Chống tham nhũng - cuộc chiến lâu dài

Ngày đăng: 14/03/2014 - 09:03

Tham nhũng là một vấn đề cũ. Nó đã tồn tại với lịch sử phát triển của xã hội loài người trong thời gian rất dài; ngay từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Tuy nhiên, tham nhũng cũng là một vấn đề mới  và luôn luôn là vấn đề “nóng”. Bởi nó gắn liền với con người. Chính vì vậy, nó có mặt ở khắp các quốc gia và mọi thể chế chính trị, với các xu hướng phát triển đậm nhạt khác nhau và chịu sự tác động của những điều kiện về kinh tế - chính trị - xã hội của từng quốc gia.


thamnhung cuoc chien lau dai

Nói rằng: tham nhũng gắn với con người nhưng không phải ai cũng hội đủ điều kiện cơ hội để tham nhũng. Những người tham nhũng thường phải nắm trong tay một quyền lực nhất định mới có thể thực hiện được hành vi tham nhũng. Dễ thấy, ở các nước nghèo, các nước kém phát triển mới mức thu nhập bình quân đầu người thấp; tham nhũng có điều kiện để phát triển và sinh sôi nảy nở nhiều hơn các nước phát triển. Cụ thể như ở  Việt Nam, con người có xu hướng suy nghĩ: cuộc sống chỉ có hai con đường. Thứ nhất, đi làm thuê cho doanh nghiệp tư nhân có thu nhập cao, để nuôi sống gia đình. Thứ hai, đi làm nhà nước không có thu nhập cao, nhưng có quyền, có quyền rồi sẽ có nhiều cách kiếm tiền, trong đó kể cả bằng cách tham nhũng, để nuôi sống gia đình. Tất cả đều vì mục tiêu cải thiện cuộc sống (đối với người nghèo) và làm giàu thêm (đối với người đã giàu có), bằng những con đường khác nhau.

Trong khi đó, ở những nước phát triển, có thể nhận thấy hầu hết ứng cử viên cho các cuộc chạy đua vào vị trí chiếc ghế quyền lực thường là những người có tiền. Ở Mỹ, hầu như không có một ứng cử viên tổng thống nào là không sở hữu khối tài sản khổng lồ. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton có giá trị tài sản ước tính 85 triệu USD, Phó Tổng thống dưới thời ông Clinton là ông Al Gore cũng có khối tài sản ước tính 100 triệu USD. Ông Mitt Romney, Thống đốc bang Massachusetts, đối thủ của Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử vừa qua đồng thời cũng là một doanh nhân giàu có của nước Mỹ, với giá trị tài sản ước tính 250 triệu USD. Chung quy là, ở phương Tây, người ta có tiền rồi mới đi làm chính trị. Còn ở ta, đi làm chính trị, đến khi có quyền rồi lại mong có tiền. Nhưng không phải bằng đồng lương chính đáng mà bằng nhiều con đường thu nhập khác nhau. Bởi, lương công chức nhà nước Việt Nam thì ai cũng biết, nuôi mình còn khó, nói gì đến gia đình?

Thực trạng báo động

Tham nhũng ở Việt Nam phát triển dưới nhiều hình thức và cấp độ, từ nhẹ tới nặng, từ thấp đến cao, lớp này chồng qua lớp khác, khó phát hiện, phát hiện rồi cũng khó giải quyết, và giải quyết không triệt để thì “ổ” tham nhũng này vừa dập, lại xuất hiện “ổ” khác bành trướng hơn và tinh vi hơn.

Thực trạng tham nhũng xảy ra trên nhiều lĩnh vực, từ các ngành có thể “ăn nhiều” như quản lý, quy hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, từ các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, đền bù, giải tỏa; các ngành tài chính, ngân hàng; cho đến chuyện chạy chức chạy quyền trong các cơ quan nhà nước. Thậm chí, ngay cả trong những môi trường được cho là nhân văn nhất, trong sạch nhất như giáo dục, vẫn xuất hiện tham nhũng. Ở cấp độ mầm non nhi đồng, phụ huynh bở hơi tai “chạy trường”, “chạy lớp” cho con. Ở cấp độ cao học, nghiên cứu sinh, thì tiếp tục bất cập “chạy điểm”, “chạy bằng” cho chính mình để được ra trường với học hàm, học vị cao, để lên lương, để thăng tiến… và nhiều thứ khác nữa. Hậu quả là tạo ra một môi trường không lành mạnh, làm giảm nhiệt huyết và ý chí phấn đấu của không ít những người giảng dạy và học tập trung thực. Gây xói mòn đạo đức và cho ra đời những “sản phẩm” kém chất lượng, những sinh viên, thạc sĩ giấy, không thể đáp ứng được nhu cầu xã hội, đồng thời đánh mất niềm tin của người dân vào cả một hệ thống giáo dục. Rồi trong lĩnh vực y tế, nơi mà người ta vẫn thường nghĩ đến câu “lương y như từ mẫu”, coi trọng cái tâm, cái đức của người thầy thuốc thì giờ đây lương y cũng phải có tiền mới sống được. Từ vài trăm ngàn lót tay cho hộ lý để chăm sóc người than ân cần hơn, cho đến vài triệu đồng để “giành” phòng tốt và được khám chu đáo. Thực trạng một số nơi, một số người trong ngành y phải có phong bì thì mới “giải quyết nhanh” cho người bệnh; không phong bì thì mặc kệ, thậm chí la hét, quát tháo, hằng ngày có thể bắt gặp nhan nhản ở khắp các bệnh viện, cơ sở ý tế. Nhiều bác sĩ móc ngoặc với các cơ sở kinh doanh dược phẩm, kê toa nhiều loại thuốc ngoại đắt tiền để nhận hoa hồng… gây tốn kém, nhũng nhiễu, phiền hà cho người đi khám, chữa bệnh.

Ngay cả trong việc thực hiện các chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện cũng xảy ra tham nhũng. Tình trạng ăn chặn tiền, sản phẩm quyên góp cứu trợ cho đồng bào nghèo vẫn ngày ngày được phản ánh đầy trên các tờ nhật báo. Thậm chí, ngay cả những người trong ngành luật pháp, là cán cân công lý, đại diện cho sự công bằng xã hội cũng tham nhũng. Người Việt Nam ai chẳng biết đến kịch bản quen thuộc khi ra đường công an “thổi phạt” (có những lỗi nhỏ không đáng phạt mà chỉ cần hướng dẫn nhẹ nhàng), nhưng lại gây phiền hà, nhũng nhiễu dân: Một, nếu anh là nhà báo thì rút ra “thẻ đỏ” và thế là… đi. Hai, nhẹ nhàng “lót” vài trăm ngàn cho chú rồi… đi. Ba, nếu anh chẳng phải nhà báo mà cũng không chịu đưa tiền thì lập biên bản… giữ xe! Cũng theo kết quả khảo sát được của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới công bố vào ngày 20-11-2012 thì cảnh sát giao thông “được” xếp vào bốn nhóm ngành tham nhũng nhiều nhất (ba ngành còn lại là quản lý đất đai, hải quan và xây dựng). Còn chuyện các thanh tra viên nhà nước xuống cơ sở thực tế được cung phụng như ông hoàng, bà chúa, ngày ngồi quán sang trọng, tối ngủ sách sạn đắt tiền, kết thúc đợt kiểm tra thì “rủng rỉnh” đầy túi… là “chuyện thường ngày ở huyện”, không nói ai cũng biết.

Ở Việt Nam, với tinh thần cộng đồng, ý thức tập thể cao thì tham nhũng không đơn thuần chỉ là chuyện của cá nhân mà đó còn là câu chuyện của cả một tập thể. Tham nhũng ở nước ta hiện nay càng tinh vi, thường có ban, có bệ rõ ràng. Tại Hội thảo “Công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương – Thực trạng và giải pháp” trước “Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11 tại Hà Nội (6-12-2012), Đại tá Hoàng Mạnh Chiến, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm chống tham nhũng (C48, Bộ Công an) đã phát biểu: “Cá nhân sai phạm, đưa nhận hối lộ đã nhiều rồi, nhưng nguy hiểm hơn là tham nhũng tập thể. Đất đai bị xâm phạm, rừng bị tàn phá… phần lớn đều do tham nhũng tập thể gây ra, phục vụ cho một số lợi ích nhóm. Ai chịu trách nhiệm? Làm sao để bắt tập thể chịu, đó là vấn đề nan giải”. Thực tế, cái trách nhiệm bị đổ cho “tập thể” chính là giải pháp an toàn nhất, tiện lợi nhất để tham nhũng vẫn tiếp tục có “mầm mống” và lan truyền. Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2012, các cơ quan thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản hơn 130 tỷ đồng. Cảnh sát điều tra tội phạm đã thụ lý 337 vụ án với hơn 800 bị can về các tội danh tham nhũng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 410 tỷ đồng. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước được gần 8.000 tỷ đồng và hơn 2.600ha đất (đã thu hồi được 2.334 tỷ đồng), kiến nghị xử lý hành chính 520 tập thể, 899 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ, 41 người. Trong năm 2012, đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước).

Bàn về một số giải pháp

Cuộc chiến chống tham nhũng là cả một quá trình lâu dài, công khai và phải có cơ sở pháp lý minh bạch, rõ ràng; đó không thể là câu chuyện một sớm một chiều và nó đòi hỏi những người tham gia trực tiếp vào công tác ngày phải thực sự quyết liệt, mạnh tay, với ý chí và lập trường vững vàng mới có thể đẩy lùi tham nhũng. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, tham nhũng là hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo, yếu kém, tạo sơ hở để các hành vi tiêu cực có điều kiện phát triển. Thực tế, chúng ta cũng có thể nhận thấy một môi trường kinh tế không minh bạch sẽ là “chất xúc tác” để tham nhũng phát triển mạnh, việc trốn thuế, gian lận thương mại diễn ra dễ dàng và dễ tró lọt hơn. Ngoài ra, việc các quyền lợi chính đáng của người dân không được hợp pháp hóa cũng dễ khiến gây ra tham nhũng, để thỏa mãn nhu cầu lợi ích cá nhân của mình. Chính vì vậy, việc hoàn thiện và thực hiện một cách nghiêm chỉnh các cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội; các dự luật về phòng, chống tham nhũng phải là vấn đề trọng tâm được ưu tiên thực hiện trong thời gian lâu dài.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng những phương pháp trên giấy tờ chung quy khó thực hiện và thực hiện cũng không hiệu quả, điều quan trọng là chúng ta muốn quyết tâm đẩy lùi tệ tham nhũng thì phải tập trung vào những giải pháp cơ bản và làm thật mạnh tay, thật quyết liệt, không sợ “đụng chạm”, không sợ mất lòng. Người Việt Nam vốn trọng cộng đồng, với sức mạnh đoàn kết của tập thể đã từng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược và giành được độc lập. Tuy nhiên, cũng chính cái tinh thần tập thể, sống giữa tập thể phải hòa mình theo tập thể là một trong những nguyên nhân khiến các tệ nạn như tham nhũng được dung dưỡng, bao che. Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Ngay trong dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi năm 2012) có những quy định chung, chưa rõ, có thể dẫn đến triệt tiêu hiệu quả của nhau, đó là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 68) và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng trên thực tế, việc thực hiện các quy định này dường như là một nghịch lý. Thủ trưởng càng tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng trong nội bộ thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng. Do đó, việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi.

Cấp trên bao che, cấp dưới thì sợ hãi, vậy là không ai dám đứng ra tố cáo. Với tâm lý e ngại, không muốn xích mích, sự mất lòng, người Việt Nam cũng chỉ muốn yên phận. Tố cáo tham nhũng để làm gì trong khi không có lợi ích gì cho mình? Thậm chí còn tạo “dớp”, khó sống về sau. Cho nên, biết ông A, bà B tham nhũng thì biết vậy, nghe nói thì để đó, ra cuộc nhậu thì lớn tiếng đập bàn nói… cho vui. Còn bảo đứng ra tố cáo thì xin miễn. Đó là thói quen thụ động, gián tiếp góp phần làm cho tệ tham nhũng  được dung dưỡng và phát triển. Có tai mắt nào bằng tai mắt của nhân dân? Chính vì vậy, việc tích cực nâng cao ý thức, vai trò của người dân trong việc phát giác, tố cáo tham nhũng phải được xem là vấn đề trọng tâm. Dư luận và pháp luật Việt Nam xưa nay chưa quan tâm đầy đủ đến điều này. Người tố giác hay bị dèm pha, cô lập, trong khi luật pháp cũng chưa có cơ chế đầy đủ để bảo vệ họ. Về việc này, chúng ta có thể học tập cách mà nhiều nơi đã áp dụng khá thành công, như thành lập đường dây nóng, đặt thùng thư công cộng hoặc lập trang web để người dân có thẻ gửi thư tố cáo đến thẳng người đứng đầu nhà nước, không cần phải thông quan “cánh cửa” khác, nhằm tránh trường hợp bưng bít thông tin.

Và khi đã phát hiện tham nhũng thì phải lập tức xử lý kịp thời, và xử lý thật công bằng, nghiêm minh. Đẩy nhanh thời gian thực hiện các vụ xét xử, tuyên dương những người có công phát giác để tạo ấn tượng trong dư luận. Đối với những người đưa hối lộ, tiếp tay cho tệ tham nhũng cũng phải xử lý thật nghiêm minh. Chính những người dân, những doanh nghiệp muốn “thúc đẩy” cho công việc được thuận lợi hoặc vì mục đích cá nhân mà chủ động đưa hối lộ cũng phải bị trừng trị, xử phạt nghiêm khắc để lấy đó làm gương răn đe cho người khác.

Như đã nói, tham nhũng thường phát triển mạnh ở những nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình của người dân chưa cao. Chính vì vậy, để phát triển nền kinh tế đất nước, cải cách nhanh và mạnh để chế độ tiền lương, bảo đảm cho công chức, cán bộ có nguồn thu nhập không chỉ “đủ sống” mà phải “sống khá giả” là một trọng những giải pháp về lâu dài, góp phần đẩy lùi tham nhũng, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Lê Thảo

Tạp chí Cộng sản

Trích trong cuốn "Bàn về giải pháp phòng,

chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay",

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1-2014.

 

 
 

 

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

 

Bình luận