Chính trị học quốc tế - cái nhìn tổng quan trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay

Ngày đăng: 31/07/2015 - 08:07

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, để đáp ứng những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế...Việt Nam phải không ngừng hoàn thiện thể chế chính trị về cả lý luận và thực tiễn. Để làm được điều này chúng ta cần nắm vững kiến thức về chính trị học quốc tế, cập nhật tình hình chính trị thế giới đương đại và tham khảo các mô hình chính trị đa dạng.

tDai cuong 11

Toàn cầu hóa đang đẩy nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường trong lòng một quốc gia, dân tộc thành vấn đề tập thể. Hiện nay, trên thế giới cùng tồn tại rất nhiều thể chế chính trị với những đặc trưng và trình độ phát triển khác nhau. Tuy nhiên không có một thể chế chính trị nào là hoàn hảo, hoàn mỹ. Đồng thời, cả thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề toàn cần như khủng hoảng tài chính, ô nhiễm môi trường, thay đổi khí hậu, dịch bệnh... buộc các nhà nước phải nghiên cứu để thích nghi. Nói cách khác, toàn cầu hóa đang làm “mềm” các giới hạn lãnh thổ - lĩnh vực bất khả xâm phạm của quốc gia có chủ quyền; ý thức phân biệt “bên trong” và “bên ngoài” quốc gia đang bị mờ dần bởi sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế và tri thức.

Ngoài ra, với sự thu hẹp không gian, thời gian và các rào cản biên giới hiên nay, truyền thông đại chúng đang trở thành một vũ đài của đời sống thế giới, ảnh hưởng nhiều tới các quyết định chính trị thế giới đương đại. Nếu một chủ thể có năng lực thuyết phục những người khác tin theo những giá trị và chính sách nào đó thì việc họ có ưu thế về sức mạnh cứng và ưu thế về thông tin chiến lược hay không đã trở nên không còn quá quan trọng.

Sức mạnh mềm và những thông tin miễn phí, nếu đủ sức thuyết phục, có thể làm thay đổi nhận thức và từ đó thay đổi hành vi - điều mà sức mạnh cứng cần nhiều chi phí để thực hiện nhưng lại không mang tính bền vững. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Truyền thông đại chúng trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay còn có thể cung cấp những thông tin sai lệch hoặc thiếu sót để đưa đến cách hiểu sai, không đầy đủ về các vấn đề chính trị. Những giá trị và tư tưởng của chúng ta về thế giới đang bị nhào nặn và nhân dân thế giới trở thành những khán thính giả của truyền thông. Đây là cơ hội cho các nước thực hiện diễn biến hòa bình, chi phối thế giới bằng sức mạnh của chuẩn mực giá trị và thị hiếu do mình đề ra với sự giúp sức của truyền thông.

Toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu, tác động mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Xu thế này tạo nên những mối liên hệ, ảnh hưởng, tác động qua lại giữa các quốc gia dân tộc trên thế giới không phân biệt thể chế chính trị, biên giới lãnh thổ và dưới nhiều mức độ, tính chất khác nhau. Do đó, nền chính trị thế giới ngày càng xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và buộc chúng ta phải có kiến thức về chính trị quốc tế. Tuy cách tiếp cận và nhận thức một số vấn đề quốc vẫn còn thiếu sự đồng thuận, chưa thật sự hoàn thiện nhưng với mong muốn đem tới cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về chính trị học quốc tế, về nền chính trị quốc tế đương đại với nhiều vấn đề, xu thế và tác động của nó... Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật trân trọng giới thiệu cuốn sách “Đại cương về chính trị học quốc tế” của tập thể tác giả: Ngô Phương Nghị - Nguyễn Thanh Tùng - Đào Ngọc Tuấn.

Dai cuong CT hoc“Đại cương về chính trị học quốc tế” giới thiệu những đường nét chính yếu nhất của chính trị quốc tế với tư cách là quá trình nhận thức và quá trình hiện thực. Trong đó, điều quan trọng nhất khi nghiên cứu chính trị quốc tế là phải nhận diện và giải mã được những sự kiện hiện tại, đưa ra được dự đoán chính xác về khuynh hướng vận động của các chủ thể chính trị trong tương lai.

Lịch sử thăng trầm của nhân loại đã chứng minh ý nghĩa vô cùng to lớn của chính trị học quốc tế. Những chính sách trong hiện tại sẽ quyết định tới sự bền vững, phát triển của một quốc gia trong tương lai. Ngược lại, sai lầm trong nhận thức tình hình quốc tế, không nắm bắt được những xu hướng toàn cầu, lý thuyết chính trị cũng như sức mạnh của bản thân sẽ đem đến tai họa khôn lường. Một chủ thể chính trị khôn ngoan cần luôn nắm vững lý thuyết chính trị, hiểu được khả năng của bản thân và nhạy bén với những diễn biến phức tạp trên chính trường thế giới để đưa ra những hướng đi phù hợp. Quyết định hôm nay có thể là bước nhảy cho mai sau.

Nền chính trị của thế giới đang có những biến động nhanh chóng và phức tạp mà không ai có thể nói trước được điều gì. Những nội dung cơ bản của hiện thực chính trị quốc tế đương đại được trình bày cụ thể dưới góc nhìn chính trị sâu sắc của chủ nghĩa hiện thực trong cuốn sách “Đại cương về chính trị học quốc tế” như toàn cầu hóa, xung đột và giải quyết xung đột, các vấn đề kinh tế, môi trường, di cư, an ninh, năng lượng, truyền thông, nhân quyền...

Trong những vấn đề chính trị của quốc tế đương đại hiện nay, cuốn sách “Đại cương về chính trị học quốc tế” nhận định điều đầu tiên mà nhân loại quan tâm là các vấn đề vũ trang, liên minh và xung đột. Bởi lẽ việc bảo vệ tính mạng con người trong các sự kiện này luôn là vấn đề khẩn cấp hơn cả so với những nhu cầu khác như nước, lương thực... Thực tế, trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, thời gian hòa bình chỉ chiếm khoảng 8%, còn lại 92% thời gian nếu không xảy ra chiến tranh lớn giữa các nước thì cũng là những cuộc xung đột nhỏ lẻ. Tổng thống John F.Kenedy đã từng tuyên bố: “Loài người phải chấm dứt chiến tranh hoặc chiến tranh sẽ chấm dứt loài người”.

Như vậy, toàn cầu hoá không chỉ mang lại cho Việt Nam cơ hội giao lưu với các nước trên thế giới, mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao mà còn buộc chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức, hiểm hoạ của thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, toàn cầu hoá kinh tế cùng với việc phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã làm nảy sinh tư tưởng thực dụng, ảnh hưởng đến lòng tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước. Do đó, chúng ta phải nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc nắm bắt tình hình chính trị quốc tế và đổi mới chính trị Việt Nam. Việt Nam cần không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị bằng các học tập, tiếp thu những giá trị của các mô hình thể chế chính trị khác trên thế giới một cách có chọn lọc, áp dụng phù hợp vào tình hình đất nước.

Đổi mới chính trị là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định. Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong chính trị của giai cấp, của dân tộc cả về trí tuệ và năng lực. Nước ta thực hiện chế độ một đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất và là đảng cầm quyền. Vì vậy, trong quá trình đổi mới, chúng ta phải kiên quyết giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tốt công tác xây dựng Đảng.

Thu Hằng

Bình luận