký, phải trồng thêm cây xoài mới giữa hàng cây gốc cổ thụ còn thưa. Bác Vũ Kỳ kể, Bác muốn căn dặn, cây cối cũng vậy, phải chăm lo vun trồng thật tốt thế hệ sau...

Ðồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, từ sinh nhật năm 2013 đến nay, tròn một năm, Khu Di tích đón tiếp 2 triệu 314 nghìn khách đến tham quan. Trong đó có hơn 400 nghìn khách quốc tế. Ðã có 3.020 đoàn với gần 77 nghìn lượt người về thăm nơi ở và làm việc của Người, tiến hành nghi lễ tưởng niệm, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Mấy chục năm trôi qua, cùng với dòng người về bên Bác, đã có hàng trăm cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, cùng rất nhiều các công trình nghiên cứu đồ sộ, hàng nghìn cuốn sách, bài viết của các chính khách, các nhà hoạt động xã hội, các nhà văn, nhà báo... đủ các sắc tộc, lứa tuổi, tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tìm hiểu, đánh giá đầy đủ hơn về người "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới". Con người mà cuộc đời, tên gọi đã là hình ảnh của dân tộc, và sự nghiệp đã trở thành biểu tượng của thời đại. Song đến hôm nay dường như vẫn chưa đủ để trả lời câu hỏi: "Vì sao trái đất nặng ân tình/ Nhắc mãi tên Người - Hồ Chí Minh".

Trong cuộc trò chuyện tháng năm, Giáo sư sử học Lê Mậu Hãn và Tiến sĩ Chu Ðức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng chiêm nghiệm về lời căn dặn của Bác Hồ: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Những gì thuộc về Người ngày càng tỏa sáng, lan xa tới nhiều lớp người, nhiều thế hệ, góp phần vào sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh vì một thế giới hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

LÊ MẬU LÂM

Theo Nhân dân


 

 

Bình luận