Cố vấn Lê Đức Thọ và vấn đề Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc
Trần Quang Cơ*
Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử thế giới có một cuộc đàm phán kéo dài ngót 5 năm, từ tháng 5-1968 cho đến tháng 1-1973, qua hai thời Tổng thống Mỹ, thời kỳ cuối của Tổng thống L. Giônxơn (Đảng Dân chủ) đến suốt nhiệm kỳ của Tổng thống R. Níchxơn (Đảng Cộng hòa). Đó là một cục diện đánh - đàm liên tục. Đánh để tạo thế cho đàm, đàm để hỗ trợ cho đánh, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự và ngoại giao.
Cuộc đàm phán thực tế đã tiến hành trên hai diễn đàn:
1- Diễn đàn công khai: Các cuộc gặp công khai họp ở Trung tâm Hội nghị quốc tế Clêbe mỗi tuần một lần, phóng viên báo chí, truyền hình quốc tế được phép có mặt. Diễn đàn này chủ yếu để đấu tranh trên dư luận quốc tế.
2- Diễn đàn của các cuộc gặp riêng (private meeting). Nơi họp của diễn đàn này không có địa điểm nhất định mà ở các địa điểm do hai bên luân phiên chọn, giữ kín không công bố và không cho người ngoài cuộc vào chỗ họp. Diễn đàn này là nơi đàm phán vào thực chất vấn đề. Người đàm phán chủ chốt của ta ở diễn đàn này chính là Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ.
Còn ở diễn đàn công khai, Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn đàm phán, Đại tá Hà Văn Lâu làm Phó đoàn. Những vị trí này của ta giữ nguyên không thay đổi trong suốt thời gian đàm phán. Còn về phía Mỹ thì luôn có sự thay đổi, đặc biệt là khi thay đổi Tổng thống ở Mỹ. Vì thế, có thể phân cuộc đàm phán làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 kể từ đầu cuộc đàm phán đến khi L. Giônxơn mất chức Tổng thống (tháng 11-1968) là thời gian cuộc đàm phán có tên gọi chính thức là "Cuộc nói chuyện chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ". Giai đoạn 2 là thời kỳ R. Níchxơn làm Tổng thống. Trong giai đoạn này, cuộc đàm phán tay đôi giữa ta và Mỹ trở thành cuộc đàm phán bốn bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau trở thành Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của anh Lê Đức Thọ, tôi viết bài này, tập trung nói về giai đoạn 1 của cuộc đàm phán, "Cuộc nói chuyện chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ". Lãnh đạo đoàn Mỹ trong toàn bộ giai đoạn này, trên diễn đàn công khai cũng như trong các cuộc gặp riêng là Averell Hariman và Phó đoàn là Cyrus Vance.
Toàn bộ nội dung đàm phán trong cả giai đoạn này xoay quanh việc ta đòi Mỹ chấm dứt ném bom và mọi hành động chiến tranh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều đó ta đã nêu ngay trong bài phát biểu của Trưởng đoàn ta tại phiên họp công khai đầu tiên ngày 13-5-1968. Đến phiên họp công khai thứ 6, ngày 31-5, A. Hariman mới đề nghị ta là hai bên nên có những cuộc gặp riêng để nói chuyện.
Ngày 3-6, đồng chí Lê Đức Thọ mới đến Pari với danh nghĩa là Cố vấn đặc biệt của đoàn, nhưng quyết định chưa nhận gặp riêng đoàn Mỹ ngay. Thời gian đầu, ta chỉ nhận gặp riêng Mỹ ở cấp thấp.
Ngày 21-8, trong phiên họp công khai ở Trung tâm Hội nghị quốc tế Clêbe, lúc nghỉ họp giữa chừng (pause - café), A. Hariman ngỏ ý với Cố vấn Lê Đức Thọ là nên có gặp riêng cấp cao giữa hai bên.
Tình hình lúc này có nhiều yếu tố thuận lợi cho ta: Trong tháng 8, ở miền Nam, ta có một đợt hoạt động quân sự mạnh. Cũng trong tháng 8, ở Mỹ, cuộc vận động bầu cử tổng thống đang ở vào giai đoạn quyết liệt: ứng viên của Đảng Dân chủ là Humphrey (Giônxơn không ra tranh cử) và ứng viên của Đảng Cộng hòa là Níchxơn đều có khả năng trúng cử ngang nhau nên chính quyền Giônxơn cần có một quyết định quan trọng để hỗ trợ cho ứng viên của Đảng Dân chủ.
Ngày 8-9-1968, Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy mới nhận gặp riêng A. Hariman và Cyrus Vance lần đầu ở Vitrysur-Seine, ngoại vi Thủ đô Pari, tại một địa điểm do ta chọn.
Năm cuộc gặp riêng đầu, ta tập trung đòi Mỹ chấm dứt ném bom và các hành động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mỹ lúc đầu đòi hai bên cùng rút quân khỏi Nam Việt Nam và mở rộng cuộc đàm phán để chính quyền Sài Gòn tham gia, sau lại xoáy vào vấn đề khu phi quân sự với ý đồ ngăn không cho quân từ Bắc Việt Nam vượt qua khu phi quân sự vào miền Nam Việt Nam.
Ngày 30-9-1968, ở Mỹ, trong khi vận động bầu cử, Humphrey tuyên bố: "Nếu là Tổng thống Mỹ, tôi sẽ chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam với điều kiện cuộc đàm phán có tiến triển".
Trong cuốn hồi ký của mình, L. Giônxơn cho rằng tuyên bố này là yếu tố kích thích Thiệu đòi tham gia đàm phán Pari.
Trong khi gặp riêng ta ở Pari, Mỹ nhấn mạnh trở lại việc để chính quyền Sài Gòn tham gia đàm phán một giải pháp cho vấn đề Nam Việt Nam là "hết sức cần thiết". Như vậy cuộc nói chuyện giữa hai bên - Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - sẽ trở thành cuộc đàm phán giữa "hai phía" (Mỹ không nói là "giữa bốn bên").
Ngày 13-10, Bộ Chính trị điện cho đoàn đàm phán Pari mấy điểm cần thiết về đàm phán bốn bên. Ngay hôm sau, ngày 14-10, Cố vấn Lê Đức Thọ rời Pari về nước để kiến nghị về Chỉ thị của Bộ Chính trị ngày 13-10.
Trong hồi ký của mình, Giônxơn viết rõ là ngày 14-10, Giônxơn đã họp tất cả các cố vấn và trợ lý của mình để bàn về việc chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam. Cuộc họp đã nhất trí phải chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam (lúc này số quân Mỹ đổ vào miền Nam Việt Nam đã lên đến ngót nửa triệu - 480.000 quân - mà vẫn không xoay chuyển được tình thế nên Mỹ phải tính đến chuyện xuống thang chiến tranh).
Chính quyền Giônxơn đã bàn với Nguyễn Văn Thiệu ra Thông cáo Mỹ - Sài Gòn về việc chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam để chứng tỏ đã có sự thỏa thuận với Sài Gòn về quyết định quan trọng này.
Nhưng đến cuối tháng 10, khi Thiệu đã quyết định "thay thầy đổi chủ", quay sang ủng hộ Níchxơn và bắt đầu gây khó dễ với chính quyền Giônxơn về dự thảo Thông cáo chung Mỹ - Sài Gòn về chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam, đòi thêm vào bản dự thảo câu "có đảm bảo là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xuống thang chiến tranh ở Nam Việt Nam". Vì vậy, Giônxơn không ra được Thông cáo chung Mỹ - Sài Gòn về chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam.
Ngày 1-11, Giônxơn tuyên bố đã ra lệnh ngừng mọi cuộc oanh tạc bằng không quân, hải quân và pháo binh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, Chính phủ ta tuyên bố "sẵn sàng đi vào cuộc đàm phán bốn bên để tìm giải pháp cho vấn đề Việt Nam". Và ở Pari, ta cũng trao cho đoàn Mỹ văn bản tuyên bố này.
Ngay hôm đó, Thiệu ra thông cáo riêng, tuyên bố "không thấy lý do vững chắc nào để cùng Mỹ quyết định chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam". Ngày hôm sau, Thiệu lại đọc thông điệp ở Sài Gòn nêu ra hai điều kiện để chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam: Hà Nội xuống thang chiến tranh ở Nam Việt Nam; Hà Nội nói chuyện trực tiếp với Sài Gòn. Và để nói chuyện nghiêm chỉnh, Hà Nội phải cam kết sẵn sàng nói chuyện nghiêm chỉnh với Sài Gòn; cuộc nói chuyện này là giai đoạn hoàn toàn mới; đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở trong đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng ngày hôm đó, 10 thượng nghị sĩ Sài Gòn tuyên bố ủng hộ Níchxơn tranh cử Tổng thống Mỹ.
Sự trở mặt trắng trợn của chính quyền tay sai ở Nam Việt Nam đã tác động ngay tới cuộc tổng tuyển cử Mỹ.
Ngày 5-11-1968 kết thúc cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ, Níchxơn thắng cử, Humphrey (Đảng Dân chủ) thất cử. Chính quyền của Đảng Cộng hòa Mỹ sẽ lên thay chính quyền Giônxơn của Đảng Dân chủ. Do đó, đoàn đàm phán của Mỹ ở Pari do A. Hariman cầm đầu cũng được thay thế bởi người của chính quyền Níchxơn.
Ngày 18-1-1969, A. Hariman và C. Vance gặp Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy để chào từ biệt trước khi về nước hẳn. Cuộc gặp ở nhà của phái đoàn ta, số 11 phố Đáctê thị trấn Choisy le Roi. Đây là lần gặp riêng cấp cao thứ 15 giữa ta và Mỹ. Song không còn là cuộc gặp riêng nữa vì lần này cho phép các phóng viên vào chụp ảnh và quay phim.
*
* *
Trong thời gian làm việc trong đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Pari, tôi đã học tập được nhiều qua phong cách làm việc và phương pháp suy nghĩ của các đồng chí lãnh đạo đoàn, nhất là của đồng chí Lê Đức Thọ, linh hồn của cuộc đàm phán, người đã luôn giữ vững đường lối độc lập tự chủ của Việt Nam, kiên trì đấu tranh và cuối cùng đạt được "thắng lợi tuyệt vời" (đánh giá của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) là Hiệp định Pari về Việt Nam năm 1973. Theo đó cuối cùng Mỹ đã phải chấm dứt ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống miền Bắc Việt Nam và đơn phương rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Với tinh thần "ôn cố nhi tri tân", hy vọng rằng chúng ta không quên nhắc lại chuyện ngày trước để từ đó rút ra những bài học vô cùng bổ ích để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của dân tộc, để nước ngoài phải "tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam" - đây cũng là tinh thần Điều 1 trong Hiệp định Pari về Việt Nam năm 1973 - để biết cách xử lý những chuyện ngày nay.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực