Cầm quyền bằng pháp luật và dựa vào đức để cầm quyền - Hai vấn đề của quá trình đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng

Ngày đăng: 01/05/2020 - 09:05

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”1. Sự cầm quyền và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là tất yếu khách quan của quá trình vận động lịch sử, là sự lựa chọn của Nhân dân, và là thực tế chính trị của đất nước. Để bảo đảm vững chắc sự lãnh đạo, cầm quyền ấy, Đảng ta đang thực hiện việc đổi mới, hoàn thiện phương thức cầm quyền để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của Nhân dân, phù hợp với những biến đổi khách quan trong đời sống xã hội, nhất là những biến chuyển nhanh chóng trong điều kiện xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Trong quá trình đổi mới, hoàn thiện phương thức cầm quyền đó, cầm quyền bằng pháp luật và dựa vào đức để cầm quyền là hai khía cạnh quan trọng cần quan tâm xử lý.

Thực tế lịch sử cho thấy, khi tìm kiếm phương cách thích hợp để quản lý xã hội, làm cho quốc thái, dân an, các nhà quản trị xã hội thường nghĩ tới phương thức sử dụng pháp luật (gọi tắt là đề cao pháp trị) và sử dụng đạo đức (gọi tắt là đề cao đức trị) hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, thực tế lịch sử cũng cho thấy, trong khi đề cao đức trị bằng việc dùng các chuẩn mực đạo đức xã hội để dân noi theo thường giúp duy trì sự ổn định lâu dài của xã hội nhưng lại khó có những đột biến trong phát triển, thì pháp trị thường hà khắc khó bền2. Cả đức trị và pháp trị nếu bị áp dụng cực đoan đều có nguy cơ cản trở sự phát triển bền vững của xã hội. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên, trong lịch sử các xã hội phương Đông, thời gian quản lý xã hội bằng pháp trị thuần túy thường ngắn hơn thời gian quản lý xã hội bằng phương pháp đức trị kết hợp với pháp trị. Trong việc đổi mới, hoàn thiện phương thức cầm quyền của Đảng cần lưu ý tới kinh nghiệm lịch sử vừa nêu và tìm điểm cân bằng hợp lý cho sự kết hợp giữa đức trị và pháp trị mà trong giai đoạn hiện nay, điểm then chốt là sự kết hợp giữa đức trị với nguyên tắc pháp quyền hiện đại (với yêu cầu hàng đầu là phải bảo đảm sự thượng tôn pháp luật trong mọi hoạt động của xã hội). Cai trị bằng pháp luật (pháp trị) của xã hội phương Đông thời phong kiến là dựa vào pháp luật để cai trị xã hội, giải quyết các vấn đề của xã hội nhưng nội dung của pháp luật với tư cách là công cụ của cai trị đó chỉ đơn thuần là ý chí của lực lượng cai trị xã hội, ý chí của vương quyền và thân hữu của vương quyền. Điều này hoàn toàn khác với yêu cầu về nội dung pháp luật trong nhà nước pháp quyền hiện đại. Pháp luật trong nhà nước pháp quyền hiện đại là ý chí chung của nhân dân được nâng lên thành văn bản pháp luật (nhất là thành Hiến pháp và các đạo luật), được hình thành bằng con đường dân chủ, phản ánh rất sát với lẽ công bằng cũng như những giá trị đạo đức nhân bản nền tảng của xã hội. Bởi thế, nền pháp quyền hiện đại hàm chứa giá trị công bằng, hiện thân của công lý. Yêu cầu thượng tôn pháp luật chính là thượng tôn lẽ công bằng, thượng tôn công lý và cũng là thượng tôn những giá trị chuẩn mực tốt đẹp cơ bản nhất của cộng đồng. Cầm quyền bằng pháp luật và dựa vào đức để cầm quyền trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, vì thế, trong tuyệt đại đa số các trường hợp có sự thống nhất biện chứng và nội tại.

Đảng cầm quyền bằng pháp luật
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, pháp luật là công cụ để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Do đó, kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật chính là một trong những cách thức thể hiện rõ nét nhất sự cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Điều đó càng trở thành yêu cầu tất yếu trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó thượng tôn pháp luật trở thành một trong những yêu cầu hàng đầu đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là chuẩn mực ứng xử có giá trị ràng buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân, mọi tổ chức Đảng và đảng viên.
Nhận thức được tầm quan trọng của pháp luật trong quản trị xã hội, ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã đề ra chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Một trong những phương hướng cơ bản nhằm tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Đại hội VIII (tháng 6/1996) đề ra là: “… xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”3. Tiếp đó, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2001) của Đảng ghi rõ: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân… Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật”4. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được khẳng định nhất quán trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt là trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó coi sự hiện diện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là một trong 8 thuộc tính/thành tố của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng. 
Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Đồng thời, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là một Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định trong Hiến pháp, trong thời kỳ đổi mới, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền đã rất quan tâm tới công tác xây dựng pháp luật. Các số liệu thống kê cho thấy, nếu trong 41 năm trước thời kỳ đổi mới, số luật, pháp lệnh được Quốc hội và cơ quan thường trực của Quốc hội ban hành chỉ là 63 thì từ khi tiến hành đổi mới (tháng 12/1986) đến nay, Quốc hội và cơ quan thường trực của Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã ban hành được 589 luật, pháp lệnh (gấp hơn 9,3 lần)5. Đó là chưa kể trên 3.000 nghị định cùng hàng chục nghìn thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cho tới nay, các lĩnh vực cơ bản của đời sống kinh tế - xã hội như dân sự, hình sự, lao động, kinh doanh, thương mại, đầu tư, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bảo vệ người tiêu dùng, y tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, môi trường, v.v. đều có các đạo luật điều chỉnh bên cạnh các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Kiểm toán nhà nước), các luật về tố tụng và luật về hoạt động của các cơ quan nhà nước (Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án hình sự…).
Mặc dù vậy, hệ thống pháp luật còn thiếu tính ổn định, một số văn bản chưa theo kịp thực tiễn, thiếu tính khả thi, có văn bản mới ban hành nhưng đã phải sửa đổi, bổ sung; vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật khổng lồ, đa dạng về thể loại văn bản với nhiều tầng bậc hiệu lực cũng như hình thức thể hiện với rất nhiều chủ thể có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vẫn còn tình trạng không ít văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi. Cơ chế kiểm soát ủy quyền lập pháp còn chưa thực sự hiệu quả (số lượng văn bản hướng dẫn và dung lượng về nội dung của các văn bản hướng dẫn, nhất là thông tư của các bộ, ngành, văn bản của chính quyền địa phương còn quá lớn...). Chi phí tuân thủ pháp luật còn cao. Việc cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh và thủ tục hành chính bất hợp lý vẫn còn nhiều thách thức. Công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Vẫn còn hiện tượng “nhờn” luật trên một số lĩnh vực6. Vẫn còn hiện tượng cấp ủy bao biện, can thiệp không đúng vào công tác xét xử của tòa án, vi phạm nguyên tắc “độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật” của thẩm phán và hội thẩm nhân dân7. Điều đó cho thấy, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội bằng pháp luật còn nhiều dư địa để cải thiện. Do vậy, Đảng cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo công tác xây dựng và thực thi pháp luật, bảo đảm cho pháp luật thực sự trở thành công cụ cầm quyền hữu hiệu.
Đảng dựa vào đức để cầm quyền
Để làm rõ cụm từ “dựa vào đức để cầm quyền” cần phải làm rõ chữ “đức” với tư cách là chỗ dựa làm gia tăng sức mạnh “mềm” và tính thuyết phục trong sự cầm quyền của một Đảng. “Đức” trước hết là các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc được hình thành trong tiến trình lịch sử. Đảng dựa vào đức để cầm quyền chính là việc Đảng, các tổ chức Đảng, các cấp ủy Đảng và mỗi đảng viên trong khi thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, cầm quyền đều dựa vào các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc để soi chiếu, đánh giá ý nghĩa các công việc lãnh đạo, cầm quyền, bảo đảm việc lãnh đạo, cầm quyền của mình phù hợp với các chuẩn mực đạo đức chung, phù hợp với những yêu cầu, đòi hỏi của người dân đối với Đảng. Không chỉ có vậy, Đảng còn phải tuân thủ đạo đức dành riêng cho những người làm cách mạng mà những người đảng viên nắm vững lịch sử đều biết đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng chính là những chuẩn mực ứng xử tốt đẹp mà mỗi đảng viên, mỗi tổ chức Đảng, trong đời sống hiện thực của mình, trong mỗi ứng xử của mình với đồng chí, với người dân, với người thân đều phải tuân thủ. Đó cũng chính là các quy chuẩn đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong bản Di chúc thiêng liêng: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”8.
Trong thời gian qua, trước thực trạng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã nhận định: “nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái… Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”9, Đảng ta rất quan tâm tới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đề cao giá trị đạo đức của cán bộ, đảng viên, đồng thời kiên quyết dùng pháp luật để xử lý một cách nghiêm khắc các đảng viên vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật theo tinh thần không có vùng cấm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII cùng các hướng dẫn của Trung ương được ban hành đã chỉ rõ các biểu hiện suy thoái, trong đó có các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống để các đảng viên nhìn vào đó tự răn mình như: cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội;...10.
Dựa vào đức để cầm quyền bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhân dân với vai trò, sứ mệnh của tổ chức Đảng và đảng viên, sẽ làm dân thêm tin và yêu Đảng, từ đó, gia tăng tính thuyết phục của Đảng trong việc duy trì vị trí, vai trò lãnh đạo, cầm quyền, gia tăng sức mạnh “mềm” của mỗi đảng viên và tổ chức Đảng, gia tăng tính gắn kết máu thịt giữa dân với Đảng.
Nâng cao hiệu quả sử dụng pháp luật và dựa vào đức để cầm quyền trong đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII khẳng định: “Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước. Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội”11. Để phát huy đúng mức việc “cầm quyền bằng pháp luật” và “dựa vào đức để cầm quyền” của Đảng trong giai đoạn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế, trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong thời gian tới, Đảng ta cần quan tâm thực hiện các công việc sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và thực hiện pháp luật, bảo đảm sớm xây dựng được hệ thống pháp luật Việt Nam thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, bao quát được các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Có hệ thống pháp luật hoàn thiện chính là tiền đề để khi xử lý mọi công việc của Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên đưa ra các giải pháp có căn cứ pháp lý vững chắc. Trong thời gian qua, việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật có lúc, có nơi còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, công tác tổ chức thi hành các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa nghiêm. Những hiện tượng “lệch chuẩn” trong tuân thủ pháp luật có lúc chưa được phát hiện và uốn nắn kịp thời. Chính vì thế, đòi hỏi phải đẩy nhanh tốc độ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc tổ chức thi hành pháp luật. Có như vậy, cầm quyền bằng pháp luật mới phát huy đúng mức vai trò, tác dụng của mình.
Thứ hai, củng cố vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội để mọi người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức và các cấp ủy Đảng đều đặt niềm tin vào Hiến pháp, pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, biết cách ứng xử dựa trên pháp luật, coi Hiến pháp, pháp luật thực sự là chỗ dựa vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Bảo đảm nhất quán sự “thượng tôn pháp luật” trong toàn bộ công việc quản trị quốc gia (từ xây dựng chính sách, pháp luật đến thi hành chính sách, pháp luật). Theo đó, không tổ chức, cá nhân nào không chịu sự điều chỉnh, ràng buộc của Hiến pháp, pháp luật, nhất là với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, lãnh đạo các cấp. Cán bộ có chức vụ càng cao thì yêu cầu nêu gương sáng về tôn trọng, chấp hành pháp luật càng khắt khe. Tổ chức Đảng, cán bộ lãnh đạo, đảng viên các cấp phải đi đầu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật một cách nghiêm túc, đầy đủ. Mọi người dân cần được hiểu một cách nhất quán rằng, Hiến pháp và pháp luật là công cụ hữu hiệu để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ theo đúng chủ trương của Đảng. Muốn làm được điều đó, cần gia tăng tính thuyết phục của chính các quy định pháp luật. Pháp luật phải mang trong mình giá trị đạo đức phổ biến của cộng đồng để người vi phạm pháp luật biết xấu hổ, biết day dứt và biết sợ vi phạm pháp luật. Kiên trì quan điểm xử lý vi phạm pháp luật không có vùng cấm, không lấy kỷ luật Đảng thay cho việc xử lý vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật phải vừa chịu sự xử lý của tổ chức Đảng vừa chịu các biện pháp chế tài công bằng mà pháp luật đã quy định. Các hành vi trái với đạo đức “dĩ công vi thượng” của người đảng viên cần bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, bị lên án và xử lý nghiêm minh, kịp thời. 
Thứ ba, cần tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống, tốt đẹp của đạo đức trong quản trị quốc gia, nhất là các giá trị đạo đức nhân bản của dân tộc Việt Nam, lối sống có nghĩa có tình, thủy chung, nhân ái, bao dung, đùm bọc, đoàn kết trong quản trị và phát triển xã hội. Đây là các giá trị đạo đức có tầm ảnh hưởng phổ quát đối với toàn bộ xã hội và đối với mọi người dân. Kiên trì việc thể chế hóa các chuẩn mực đạo đức thành chuẩn mực pháp luật, bảo đảm nội dung của pháp luật chứa đựng những giá trị chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, cũng cần có những chuẩn mực đạo đức mới với tư cách là các yếu tố thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc đề cao ý thức cộng đồng, cũng cần coi trọng và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển nhân cách độc lập, nhất là tạo điều kiện cho sự phát triển của nhân tài, qua đó thúc đẩy xã hội phát triển. Pháp luật phải lấy các giá trị đạo đức tốt đẹp, lấy công bằng, nhân bản và hiệu quả làm cơ sở, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tạo cơ hội bình đẳng thực sự cho mọi người dân theo đúng quy định của Hiến pháp.
Thứ tư, cần tiếp tục rà soát, căn chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng và quy định pháp luật, làm cho mọi chủ trương, đường lối của Đảng thực sự phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, sát với yêu cầu phát triển, đồng thời kịp thời thể chế hóa thành các quy định của pháp luật. Những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc do Đảng tiến cử cần trở thành người lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền, cơ quan nhà nước một cách thuyết phục nhất. Cán bộ được bổ nhiệm không chỉ hiểu biết sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng mà cần có hiểu biết pháp luật tương xứng để quản lý, vận hành cơ quan mình theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ năm, cần tiếp tục rà soát, đánh giá để kịp thời hoàn thiện hệ thống kiểm soát quyền lực, từ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, hệ thống thanh tra, kiểm tra hành chính, giám sát bởi hệ thống tòa án đến giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và của công luận, báo chí và Nhân dân. Tăng cường công khai, minh bạch trong việc thực thi quyền lực nhà nước, nhất là trong việc thực thi quyền lập pháp, lập quy, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Đặc biệt coi trọng vai trò của Nhân dân, dư luận, báo chí trong việc giám sát thực thi quyền lực, dựa vào Nhân dân để kiểm soát quyền lực nhà nước. Bảo đảm mọi chủ thể có quyền lực đều chịu sự giám sát một cách thực chất, người có quyền lực càng cao càng phải chịu sự giám sát quyền lực một cách hữu hiệu. Mọi hành vi lạm dụng quyền lực, buông lỏng trách nhiệm trong thực thi công vụ, thực thi quyền lực đều phải được kịp thời phát hiện và xử lý, để việc sử dụng quyền lực luôn nằm trong quỹ đạo vì lợi ích của Nhân dân. 
Như vậy, kết hợp đúng đắn “cầm quyền bằng pháp luật” theo các tiêu chuẩn pháp quyền hiện đại và “dựa vào đức để cầm quyền” là phương thức cầm quyền có hiệu lực cao và cần tiếp tục được sử dụng hợp lý. Cầm quyền bằng pháp luật sẽ giúp cho xã hội có kỷ luật, kỷ cương; dựa vào đức để cầm quyền, quan hệ máu thịt giữa Đảng ta và Nhân dân thêm bền chặt, Đảng có thêm sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên cơ sở quyền uy và sức mạnh vô địch của Nhân dân. ◈

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 88.
2. TS. Uông Chu Lưu: “Bàn về tư tưởng đức trị và pháp trị trong đạo trị quốc, an dân của vua Lê Thánh Tông và bài học kinh nghiệm cho công việc quản trị quốc gia hiện nay”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2017, tr. 41-48.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 129.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 131-132.
5. Dựa vào kết quả tìm kiếm trên Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia ngày 22/4/2019.
6. Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2019 ngày 08/01/2019.
7. PGS.TS. Vũ Trọng Lâm: Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 213.
8. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 48.
9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 22, 30-32.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 176.

TS. Nguyễn Văn Cương

Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả