Cách mạng tháng Tám - giá trị lý luận, tầm vóc vĩ đại và một số kinh nghiệm (Phần II)

Ngày đăng: 19/08/2015 - 10:08

Tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám

co-dang-va-bac-ho 2

Nửa sau thế kỷ XX, kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lịch sử dân tộc Việt Nam đã kinh qua nhiều biến cố lớn lao, trong đó chứa đựng nhiều thuận lợi to lớn, nhiều thử thách nghiêm trọng.

Vừa mới giành được quyền độc lập dân tộc sau gần một trăm năm đấu tranh gian khổ và hy sinh của nhiều thế hệ, dân tộc Việt Nam lại đi tiếp chặng đường dài chiến đấu quyết liệt bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám và xây dựng đất nước giàu mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cục diện thế giới trong khoảng thời gian đó đã diễn ra nhiều biến động thăng trầm của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tác động tới Việt Nam ở nhiều mức độ và trên nhiều lĩnh vực.

Cách mạng Tháng Tám đã đi vào lịch sử và trải qua hơn 6 thập kỷ kiểm nghiệm bằng những thắng lợi vĩ đại của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược, bằng những thành tựu rất quan trọng của sự nghiệp xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới mà nhân dân ta đã và đang tiến hành. Từ đó, Cách mạng Tháng Tám, hiện thân của xu thế giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn, càng biểu hiện rõ tầm vóc vĩ đại của mình.

Bão táp Cách mạng Tháng Tám dồn dập chuyển từ Bắc vào Nam, từ nông thôn tràn vào thành thị, từ thành thị tỏa về nông thôn, đã lật đổ ách thống trị tàn bạo của phátxít Nhật, giành quyền độc lập dân tộc, khôi phục nền thống nhất của đất nước, đánh đổ chế độ quân chủ lỗi thời, thành lập Nhà nước Cộng hoà Dân chủ, đưa nhân dân lên vị trí người làm chủ đất nước. Cũng từ đây, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng Tám giải phóng các giai cấp, các tầng lớp nhân dân khỏi ách nô lệ, cứu giống nòi Việt Nam khỏi hiểm họa tàn lụi vì đói khổ, vì rượu cồn và thuốc phiện mà chủ nghĩa thực dân đã mang tới dưới danh nghĩa “khai sáng”. Cũng từ thắng lợi đó, quốc hiệu Việt Nam được khôi phục; những giá trị văn hóa cao đẹp của nước Việt Nam được giành lại và phát triển. Mỗi người Việt Nam được Cách mạng Tháng Tám mang lại vinh dự và tự hào là dân một nước độc lập, tự do. Về ý nghĩa dân tộc và quốc tế của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”1.

ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám không chỉ đóng khung trong một thời điểm, một không gian nhất định, mà ngày càng lan tỏa cao rộng hơn cùng với tiến trình phát triển của dân tộc ta.

Cách mạng Tháng Tám khẳng định xu thế phát triển của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Dân tộc được giải phóng cũng là giải phóng những tiềm năng to lớn để đưa đất nước vươn tới những đỉnh cao mới trên con đường xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, hướng tới chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám tạo nên sức bật mạnh mẽ cho dân tộc Việt Nam giành tiếp những thắng lợi mới, viết tiếp những trang sử mới hào hùng và oanh liệt. Đứng ở thời điểm Tháng Tám năm 1945 nhìn lại 65 năm trước và 65 năm sau, có thể nhận biết rõ sức bật kỳ diệu đó. 65 năm trước Cách mạng Tháng Tám, lịch sử chứng kiến ba thế hệ những người con ưu tú, tinh hoa của dân tộc lần lượt giương cao ngọn cờ cứu nước và tìm đường giải phóng dân tộc. Thế hệ Cần Vương chịu sự chi phối của tư tưởng phong kiến vừa bị thất bại, thì lớp nho sĩ tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản mà tiêu biểu là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh tiếp bước đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, nhưng không thành công, đành gửi gắm ước mong giải phóng dân tộc cho thế hệ sau, thế hệ những người yêu nước - cộng sản. Trải qua một phần tư thế kỷ, kể từ khi Nguyễn ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, xác định con đường giải phóng dân tộc theo quỹ đạo cách mạng vô sản, thành lập Đảng Cộng sản, cách mạng Việt Nam đã phải kinh qua nhiều chặng đường hy sinh, gian khổ, mới giành được chính quyền. 65 năm sau Cách mạng Tháng Tám, với đà thắng lợi của sự kiện cách mạng vĩ đại đó, sức mạnh của dân tộc ta được nhân lên gấp bội và lập nên biết bao công tích lẫy lừng: chiến thắng Điện Biên Phủ, đại thắng mùa Xuân năm 1975, những thành tựu rất quan trọng của sự nghiệp đổi mới đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Lý luận và phương pháp cách mạng, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang được xây dựng trong Cách mạng Tháng Tám là nguồn lực vô cùng quý giá để Đảng ta và nhân dân ta vững bước đi tiếp những chặng đường mới, vươn tới những mục tiêu của con đường cách mạng đã lựa chọn. Cách mạng Tháng Tám chứa đựng nhiều giải pháp cho nhiều vấn đề, nhiều tình huống phức tạp về chính trị, quân sự, ngoại giao… trong sự nghiệp chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Riêng trong sự nghiệp chống ngoại xâm, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã thừa hưởng nhiều giải pháp hữu hiệu của Cách mạng Tháng Tám như tiến hành nổi dậy của quần chúng kết hợp với tấn công quân sự, xây dựng và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất… Nhiều hình thức và phương pháp đấu tranh diễn ra trong chống Mỹ, cứu nước như tái diễn sáng tạo kinh nghiệm sống động của Cách mạng Tháng Tám. Điều đó được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) năm 1959: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”[2]. Nghị quyết nhắc nhở cán bộ, đảng viên học tập và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm khởi nghĩa giành chính quyền của Cách mạng Tháng Tám.

Phong trào Đồng khởi đã diễn ra theo tinh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đã giành được thắng lợi vang dội, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn phát triển mới - giai đoạn chiến tranh giải phóng miền Nam. ý chí quật khởi của quần chúng nhân dân nổi dậy đồng loạt phá vỡ chính quyền địch ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn mang hình thức và khí thế của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo sự nghiệp vẻ vang đó, được nhân dân Việt Nam thừa nhận là Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn xã hội xây dựng Nhà nước mới của dân, do dân và vì dân. Đảng đại biểu cho lợi ích của nhân dân và lợi ích của dân tộc, lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền quốc gia. Sứ mệnh đó của Đảng cũng là hệ quả của chặng đường đấu tranh cách mạng chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, giành chính quyền về tay nhân dân. Cũng từ đó, cách mạng Việt Nam lại chuyển sang một giai đoạn mới, thực hiện mục tiêu của con đường cách mạng vô sản: tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tính tất yếu khách quan đó càng khẳng định vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng ta, vừa bảo vệ và phát huy những thành quả của Cách mạng Tháng Tám, vừa tạo dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Cách mạng Tháng Tám xác lập và nâng cao vị trí quốc tế của dân tộc Việt Nam trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới. Nếu như cách mạng tư sản Anh, Mỹ, Pháp diễn ra ở thế kỷ XVII, XVIII và cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 đã nâng vị trí của các dân tộc đó lên tầm cao mới trong đời sống của cộng đồng quốc tế thì Cách mạng Tháng Tám đã làm cho nhân loại tiến bộ ngưỡng mộ một dân tộc Việt Nam kiên cường, sáng tạo, phá bỏ xiềng gông nô lệ, hướng tới những mục tiêu cao đẹp: tự do, hạnh phúc và tiến bộ xã hội. Trong tiến trình đấu tranh giải phóng đất nước, dân tộc Việt Nam bằng những hoạt động thực tế của mình, không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu giành quyền độc lập, mà còn đứng về phe Đồng minh chống chiến tranh phátxít, góp phần tích cực vào thắng lợi của nhân dân tiến bộ thế giới đánh bại chủ nghĩa phátxít. Nền độc lập do thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam, mà Cách mạng Tháng Tám là nấc thang cao nhất, đưa lại, khiến cho thế giới không thể không công nhận nền độc lập với đầy đủ giá trị chân chính của nó như Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định.

Cách mạng Tháng Tám là một sự kiện trọng đại của phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa thoát khỏi ách thống trị của chế độ thực dân; phá tung một mắt xích quan trọng và thúc đẩy sự tan rã không thể cứu vãn nổi của hệ thống thuộc địa; mở đầu quá trình sụp đổ của chế độ thực dân cũ tàn bạo; cổ vũ nhân dân các dân tộc thuộc địa đấu tranh tự giải phóng, giành độc lập, tự do.

Từ nhiều thế kỷ trước, chủ nghĩa tư bản thực hiện chính sách xâm lược, biến nhiều dân tộc châu á, châu Âu và Mỹ Latinh thành thuộc địa. Từ đó, tạo ra sự bất bình đẳng, sự đối lập lớn nhất, gay gắt và quyết liệt nhất trong lịch sử nhân loại giữa các dân tộc áp bức và các dân tộc bị áp bức. Chủ nghĩa thực dân đã thi hành chính sách nô dịch, ngu dân, đầu độc nhân dân thuộc địa bằng rượu cồn, thuốc phiện, bóp nghẹt mọi quyền tự do, dân chủ, chà đạp nhân phẩm nhân dân các dân tộc thuộc địa. Biết bao phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa đã liên tiếp bùng nổ, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước để thực hiện ước vọng lớn nhất, thiết tha nhất của họ là thoát khỏi cảnh nô lệ và được sống trong độc lập, tự do. Song, các phong trào đó đều bị đàn áp khốc liệt. Cho đến năm 1945, các dân tộc thuộc địa mới được chứng kiến thắng lợi của nhân dân Việt Nam tự giải phóng khỏi chế độ thuộc địa. Hệ thống thuộc địa, hậu phương rộng lớn của chủ nghĩa tư bản, tưởng như bền vững do sự bảo vệ của bộ máy bạo lực khổng lồ và bộ máy tuyên truyền lừa bịp, bị phá vỡ một mảng quan trọng bằng chính sức mạnh quật khởi của nhân dân.

Một khâu quan trọng trong hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp bị phá tung, báo hiệu sự khủng hoảng tan vỡ và sụp đổ của toàn bộ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ. Trong xu thế phát triển của các dòng thác cách mạng trên thế giới sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám càng góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tiến triển. Có thể khẳng định rằng, đi theo con đường cách mạng vô sản, Cách mạng Tháng Tám đã tiếp nối Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và phát huy ảnh hưởng quan trọng của mình đối với sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Nhà Sử học Na Uy Stên Tônétxơn (Stein Tonnesson) cũng đưa ra một nhận định rất đáng quan tâm: “Cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần túy trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh: đó là quá trình phi thực dân hoá. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”3.

Đồng thời, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng góp phần gia tăng sức mạnh của lực lượng hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hoà bình, chống các thế lực phản động và xâm lược.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là minh chứng hùng hồn về sức sống kỳ diệu của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc. Con đường dẫn tới thành công của Cách mạng Tháng Tám chính là con đường cách mạng vô sản với mục tiêu độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội như Hồ Chí Minh đã vạch ra trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin. Đó là con đường cách mạng triệt để mà thành quả của nó là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, hướng tới tự do, hạnh phúc, công bằng và văn minh.

Tư tưởng chỉ đạo quá trình vận động Cách mạng Tháng Tám là tư tưởng Hồ Chí Minh: cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam là sự nghiệp của nhân dân, được tiến hành bằng sức mạnh đoàn kết toàn dân lấy liên minh công nông làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; sử dụng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền. Với những nhân tố trên và khi thời cơ tới, công cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc và giúp đỡ giai cấp vô sản chính quốc trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Những quan điểm trên được quán triệt và cụ thể hoá trong đường lối, chủ trương và hoạt động thực tiễn của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mặt khác, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã hiện thực hoá một cách rạng rỡ tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh và khẳng định giá trị cao cả của tư tưởng đó.

Một số kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám để lại nhiều kinh nghiệm quý báu. Sau đây là một số kinh nghiệm chủ yếu.

a) Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giải quyết đúng đắn mối quan hệ độc lập dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến

Con đường phát triển của cách mạng Việt Nam được định hướng theo quỹ đạo cách mạng vô sản, trải qua cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngọn cờ cách mạng mà Đảng ta nắm vững và giương cao là ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là những mục tiêu được ghi nhận trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và chi phối đường lối cách mạng của Đảng ta.

Đi theo phương hướng đó, trong giai đoạn cách mạng dân chủ nhân dân, Đảng lãnh đạo nhân dân ta đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc và thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, chủ yếu là giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. Hai nhiệm vụ đó có quan hệ chặt chẽ với nhau như đã được xác định trong nhiều văn kiện của Đảng trước Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Song những biến đổi của mâu thuẫn dân tộc và giai cấp, cùng những ảnh hưởng của Chiến tranh thế giới thứ hai, đặt ra những yêu cầu mới mà Đảng cần nắm bắt và giải quyết mới có thể đưa cách mạng Việt Nam đi tới mục tiêu giải phóng dân tộc. Trước đòi hỏi đó, Đảng ta đã kịp thời “thay đổi chiến lược”. Đảng đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên vị trí hàng đầu; nhiệm vụ dân chủ, chủ yếu là cách mạng ruộng đất, thủ tiêu quan hệ sở hữu phong kiến được thực hiện từng bước phù hợp với thực trạng phân hóa giai cấp ở Việt Nam; tạo điều kiện cho việc thực hiện chủ trương mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tập trung lực lượng chống đế quốc Pháp và phátxít Nhật. Giải pháp đó đưa tới những hiệu quả mà thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng thực. Thực tế đó cũng xác nhận chỉ có cách nhìn khách quan, toàn diện và biện chứng mới phát hiện đúng nhiệm vụ quan trọng nhất trong nhiều nhiệm vụ và mối quan hệ hợp lý giữa các nhiệm vụ đó theo hướng thuận chiều, tác động tích cực lẫn nhau.

Sự “thay đổi chiến lược” được triển khai đúng hướng, đúng lúc và là một quá trình, từng bước cụ thể hoá và phát triển để đạt tới độ hoàn thiện. Bước khởi đầu, chỉ là những đường nét cơ bản như Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng vạch ra, tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng nhiều Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương bổ sung, phát triển và hoàn thiện sự thay đổi chiến lược cách mạng.

Đồng thời và tiếp nối sự thay đổi chiến lược cách mạng, Đảng ta đã giải quyết rất nhiều vấn đề về quan điểm và tổ chức thực tiễn nhằm đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào thực tế đấu tranh, như các vấn đề dân tộc, Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng Đảng... Mối quan hệ giữa các vấn đề đó cũng được nhìn nhận và xử lý khách quan, phù hợp với vị trí và tầm quan trọng của từng vấn đề, từng nhiệm vụ, trong đó, vấn đề xây dựng Đảng được đặt ở vị trí then chốt, kế tiếp là vấn đề thành lập, phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất, tạo dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang,… Điều đó phản ánh tầm nhìn bao quát và cụ thể, sáng suốt của Đảng lãnh đạo khi cách mạng chuyển giai đoạn, thực thi những nhiệm vụ chiến lược mới.

b) Xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc dựa trên nền tảng vững chắc của khối liên minh công nông, đấu tranh vì độc lập, tự do

Thấm nhuần và phát triển sáng tạo luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, Đảng ta và Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất mang tên Mặt trận Việt Minh là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất, tạo nên sức mạnh vô địch và là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc như Hồ Chí Minh đã viết từ tháng 6-1941: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều:

Toàn dân đoàn kết”4.

Từ năm 1930 đến năm 1941, qua nhiều chặng đường thể nghiệm xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, cho đến Mặt trận Việt Minh mới đạt tới mô hình hoàn hảo, bảo đảm cho khối đại đoàn kết dân tộc được tạo dựng vững chắc, sâu rộng và thực hiện xuất sắc chương trình hoạt động của mình. Công tích của Mặt trận Việt Minh hiện lên rõ rệt trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Và chính thực tế lịch sử hào hùng đó cho thấy: từ nhận thức về tầm quan trọng của Mặt trận dân tộc thống nhất đến khâu xây dựng nên một tổ chức mặt trận, đòi hỏi Đảng phải giải quyết hàng loạt vấn đề mới có thể đạt tới mục tiêu đã định.

Trước hết, đó là mục tiêu đại đoàn kết, điểm tương đồng cao nhất mà đồng bào cả nước đều thừa nhận và dốc sức thực hiện. Đại nghĩa dân tộc và cũng là nguyện vọng của toàn thể đồng bào trong hoàn cảnh dân tộc Việt Nam bị áp bức hẳn không có gì cao hơn là giành độc lập dân tộc, và xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Chương trình hoạt động của Việt Minh đã khẳng định.

Tiếp đó là vấn đề đoàn kết với ai? Đoàn kết theo những nguyên tắc tổ chức nào?

Câu giải đáp của vấn đề đó là tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân và cá nhân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái chính trị, tán thành mục tiêu trên đều có thể tham gia Mặt trận Việt Minh. Mặt trận tuy không đòi hỏi tất cả mọi người đều có những quan điểm chính trị, xã hội giống nhau, song mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, dân chủ phải là điểm tương đồng và không thể chấp nhận những điều trái với mục tiêu đó, gây tổn hại lợi ích dân tộc và nhân dân. Như vậy, đối tượng đoàn kết được mở rộng tới mức cao nhất, chỉ loại trừ những kẻ phản bội dân tộc, làm tay sai cho bọn cướp nước. Tinh thần đoàn kết là chân thành, lâu dài, chí công vô tư, đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết.

Để xác định chính xác các thành viên của Mặt trận, Đảng ta chỉ rõ bạn, thù của cách mạng, của dân tộc; đồng thời đánh giá đúng thái độ của các giai cấp, các tầng lớp đồng bào đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; khơi dậy ở họ tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc đấu tranh chống ngoại xâm, trút bỏ gông xiềng nô lệ, đưa đất nước vươn tới văn minh, hạnh phúc.

Những mục tiêu đấu tranh đó được thể hiện thành chính sách cụ thể, bao quát được những nguyện vọng thiết tha, cơ bản của các tầng lớp đồng bào, từ chủ quyền quốc gia, dân tộc mà mọi người đều coi đó là thiêng liêng nhất đến lợi ích cụ thể của các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc và tôn giáo. Đó là các quyền dân chủ, bình đẳng về chính trị, xã hội, về kinh tế, văn hoá, phổ thông đầu phiếu, mọi công dân đều có quyền bầu cử, ứng cử; tự do ngôn luận, tín ngưỡng, bình đẳng dân tộc; tự do hoạt động kinh tế; phát triển văn hóa, giáo dục; thực hiện chính sách lao động, xã hội đối với các tầng lớp, các giới đồng bào…

Trong những thời điểm nhất định, trước yêu cầu bức bách, sống còn của nhân dân, Đảng tiến hành những giải pháp đặc biệt, kịp thời đáp ứng yêu cầu bức bách, sống còn của nhân dân, như phát động quần chúng đấu tranh phá kho thóc, cứu đói. Thực hiện các biện pháp tăng cường đoàn kết, đồng thời, Đảng tiến hành đấu tranh chống hoạt động chia rẽ các tầng lớp nhân dân do địch gây ra.

c) Kiên quyết sử dụng bạo lực cách mạng để giành chính quyền

Sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc chứa đựng đầy đủ tính bạo lực mà mọi thủ đoạn khác dù tinh tế đến đâu cũng không che lấp được bản chất đó. Kể từ khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam cho đến khi phátxít Nhật nhảy vào Đông Dương, biết bao cuộc đấu tranh của nhân dân ta, kể cả những hình thức cải lương, yêu cầu nhà cầm quyền cải cách một bộ phận chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đều bị đàn áp khốc liệt. Thực tế đó cho thấy, không thể có con đường nào khác con đường sử dụng sức mạnh bạo lực của các lực lượng cách mạng để giành chính quyền, lập nên nhà nước của nhân dân. Nói một cách khác, phải kiên quyết dùng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng. Do đó, Đảng ta đã lãnh đạo và trực tiếp tiến hành xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, trước hết là lực lượng chính trị phát triển rộng rãi trong đông đảo quần chúng và dựa trên cơ sở đó mà xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang. Hai lực lượng đó cũng tăng trưởng trong mối quan hệ hữu cơ, tác động tích cực lẫn nhau.

Trong tiến trình khởi nghĩa giành chính quyền, biện pháp đạt hiệu quả cao nhất là kết hợp đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, phát huy sức mạnh của hai lực lượng vũ trang tập trung, bán vũ trang và lực lượng đông đảo quần chúng. Bằng lực lượng và phương pháp đấu tranh đó, mới có thể áp đảo, đè bẹp sự chống đối của kẻ thù. Thực tế lịch sử cho thấy, dù bị thua trận trong Chiến tranh thế giới, quân Nhật ở Việt Nam vẫn không chịu giao chính quyền cho nhân dân Việt Nam; mặt khác, một số địa phương không giành được chính quyền cũng do không sử dụng đúng mức, đúng lúc bạo lực cách mạng.

d) Kịp thời nắm bắt thời cơ, chủ động sáng tạo tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền

Ngay từ Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định thời cơ giành chính quyền sẽ tới khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc: “ở các nước thuộc địa hết thảy dân tộc bị áp bức sẽ vùng dậy tranh đấu liều sống liều chết đế quốc xâm lược để cởi vất cái ách tôi đòi. Dân các nước tư bản đòi giải phóng. Dân tộc các thuộc địa đòi độc lập”5. ở Đông Dương, cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị do chiến tranh đế quốc gây ra “sẽ nung nấu cách mệnh Đông Dương nổ bùng và tiền đồ cách mệnh giải phóng Đông Dương nhất định sẽ quang minh, rực rỡ”.

Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền là thời điểm hội tụ những điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muồi cho phép phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.

Việc đánh giá và xác định đúng thời cơ và hành động kịp thời, mau lẹ là một trong những nhân tố rất quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng, như Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ, và phải nhìn chung phong trào mọi nơi mọi chốn, mới chắc thắng!...”6.

Với phương pháp phân tích, đánh giá tình hình khách quan, toàn diện để nhận rõ xu thế phát triển của thời cuộc, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ thời cơ xuất hiện vào thời điểm nào trong tương lai từ xa đến gần, từ vài ba năm đến một năm rưỡi, một năm.

Hoạt động của toàn Đảng và toàn dân hướng tới thời cơ được gia tăng với quy mô rộng lớn và khẩn trương khi thời cơ ngày càng đến gần.

Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh đã uốn nắn những nhận thức không đúng về thời cơ khởi nghĩa và đình chỉ khởi nghĩa do đảng bộ địa phương quyết định khi thời cơ chưa tới.

Cho đến ngày 9-3-1945, cuộc đảo chính của phátxít Nhật diễn ra, kéo theo nó là tình trạng khủng hoảng chính trị ở Việt Nam, Thường vụ Trung ương Đảng đưa ra những nhận định khách quan về những điều kiện khởi nghĩa chưa thật chín muồi; đồng thời cũng nêu rõ “những cơ hội tốt đáng giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi” và quyết định phát động cao trào chống Nhật cứu nước làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Thường vụ Trung ương cũng dự kiến thời cơ Tổng khởi nghĩa và chỉ đạo khởi nghĩa từng phần.

Sự chuẩn bị đón thời cơ khởi nghĩa bằng những hoạt động tích cực, khẩn trương song không đốt cháy giai đoạn như Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đã tạo nên cao trào chống Nhật ở giai đoạn tiền khởi nghĩa. Hiện thực lịch sử đó làm sáng tỏ vấn đề quan trọng trong hành động cách mạng là muốn lợi dụng được thời cơ, phải trải qua những bước chuẩn bị cần thiết đúng mức. Không có những bước đi thích hợp sẽ không tạo nên sức mạnh quật khởi của Tổng khởi nghĩa.

Khi được tin phátxít Nhật đầu hàng, nhân dân cả nước tập hợp dưới lá cờ của Mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng vùng dậy đạp đổ chế độ thuộc địa, phong kiến, Đảng nhận biết nhanh nhạy thời cơ đã đến và kịp thời phát lệnh khởi nghĩa. Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Đông Dương, Lệnh khởi nghĩa (Quân lệnh số 1 của ủy ban khởi nghĩa) đều chỉ rõ thời cơ giành độc lập đã đến, toàn thể đồng bào hãy đoàn kết đứng dậy đấu tranh tự giải phóng. Chỉ có khởi nghĩa chúng ta mới giành được độc lập, chứ không phải Nhật bại mà dân tộc ta được giải phóng, được tự do. Trong giờ phút quyết định vận mệnh dân tộc, cần hành động kịp thời không thể chậm trễ để mất thời cơ; đối với các cấp bộ đảng và đảng viên, yêu cầu được đặt ra là sáng suốt trong lãnh đạo, hy sinh trong chiến đấu “để xứng đáng là một đội quân tiên phong của dân tộc”. Bên cạnh thời cơ, Đảng cũng chỉ rõ những nguy cơ, những khó khăn phức tạp mà cuộc đấu tranh giành độc lập phải đương đầu và vượt qua. Đó là nguy cơ thực dân Pháp đang lăm le tái chiếm Việt Nam, là mưu đồ của quân phiệt Trung Quốc định chiếm nước ta. Những nhân tố đó đều được tính đến khi phát lệnh Tổng khởi nghĩa.

Lệnh khởi nghĩa và tinh thần chủ động, sáng tạo của các đảng bộ địa phương đã tạo nên Tổng khởi nghĩa rầm rộ trong cả nước trước khi các lực lượng xâm lược thực thi mưu đồ của chúng. Với thắng lợi đó, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Hồ Chí Minh đã lập nên chính quyền của mình để đón tiếp quân đội Đồng minh đến giải giáp quân đội Nhật; đối phó kịp thời các hành động xâm lược của thực dân Pháp và các hành động phá hoại của các thế lực thù địch.

đ) Xây dựng Đảng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành chính quyền

Như trên đã trình bày, nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự lãnh đạo của Đảng ta. Theo đó, công tác xây dựng Đảng giữ vai trò rất quan trọng trong tiến trình cách mạng.

Một đặc điểm của tổ chức đảng khi mở đầu tiến trình giành chính quyền là đội ngũ cán bộ, đảng viên bị hao tổn khá đông, nhiều tổ chức đảng bị phá vỡ do hành động khủng bố trắng của chính quyền thực dân - phátxít gây ra. Trước thực trạng đó, năm 1940, Nguyễn ái Quốc đã nhận định: “Tóm lại, những điều kiện khách quan cho phép chúng tôi có hy vọng thành công. Song, lực lượng chủ quan - lực lượng của Đảng còn quá yếu. Như trên đã nói, một đảng mới mười tuổi lại trải qua hai lần khủng bố lớn, số cán bộ có kinh nghiệm đấu tranh hiện còn đang rên xiết trong tù ngục” 7.

Công cuộc đấu tranh giành chính quyền đang đặt ra cho cơ quan lãnh đạo nhiều nhiệm vụ phải giải quyết, trong khi đó các tổ chức đảng lại bất cập khá xa càng làm cho công tác xây dựng Đảng trở nên vô cùng cấp bách.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám làm sáng tỏ nhiều kinh nghiệm quý báu về công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ.

Trước hết, về chính trị, Đảng ta đã tiến hành xây dựng thành công đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn được phản ánh trong các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các quan điểm của Hồ Chí Minh trong tiến trình Cách mạng Tháng Tám. Đường lối đó phù hợp với quy luật vận động của phong trào giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa như nước ta; là thành quả của quá trình vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tế Việt Nam và tổng kết những kinh nghiệm cách mạng và kinh nghiệm lịch sử của dân tộc ta; là kết tinh của tư duy độc lập, sáng tạo, khoa học và cách mạng; là sự thể hiện tinh thần tự lực, tự cường, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng cách mạng, dân chủ trên thế giới, nhưng không ỷ lại, trông chờ ở bất cứ một thế lực nào. Đường lối đó đáp ứng nguyện vọng thiêng liêng, cấp bách của toàn dân về độc lập, tự do, hạnh phúc.

Đường lối cách mạng đó được thực hiện bằng cách mạng bạo lực với lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, đi từ khởi nghĩa từng phần lên Tổng khởi nghĩa, cho phép huy động tối đa các lực lượng yêu nước và tạo ra sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù.

Theo dõi sát sao diễn biến của thời cuộc, Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh đã kịp thời phát triển, cụ thể hoá đường lối và phương pháp đấu tranh, xác định cụ thể đối tượng cách mạng, khẩu hiệu và chiến thuật cách mạng để từng bước đưa phong trào đấu tranh đạt tới các mục tiêu đã xác định.

Đường lối đúng đắn đó đã nhanh chóng phát huy tác dụng và tạo ra những hiệu quả rõ rệt trong thực tiễn; đồng thời, Đảng ta rất coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, Chương trình Việt Minh và đã tạo nên sự nhất trí cao trong Đảng, trong các đoàn thể cứu quốc, rồi tỏa rộng ra các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Đảng ta hết sức chú trọng giáo dục, bồi dưỡng và nâng cao ý chí chiến đấu, hy sinh, tinh thần kiên định của cán bộ, đảng viên trước các thử thách, khó khăn; uốn nắn kịp thời những nhận thức lệch lạc về đối tượng đấu tranh.

Về mặt tổ chức, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ở chỗ xây dựng, khôi phục tổ chức, tăng cường sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, của cấp ủy đảng. Đội ngũ đảng viên mới được lựa chọn trong số quần chúng tích cực trung thành, bổ sung cho Đảng một lớp đảng viên trẻ, nhanh chóng trưởng thành; loại trừ những phần tử cơ hội, thoái hoá, không còn ý chí đấu tranh; cảnh giác, vạch mặt những phần tử phản bội, chống Đảng (những phần tử AB).

Từ thực tế công tác xây dựng Đảng trong tiến trình Cách mạng Tháng Tám, càng hiểu rõ nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh của Đảng là chất lượng đảng viên và đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng, được thể hiện ở lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, ở trình độ trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn sáng tạo, nhạy bén, tự giác đảm nhiệm vai trò của người chiến sĩ tiên phong, lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Thực tế lịch sử cũng cho thấy sức mạnh của Đảng ta còn ở mối liên hệ chặt chẽ giữa Đảng và quần chúng mà Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc giữ vai trò rất quan trọng trong mối liên hệ ấy.

 

GS, TS. Trịnh Nhu

TS. Trần Trọng Thơ

(Bài trích trong sách "Cách mạng Tháng Tám 1945 - Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của cách mạng Việt Nam", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2012)

 



1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 159.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 20, tr. 82.

3. Stein Tonnesson: The Vietnamese Revolution of 1945. Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at war. Sage Publications - 1991, London, New Bury Park - New Delhi, tr.425-426.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 198.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 515-516, 535.

6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 2, tr. 222.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 174.

 

Bình luận