Bác Hồ trong ngày lịch sử

Ngày đăng: 28/08/2015 - 15:08

Sau ngày cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội ở tại ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang trong khu phố cổ, ngôi nhà của ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ. Tại đây, Bác soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Bảo vệ Bác thời gian này là đồng chí Phùng Thế Tài cùng 2, 3 đồng chí khác và phải tuyệt đối giữ bí mật cho Người.

trang4173708852

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu.

Trong lúc này, Ban tổ chức ngày Lễ Tuyên ngôn Độc lập họp khẩn cấp bàn: Xác định quy mô cuộc mít tinh lớn có thể khoảng 120.000 - 150.000 nhân dân các địa phương toàn miền Bắc tham gia, như vậy địa điểm họp phải thoáng, đường phố phải rộng để các phía có thể hướng về lễ đài. Quảng trường Nhà hát Lớn không bảo đảm. Có ý kiến đề xuất, khu vực vườn hoa trước Phủ toàn quyền cũ có thể đáp ứng. Sau khi đi thực địa khảo sát, xác định địa điểm đặt lễ đài, mặt tiền quay về hướng đông bắc, nơi có đường Thanh Niên, chùa Trấn Quốc, không gian thoáng rộng, các phía đều có thể hướng được về lễ đài, đồng chí Ngô Huy Quỳnh, kiến trúc sư (sau này là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước), được giao thiết kế lễ đài. Với phương châm đơn giản, không cầu kỳ nhưng phải vững chắc (bảo đảm để Chính phủ lâm thời khoảng 10 người cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt trên lễ đài) và bề thế, đồng chí Quỳnh nói vui: “Phương châm này còn khó hơn đồ án tôi làm để tốt nghiệp kiến trúc sư”. Sau khi bản thiết kế được duyệt, một vài anh em công nhân có tay nghề cao của một số cửa hàng bán đồ mộc cao cấp phố Lò Sũ được huy động để thi công lễ đài theo công nghệ lắp ghép do kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh chỉ dẫn ngay tại xưởng mộc ngoài đê sông Hồng gần đó. Sáng 29 tháng 8, các bộ phận của lễ đài được đưa tới địa điểm để lắp ráp. Vải bao quanh lễ đài, tua nẹp trang trí được bà con khu phố Hàng Ngang, Hàng Đào ủng hộ. Ngày 29 tháng 8, lễ đài được ban tổ chức nghiệm thu. Các chi đội giải phóng quân đã tiến vào nội đô, Chi đội Vi Dân, Chi đội Nguyễn Rạng được phân công chốt giữ các điểm trọng yếu trên quảng trường. Riêng Chi đội Quang Trung được trải ra từ Bắc Bộ Phủ qua đường Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Cửa Nam, đường Cột Cờ tới lễ đài - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Sáng sớm ngày 2-9-1945, nhân dân các địa phương, các đoàn thể, tổ chức quần chúng hàng ngũ chỉnh tề từ các ngả theo chỉ dẫn trật tự tiến vào các vị trí được phân quanh lễ đài. Đoàn đại biểu Đảng bộ miền Nam ra họp đại hội cũng có mặt. Cờ đỏ sao vàng rợp trời, chiêng trống rền vang.

13 giờ 30 phút ngày 2-9-1945, xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh được đội cận vệ tháp tùng từ Bắc Bộ Phủ theo đường Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Cửa Nam qua đường Cột Cờ tiến vào quảng trường. Bài “Chiến sĩ ca” vang lên đón chào. Bác cùng các đồng chí trong Chính phủ lâm thời chậm rãi bước lên lễ đài. Ban tổ chức tuyên bố buổi Lễ Tuyên ngôn Độc lập... Quốc ca... Chào cờ. Lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên rồi phần phật tung bay trên đỉnh cột cờ trong ánh nắng vàng của mùa thu lịch sử.

Trước hơn 120.000 đồng bào có mặt trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu cho trào lưu phi thực dân hóa có quy mô rộng lớn toàn cầu trong thế kỷ XX. Nước Việt Nam trở thành Nhà nước đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc.

Lúc Bác tiếp tục đọc bản tuyên ngôn, có hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Muôn tiếng hô: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!”, “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do, hạnh phúc muôn năm!”.

Đến 16 giờ 30 phút, buổi mít tinh mừng Ngày Quốc khánh kết thúc. Các khối của từng địa phương, đoàn thể lần lượt diễu hành qua lễ đài. Buổi chiều mùa thu lịch sử ấy là một dấu ấn không thể nào quên trong trái tim của người dân Việt.

PHAN SỬ

(Theo Quân đội nhân dân)



Bình luận