Bảy mươi năm "Nhật ký trong tù"

Ngày đăng: 23/09/2013 - 10:09

Nhật ký trong tù là một tác phẩm văn học lớn, ghi lại những cảnh thật, việc thật bằng thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Kể từ khi được công bố trên thi đàn, tác phẩm đã được nhiều chính khách, nhiều học giả trong nước và quốc tế đánh giá rất cao trên nhiều phương diện. Thời gian càng lùi xa, những giá trị của tập nhật ký càng tỏa sáng.

Anh bai Khat vong tu do      Năm 1942, trong một chuyến công tác sang Trung Quốc, Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt ở Túc Vinh với lý do giấy tờ không hợp lệ. Từ đấy là một hành trình gian khổ. “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, Người bị giam giữ 388 ngày. Khi ra tù sức khỏe giảm sút, mắt mờ, chân chậm nhưng Người vẫn cố sức rèn luyện, tập leo núi và từng bước khôi phục sức khỏe vì sự nghiệp cách mạng còn dài. Thoát khỏi cảnh tù đày, Người có thư cáo lỗi rằng đã thiếu khôn khéo mà lâm nạn để đồng chí, đồng bào lo phiền. Người nói: “Trong cái rủi có cái may là đã đem được vốn hiểu biết về bè bạn đặc biệt với nhân dân Trung Quốc”. Xin được tiếp ý Người là còn có thêm cái may là có được tập thơ lớn Nhật ký trong tù.

     Nhật ký trong tù gồm 133 bài. Bản dịch đầu tiên của Viện văn học (1960) gồm 114 bài (đến năm 1990, toàn bộ 133 bài được dịch và giới thiệu trọn vẹn). Giáo sư Đặng Thai Mai, Viện trưởng Viện văn học chỉ đạo và nhà thơ Nam Trân chịu trách nhiệm chính việc dịch thuật. Tác phẩm đã gây tiếng vang lớn và là sự kiện văn hóa, văn học hàng đầu trong năm. Các nhà nghiên cứu như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trần Huy Liệu, Cao Xuân Huy, Trần Thanh Mai... đều có bài viết ca ngợi giá trị lớn lao của Nhật ký trong tù. Các nhà thơ như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Khương Hữu Dụng, Hoàng Trung Thông đều có những trang viết ngợi ca thơ của Người. Nhật ký trong tù thực sự đã tạo được không khí văn chương thiêng liêng và cao đẹp của một tâm hồn thơ với “một phong thái ung dung, một khí phách hào hùng, một ý chí sắt đá, một tinh thần lạc quan cách mạng không lay chuyển nổi”1. GS. Đặng Thai Mai có những bài viết đặc sắc như Một tập nhật ký, cũng là một tập thơ; Tình cảm thiên nhiên trong “Ngục trung nhật ký”; Yếu tố tinh thần trong “Ngục trung nhật ký”. Ba bài viết thâu tóm những đặc điểm cơ bản của Nhật ký trong tù. GS. Đặng Thai Mai nhấn mạnh: “Tinh thần là nét đặc sắc lộng lẫy từ đầu đến cuối trong Ngục trung nhật ký”. Nhà phê bình Hoài Thanh đã lý giải sâu sắc về chất thép trong Nhật ký trong tù: “Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép mới là có tinh thần thép. Trong thơ văn cũng như trong cuộc đời, cái điều quan trọng nhất vẫn là cái thực chất của con người. Nhật ký trong tù rất ít có những lời hô to gọi lớn... Bác cứ nhỏ nhẹ hồn nhiên mà từ toàn bộ tập thơ vẫn toát lên tinh thần thép”. Nhà thơ Xuân Diệu viết bài Yêu thơ Bác với nhiều ý từ sâu sắc: “Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh được đào tạo trong lò đun đúc của Lênin mà vẫn mang cái tinh anh của Nguyễn Trãi. Đó là chất người như Nguyễn Trãi đã nói “mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen, bỏ vào lửa không cháy””. Xuân Diệu ca ngợi trí tuệ của Người “luôn luôn động như lửa nổ tí tách”. Thơ Bác có chiều sâu trí tuệ, cũng vì thế theo Xuân Diệu, người đọc luôn cảm thấy như chưa tìm thấy, hiểu hết cái hay của bài thơ. Nhà thơ Lưu Trọng Lư cho rằng, trong thơ Bác bên cạnh những bài sâu sắc giàu suy tưởng, có những bài quá giản dị nhưng lại tiềm ẩn bên trong tình cảm nhân ái, yêu thương của những người nghèo khổ như trong bài thơ Hàng cháo:

Ven đường nấp dưới bóng lùm cây,

Một túp lều tranh: “tiệm rượu” đây;

Nào món cháo hoa và muối trắng,

Đường xa, khách tạm nghỉ nơi này2.

    Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã ghi nhận bằng thơ cảm xúc và suy nghĩ khi đọc Nhật ký trong tù:

Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp,

Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh.

Vần thơ của Bác vần thơ thép,

Mà vẫn mênh mang bát ngát tình.

   Nhật ký trong tù là món quà, là lộc quý Người ban tặng cho mọi người. Nhật ký trong tù vào trường học, trên diễn đàn thơ, trong sổ ghi chép của người chiến binh và mở ra với thế giới bên ngoài.

    Một thế hệ các nhà nghiên cứu, nhà thơ lại tiếp tục nghiên cứu Nhật ký trong tù qua các công trình, sách giáo khoa, bài giảng. Có thể kể đến các nhà nghiên cứu Vũ Khiêu, Văn Tâm, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh, Phong Lê, Huệ Chi, Hoàng Ngọc Hiến, Lương Duy Thứ, Trần Đình Sử, Thành Duy, Trần Thị Băng Thanh, Vũ Quần Phương, với thiên hướng chung là nghiên cứu với tinh thần phân tích khoa học. Với nhiều nỗ lực, một số nhà nghiên cứu đã cho xuất bản công trình Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù. Cho đến nay nhiều người đã mất, nhiều nhà khoa học vẫn tiếp tục theo đuổi định hướng khoa học trên. Các nhà nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu về chất thép, dũng khí và lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, chất triết lý, minh triết, tinh thần lạc quan cách mạng, nghệ thuật điêu luyện và dung dị của Nhật ký trong tù. Riêng về Nhật ký trong tù, tôi cũng đã viết nhiều bài nhân các dịp kỷ niệm, nhiều ý cũng đã được trình bày, không dễ có cái mới. Với tôi, duy chỉ một bài có ấn tượng nhằm phê phán Lê Hữu Mục với tác phẩm Nhật ký trong tù không phải là của Hồ Chí Minh. Vậy thì tác giả thật là ai? Lê Hữu Mục đã bịa đặt cho rằng, đa phần thơ trong tác phẩm là của ông già Lý, một hảo hán cùng bị tù ở nhà tù Victoria năm 1931-1933 với Hồ Chí Minh. Ông ta cũng đã nói sai sự thật, rằng cuốn sổ có 100 bài và bìa màu xanh, sự thực thì cuốn sổ màu vàng nhạt và có 133 bài thơ. Tôi đã có dịp được xem hiện vật, lần giở từng trang nhật ký của Người. Không thể có chuyện bịa đặt là Người đã cùng già Lý viết chung cuốn sổ tay. Đi sâu vào đặc điểm của tập thơ là tập ký có ghi chép trong các bài thơ trùng với các huyện mà người bị áp giải trong suốt 388 ngày Người bị giam giữ. Mọi luận điểm xuyên tạc của Lê Hữu Mục đều là bịa đặt.

    Nhật ký trong tù không chỉ là sự kiện văn học của một dân tộc mà nhanh chóng lan tỏa trên thế giới. Cho đến nay, Nhật ký trong tù đã được dịch ở hầu hết các nước lớn qua các ngôn ngữ Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha... được đông đảo độc giả hoan nghênh. Các chính khách, nhà báo, nhà văn đều khen ngợi ở phẩm chất cao đẹp, ý chí bất khuất của tác giả trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều bài viết ca ngợi chủ nghĩa nhân đạo, tình yêu thương con người, tác giả hòa nhập với cuộc đời thường, với những người cùng hội cùng thuyền, tuy gian khổ nhưng vẫn tin tưởng vào ngày mai. Tập thơ có triết lý sâu sắc, tầm nhìn xa và nghệ thuật biểu hiện chân thực, gợi cảm. Khen ngợi Nhật ký trong tù, các tác giả không bị ràng buộc với chức vụ của Hồ Chí Minh mà chủ yếu là sự cảm nhận cái hay, cái đẹp của tập thơ. Trước hết, phải kể đến ý kiến của các nhà văn Trung Quốc như Quách Mạt Nhược, Viên Ưng, Hoàng Tranh. Nhà văn Quách Mạt Nhược đã nêu lên ba ưu điểm, ba phẩm chất của tập thơ. Về tư tưởng, dường như bài nào cũng có chất thép, câu thơ nào cũng có chất thép. Về phản ánh hiện thực, tập thơ đã miêu tả chân thực bộ mặt của xã hội Trung Quốc vào những năm 1942-1943 dưới chế độ Tưởng Giới Thạch. Về nghệ thuật, một số bài để bên cạnh thơ Đường, thơ Tống cũng khó phân biệt. Đó là những lời khen chân tình sâu sắc. Nhà thơ Viên Ưng cho rằng đọc xong tập thơ thấy một con người, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Nhà nghiên cứu Hoàng Tranh đã viết hai cuốn sách Hồ Chí Minh với Trung Quốc (Nxb. Sao mới, 1990) và Hồ Chí Minh ngục trung thi chú thích (Nxb. Giáo dục Quảng Tây, 1992). Tác phẩm Hồ Chí Minh với Trung Quốc thể hiện sâu sắc sự kính trọng của nhân dân Trung Quốc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở tác phẩm Hồ Chí Minh ngục trung thi chú thích của Hoàng Tranh đã ghi chép tỉ mỉ xuất xứ của các nhân vật và địa chí trong Nhật ký trong tù. Tập thơ có hai bản dịch ở Mỹ: Một là của Harrison do Nhà xuất bản Bantam ấn hành. Trong lời giới thiệu, tác giả đã nêu lên những ý tưởng mới về những bài thơ không chỉ viết bằng hoa và lá, sông và núi mà đưa cả chất thép vào trong thơ. Harrison gọi Hồ Chí Minh là “nhà thơ có tâm hồn con rồng” với ý tưởng thoát khỏi ngục tù, con rồng sẽ bay. Harrison cho rằng với nhiều bài thơ, tác giả đã viết văn bia cho chính mình.

    Cũng ở Mỹ, tôi đã gặp dịch giả Huỳnh Sanh Thông, một người có tinh thần dân tộc, có trình độ dịch thuật cao. Tôi hỏi ông về tác phẩm Nhật ký trong tù, ông trả lời: “Tôi đã dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Ngục trung thư của Phan Bội Châu và Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh”. Đặc biệt nhà báo Mỹ Hanbơxtam cho rằng: Nhật ký trong tù là cuốn sách hay nhất của Hồ Chí Minh, nhận xét của tác giả có căn cứ, nhưng đúng hơn Nhật ký trong tù là một trong những cuốn sách hay nhất của Hồ Chí Minh. Ở Pháp, bản dịch Nhật ký trong tù của Phan Nhuận có thể xem là một trong những bản dịch đầu tiên về Nhật ký trong tù. Nhiều nhà văn, nhà báo ca ngợi Nhật ký trong tù như Jean Lacouture, Boudarel, Rose De Nuyx đều chú ý nhiều đến phong cách sáng tạo của Nhật ký trong tù và còn đưa ra một số nhận xét về ảnh hưởng của thơ phương Tây với Nhật ký trong tù. Ở Cuba, nhà thơ Phélic Pita Rôdrighết đặc biệt ca ngợi Nhật ký trong tù: “Nhật ký trong tù như một tòa nhà bằng ngôn ngữ vững chắc và đẹp, mỗi bước đi đều chạm vào gốc rễ sâu xa của một trong những con người kỳ diệu ít có, những con người như những tảng đá lớn làm nền cho nhân loại”.

    Nhà thơ Philíppin Vienxiô R Hôxê cho biết: “Ở một số trường đại học Philíppin thường có những cuộc tọa đàm bàn luận về thơ, những nhà thơ nổi tiếng trên thế giới như Hainơ, Rilke Aragông, Nêruđa, Éptusenkô, trong đó thơ Hồ Chí Minh chiếm một vị trí quan trọng, thơ của Người khích lệ và gắn với cuộc đấu tranh của chúng tôi cho tự do”. Cũng có thể nói, thơ của Hồ Chí Minh thực sự là một động lực tinh thần giúp cho những ai đang vượt qua những khó khăn, khẳng định thêm sức mạnh của mình để giành những thắng lợi. Nhiều nhà văn, nhà thơ nước ngoài không có dịp đọc cả tập thơ, nhưng chỉ tiếp xúc với một, hai bài cũng đã có những ấn tượng đặc biệt. Nhà văn Đức Échác Sécnơ sau khi đọc bài thơ Học đánh cờ đã nhận xét: “Tôi đã đọc kỹ bài thơ mà người viết về Học đánh cờ, đây là một nhận thức có tầm chiến lược, chiến thuật rất cao”. Cũng ở nước Đức, trong tập tuyển thơ Những đêm hành quân của Việt Nam, có đăng bài thơ Hoàng hôn:

Gió sắc tựa gươm mài đá núi,

Rét như dùi nhọn chích cành cây;

Chùa xa chuông giục người nhanh bước,

Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay3.

    Đúng là một bức tranh phong cảnh đồng quê của phương Đông, như tác giả nhận xét. Thiên nhiên có lúc khắc nghiệt nhưng cuộc sống con người vẫn diễn ra quen thuộc, bình yên, gần gũi.

    Từng bài, từng bài, Nhật ký trong tù có nhiều bài thơ hay. Nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng thơ hay có khoảng trên dưới ba chục bài, một tỷ lệ cao đối với một tập thơ. Mỗi người có thể tìm đến những bài thơ mình yêu thích, thậm chí những câu thơ yêu thích về nhiều phương diện của cuộc sống, và đây là những câu thơ suy nghĩ về đất nước trong cảnh đời nô lệ:

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,

Cay đắng chi bằng mất tự do4.

Và mơ ước:

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh5.

 

    Và cảnh ngộ hiện tại của riêng mình:

Ở tù năm trọn thân vô tội,

Hòa lệ thành thơ tả nỗi này6.

   Những câu thơ viết về ý chí đấu tranh không lùi bước trước khó khăn: Giày rách đường lầy chân lấm láp/ Vẫn còn dấn bước dẫm đường xa; Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng. Những câu thơ viết về tình thương: Dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi/ Phu đường vất vả lắm ai ơi/ Ngựa xe hành khách thường qua lại/Biết cảm ơn anh được mấy người. Những câu thơ tin tưởng vào ngày mai: Phương đông màu trắng chuyển sang hồng/ Bóng tối đêm tàn quét sạch không, Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi thi hứng bỗng thêm nồng...

    Thật khó để xác định trong Nhật ký trong tù bài thơ nào là hay nhất vì có nhiều bài thơ hay. Cấu trúc thơ trong Nhật ký trong tù có nhiều lớp nghĩa không dễ phát hiện và khai thác hết. Nhiều bài thơ khó, rất hay như thách đố người đọc. Bài thơ Nhập lao Tĩnh Tây có những ý kiến khác nhau của GS. Đặng Thai Mai, GS. Hoàng Xuân Nhị, nhà thơ Hoàng Trung Thông. Bài thơ Cảnh chiều tối không dễ tìm ra chủ đề và lý giải nội dung một cách thuyết phục:

Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng,

Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình;

Hương hoa bay thấu vào trong ngục,

Kể với tù nhân nỗi bất bình7.

    Nhật ký trong tù quy tụ nhiều tri thức về chính trị, triết học, đạo lý. Bảy mươi năm đã trôi qua, giá trị của tác phẩm được tôn vinh, nội dung được khai thác nhiều. Song không thể nói là đã tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ về tác phẩm. Có thể nói nhiều vấn đề được đặt ra trong Nhật ký trong tù như: tư duy của Nhật ký trong tù, tính nhất quán về tầm cao và chiều sâu của tác phẩm, minh triết của Nhật ký trong tù, sự đánh giá của phương Tây và thế giới về giá trị của Nhật ký trong tù. Người đọc thường nhận xét Nhật ký trong tù chịu ảnh hưởng của thơ Đường, thơ Tống, còn ảnh hưởng của thơ ca dân gian, thơ cổ điển đến Nhật ký trong tù như thế nào? Một số nhà nghiên cứu phương Tây còn cho rằng, Nhật ký trong tù cũng chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây. Nếu có, điều này cũng không dễ phát hiện. Phan Nhuận và Jean Lacouture đã có một số ý kiến theo hướng này. Lâu nay, việc nghiên cứu Nhật ký trong tù như chậm lại, có ý cho rằng về nội dung cơ bản đã được khai thác kỹ. Nhận thức trên không phù hợp với giá trị thực của tác phẩm. Khi tác phẩm Nhật ký trong tù xuất hiện, nhiều bài viết luận bàn về vấn đề dịch thuật. Bản dịch năm 1960 về cơ bản là tốt nhưng vẫn có thể bổ sung ở bài này bài khác, câu này câu khác. Điều này nhiều người đã làm, một bài thơ hay có thể có ba, bốn bản dịch khác nhau, không nên chữa bản dịch của người đi trước, nhất là khi họ đã qua đời. Thực sự dịch thơ Bác rất khó. Có lần Người nói: “Thơ các chú dịch hay hơn thơ Bác”, nhưng Người không tham gia vào việc sửa chữa, bổ sung. Theo lời của nhà thơ Khương Hữu Dụng, chỉ có một lần duy nhất trong bài thơ Thượng sơn ở hai câu cuối nhà thơ Xuân Diệu dịch:

Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu,

Thề đuổi xâm lăng diệt cả bầy.

     Bên cạnh những hàng chữ trên có ghi một hàng chữ nhỏ: Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy do chính Người viết vào. Nhà thơ Khương Hữu Dụng cho rằng dịch như thế là sát nghĩa với câu thơ Thệ diệt sài lang xâm lược quân.

    Trong một buổi họp bàn về dịch thuật Nhật ký trong tù do Nhà xuất bản Khoa học xã hội tổ chức tại phố Cửa Đông có các vị Nguyễn Sĩ Lâm, Phạm Huy Thông, Xuân Diệu và một số nhà nghiên cứu. Ý kiến của Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng bài thơ Bị hạn chế dịch thô thiển là ở câu thứ hai. Thực ra tác giả chỉ nói bị hạn chế “Cửa tù khi mở, không đau bụng/ Đau bụng thì không mở cửa tù”. Chỉ thế thôi, người đọc sẽ hiểu hoàn cảnh và yêu cầu của người trong cuộc. Trong bài thơ Cảnh chiều tối:

Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng.

(Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng)8.

    Có ý kiến cho rằng không thể dùng chữ em với Hồ Chí Minh vì nó thân tình quá, dễ hiểu lầm. Nhà thơ Xuân Diệu nói: “Hiểu lầm hay không là do người tiếp nhận. Nếu thay chữ em thành chữ gái (Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc) thì câu thơ dịch sẽ chịu ba dấu sắc nặng nề Cô gái xóm núi xay ngô tối”.

    Bàn luận nhưng rồi không kết luận, Nhật ký trong tù có cần bổ sung về phần dịch thuật, ở chừng mực nào? Cần có trọng tài tránh tình trạng luận bàn rồi bỏ đấy. Phải có một hội đồng quyết định việc đánh giá các bản dịch với màu sắc nghệ thuật khác nhau.

    Bảy mươi năm đã trôi qua, giá trị của Nhật ký trong tù vẫn bền vững, cần có những nỗ lực mới trong nghiên cứu, trong giảng dạy ở nhà trường với thi phẩm có tầm vóc lớn lao trong thơ ca Việt Nam thời kỳ hiện đại.

GS. HÀ MINH ĐỨC

Đại học Quốc gia Hà Nội

***

 

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Nhật ký trong tù - Lời nói đầu, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1960, tr.4.

2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr. 348, 376, 366, 448, 378, 341, 337.

 

Bình luận