Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay
Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mọi quốc gia dân tộc, những thành tố hữu cơ không thể tách rời, tạo nên quyền dân tộc cơ bản của mọi quốc gia. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng nhất của đất nước, nghĩa vụ cao cả của mọi người dân.
Trong Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 đã trịnh trọng tuyên bố: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do... Nước Việt Namcó quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”1.
Thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày tuyên bố độc lập, suốt mấy chục năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền dân tộc của mình, đánh thắng mọi thế lực ngoại xâm cường bạo, bảo vệ vững chắc non sông đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trong các mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhất của đất nước.
Hiện nay, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có những biến động mau lẹ, phức tạp và khó lường. Nhiều vấn đề mới đang đặt ra cho nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong hình hình mới.
Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, nhưng vẫn luôn có những diễn biến phức tạp. Cục diện “nhất siêu đa cường” còn có thể tiếp tục tồn tại trong những năm tới đây, song xu thế đa cực, đa trung tâm ngày càng phát triển. Các nước lớn tiếp tục hợp tác và đấu tranh kiềm chế lẫn nhau, trong đó, việc tranh giành ảnh hưởng chiếm ưu thế nhưng tránh đối đầu trực tiếp. Xu thế toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển, thúc đẩy mạnh hơn nền kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh và bền vững ở nhiều nước. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, sự bùng nổ dân số, sự thiếu hụt nguồn nước sạch, năng lượng và lương thực, tội phạm xuyên quốc gia, đồng hóa văn hóa, chiến tranh tiền tệ, an ninh mạng… ngày càng trở thành các thách thức lớn đối với cộng đồng thế giới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm quyền lực của thế giới trong thế kỷ XXI. Cục diện khu vực và sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của các quốc gia trong khu vực tiếp tục bị chi phối bởi quan hệ Mỹ - Trung. Sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc đối với các nước trong khu vực và sự can thiệp của nước ngoài dưới nhiều hình thức ngày càng gia tăng. Trong khu vực vẫn tồn tại nhiều “điểm nóng”, có thể xảy ra xung đột như: tranh chấp chủ quyền biển đảo, khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bước vào thời kỳ hợp tác mới, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực đang định hình, nhưng cũng phải đối phó với những thách thức mới và còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa một số nước trong khu vực. Quan hệ giữa các nước vẫn là vừa hợp tác, vừa cạnh tranh gay gắt. Tình hình chính trị nội bộ vẫn còn bất ổn ở một số nước; vấn đề dân tộc, tôn giáo, sắc tộc, hoạt động chống đối có vũ trang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến môi trường an ninh khu vực.
Ở trong nước, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cơ bản ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn. Những yếu kém của nền kinh tế chậm được khắc phục, nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết. Các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ra sức lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong khi đó, “nhận thức về quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân của một số cán bộ, đảng viên trong các ngành, các cấp chưa đầy đủ, sâu sắc, thiếu cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”2. Sự phối hợp giữa đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa đối ngoại chưa thật đồng bộ, gây khó khăn trong phát triển đối tác chiến lược theo chiều sâu, tạo sự ủng hộ mạnh mẽ, hiệu quả trong các tình huống phức tạp. Bên cạnh đó, các hành động xâm lấn chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ ở nước ta luôn có những diễn biến phức tạp.
Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước nêu trên đang đặt ra cho sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc hiện nay những vấn đề cần tiếp tục nhận thức và giải quyết một cách có hiệu quả.
Một là, xuất hiện nhiều tình huống mới, phức tạp và khó lường do sự biến đổi mau lẹ của tình hình thế giới và sự chuyển hóa nhanh chóng giữa đối tác và đối tượng. Các nước lớn, các cường quốc có những động thái mới - đặc biệt là những động thái có tính chất thỏa hiệp, “mặc cả” về các lợi ích giữa các nước lớn có thể làm tổn hại đến Việt Nam.
Hai là, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia đang là vấn đề nổi bật chi phối quan hệ quốc tế. Nhiều nước, nhất là các nước lớn, vì lợi ích quốc gia, dân tộc mình sẵn sàng hủy bỏ các cam kết, thậm chí bỏ rơi, phản bội đồng minh để bắt tay, thỏa hiệp với nhau.
Ba là, tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang nổi lên và có ảnh hưởng chi phối mọi mặt đời sống đất nước, đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Những diễn biến phức tạp, căng thẳng của tình hình Biển Đông và hành động của nước lớn xâm phạm độc lập, chủ quyền vùng biển sẽ gây biến động, chi phối lớn đến ổn định tình hình, buộc đất nước ta phải tập trung huy động sức mạnh tổng hợp để đối phó, giải quyết. Vấn đề đặt ra là phải vừa bảo vệ được chủ quyền biển đảo, vừa giữ được môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Bốn là, an ninh phi truyền thống đang phát triển phức tạp, có ảnh hưởng đến nước ta. Vấn đề là chúng ta phải sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Năm là, vấn đề phát triển sức mạnh quốc phòng để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh hiện đại bằng vũ khí công nghệ cao của kẻ địch.
Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung làm tốt các nội dung sau đây:
Một là, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường đoàn kết nội bộ, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện tốt tám nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, trước hết tập trung vào thực hiện thắng lợi ba nhiệm vụ cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra. Củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nắm bắt và giải quyết kịp thời những bức xúc của dân. Không ngừng hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn kết chặt chẽ với đổi mới cách tổ chức thực hiện và nâng cao rõ rệt kết quả thực hiện nhằm đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện dân chủ, công bằng, công khai thực sự; có chính sách hợp lòng dân, giải quyết tốt vấn đề đất đai, giảm dần sự phân hóa giàu nghèo. Tăng cường nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương. Nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội và Chính phủ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tích cực thực hành tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí.
Ba là, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ, bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực kinh tế, sức mạnh vật chất, xã hội của nền quốc phòng toàn dân. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, có chất lượng, hiệu quả cao. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên mặt trận kinh tế, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước với hoạt động phát triển kinh tế kết hợp bảo đảm quốc phòng - an ninh. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội phù hợp với sự phát triển kinh tế.
Bốn là, tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ, bảo đảm lợi ích của nhân dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thực hiện mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức phát huy dân chủ, đoàn kết, tập hợp nhân dân; tạo sự đồng thuận trong xã hội; củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tích cực, chủ động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tham gia xây dựng luật pháp, chính sách; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực thực hiện hoạt động giám sát đối với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và từng bước thực hiện phản biện xã hội. Tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giải quyết những nguyện vọng chính đáng, bảo đảm những lợi ích thiết thân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chú trọng nâng cao dân trí. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa ba yếu tố: dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội. Thực hiện tốt chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; kịp thời giải quyết thỏa đáng những búc xúc của nhân dân.
Năm là, đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động, đấu tranh quốc phòng. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh của đất nước. Coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt chăm lo xây dựng thế trận lòng dân tạo sự tin tưởng, nhất trí với quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Củng cố, hoàn thiện thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế, đối ngoại, nâng cao hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng. Đẩy nhanh xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nâng cao chất lượng toàn diện và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Hoàn thiện các phương án bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không để bị động bất ngờ.
Sáu là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; phát triển văn học nghệ thuật. Tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, truyền thông, đẩy mạnh thông tin đối ngoại, bảo đảm an ninh thông tin.
Bảy là, triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, tích cực chủ động hợp tác quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển đất nước và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước trên cơ sở củng cố quan hệ với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các nước và trung tâm lớn. Mở rộng quan hệ với các nước độc lập dân tộc, các nước đang phát triển, phong trào Không liên kết, các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới; tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ với các đảng cầm quyền và tham chính; tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ với các đoàn thể và tổ chức nhân dân quan trọng ở các nước láng giềng; gắn kết chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng với hoạt động ngoại giao của Nhà nước và nhân dân; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của thành viên các tổ chức quốc tế, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
PGS. TS. PHAN TRỌNG HÀO
(Hội đồng Lý luận Trung ương)
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.1-3.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.170.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực