Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75: Phóng sự đời người của một nhà báo

Ngày đăng: 09/09/2014 - 09:09

 

 

 

Vào đúng dịp kỷ niệm 39 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2014), làng văn Việt Nam đón nhận một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử mang tên: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản và phát hành.

IMG 0703

Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Chỉ sau 15 ngày, nhà xuất bản đã lại phải in nối bản thêm, và cũng chưa đầy một tháng sau đó, sách cũng không còn trên bất cứ kệ sách nào. Thật là một hiện tượng hiếm hoi giữa thời mà sách in ra hầu như để cho, tặng và người ta không có thời gian đọc sách. Điều đáng nói, nếu nói đây là tiểu thuyết thì lại chưa hẳn, bởi tính văn chương, phóng tác hầu như được giấu kỹ dưới tay một người viết văn có nghề, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 ngồn ngộn tư liệu và đậm nét báo chí. Sở dĩ vậy, bởi tác giả của cuốn sách là một nhà văn, một nhà báo hiếm hoi đã được “lịch sử chọn” có mặt trong những giờ phút thiêng liêng nhất của lịch sử dân tộc, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của một chế độ bù nhìn, tay sai của đế quốc - thực dân và cũng là giờ phút hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam: Nhà báo Trần Mai Hạnh.

Đúng như tên tác giả chọn cho cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, toàn bộ  cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, cả một chế độ bù nhìn sụp đổ từ gốc rễ… được tác giả dồn nén trong chỉ có chưa đầy 500 trang sách và quãng thời gian 4 tháng, từ đầu năm 1975 đến 30-4-1975 khi chiếc xe tăng của quân đội nhân dân Việt Nam húc đổ cánh cửa Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, một ngày thống nhất, hòa bình trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam, chấm dứt thời kỳ thương đau chia cách của dân tộc Việt Nam.

Đã gần bốn thập kỷ trôi qua, nhưng những hồi ức về cuộc chiến tranh vẫn chưa phai nhạt trong lòng người dân Việt Nam, những người lính cộng hòa bên kia chiến tuyến và cả những người dân Mỹ. Không ít người, trong làn sóng di tản 1975 và sau đó vẫn không hiểu, không biết họ đã bị bán đứng, bị bỏ rơi và là nạn nhân của chính thể chế mà họ đã tin tưởng. Họ vẫn mang cái nhìn phiến diện và thù địch về chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước. Và với Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 chính họ sẽ được chiếu sáng bởi một sự thật về một chính quyền tay sai bị “quan thầy” bỏ rơi và đã vơ vét tối đa có thể để “cuốn gói” cho một sự ra đi có chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng bỏ lại gia đình, đàn em, họ hàng...

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được dựng lại từ những bức điện, những biên bản họp, những tường trình về thất bại của điểm trấn thủ mà tác giả thu lượm được trên bàn các tướng lĩnh bại trận tháng 4-1975 như Phó Thủ tướng Trần Văn Đôn, Nguyễn Cao Kỳ, những lời nói, văn bản của Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên… trong lúc vội vã tháo chạy bỏ lại. Kết hợp những chi tiết lấy được từ  những hồi ký, tự truyện, sách của chính họ sau đó đã được ông tái dựng lên chân thực, không thêm thắt, bình luận.

Ở Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 không hề có bóng dáng tác giả ở đó, dù ông là người tham gia chiến dịch với tư cách phóng viên chiến trường được Thông tấn xã Việt Nam cử đi cùng đoàn quân Nam tiến. Bám sát các binh đoàn chủ lực, tác giả đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn và may mắn có mặt, chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập.

Tất cả chỉ là những văn bản, tư liệu có thật, do nhà báo thu lượm, cất giữ, và ghép lại trong một sự dung tưởng phong phú của một nhà văn, đã có mặt đúng thời điểm, đã tận mắt chứng kiến, ghi lại và hít thở bầu không khí sụp đổ tan tành của một thể chế bù nhìn đúng nghĩa. Vì thế, nó chuyển tải một sự thật không thể chối cãi, không thể thay đổi dù bằng bất cứ cách nào: sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời Tổng thống Thiệu chỉ sau 55 ngày kể từ khi quân Giải phóng bắt đầu tấn công chỉ là hình ảnh cuối cùng, bản chất sự sụp đổ này đã được cáo chung ngay từ sau Hiệp định Paris 1973. Khi những viện trợ của phía Mỹ cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã rút xuống ở con số lẻ lại bị cắt xén, tham nhũng vơ vét. Chân dung từng nhân vật, những màn kịch chính trị, những toan tính của cá nhân đến của cả một chế độ được nhân vật tự nói ra. Để rồi, góp phần bóc trần sự thật về chính quyền bù nhìn, hoàn toàn manh mún và ỷ lại vào chính trị, vật chất của bên ngoài.

Các lãnh đạo thiếu tầm nhìn, năng lực được dựng lên như những quân cờ và chỉ có mục tiêu lớn nhất là vơ vét cá nhân. Tất cả đã tạo nên một chính thể vô cùng yếu kém và hoàn toàn không có khả năng để tồn tại mà ngay cả những người cầm quyền cũng không  còn ham muốn sự tồn tại của chính thể đó sau khi đã “đầy túi tham” và chuẩn bị cho mình đường lùi chắc chắn. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là một bài báo dài, đầy đủ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nó đã được tác giả ấp ủ thực hiện ngay vào đêm đầu tiên nhà báo có mặt tại Sài Gòn, đêm 30-4 sau khi bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc của ông gửi về và được đọc trên sóng phát thanh trưa cùng ngày.

Nhưng phải gần 40 năm sau, cuốn sách - gắn liền với số phận của nó và của tác giả mới được hoàn thành và ra mắt độc giả với 19 chương: Lễ giáng sinh cuối cùng; Sài Gòn nơm nớp đón Tết Ất Mão; Nước cờ định mệnh; Trên bốn phương trời đi tìm sự thật; Chương bi thảm nhất của chiến tranh; Người Mỹ nghĩ gì đây; Huế ngợp thở; Thiệu lên gân trong cô độc sợ hãi; Đà Nẵng điên loạn và sụp đổ; Nha Trang tắt thở. Quân đoàn II bị xoá sổ; Sài Gòn bên bờ sụp đổ. Cuộc đấu với Uây-en; Cuộc phòng thủ sinh tử; Chính quyền bán đấu giá; Thiệu như ngọn đèn trước gió; Giờ tận số đã điểm; Thiệu cuốn gói; Sức kháng cự cuối cùng bị nghiền nát. Sài Gòn trống rỗng về chính trị; Chiếc trực thăng cuối cùng; Phút tắt thở của Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa…

Một phóng sự ghi lại trung thực, chi tiết, cụ thể nhưng lại rất toàn cục về sự sụp đổ của chế độ ngụy quân ngụy quyền, từ cương vị lớn nhất là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đến các thủ tướng, phó thủ tướng, các cố vấn, tổng tham mưu quân đội, đến các tướng lĩnh từ cấp phương diện quân, quân đoàn, sư đoàn... kế đó là các tổng thống kế nhiệm sau khi Thiệu đào tẩu là Trần Văn Hương và Dương Văn Minh.

Cái mà người ta khâm phục, chính là dữ liệu có thực của từng chi tiết trong cuốn sách, đã được chàng trai 32 tuổi ngay ở trong tâm thế hân hoan, thời điểm thăng hoa của giải phóng đã ý thức thu lượm, tìm kiếm và gìn giữ cẩn thận trong gần 40 năm với bao thăng trầm của đời người. Những tài liệu nguyên bản thu được, những trang ghi chép tại trận trong quá trình tham gia chiến dịch và trong những ngày tháng đầu tiên của Sài Gòn giải phóng, đặc biệt những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn mà tác giả may mắn được các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc, khai thác đã giúp ông có “tư liệu vô giá” không một ai có.  Để từ những tư liệu có một không hai này nhà báo đã dựng lại một cách  xuyên suốt và hệ thống, với góc nhìn điềm tĩnh, khách quan và thái độ không thù địch, thiên kiến. Điều này thể hiện rõ ở những nguồn tài liệu bao gồm nguyên bản, bút tích và những trang đánh máy lại đã ngả vàng theo năm tháng, được nhà báo ghi chú rõ dưới cuối mỗi chương sách.

Được biết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 sau khi định in nối bản lần thứ 3 đã được nhà báo Trần Mai Hạnh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật quyết định dừng lại, để tái bản và đưa thêm phần phụ lục- chính là những tài liệu vô giá cần thiết cho lịch sử mà ông đang sở hữu như một sự tri ân với lịch sử.

Cuốn sách được thai nghén ngay từ năm 1975 dưới cái tên Những ngày cuối cùng của Việt Nam cộng hòa đã cơ bản hoàn thành vào năm 2000, được báo Văn nghệ đăng nhiều kỳ và Đài Tiếng nói Việt Nam đọc dài kỳ trên chương trình đọc truyện đêm khuya và lẽ ra được xuất bản từ năm 2002. Nhưng biến cố không may của cuộc đời nhà báo ập đến và Trần Mai Hạnh chưa kịp hoàn thành chương cuối để nộp nhà xuất bản theo hợp đồng, đành gác lại. Để 10 năm sau đó, ông đã có lúc muốn buông bỏ. Nhưng tố chất nhà báo như đã ăn vào máu thịt, để thôi thúc ông viết lại từ đầu. Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ: Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ đồng thời cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai. Nhưng cũng như câu: “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”, những giây phút huy hoàng  được chứng kiến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 1975 cũng như  thời khắc vinh quang trưa 30-4-1975 được chứng kiến và bài tường thuật đầu tiên của tôi về phút giây lịch sử tại Dinh Độc Lập đã giúp tôi bình tâm lại, giúp tôi đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển về lý tưởng cao đẹp của người cộng sản mà mình đã theo đuổi để tiếp tục sống có ý nghĩa trong cuộc đời này.

Cuộc đời tôi cũng nhiều sóng gió, hoàn thành được cuốn sách này cũng là kỳ công, nhiều lúc tưởng không thể xong nổi. Nhưng rồi tôi lại nghĩ về những tài liệu quý giá mà mình đang sở hữu, nếu không viết thì ai sẽ là người có được tất cả những tài liệu đó mà hệ thống và dựng nên một tác phẩm. Tôi thấy, mình có nghĩa vụ phải tham gia  “trả lại” một phần sự thật nguyên bản về những giờ phút sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.

Với suy nghĩ đó, dù phải đi qua gần 4 thập kỷ với biết bao thăng trầm của cuộc đời, nhà báo Trần Mai Hạnh  cuối cùng đã ra mắt người đọc “phóng sự” lớn nhất của đời làm báo, cũng như tác phẩm báo chí chân thực nhất mà giá trị của nó, có lẽ còn cao hơn nhiều lần những tư liệu vô giá mà nó mang tải, nhất là với những người làm báo.

Hàn Phi

Theo An ninh thế giới

 

 

Bình luận