Các món ăn Tết truyền thống đậm đà hương vị của người Việt
Vào mỗi dịp Tết cổ truyền, những món ăn Tết thơm ngon và tinh tế như bánh chưng xanh, giò lụa, thịt mỡ, dưa hành... đã kéo mọi người xích lại gần nhau hơn, tận hưởng một dịp nghỉ lễ ấm cúng.
Nhắc đến Tết, người ta nhắc đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, là mâm cơm thành kính dâng lên ban thờ ông bà, tổ tiên, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình hay những món ăn Tết ngon mời mọc láng giềng, bạn bè. Chính vì lẽ đó, những món ăn Tết đã trở thành nét văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc. Những món ăn cổ truyền trong ngày tết dường như đã quá quen thuộc, thế nhưng năm nào cũng vậy, bánh chưng, giò chả, thịt mỡ, dưa hành… vẫn đậm đà, ấm cúng để ai đi xa cũng nhớ về.
Bánh chưng xanh
Bánh chưng là món ăn truyền thống trong mỗi dịp lễ tết của Việt Nam, mang đầy đủ tinh túy của đất trời, là lời mong ước của một năm mới dồi dào, no đủ, sung túc và thịnh vượng. Trên bàn thờ tổ tiên người miền Bắc dịp Tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh.
Thực đơn món ăn Tết không thể thiếu bánh chưng xanh
Ngày nay, khi xã hội phát triển hiếm có hay rất khó tìm gia đình nào gói bánh chưng ngày Tết nhưng bánh chưng mua về cũng phải là loại ngon nhất. Gạo nếp phải chọn dẻo thơm nhất để lâu không bị lại gạo. Nhân bánh thường có thịt, đậu, hành khô, hạt tiêu. Bánh phải gói chặt tay, sau khi luộc suốt 14 tiếng vớt ra rửa qua nước lã rồi dùng một tấm ván cùng những vật nặng ép chặt bánh. Như vậy khi cắt bánh ăn không nát lại dẻo, cắn vào miệng bánh thơm lại bùi.
Dưa hành
Dưa hành thường được sử dụng như một món ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ (thịt đông, thịt kho tàu, thịt luộc) cho đỡ ngán trong những ngày Tết. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành vừa giúp gia tăng hương vị vừa giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn.
Dưa hành là một món ăn Tết độc đáo
Trước hết, cần lựa loại hành già, củ chắc, cắt bỏ phần đuôi chỉ chừa lại phần rễ. Sau đó, ngâm hành vào trong nước tro có pha hàn the trong khoảng thời gian 2 ngày 2 đêm. Tiếp theo, vớt hành ra, cắt bỏ rễ, lột vỏ chỉ còn lại khoảng 5cm rồi xếp hành vào khạp, rải muối, bỏ một lớp mía chẻ mỏng, rồi đến lớp hành gài lại bằng những vỉ tre. Sau 2 tuần, có thể lấy hành ra cho vào keo thủy tinh, rồi nấu nước dấm đường để nguội cho vào. Khoảng 3 ngày là ăn được.
Thịt đông
Nói đến món đặc trưng của Tết Bắc không thể không nhắc tới thịt đông ăn kèm với dưa cải chua. Trong tiết trời se se lạnh, món thịt đông trở nên thơm ngon và bắt mắt hơn.
Thịt đông là món ăn Tết thường ăn kèm với dưa hành
Thịt đông được nấu từ thịt lợn, thường là thịt chân giò, mộc nhĩ, bì lợn, nêm một chút hạt tiêu và bột canh Vifon để làm tăng hương vị đậm đà cho món ăn. Các nguyên liệu sau khi nêm nếm gia vị thì được ninh nhừ. Nồi thịt sau khi chín thì được nhắc ra đặt chỗ thoáng gió, qua một đêm, đã trở thành nồi thịt đông thơm ngon, hấp dẫn. Khi ăn, thịt đông được xắt ra thành từng miếng, phần thạch trong nhìn rõ bên trong, miếng thịt mềm, hồng nhạt, có mùi thơm lạ. Thịt đông ăn với cơm tẻ, bánh chưng, cùng một chút dưa cải, hành muối chua thì ai cũng đều cảm nhận là đất trời đã chuyển sang xuân.
Ngũ quả
Mâm ngũ quả với năm loại quả, là biểu tượng cho cuộc sống đầy đủ, sung túc và trọn vẹn. Trong dịp tết Nguyên Đán của người Việt, không bao giờ được thiếu mâm ngủ quả.
Mâm ngũ quả là món ăn Tết tượng trưng cho sự sung túc
Mâm ngũ quả đẹp cả hình lẫn ý tưởng gồm 5 loại quả với năm màu sắc khác nhau. Con số 5 thể hiện ước muốn của người Việt Nam trong năm mới sẽ đạt phúc ngũ lâm môn: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. 5 màu sắc tượng trưng ngũ hành trong vũ trụ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Gà luộc
Đã từ rất lâu món gà luộc đã trở thành món ăn không thể thiếu trong các dịp trọng đại, đặc biệt là mâm cỗ đầu năm. Người Việt tin rằng với sắc màu vàng óng ánh và thơm ngon, món gà luộc sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn sự như ý.
Gà luộc là món ăn Tết thơm ngon và hấp dẫn
Bên cạnh đó, con gà trống còn là biểu tượng của văn, võ, trí, dũng. Bởi thế, món gà luộc được xếp vào danh sách các món ăn Tết mang lại may mắn cả năm cho người Việt Nam.
Chén rượu đào
Một chén rượu đào cũng mang ý nghĩa may mắn đầu xuân. Xưa có rượu cam, rượu quýt mang sắc đỏ tài lộc. Ngày nay, những loại rượu đó đã trở nên “hiếm có khó tìm”, người ta lựa chọn rượu vang để thay thế. Ly rượu đỏ đầu năm ngoài may mắn cũng là lời chúc xuân, khúc dạo đầu cho bữa tiệc khai xuân, hay mâm cơm đoàn viên đầm ấm.
Chén rượu đào cùng món ăn Tết mang lại sự ấm áp trong ngày Tết
Ngày nay, thị trường thực phẩm vô cùng phong phú. Có nhiều món ăn hấp dẫn và lạ mắt của nước ngoài thu hút được nhiều thực khách. Tuy nhiên, không có món nào thay thế được những món ăn Tết truyền thống đã sống trong đời sống người Việt Nam ta từ ngàn đời nay. Những món ăn đó, những hương vị đó sẽ luôn hấp dẫn và ấm cúng với bất cứ người con đất Việt nào dù họ ở bất cứ đâu.
Hường Vũ (Tổng hợp)
(Theo Vietq.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực