Chống tham nhũng - nhận thức và hành động

Ngày đăng: 17/03/2014 - 09:03

chong tham nhungTham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Tham nhũng là hành động cố tình không tuân thủ các nguyên tắc công minh nhằm trục lợi cho cá nhân hoặc cho những kẻ có liên quan. Phải có lích lợi nhất định nào đó cho cá nhân vi phạm nguyên tắc công minh mới có tham nhũng. Tham nhũng là hình thức vơ vét bổng lộc, các chủ thể kinh tế sẵn sàng hối lộ để được tham gia một đường dây hưởng bổng lộc. Các công chức nhận đút lót mới làm công việc của họ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật, hoặc thực thi pháp luật thiên vị, không công bằng. Điều kiện có thể tạo ra bổng lộc là những nhân tố tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Tham nhũng tác động xấu đến kinh tế - xã hội đất nước. Về mặt đạo đức, đó là một tệ nạn cần phải chống vì sự tồn tại của nó đã thách thức các nguyên tắc đạo đức cơ bản. Đối với người dân, tham nhũng là điều không thể chấp nhận được, nó làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền.

Có ý kiến cho rằng, tham nhũng là hiện tượng xảy ra ở mọi quốc gia, nếu ta xóa bỏ nhà nước thì cũng xóa bỏ được tham nhũng. Nhiều người khi giao tiếp coi tham nhũng như một tất yếu, một căn bệnh phổ biến ở các nước trên thế giới. Từ quan điểm này, quốc nạn tham nhũng không nên coi là vấn đề trầm trọng.

Có ý kiến lại cho rằng mặt trái của kinh tế thị trường tạo cho tham nhũng phát triển. Nhưng nhiều nước có nền kinh tế thị trường, song tham nhũng không có môi trường phát triển. Ở đâu có thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì ở đó sẽ không có bổng lộc do tham nhũng. Thực tế cho thấy ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển như Xingapo, các nước Bắc Âu… tham nhũng không trở thành quốc nạn.

Có ý kiến cho rằng muốn không có tham nhũng phải có đồng lương cao. Bài học Xingapo cho thấy lương của Thủ tướng cao hơn lương Tổng thống Mỹ, do đó không có tham nhũng ở đất nước Xingapo. Một quan điểm tương đối phổ biến khác cho rằng tham nhũng là hình thức bù đắp cho đồng lương bèo bọt của những công chức nhận hối lộ. Song, ở nhiều nước cho thấy không phải có lương cao là chống được tham nhũng.

Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chống tham nhũng chính là chống giặc nội xâm. Vì vậy việc phòng, chống tham nhũng đã được nêu lên từ nhiều năm nay: Tháng 12-2005, Quốc hội (khóa XI) đã ban hành Luật phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, việc thi hành Luật này vẫn chưa đạt kết quả mong muốn, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) đã nhận định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn rất nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”[1].

Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Điều đáng lưu tâm nhất hiện nay là tham nhũng ăn theo chính sách và đi sâu vào bộ máy nhà nước. Thật nguy hại nếu chính sách ra đời không phục vụ cho phát triển xã hội mà phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó, do họ tác động vào các cơ quan ra chính sách, thông qua “nhịp cầu” tham nhũng. Điều đó triệt tiêu các quy định của pháp luật, triệt tiêu sự cạnh tranh và sáng tạo để phát triển xã hội.

Chẳng hạn chính sách đất đai của nước ta hướng tới hình thành thị trường đất đai, bất động sản, chủ trường giá đất theo giá thị trường. Pháp luật cho phép cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước được quyết định thu hồi đất của người đang có quyền sử dụng để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án vì mục tiêu lợi ích của nhà đầu tư, không vì mục tiêu lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Ở nước ta trong những năm qua thấy rõ hiện tượng nhiều cơ quan nhà nước đứng về phía nhà đầu tư, buộc dân phải giao đất cho nhà đầu tư. Như vậy, một số quy định đang được vận dụng làm mất quyền của người sử dụng đất. Chính sách này đã tác động đến tham nhũng đất đai ở nước ta. Hậu quả là đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, đe dọa đến an ninh lương thực, đẩy chi phí sản xuất kinh doanh lên cao, đẩy chi phí đền bù giải tỏa lớn, làm cho xây dựng cơ sở hạ tầng tăng, người ta giàu lên vì đất đai do đầu cơ chứ không phải vì sản xuất, làm cho lạm phát nước ta tăng cao trong những năm qua.

Chính sách tài nguyên cũng gây tham nhũng lớn. Nước ta có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với trên 5.000 mỏ và điểm quặng của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau, trong đó một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn tầm cỡ thế giới như bauxite, titan, đất hiếm và đá vôi…, trữ lượng tiềm năng dầu khí vào khoảng 6 tỷ tấn, khí vào khoảng 4.000 tỷ mét khối. Đến nay, hầu hết các thành phần kinh tế tham gia khai thác khoáng sản với trên 2.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 90% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và sản xuất manh mún. Người khai thác chỉ cần xin giấy phép, nộp môt ít phí môi trường là biến khu vực khai thác khoáng sản đó thành tài sản tư. Tình trạng đấu giá quyền khai thác, cấp phép, báo cáo trữ lượng thấp hơn thực tế để hưởng lợi khi khai thác, xin phép thăm dò nhưng thực chất là khai thác bán kiếm lời… đã làm cho tham nhũng trong khai thác khoáng sản phát triển. Hậu quả là thu hồi khoáng sản thấp, tổn thất trong khai thác lớn, khai thác bừa bãi bất hợp pháp, khai thác “nhảy cóc”, gây lãng phí tài nguyên, giá trị xuất khẩu khoáng sản không đủ để nhập khẩu sản phẩm khoáng sản qua chế biến phục vụ cho nền kinh tế. Ngoài ra, ngành khai khoáng đang để lại hệ quả môi trường thầm trọng và gây căng thẳng, tranh chấp với cộng đồng đân cư nơi có mỏ.

Tham nhũng ở nước ta đã có mặt quá sâu rộng trong các giao dịch của xã hội, và nó được sử dụng như một phương tiện để đạt các mục đích.

Tại sao một dân tộc anh hùng như Việt Nam đã hy sinh đến như thế trong chiến tranh, được tất cả các dân tộc kính nể lại có thể dẫn đến tình trạng tham nhũng nhiều như thế? Tham nhũng ở một dân tộc chiến đấu anh dũng như Việt Nam thật phi lý mà có thật.

Việc phân tích các nguyên nhân dẫn tới tham nhũng làm một điều kiện cần thiết đối với một chiến lược chống tham nhũng có hiệu quả vì chiến lược đó phải tính tới và giải quyết những căn nguyên chính của tham nhũng.

Có ý kiến cho rằng thời kỳ bao cấp ở nước ta không có tham nhũng vì trong chiến tranh, đất nước khó khăn, có tiền đâu để tham nhũng. Song, thực tế ở một số nước nghèo vẫn xếp hạng tham nhũng cao.

Có ý kiến cho rằng căn nguyên của tham nhũng là do sự tồn tại song song, không rõ ràng của hai cơ chế thị trường và bao cấp ở nước ta tạo ra, rằng nguyên nhân đầu tiên nảy sinh ra tham nhũng là cơ chế “xin cho” thời kỳ bao cấp. Chúng ta cần phải biết rằng nước ta đang ở thời kỳ đầu của kinh tế thị trường, cơ chế chính sách phải thích hợp. Không để chính sách có sự chọc sâu của bàn tay tham nhũng, mục đích vì cộng đồng của chính sách bị bóp méo và chính sách ra đời phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó.

Nhiều ý kiến cho rằng chế độ chính sách đãi ngộ đối với công chức chưa thật sự là đòn bẩy khuyến khích công chức tận tâm, tận lực với nhiệm vụ. Mức lương vừa thấp, vừa không có điều kiện làm việc tốt nên không thể khuyến khích làm việc, sinh bệnh nhận hối lộ. Chúng ta cần phải biết rằng, lương cao chưa phải là động lực quyết định, mà cái chính là họ cần thái độ tôn trọng, họ cần sự công bằng, họ không thể yên tâm bỏ công sức ra làm trong khi có những quan tham tiêu bạc tỷ.

Bên cạnh yếu tố con người như trên, có ý kiến cho rằng nguyên nhân nảy sinh ra tham nhũng là do các quy trình hành chính cồng kềnh và mù mờ, quy định của pháp luật không rõ ràng, nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ ban hành quá nhiều. Trong giai đoạn gần 11 năm từ 15-10-1993 đến 1-7-2004, đã có trên 3.000 văn bản pháp luật về đất đai. Như vậy đưa đến môi trường pháp lý sáu không: không minh bạch, không nhất quán, không đồng bộ, không ổn định, không khả thi, không tiên liệu được. Hậu quả là làm nảy sinh tình trạng không tuân thủ pháp luật, không chấp hành kỷ cương phép nước, trước hết trong đội ngũ công chức và cán bộ nhà nước và cũng khá phổ biến trong dân.

Cần đề ra những chủ trương, giải pháp quyết liệt, có tính đột phá, khả thi cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực chống tham nhũng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới.

Tiền đề quan trọng nhất cho chiến lược chống tham nhũng có hiệu quả là quyết tâm chính trị mạnh mẽ và tự nguyện.

Có thể thấy rằng bổng lộc là căn nguyên cơ bản nhất của tham nhũng thì cần có biện pháp can thiệp phải trị bệnh từ gốc. Vấn đề cốt lõi là ngăn chặn ngay từ gốc những quyền hạn cửa những người có chức vụ cao nhất. Ngồi vào chiếc ghế “quan chức lớn” thì cũng dễ dàng bị cám dỗ dẫn đến tham ô, tham nhũng. Những người lãnh đạo cao phải gương mẫu thì bên dưới mới noi theo và không dám tham nhũng, mặt khác mới dám trị cấp dưới tham nhũng. Chống tham nhũng phải chống từ nóc, nhà dột từ nóc.

Ngoài ra nội dung quan trọng đối với bất cứ chiến lược chống tham nhũng có hiệu quả nào cũng phải là phí điều tiết. Phí điều tiết có nghĩa là xóa bỏ hình thức can thiệp mang tính cấm đoán của chính phủ.

Chế độ pháp trị nghiêm minh là một trong những thành tố của một chiến lược chống tham nhũng có hiệu quả. Một trong những nhân tố quan trọng trong việc tăng cường pháp trị là ban hành những quy định đơn giản, rõ ràng và minh bạch để tất cả các bên hữu quan đều có thể hiểu được.

Tăng lương cho công chức cũng là một nội dung quan trọng trong chiến lược chống tham nhũng. Dành mức lương cao cho công chức chỉ có thể là động lực thúc đẩy họ không chấp nhận hối lộ khi và chỉ khi nguy cơ bị bắt giữ và trừng phạt là rất lớn, trong đó có biện pháp giảm thu nhập trong tương lai của họ. Vì vây, việc sử dụng đồng lương với tư cách là một nội dung của chiến lược chống tham nhũng phải luôn được xem xét cùng với khả năng xử lý.

Giải pháp chống tham nhũng

1- Trong các nhóm giải pháp được nhấn mạnh là cần chú trọng thực hiện, được đề cập đầu tiên là đề cao vai trò, trách nhiệm những người đứng đầu, trước hết là cán bộ cao cấp ở Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng.

2- Cần có một cơ quan chỉ đạo thống nhất trong bối cảnh tham nhũng ngày càng trở thành giặc nội xâm nguy hiểm. Nhiều người cho rằng, nếu ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng duy trì như tình trạng hiện nay là rất khó chống tham nhũng được. Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn chống tham nhũng thành công thì không thể chỉ dựa vào các cơ quan nhà nước mà nhất thiết phải có sự tham gia, ủng hộ tích cực của toàn xã hội. Vì vậy cơ quan chống tham nhũng nên được giao cho cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, Tổng công đoàn, Đoàn Thanh niên… Tổng Bí thư Đảng là người đứng đầu (tư lệnh) quân đội đồng thời cũng là người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng (chống giặc ngoại xâm và giặc nội xâm). Tổng Bí thư là Trưởng ban, lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận , Công đoàn làm các phó ban, ủy viên có mặt tất cả các cơ quan trực tiếp tham gia công tác phòng, chống tham nhũng như thanh tra, kiểm toán, điều tra, công tố…

3- Nhà nước cần trở lại đúng vị trí của mình, thực hiện mô hình “Nhà nước kiến tạo phát triển”, tức là tập trung vào quy hoạch, kế hoạch, các chính sách, hệ thống pháp luật nhằm định hướng phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm công bằng xã hội… Những hoạt động đầu tư công, chi tiêu ngân sách nhà nước hoặc dịch vụ sử dụng vốn nhà nước (kể cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội) phải được công bố công khai, tổ chức đấu thầu và phải chịu sự giám sát chặt chẽ của người dân, của các tổ chức xã hội. Như vậy, vai trò của Nhà nước chủ yếu là hỗ trợ chứ không phải kiểm soát, xử phạt. Việc thanh tra, kiểm tra trước hết nhằm mục đích hướng dẫn người dân hành động theo đúng pháp luật chứ không phải nhằm xử phạt.

4- Chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương; thực hiện chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tình trạng lương bổng, thu nhập của khối hành chính, sự nghiệp hiện nay đang gây quan ngại cho các nỗ lực chống tham nhũng ở khối cán bộ, công chức các bộ, ngành. Cán bộ, công chức cần có mức lương thích hợp mới có thể là động lực thúc đẩy họ không chấp nhận hối lộ.

5- Cần có cơ chế bảo vệ những người tố cáo tham nhũng nội bộ - đối với đồng nghiệp hay cấp trên của họ.

6- Cần xây dựng ý thức văn hóa cho người dân, nhất là quan chức cấp cao trong việc chống tham nhũng.

PGS.TS. Phương Ngọc Thạch

Trích trong cuốn "Bàn về giải pháp phòng,

chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay",

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1-2014.

 

*****

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, t.172.

Bình luận