Báo chí và Tòa án

Ngày đăng: 02/04/2014 - 08:04

Những ngày qua, giới báo chí và chuyên gia pháp luật đều bất ngờ, khi dự thảo Thông tư về nội quy phiên tòa của Tòa án Nhân dân Tối cao đưa ra quy định mới nhằm hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên.

Bao chi va Toa anẢnh minh họa

Để báo chí được tiếp cập thông tin chính xác, kịp thời, Chính phủ đã cho phép nhiều cơ quan báo chí được tác nghiệp tại phiên họp Chính phủ thường kỳ và chuyên đề. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản pháp lý yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hoặc đột xuất.

Trong khi Chính phủ luôn đưa ra những quy định cởi mở đối với hoạt động của báo chí để thực hiện quyền được thông tin của người dân, thì Tòa án Nhân dân Tối cao lại đưa ra những quy định nhằm hạn chế báo chí tác nghiệp tại các phiên tòa xét xử công khai.Theo đó, tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Thông tư về nội quy phiên tòa của Tòa án Nhân dân Tối cao quy định: “Các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh khi được sự đồng ý của chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa”.

Trong hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta, chưa có quy định nào ngăn cản, hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Điều 7 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân quy định: “Tòa án xét xử công khai, trừ trường hợp cần xét xử kín để giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của các đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ”. Tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 51/2002 ngày 26-4-2002 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Báo chí, quy định quyền hạn của nhà báo: “Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.

Cũng theo Luật Báo chí, chỉ có thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, không có loại thẻ nào gọi là thẻ phóng viên. Việc Tòa án đòi hỏi phải xuất trình thẻ phóng viên không khác gì đòi thêm “giấy phép con”. Quy định phải có thêm “giấy phép con”, song Tòa án không chỉ dẫn được cơ quan nào đủ thẩm quyền cấp “giấy phép con” cho nhà báo. Thực tế, khi phóng viên chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo, cơ quan báo chí thường cấp giấy giới thiệu có thời hạn để phóng viên tác nghiệp.

Nhìn rộng ra, đây không phải là lần đầu tiên Tòa án Nhân dân Tối cao muốn hạn chế báo chí tác nghiệp tại các phiên tòa xét xử công khai. Năm 2013, khi xây dựng dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Tòa án Nhân dân Tối cao đề xuất: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn bản của chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án hoặc thực hiện ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của Tòa án nơi giải quyết vụ án”. Tuy nhiên, tại phiên họp mới đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã không tán thành nhiều quy định mà Tòa án Nhân dân Tối cao đã đề xuất vì có nhiều điều khoản trùng lặp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên tại các phiên tòa xét xử công khai là đi ngược lại tinh thần cải cách tư pháp và không phù hợp với các quy định hiện hành về hoạt động báo chí. Việc cần làm là Tòa án Nhân dân Tối cao cần tạo ra những cơ chế minh bạch để báo chí phản ánh chính xác, kịp thời chất lượng xét xử của mọi cấp tòa. Làm được điều này chính là thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Đăng Dương

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Bình luận