Đặc điểm của Cách mạng Tháng Tám (Phần II)

Ngày đăng: 19/08/2015 - 16:08

Đặc điểm thứ ba. Cách mạng Việt Nam là cả một quá trình chuẩn bị và đấu tranh đầy xương máu, nhưng Cách mạng Tháng Tám đã nổ ra và thành công một cách hòa bình.

20130902070801123

Truyền thống lâu đời của người Việt Nam là giành lại độc lập dân tộc bằng đấu tranh vũ trang. Suốt mấy ngàn năm lịch sử đều như thế. Và từ khi Pháp đánh chiếm Việt Nam, tuy Pháp có tàu chiến, đại bác, súng trường, còn người yêu nước Việt Nam chỉ có gươm đao, các vị lãnh đạo dân tộc từ Trương Định ở Tân Hòa, đầu những năm 60 của thế kỷ XIX cho đến khởi nghĩa Thiên địa hội năm 1911, năm 1916 phá Khám Lớn Sài Gòn, những người yêu nước Việt Nam vẫn luôn luôn dám dùng vũ khí thô sơ để đánh Pháp, thua keo này bày keo khác, không hề nghĩ tới xin xỏ, yêu cầu vận động hoà bình để được trả lại độc lập, tự do.

Đầu thế kỷ XX, tuy cụ Phan Chu Trinh chống đường lối bạo động và cụ Phan Bội Châu cầu viện, song thâm ý chủ yếu của cụ là "dựa vào Pháp để đánh đổ triều đình Huế, chứ hình như Tây Hồ không nói tới "cách mạng hoà bình"; mỗi thế thôi cũng đủ cho Pháp đưa cụ đi Côn Lôn trước khi lưu đày sang Pháp. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, cụ Phan Bội Châu thất vọng cho rằng con đường vũ trang, phương pháp bạo động không còn có cơ thành công; cho nên mới có "Pháp Việt đề huề" chánh kiến thư. Nhưng rồi, bị bắt, bị đưa ra toà Hà Nội, xử bị giam lỏng ở Huế, cụ đã nói với Đặng Thai Mai rằng: "đề huề chi mà đề huề, oán thù ta hãy còn sâu, trồng cây nên gậy gặp đâu đánh què!". Sào Nam có cổ vũ cho cách mạng hoà bình thật, nhưng cụ nhấn mạnh vào "bất hợp tác" nhiều hơn là vào "bất bạo động". Ngay cụ Nguyễn An Ninh, sau chiến tranh, công khai viết báo "Chuông rè", cũng đã lập luận như sau: "Pháp vũ trang mạnh, ta không có súng đạn; Pháp lại có Anh, Hà là đế quốc thực dân cấu kết nhau chống lại cách mạng dân tộc giải phóng còn ta thì chỉ có một mình, cho nên trước mắt tôi thấy phải dùng phương pháp hoà bình, lấy pháp lý, lấy lẽ phải, lấy nhân quyền mà đấu tranh đòi tự do, tự trị, độc lập; rồi nếu con đường đấu tranh công khai hợp pháp, hoà bình ấy không thực hiện được, thì tôi (Nguyễn An Ninh) sẽ nhường chỗ cho những ngưòi Việt Nam yêu nước có chủ trương khác". Nguyễn Thái Học, trước khi lên đoạn đầu đài, nói ý tựa như Nguyễn An Ninh; Tôi đã cố gắng hợp tác với người Pháp để đấu tranh hoà bình mà không được nên cuối cùng tôi chủ trương đấu tranh bạo động để giành độc lập!

Trên thực tế lịch sử cũng như trong thâm tâm tư tưởng, người Việt Nam tán thành, ủng hộ, thực hiện sách lược cổ truyền có hiệu quả, lần này không được thì lần khác, là giành độc lập bằng khởi nghĩa vũ trang, từ Hai Bà Trưng năm 40 đầu Công nguyên đòi nhà Hán, cho đến nay đều như vậy, đưòng lối bất biến trong lịch sử vạn biến.

Khởi nghĩa Yên Bái tháng 2-1930, thất bại. Những người cộng sản Việt Nam tuy không tán thành phương pháp đấu tranh và sách lược khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng, nhưng vẫn ủng hộ hành động của Quốc dân Đảng và ngay từ năm 1930 đã có nghị quyết tỏ ý tiếc rằng Đảng không kịp thòi hay biết và chuẩn bị điều kiện để giúp đỡ phần nào một đảng cách mạng quốc gia. Sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại và Quốc dân Đảng bị đế quốc Pháp thẳng tay tiêu diệt bằng máy chém và máy bay ném bom, mấy trăm đảng viên, chiến sĩ Quốc dân Đảng bị đày đi Côn Đảo và xa hơn Côn Đảo nữa, thì từ đó (1930) đến Chiến tranh thế giới thứ hai, trên cả Đông Dương, trên cả Việt Nam, chỉ còn có một đảng cách mạng dám đương đầu và đương đầu nổi với Pháp mà thôi. Đó là Đảng Cộng sản. Tuyệt nhiên không còn đảng cách mạng nào hết. Nếu có thì có ở Trung Quốc, ở Pháp một vài nhóm lẻ tẻ không có cơ sở ở trong nước, không tổ chức được bất kỳ một cuộc đấu tranh nào của đồng bào chống Pháp. Đại khủng bố của Pháp, khủng bố liên hồi của Pháp chỉ "cho phép" một mình Đảng Cộng sản mình đồng xương sắt, ý chí bất tử, sống nổi với dân, vì dân và trong dân, cái đảng trường sinh bất tử đó suốt 15 năm là lực lượng tổ chức lãnh đạo tất cả các phong trào đấu tranh yêu nước từ nhỏ đến lớn, từ Bắc chí Nam. Mà phong trào ấy thì luôn luôn bị thực dân và phong kiến tập trung sức thường xuyên đánh phá dữ dội, đẫm máu hơn bất cứ ở thuộc địa nào, chẳng những là của Pháp mà ngay cả của Anh cũng vậy.

Người viết sử, bất cứ là người Việt, người Pháp hay người ngoại quốc nào cũng đều công nhận là cách mạng Việt Nam năm 1945 đã được chuẩn bị từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, từ khi xuất hiện Nguyễn Ái Quốc, Giáo sư sử học Đồvilơ khẳng định rằng, không phải tại Đô đốc Toàn quyền Đờcu theo đường lối chính trị sai lầm mà Pháp mất Đông Dương, mất Việt Nam đâu! Nguyên nhân mất Đông Dương đã phát sinh từ trước rồi. Mà chẳng phải tới năm 1945, Pháp mới có "can đảm" nói rõ; khi mới chân ướt chân ráo bước lên Sài Gòn ngày 4-1-1940 thì tướng Toàn quyền Catơru đã rất "dõng dạc" tuyên bố rằng:

"Chúng ta đã đánh toàn diện và mau lẹ vào các tổ chức cộng sản. Trong cuộc đấu tranh này, phải tiêu diệt cộng sản thì xứ Đông Dương mới được yên ổn và mới còn trung thành với nước Pháp, chúng ta không có quyền không thắng. Tình thế chiến tranh bắt buộc chúng ta phải hành động không chút thương tiếc".

Quả đúng như vậy. Sau khi khởi nghĩa Yên Bái bị dập tắt, ngay khi máu trên máy chém chưa khô; ngay khi cổ Am, Lâm Thao bom lửa còn đang gây cháy xóm làng, thì bắt đầu một phong trào quần chúng đấu tranh chông thực dân 10 lần, 100 lần to lớn hơn Yên Bái: không phải là cuộc nổi dậy của một số ít binh lính ở một đồn trại mà là cuộc đấu tranh chính trị và kinh tế của hàng ngàn, hàng vạn nông dân và nhân dân dưới hình thức những cuộc biểu tình ở hàng trám xã, ở hàng chục tỉnh từ Bắc chí Nam, liên tục và khắp nơi như thế, nhân dân có hàng ngũ kéo nhau sau cờ đỏ búa liềm, lên xã, lên huyện, lên tỉnh đòi tự do dân chủ, chống thuế sưu, chống áp bức của quan làng, chông khủng bố trắng, ủng hộ Liên Xô, phản đối chiến tranh đế quốc, V.V.. Phong trào kéo dài rầm rộ từ tháng 4 tháng 5­-1930 đến tháng 6 tháng 7-1931. Biểu tình hàng trăm cuộc; tập hợp hàng chục vạn người. Đế quốc kinh hoàng, dùng lê dương, lính lập, quân chính quy, dùng máy bay ném bom giết hại nhân dân, có những lần cả trăm người chết như ở Nam Đàn, còn những lần có 5, 7 người, 1, 2 chục người thì vô kể. Số bị bắt, bị giam, bị đày cao hơn mấy lần sau Yên Bái. Không phải đợi tới Catơru mà từ Pascơ làm toàn quyền Pháp đã thấy "phải tiêu diệt cộng sản thì Đông Dương mới yên ổn và mới còn trung thành với Pháp".

Pháp nhận chìm phong trào 1930 - 1931 là định nhận chìm một cuộc đấu tranh chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam được Đảng Cộng sản công khai tuyên bố là sẽ nổ ra trong cuộc chiến tranh đế quốc thế giới sắp tới không thể nào tránh khỏi. Thật vậy, Luận cương chính trị của Đảng đã nói rõ cho ta và địch biết rồi. Cộng sản không giấu, đã không giấu mà còn làm cho nhân dân hav trước để thức tỉnh, để chuẩn bị.

Hình ảnh ngày Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội

Từ ngày 14 đến 18-8-1945, tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng miền Bắc, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An. Ảnh Tư liệu.

Từ năm 1930-1931 đến năm 1945, đấu tranh của nhân dân dưới cờ Đảng có thể xem là thường xuyên, chỉ khi ít khi nhiều, khi dân chỉ bị bắt giam, khi bị bắn chết ở cuộc biểu tình, thưòng nhất là bị chết ở trại giam, ở hải đảo, Côn Lôn, Lao Bảo, Sơn La. Trong thời gian đó, một đợt khủng bố rùng rợn đã xảy ra năm 1940. Khủng bố 1930 - 1931 lan rộng ba kỳ mà còn ít rùng rợn hơn khủng bô' 1940 ở Nam Kỳ Ai đếm được bao nhiêu trăm, bao nhiêu ngàn người bị sen đầm, cảnh sát, hương chức ác ôn, lê dương giết đi không xét xử trong các làng có phong trào? Ai đếm được số tàu xà lan bị Pháp biến thành nhà tù vì các nhà tù và sân bóng đã đầy quá rồi, để rồi tàu xà lan ấy, một khi đầy ắp đến mức không chỗ đứng, bị canô kéo ra đổ gọn nhận chìm ở cửa sông, góc biển? Nhiều làng xã cho đến nay, các gia đình còn giữ tục "giỗ hội" để cả xóm nhớ ngày ông, cha, anh bị bắt một lượt mà không biết chết ngày nào, chỉ biết từ đó không về nữa. Khủng bố đến mức đó, thực dân tưởng đã nhổ sạch gốc rễ cách mạng giải phóng như Toàn quyền Catơru đã tuyên bố, ở bất cứ một nước thuộc địa nào, sau một quá trình đấu tranh và khủng bố như vậy, không còn có thể tổng khởi nghĩa được. Nhưng không! 

Thời cơ chín muồi, chuẩn bị lực lượng đã xong về cơ bản thì tổng khởi nghĩa lại nổi lên, mạnh mẽ, đều khắp, nhất loạt, mà lạ thay người ta tưởng tượng khởi nghĩa sẽ đổ máu tràn trề, nhân dân sẽ quyết tiêu diệt địch nhân để tự giải phóng và để trả thù nhà, nợ nước. Và trong mấy ngày tổng khởi nghĩa đó, ai đứng lên quyết giành chính quyền mà không có vũ khí bén nhọn trong tay đồng thời với vũ khí tinh thần cương quyết nhất? Vậy mà không! Trên toàn quốc, từ Bắc chí Nam cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám nổ ra không có đổ máu, ít nhất là không có đổ máu giữa đồng bào Việt Nam, dù đó là người của chính quyền bù nhìn trước của Pháp, nay của Nhật. Tổng khởi nghĩa chông thực dân đồng thời là đại đoàn kết dân tộc. Chiến thắng càng vĩ đại và bi hùng.

Vì sao?

Trước hết, phải nói rõ thêm để tránh khỏi hiểu sai lầm hay lệch lạc.

Quả thật truyền thống đấu tranh giành độc lập của Việt Nam là truyền thống đấu tranh vũ trang, lấy máu đào rửa nhục nước; không tiếc xương máu vì độc lập giải phóng. Nhưng khi không cần thiết phải đổ máu mà vẫn thắng thì không việc gì mà phải cứ chủ trương tiếp tục đổ máu. Ai không nhớ "lễ Hội thề" mà Nguyễn Trãi và Lê Lợi chủ trương khi ngàn vạn quân Minh bị vây trong Đông Đô bằng lòng rút lui mà không đánh, không đánh mà vẫn phải rút về, rút về mà còn ngực đập chân run! "Hội thề" là một chiến thuật hay trong đưòng lối cứu quốc bằng vù trang tranh đấu.

Ngay trong chủ nghĩa Mác - Lênin, các nhà lãnh tụ cộng sản đâu có khư khư lúc nào cũng đòi phải vũ trang khởi nghĩa? Mác đã có thời cho rằng ở nước Anh (giữa thế kỷ XIX) có khả năng cách mạng hoà bình không nhất thiết phải khởi nghĩa. Lênin đã có lúc cho rằng ở nước Nga (sau cách mạng Tháng Hai 1917) có khả năng cách mạng tư sản chuyển biến hoà bình sang cách mạng vô sản. Mác và Lênin tất nhiên không giữ mãi ý kiến đó một khi tình hình chính trị, xã hội biến đổi; nhưng dù sao, các vị không phải là phủ nhận cái khả năng ấy ở một lúc nhất định nào đó.

Tổng khởi nghĩa cách mạng nể ra và thành công một cách ít đổ máu nhất, một cách hoà bình nhất là thuộc vào nội dụng tư tưởng chính trị của đường lối "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công" của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra và diễn biến một cách hoà bình chính vì:

Thứ nhất, Cách mạng Tháng Tám huy động được thần vũ của tuyệt đại đa số" đồng bào khắp nơi đứng dưới cờ Việt Minh; kẻ chống lại vì thế mà mất tinh thần, bất lực, hoặc phải ngả theo, hoặc phải bó tay chờ thòi.

Thứ hai, vì sách lược của những người tổ chức lãnh đạo khởi nghĩa ở toàn quốc, ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn là những sách lược đúng đắn, biến hoá tuyệt vòi, thích hợp với điều kiện, với hoàn cảnh, với ý dân.

Thứ ba, nhìn chung toàn cầu, vì sự chiến thắng (đã được Việt Minh dự đoán và nói lên từ mấy năm đen tối) của Liên Xô, Trung Quốc và Đồng minh, mà trong suốt cuộc chiến tranh chống phát xít Việt Minh chiến đấu bên cạnh Liên Xô, Trung Quốc và Đồng minh, do đó tạo ra được một thế đứng quốc tế.

Thứ tư, ta được sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ Hồ Chí Minh trong toàn bộ sách lược khởi nghĩa.

Nói cặn kẽ hơn, từ 1930-1935, Đảng Cộng sản tập dượt cho đồng chí mình đứng đầu hàng trám cuộc bãi công, biểu tình, và tập dượt cho nhân dân quen đoàn kết và đấu tranh trên đường phố, đường làng. Số cuộc và số người biểu tình, bãi công, bãi khoá, bãi thị hồi 1936 - 1937 còn đông hơn nữa. Năm 1945, số người đấu tranh đó lại đông gấp bội, kéo theo hàng triệu người, các đoàn thể thấy rõ sức mạnh càng đi theo nhiều hơn, thành một lực lượng thu hút hết sức lớn có sức đem bạo lực chính trị, không phải bạo lực vũ trang mà đè bẹp quân thù ít hơn ta. Cứ xem các cuộc biểu tình hoà bình nổ ra rất mạnh ở Hà Nội ngày 19, ở Huế ngày 23, ở Sài Gòn ngày 25 thì rõ như: sông lớn cuốn theo mọi dòng suối nhỏ như mặt trời lớn hút các vệ tinh nhỏ chung quanh mình; kẻ địch bị cô lập, quân thù mất tinh thần, cho nên Phan Kế Toại không đến Dinh Khâm sai mà tiếp Việt Minh, cho nên Bảo Đại không giữ mà trao ấn kiếm, cho nên Nguyễn Văn Sâm đành chịu bị nhốt trong phòng ngủ; họ không còn ai bảo vệ nữa trừ một vài tay súng ở trại Hà Đông, tất cả bảo an binh đều theo quần chúng làm cách mạng. Nói khởi nghĩa Tháng Tám hoà bình là kết quả cuối cùng của 15 năm chuẩn bị đấu tranh xương máu là như vậy.

Nói cho đủ hơn thì có thể ghi rằng ở đây sách lược Hồ Chí Minh về thời điểm khởi nghĩa là một yếu tố quyết định. Ngưòi chỉ thị mở rộng vùng giải phóng và lực lượng vũ trang phải tăng cường lực lượng, chỉ phát động khởi nghĩa khi thời cơ chín muồi. Ví phỏng khởi nghĩa nổ ra trước khi Nhật đầu hàng, ví như một tháng, vài tuần, thì lực lượng khởi nghĩa đâu khỏi chọi lại kịch liệt với quân Nhật và quân ngụy, Nhật còn bảo hộ ngụy, ngụy còn theo Nhật thì sẽ đổ máu bao nhiêu, bao lâu? Người đã ra lệnh kịp thời nhất, kịp thời là điều kiện của khởi nghĩa thành công hòa bình, "êm thấm" nữa. Thực ra, nếu ta khởi nghĩa chậm một vài tuần khi Pháp, Anh, Tưởng đã vào Hà Nội, Huế, Sài Gòn, thì cũng không sao tránh khỏi đổ máu đáng tiếc. Ta nhờ tài sách lược của Người như vậy mới có một cuộc khởi nghĩa cách mạng hoà bình. Và ta nhờ có hoà bình hay hoà bình tương đối trong một thời gian sau tháng tám để làm cho lực lượng vũ trang và chính trị của ta thêm hùng hậu, sẵn sàng đối phó với mưu đồ của các thứ thực dân.

Trong phần sau, đặc điểm thứ tư, ta sẽ giải thích tại sao mấy vạn quân Nhật ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế không chống lại khỏi nghĩa Tháng Tám bằng vũ trang. Ta sẽ cắt nghĩa rằng đó không phải là Đồng minh Anh, Mỹ không dùng quân Nhật để chống cách mạng Việt Nam, mà chúng nó không dùng được, dùng không được một phần là do sách lược của người Việt Nam yêu nước.

Hình ảnh ngày Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội

Sự kiện Cách mạng tháng Tám là mốc son vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời. Ảnh tư liệu.

Đặc điểm thứ tư: Cách mạng Tháng Tám là sự phát huy đến cao độ tính sáng tạo, tính chủ động, tự lực, tự cường, truyền thống của quảng đại quần chúng và của cán hộ địa phương trên khắp các vùng đất nước.

Tính nhân dân, tính quần chúng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là điều nổi bật đối với bất kỳ nhà nghiên cứu sử học nào. Đây không phải là một cuộc nổi dậy của riêng những đảng viên cộng sản. Đây không phải là một "Yên Bái", một "Sài Gòn 1916". Sài Gòn 1916, Yên Bái 1930 đều là những cuộc nổi dậy can đảm, anh hùng của riêng Thiên địa hội, của riêng Quốc dân Đảng, của riêng những đội tiên phong, không phải của quần chúng nhân dân. Thuở ấy, các nhà yêu nước chưa quan niệm được rằng "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", bấy giờ, người ta còn quan niệm rằng đó chỉ là sự nghiệp của những người anh hùng.

Không chỉ là thuở ấy, mà cả về sau này, quan điểm "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" cũng không phải dễ hiểu, có hiểu đi nữa cũng rất khó đem ra thực hiện. Nhiều nhất là xem quần chúng như là một công cụ của chính trị, họ cho là quần chúng vốn vô kỷ luật, càng đông càng sinh rối; họ cho là quần chúng đông như cái chợ, không giữ được bí mật cho tổ chức cách mạng. Cho nên, cả tên gọi, cả chương trình của đảng và hội của họ, họ cũng không muốn cho công chúng biết; vì thế, họ sớm bị rơi vào tình trạng cá nước cạn, chim rừng thưa, nổi lên bạo động thì lẻ loi, thất bại vì nổi lên mà không có nhân dân cùng chiến đấu.

Trong những năm 30 của thế kỷ XX, nhiều người yêu nước không hiểu tại sao cộng sản đứng ra, bí mật hay công khai, tổ chức hàng trăm, hàng ngàn cuộc bãi công, bãi thị, bãi khoá, biểu tình tuần hành thị uy, tập hợp quần chúng đông hàng vạn, ở Hà Nội, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sài Gòn, Mỹ Tho, ở khắp nơi, đòi quyền lợi kinh tế và chính trị.

Mỗi lần như vậy thì nhiều đồng chí, đồng bào bị tù đày, bị giết. Để làm gì vậy? Để gây ý thức cho quần chúng, cho nhân dân nhận thấy sức mạnh của mình, giành quyền lợi của mình và hiểu được vai trò lịch sử của mình. Đó là tập dượt động viên quần chúng tích cực chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa cách mạng một ngày nào đó sẽ phải đến.

Hãy nhìn mấy vạn người ở Hà Nội, những ngày 17, 19-8 tập hợp trên Quảng trường Nhà hát thành phố, kéo ra bờ hồ và trở thành năm, bảy cuộc biểu tình càng lúc càng đông dưới cờ đỏ sao vàng, mãi đến đêm mới giải tán. Còn có cách cổ động chính trị nào hơn? Đảng viên cộng sản, đoàn viên cứu quốc chỉ vài trám là nhiều nhất, mà sau lưng có mấy vạn đồng bào. Sức mạnh cách mạng là ở đó.

Hãy nhìn cuộc tập họp ở Huế ngày 23-8. Số đồng bào tập họp biểu tình chống Chính phủ Trần Trọng Kim, đòi vua Bảo Đại thoái vị, đông bằng phân nửa dân số thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên. Lại hãy nhìn một trăm vạn có dư đồng bào Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, có lục tỉnh về, có Nam Vang xuống ngày 25-8 trong một biển cờ sao, một rừng vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, đồng tình dựng lên uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ. Các tỉnh thành khác hầu hết đều chứng kiến nhân dân nổi dậy như thế. Vậy mà kỷ luật trật tự tuyệt vời! Dường như tấm lòng yêu nước dâng lên cuồn cuộn đã quét sạch, ít nhất là tạm thời, những tính xấu của nhiều người. Hôm 25-8 ấy ở Sài Gòn, phần lớn các hiệu buôn đều mở cửa mà không nghe nói có một nơi nào bị cướp. Cũng không nghe ai đi trình báo mất xe đạp nhiều hàng vạn để dựa trên lề đưòng phố. Không nghe nói ở đâu treo cờ quẻ ly của Trần Trọng Kim. Sự đồng tâm nhất trí của nhân dân thật là hoàn toàn.

Ngoài lý do trình độ giác ngộ chính trị khá cao, kỷ luật nghiêm túc, còn phải nói đến một đặc điểm của nhân dân ta là không có tinh thần bài ngoại. Ngay trong những ngày khởi nghĩa, không có những cuộc xô xát, để máu giữa người Việt Nam và người Pháp đi lại tự do trên đường phố Sài Gòn.

Mãi đến ngày 2-9, quân Anh bắt đầu tới, mới có những vụ Pháp bắn lén vào cuộc tuần hành của nhân dân làm chết hơn 40 người. Mặc dầu vậy, tự vệ và nhân dân đã triệt để theo luật chung, chỉ bắt giam mà không giết hại hoặc ngược đãi người Pháp, ngưòi Anh, người da trắng.

Tính sáng tạo, chủ động, tự lực, tự cường của nhân dân và cán bộ địa phương góp phần rất lớn, khó đánh giá hết, cho sự thành công của khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Trong hoàn cảnh không có liên lạc bằng vô tuyến điện mà khởi nghĩa Hà Nội, khởi nghĩa Huế, khởi nghĩa Sài Gòn chỉ nổ ra cách nhau có năm, ba ngày. Thời gian năm, ba ngày không đủ để một đoàn thể tổ chức một cuộc míttinh, thế mà từ ngàn dặm, một tiếng gọi khởi nghĩa phát ra được đồng bào toàn quốc răm rắp nghe theo và làm đúng.

Chúng ta biết rằng, trong 15 năm hoạt động cách mạng (1930 - 1945) Đảng Cộng sản bị đánh trúng tới hai lần, hai lần Tổng Bí thư Đảng bị sát hại. Việc lập lại cơ sở và hệ thông Đảng thật không dễ dàng, nhanh chóng. Vậy mà, trên thực tế, các xứ uỷ đảng không bao giờ ngừng hoạt động. Chính bản thân các xứ uỷ cũng nhiều lần bị phá tan, nhưng các tỉnh, thành không bao giờ vắng tiếng cộng sản kêu gọi đồng bào địa phương. Các đảng bộ địa phương, nói chung đểu biết tự động, tự lực, tự cường, theo đường lối vạch sẵn, hoặc trong tình hình đổi mới, tự vạch ra con đưòng đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, theo chính kiến của Nguyễn Ái Quốc. Nói cho cùng, sở dĩ có sự thật tốt đẹp đó là do phần lớn các đồng chí bị tù, bị đày biệt xứ lúc trở vể đều biết tự động tuỳ theo sức và năng lực của mình và anh em xung quanh mà "bắt rễ" vào đồng bào, lập lại cơ sở, hệ thống, không bị động chờ đợi sự chỉ đạo của cấp trên.

Tự lực, tự cường là một đức tính truyền thống của Đảng và đảng viên. Cơ sở tổ chức đã có, cách tổ chức đấu tranh đã từng được huấn luyện và hành động thì việc nối liên lạc với nhau, bảo nhau cùng thực hiện một đường lối đã được đồng tình không phải là điều khó. Do đó, khi tin Nhật đầu hàng được biết thì khắp nước, các đảng bộ đều thấy như nhau là thời cơ khởi nghĩa đã đến, chỉ còn vấn đề là cả nước ta có đủ lực lượng hay chưa? Lâu nay, toàn Đảng, từ trung ương đến địa phương đều được giáo dục như vậy. Lúa đã sạ, nay mưa xuống thì hạt giống tự mọc.

Trong điều kiện mất liên lạc hay chưa có chỉ thị, thì sự tự động của các địa phương là tốt, là cần, là đáng hoan nghênh nữa nếu là hành động theo đúng đưòng lối cách mạng chung. Đó là lịch sử Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở các địa phương trên nước Việt Nam dài hơn 2.000 km.

Gần như trong một trận đánh giặc, liên lạc giữa các đơn vị phải biết nghe tiếng súng mà tiến, lui dễ hợp sức nhau cùng chiến thắng, chứ không chờ giấy tờ, điện tín mang chỉ thị đến mới ra quân.

Các nhà viết sử khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám phải ghi công đầu rất lớn cho Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu mang tính chất quyết định này. Hà Nội có khởi nghĩa thành công ngày 19-8 thì Huế mới khởi nghĩa thành công ngày 23-8 và Sài Gòn khi ấy nóng lòng chờ tin Hà Nội. Hà Nội có khởi nghĩa thì Sài Gòn mới làm. Hà Nội có làm sớm thì Sài Gòn mới khỏi trễ nải nguy hiểm. Tuy Sài Gòn đã có tập hợp đủ lực lượng, nhưng nếu Hà Nội chưa làm thì vị tất Sài Gòn đã làm vì còn nhớ mãi kinh nghiệm của tháng 11-1940. Nói khởi nghĩa ở Hà Nội có tầm quyết định là như vậy.

Điều cần nhấn mạnh là các đồng chí Xứ uỷ Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội (có mặt của ủy viên Trung ương Đảng tại chỗ) đã can đảm, có sáng kiến theo Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta để chủ trương khởi nghĩa kịp thời, không chờ đợi lệnh mới dám triển khai trách nhiệm. Sáng kiến của Hà Nội đã biết làm dịu đi sự căng thẳng giữa nhân dân Việt Nam và quân Nhật, làm cho Nhật, tuy thua trận rồi mà hàng ngũ chưa phải đã rã, có thể chuyển sang thái độ bất can thiệp vào cuộc khởi nghĩa được xem như việc nội bộ của Việt Nam. Chủ trương và sáng kiến đó của Hà Nội là đúng đắn kịp thời, có hiệu quả. Nhân dân khởi nghĩa khỏi trực tiếp đụng chạm với một lực lượng vũ trang chưa phải đã hết sức chiến đấu. Những đồng chí lãnh đạo Hà Nội xoay trở rất giỏi, nhờ đó mà khởi nghĩa Hà Nội thành công mà không đổ máu, không gặp trở ngại khó vượt qua biết mấy.

Nói tới cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế nổ ra và thành công ba ngày sau Hà Nội, không thể không thấy ở đây một sáng tạo sách lược rất quan trọng. Huế không phải là thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, nhưng đây là kinh thành, có vua Bảo Đại có Chính phủ Trần Trọng Kim. Chắc hẳn là phe thực dân, trong điều kiện giữa năm 1945, cố giữ Bảo Đại và chính phủ bù nhìn để trở lại gọn hơn, dễ hơn. Còn nhân dân Việt Nam thì ra sức lật đổ Bảo Đại và chính phủ bù nhìn. Trong lúc đó quân Nhật đông trên 2.000 ở hoàng thành (chưa kể bảo an của triều đình), đề nghị với Bảo Đại là nếu nhà vua muốn thì quân Nhật sẽ kiên quyết bảo vệ nhà vua, chống lại nhân dân đang nổi dậy. Hoàng thành kiên cố hào luỹ vối 2.000 quân Nhật vũ trang tối tân và hàng ngũ chưa rã có thể gây biết bao nhiêu là khó khăn lớn cho phong trào nhân dân khởi nghĩa đang cuồn cuộn dâng lên. Trong hoàn cảnh đó, cán bộ ở Huế (người trong Mặt trận Việt Minh củng như ngưòi mới theo Việt Minh) đã ra sức vận động vua Bảo Đại từ chối sự ủng hộ, sự bảo vệ của Nhật, bằng lòng từ ngôi để "làm dân một nước độc lập hơn là làm vua một nước nô lệ" thì đó là một kỳ công lớn vào bậc nhất, một chiến công mà chỉ có những chiến sĩ đầy sáng kiến, đầy tinh thần trách nhiệm trước lịch sử, trước Đảng mới có thể thực hiện thành công. Muốn đánh giá đúng cái kỳ công của các đồng chí ở Huế, thì hãy tưởng tượng vua Bảo Đại và chính phủ bù nhìn cố thủ trong hoàng thành với quân Nhật và lính khố vàng cho đến khi quân Đồng minh vào Huế thì cục diện chính trị sẽ ra sao? Lẽ cố nhiên, tinh thần chiến đấu của hàng chục vạn nhân dân từ khắp Thừa Thiên và nhiều tỉnh tập hợp ở Huế, việc lớn khởi nghĩa thành công ở Hà Nội vẫn là những yếu tố nguyên nhân đặc biệt lớn, quyết định nữa, của sự thành công vĩ đại của ngày 23-8 ở Huế. "Lá bài Bảo Đại" quan trọng cho sự trở lại của thực dân bao nhiêu thì sự từ ngôi của Bảo Đại quan trọng bấy nhiêu.

Còn biết bao nhiêu sáng kiến hay ở khắp nước của cán bộ và quần chúng nhân dân cả nước trong mấy ngày khởi nghĩa Tháng Tám.

Khởi nghĩa ở Sài Gòn ngày 25-8 là một đề tài nghiên cứu có thể đem lại cho lịch sử nhiều điển hình sáng tạo sách lược trong khi thực hiện thành công đưòng lối cách mạng chung.

Hình ảnh ngày Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội

Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy, bắt đầu từ quảng trường Nhà hát Thành phố và lan khắp nơi trên phố phường Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Đặc điểm thứ năm: Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng được Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Tới giữa những năm 20 của thế kỷ XX, ở Việt Nam khái niệm đảng, chính đảng, chưa được phổ biến. Trước đó, không biết từ đời nào, vì phải góp sức mọi người để chiến đấu chổng quân thống trị ngoại bang, cho nên ý thức đoàn kết của người Việt Nam có sớm. Cũng có sớm ý thức của dân cày từng địa phương, mà khá rộng khắp, chống điền chủ, quan lại, ác bá, cưòng hào; cho nên không rõ từ đời nào, nảy sinh ra hội kín với nhiều tên gọi khác nhau. Tên gọi đó có thể là hiền lành mà mục đích của chúng là tương trợ và đấu tranh, các cuộc khởi nghĩa nơi này, nơi nọ thường dựa vào các hội kín đó hay là do các hội kín đó mà ra. Cho đến thế kỷ XX, nào Duy Tân hội, nào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, nào Việt Nam Quang phục hội, v.v.. phần nhiều các đoàn thể yêu nước, bất hợp pháp, lấy tên là "hội". Hội mà thực chất là đảng. Các đảng củng tuần tự mọc ra như Đảng Hưng Nam, Đảng Tân Việt, Đảng Thanh niên (Sài Gòn 1926), Việt Nam Quốc dân Đảng. Một thuở người yêu nước chưa phân biệt hội và đảng: đảng là đội quân tiên phong, nòng cốt, giác ngộ cao, kỷ luật nghiêm; còn hội ở xung quanh đảng; đông người hơn, dưới sự chỉ đạo của đảng trong lúc cùng đảng lo việc chính trị thì hằng ngày các hội giúp đảng lo bênh vực quyền lợi dầu nhỏ của nhân dân hội viên và không hội viên. Quan niệm vể đảng và hội như vậy mối rõ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đầu năm 1930.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 đánh dấu một bước tiến, nói cho đúng là một bước ngoặt, một bản chất mới trong lịch sử hình thành đảng chính trị Việt Nam. Bước tiến, chỗ ngoặt đó là gì?

Thứ nhất là lần đầu tiên, ở Việt Nam, có một chính đảng cách mạng, cứu nước chẳng những lấy tên là Việt Nam mà còn đạt được cơ sở hệ thống ở toàn quốc Việt Nam, trên cả ba kỳ, trên tất cả các tỉnh từ Cao Bằng đến Bạc Liêu, từ Hà Nội, Huế đến .Sài Gòn. Tất nhiên, đó là cả một quá trình xây dựng đầy xương máu.

Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất - tôi nhấn mạnh chỗ "duy nhất" - không bị đế quốc thực dân tiêu diệt trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh đế quốc, tất cả - tôi nhấn mạnh ở cho "tất cả" - đều bị thực dân đế quốc đánh tan hết, đều không có đời sông lâu dài. Oanh liệt như Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học mà chỉ có thể sống không đầy hai năm rưỡi, từ tháng chạp năm 1927 đến tháng hai năm 1930, tuy rằng khủng bố thực dân sau Yên Bái so với khủng bố thực dân sau Xôviết Nghệ Tĩnh và sau Nam Kỳ khởi nghĩa, thì còn xa mới nặng bằng. Vậy mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là "trường sinh bất tử", tiêu biểu cho nghị lực bất tận và ý chí gang thép của dân tộc Việt Nam.

Thứ ba là, trường sinh bất tử dưới bất kỳ mức khủng bố nào là trọng yếu lắm nhưng cũng chưa đủ. Còn sống mà cứ "mai danh ẩn tích" trên núi cao, trong rừng sâu hoặc ở nước ngoài, thỉnh thoảng lên tiếng, còn sông mà xa lạ lạnh nhạt với phong trào đấu tranh tự phát của đồng bào mình, thì "bất tử" ấy chỉ ngang hàng với bất lực. Mình không góp sức tạo thời cơ, xây dựng lực lượng thì chỉ có thể làm nhân chứng bất lực của lịch sử mà thôi. Đảng Cộng sản có mặt mọi lúc và mọi nơi với đồng bào cả nước, trong lúc khó cũng như trong lúc dễ, trong khi thắng cũng như trong khi bại, bao giờ cũng đứng ở đầu sóng ngọn gió.

Thứ tư là Đảng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, ngay từ đầu đến cuối, quan niệm rằng: Đảng lãnh đạo nhân dân nghĩa là bền bỉ tuyên truyền giáo dục ý thức cho nhân dân (phần nhiều bị giam hãm trong vòng dốt nát), giáo dục ý thức về quyền lợi, đặc biệt về sức mạnh của mình. Đảng lãnh đạo nhân dân là làm sao cho những chiếc đũa rời rạc ai bẻ cũng gãy, được trở thành bó đũa tay nào cũng không bẻ nổi. Khó lắm đó. Chưa có đảng nào làm nổi. Chỉ có Đảng Cộng sản làm được thôi. Và làm cho kỳ được với bất cứ giá hy sinh nào. Đảng lãnh đạo không phải là đứng êm trong bóng tốì mà xúi giục; Đảng lãnh đạo là đảng viên luôn luôn đi hàng đầu trước hàng lính cảnh sát lê dương vũ trang sẵn sàng còng, súng. Nhiều khi đòi táng một hào lương, đòi giảm một giạ tô, đảng viên phải dám đi đầu, chịu 5, 10 năm tù, một hai phát đạn. Cho nên, nhân dân tin rằng Đảng vì dân mà chiến đấu, vì đồng bào, vì đất nước mà hy sinh, không vì lợi quyền ích kỷ riêng tư nào cả. Sở dĩ Đảng trường tồn bất tử, không tù ngục súng đạn nào diệt nổi, và khi khởi nghĩa nổ ra, được đa số nhân dân tích cực, chủ động, sáng tạo tham gia, chính ià nhò mốì quan hệ máu thịt của dân với Đảng.

Đảng Cộng sản quan niệm thực hành vai trò lãnh đạo của mình là như thế.

Đảng không tranh giành sự lãnh đạo với ai cả. Vì lẽ không có ai tranh giành suốt thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới? Việt Nam Quôc dân Đảng, tiếc thay, chỉ sống có hơn hai năm, mà chỉ có thực lực ở vài ba tỉnh Bắc Kỳ. Phải nói thêm để khỏi có người hiểu lầm. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Đảng Cộng sản Việt Nam trong kỳ Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đã tự phê bình là không kịp góp ý, góp sức làm bớt tổn thất cho cuộc khởi nghĩa. Ngưòi ta còn biết rằng, tại Đại hội Tân Trào do Việt Minh chủ trương, Đảng Cộng sản đề nghị giúp cho Việt Nam Quốc dân Đảng theo truyền thống Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu được sống lại và hoạt động; sống lại là chia gánh nặng cứu nước. Cô độc chưa hề là đường lối của Nguyễn Ái Quốc.

Thứ năm, điều quan trọng bậc nhất về quan niệm và thi hành lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình cách mạng dài 15, 20 nám, là Đảng có đủ lý luận, trí tuệ và tấm lòng để vạch ra đưòng đi tới chốn vinh quang của dân tộc. Nhà viết sử trong và ngoài nước, trước kia và sau này không thể nào phát hiện được bất kỳ một đảng nào đã vạch ra một đường đi chính xác như thế, con đường đi có uyển chuyển tuỳ lúc, tuỳ nơi nhưng nhìn chung là không thay đổi so với mục tiêu dân tộc độc lập, chính thể dân chủ, đồng bào hạnh phúc, danh dự dân tộc được bảo vệ vẻ vang.

Đi xa trong lịch sử cách mạng hiện đại thấy rằng nếu ở nước ta có một tổ chức yêu nước sáng suốt rọi đưòng đi tới độc lập, tự do cho đồng bào thì cái tổ chức ấy là Đảng Cộng sản mà người sáng lập là Nguyễn Ái Quốc chớ hoàn toàn không phải ai khác, dường như trí tuệ dân tộc tập trung ở đó là chính, trí tuệ giải phóng. Nhắc lại: năm 1925, khi huấn luyện lớp cán bộ đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc phê bình lịch sử là, cho tới đó, dân tộc ta yếu ở mặt rất thiết yếu là thiếu đoàn kết và dân tộc ta không thông thạo tình hình trong nước và thế giới. Thiếu đoàn kết cho nên nơi này nổi lên thì nơi kia chò xem ra sao, giặc Pháp tuy chẳng mạnh lắm mà đủ sức diệt chỗ này đến chỗ khác. Thiếu hiểu biết tình hình thế giới và trong nước nên khi chưa nổi lên được thì nổi lên, khi nổi lên được thì không nổi lên. Chữ nghĩa còn rõ ràng trong sách giáo khoa Đường cách mạng. Nguyễn Ái Quốc, ngay từ thuở ban sơ đó đặt ra nhiệm vụ tổ chức cho kỳ được một cuộc tổng khởi nghĩa trên quy mô cả nước khi tình hình quốc nội và quốc tế dựa trên thời cơ thuận lợi, chín muồi. Rồi năm 1930 khi Luận cương chính trị được đề ra và năm 1939 khi Chiến tranh thế giới thứ hai đã nổ, Đảng Cộng sản cho rằng Chiến tranh thế giới tạo thời cơ "trăm năm có một" để dân tộc ta thừa chiến tranh đế quốc mà làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công. Có đảng nào thấy được như vậy? Mà dù có người thấy được thì lấy sức đâu mà làm. Duy một mình Đảng đã chuẩn bị lâu dài, liên tục nên đã tập hợp được sức mạnh hùng hậu của đồng bào cả nước. Thế cũng chưa đủ, thời cơ đến, lực lượng có, nếu không cực kỳ sáng suốt, nếu tổng khởi nghĩa trước tháng tám vài tuần, hay sau tháng tám vài tuần thì liệu cách mạng có thành công gọn ghẽ hoàn toàn triệt để như chúng ta đã làm không? Rõ ràng, sự lãnh đạo sáng suôt, tỉnh táo, kiên quyết là yếu tố quyết định sự thành công.

Trong các đặc điểm của Cách mạng Tháng Tám Việt Nam 1945, đặc điểm thứ năm này là quan trọng nhất; ở tất cả các nước thuộc địa trên thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ có cách mạng dân tộc giải phóng Việt Nam mới mang lại cái đặc điểm lớn này, một đặc điểm sẽ ảnh hưỏng sâu sắc tới sự thắng lợi của 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 

GS. TRẦN VĂN GIÀU

(Bài trích trong sách "Cách mạng Tháng Tám trong tiến trình lịch sử dân tộc",

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)

 

 

Bình luận