Bài học từ cuộc đàm phán Pari về Việt Nam

Ngày đăng: 21/01/2015 - 07:01

Trong suốt gần 5 năm thực hiện chủ trương “vừa đánh, vừa đàm”, chúng ta đã tiến hành cuộc thương lượng trên bàn đàm phán ở Pari nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cuộc thương lượng diễn ra có lúc trầm lúc bổng, thậm chí có lúc tưởng chừng căng thẳng, quyết liệt phải chấm dứt.

baihoctucuocdamphan

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (năm 1973).

Đây là đỉnh cao của ngoại giao ta, cũng là mốc son đỏ thắm trong đấu tranh trên bàn đàm phán. Đây cũng là một cuộc đấu trí căng thẳng giữa ta và Mỹ. Và qua đó, chúng ta cũng rút được nhiều kinh nghiệm để đi đến thắng lợi.

Về phía ta, nhiều nhà nghiên cứu và học giả đã tổng kết để rút ra những bài học. Về phía Mỹ cũng có nhiều tác phẩm viết dưới dạng hồi ký hoặc sách báo để rút ra những kinh nghiệm lịch sử. Rất tiếc là sau khi Hội nghị Pari kết thúc, ta đã chủ trương tổng kết và thành lập một ban tổ chức nhưng sau một thời gian ngắn, một số đồng chí già yếu, một số đồng chí ra đi nên ban tổng kết không làm việc được.

Tôi nghĩ rằng, bài học thì nhiều nhưng có những bài học có tính nguyên tắc quan trọng, có những bài học có tính chất cụ thể về kỹ thuật và chiến thuật.

Bài học thứ nhất là đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta tiến hành một cuộc đấu tranh chính nghĩa để giành lại những quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự xâm lược.

Cuộc đấu tranh chính nghĩa đó đã huy động được toàn dân tham gia, quân đội ta chiến đấu hy sinh quên mình, động viên được nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý đoàn kết với Việt Nam. Cuộc đấu tranh chính nghĩa đó còn là nguồn động viên cả dân tộc bị áp bức đứng lên chiến đấu.

Dư luận quốc tế gọi Việt Nam là lương tri của loài người. Nhờ ta có toàn quân và toàn dân một lòng vì chính nghĩa, nhân dân thế giới đoàn kết cho nên ta đã chiến thắng một thế lực xâm lược trong thế tương quan lực lượng như “châu chấu đá voi” - giữa một bên là một dân tộc chỉ có chính nghĩa với vũ khí thô sơ với một bên là một nước đế quốc đầu sỏ mạnh nhất thế giới về quân sự và vũ khí hiện đại. Thậm chí, nhiều bạn bè trên thế giới ủng hộ ta nhưng cũng lo cho ta có chiến đấu và chiến thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ không.

Đường lối đúng đắn đó là sự tiếp nối của truyền thống đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta chống các thế lực phong kiến phương Bắc đến các cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Sự phân biệt giữa chính nghĩa và phi chính nghĩa là nguyên nhân tập hợp được một mặt trận nhân dân thế giới rộng khắp, đặc biệt là ngay trong lòng nước Mỹ đoàn kết với nhân dân Việt Nam.

Bài học thứ hai là kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại: Sức mạnh dân tộc là sự đoàn kết nhất trí của toàn dân với khẩu hiệu: “Toàn dân kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, “Tất cả cho tiền tuyến”. Sức mạnh đó là chủ yếu và rất to lớn. Tuy nhiên, để thắng một đối phương mạnh hơn ta gấp nhiều lần nếu không có sự đoàn kết ủng hộ từ bên ngoài thì cũng không thể thắng được.

Chúng ta đã tranh thủ được dư luận tiến bộ trên thế giới, trước hết là của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập, phong trào Không liên kết và toàn bộ lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý ở các nước tư bản chủ nghĩa, hình thành một mặt trận rộng khắp chưa từng có đoàn kết vì Việt Nam.

Bài học thứ ba là đường lối độc lập, tự chủ trong đấu tranh: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở miền Nam Việt Nam, nhân dân Việt Nam với lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng đã đứng lên trong lúc bị đàn áp khốc liệt bởi một lực lượng quân sự hùng mạnh để chống xâm lược, giành lại độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Cuộc nổi dậy vũ trang của nhân dân tỉnh Bến Tre là cuộc nổi dậy tự phát của nhân dân trước khi Đảng ta có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng.

Trong kháng chiến, ta có nhờ sự chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác về vũ khí và hậu cần. Sự giúp đỡ đó rất to lớn nhưng ta không chấp nhận sự có mặt của quân đội các nước vào Việt Nam, mặc dù có nước đã đề nghị đưa quân tình nguyện vào giúp đỡ ta. Ta không chủ trương quốc tế hóa cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà vẫn xem là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đó là một chủ trương rất sáng suốt, giữ vững tính chất chính nghĩa và nhờ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới.

Trên bàn đàm phán, chúng ta đã giành thế chủ động đưa ra những giải pháp do Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra. Đặc biệt là khi giải quyết các vấn đề của miền Nam Việt Nam thì phần lớn đề nghị về giải pháp là do miền Nam đưa ra, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ủng hộ. Chúng ta có tham khảo ý kiến của các nước khác, đặc biệt là của Liên Xô, Trung Quốc và các bạn có gợi ý cho ta nhiều ý kiến bổ ích để tham khảo nhưng cũng có lúc các ý kiến của các bạn khác nhau trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán. Chúng ta nghiên cứu, tham khảo một cách nghiêm túc và thận trọng nhưng cuối cùng các giải pháp đưa ra là do chính chúng ta quyết định. Ta không lệ thuộc vào ai, nhất là trong lúc Liên Xô, Trung Quốc và một số các nước xã hội chủ nghĩa đã có ý kiến bất đồng.

Bài học thứ tư là sự kết hợp giữa ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao: Trong đàm phán, sự kết hợp này vẫn có ý nghĩa quan trọng nhưng ta vẫn luôn xem chiến trường có ý nghĩa quyết định. Nếu không có cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 thì Mỹ chưa chịu ngồi vào thương lượng, nếu không có “Điện Biên Phủ trên không” thắng lợi thì Mỹ cũng chưa chịu ngồi lại để ký hiệp định một cách nhanh chóng trong vòng một tháng như đã diễn ra (Mỹ chấm dứt ném bom B52 từ ngày 30-12-1972 và đến ngày ký kết Hiệp định là 27-1-1973). Nếu không có Hiệp định Pari quy định toàn bộ quân Mỹ và đồng minh rút khỏi miền Nam Việt Nam cũng như chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh thì cũng không có ngày 30-4-1975 nhanh chóng như vậy.

Vì vậy, trong giai đoạn “vừa đánh, vừa đàm”, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ chiến trường và bàn đàm phán để giành thắng lợi.

Bài học thứ năm là biết nắm thời cơ giành thắng lợi từng bước đến thắng lợi quyết định: Thực hiện phương châm đấu tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đoàn đàm phán là giành thế chủ động trong đàm phán, kiên trì mục tiêu đấu tranh.

Nhiều học giả trên thế giới nói Hiệp định Pari vừa là một sự kết thúc, vừa là một sự mở đầu. Kết thúc là kết thúc giai đoạn “vừa đàm, vừa đánh”, nhưng Hiệp định Pari không phải là mục đích cuối cùng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta, quan trọng hơn là mở đầu cho một giai đoạn mới thực hiện mục đích cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hội nghị Pari được xem như một cuộc đọ sức, một cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán lâu dài nhất trong lịch sử, là đỉnh cao và là mốc son của ngành ngoại giao Việt Nam. Khó có thể nói được một cách đầy đủ những kinh nghiệm, vì thế 40 năm đã qua, các học giả trong nước và ngoài nước vẫn còn tiếp tục nghiên cứu, khai thác và rút ra những bài học quý giá của một cuộc đọ sức không cân xứng mà nhân dân ta đã giành được thắng lợi to lớn.

Đây là một đề tài lớn đặt ra nhiệm vụ cho các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà quốc tế học tiếp tục phân tích, tranh luận sâu sắc và khoa học hơn.

Trịnh Ngọc Thái

Nguyên thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

 tại Hội nghị Pari, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp

Trích trong “Hiệp định Pari - 40 năm nhìn lại”,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2013.


 

Bình luận