Cần tỉnh táo trước những thủ đoạn phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV

Ngày đăng: 25/02/2016 - 08:02

Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử phải bảo đảm theo đúng quy trình, trong đó phải bảo đảm việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật…

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 51-CT/TW, ngày 4-1-2016 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Cuộc bầu cử lần này là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa thành công tốt đẹp. Đây cũng là hoạt động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước... Thế nhưng trên một số trang mạng tự gọi là “Lề dân”, có người xem sự kiện này là “cơ hội” để xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Có kẻ đã post bài lên mạng rằng: Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, việc đề cử chỉ là “độc quyền của Đảng” và các tổ chức “nối dài” của họ. Ngoài “vài” người được Đảng lựa chọn “ngầm”, hầu hết những người tự ứng cử bị loại bỏ một cách “không thương tiếc". Và người ta “kêu gọi” các nhà “dân chủ” mạng hãy “tự ứng cử”. Thậm chí trên mạng người ta đang hô hào “ký tên” ảo tung hô, ủng hộ cho người này, người kia…

công bố ngày bầu cử Quốc hội

Cần phải thấy rõ, với họ việc “tự ứng cử” không nhằm tham gia cuộc bầu cử với ý thức trách nhiệm của một công dân, mà chỉ với một mục tiêu duy nhất là gây rối, phá hoại cuộc bầu cử mà thôi. Chính họ cũng đã nói ra điều này, họ viết: Tự ứng cử là nhằm “thực thi quyền ứng cử của mình, để phá bỏ “các thủ tục”, “mưu mẹo phi dân chủ” được thiết kế trong các khâu của quy định hiện hành như Hội nghị cử tri…”. Thực tế cho thấy tất cả những điều họ tung trên mạng chỉ nhằm xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta nói chung, Hiến pháp và pháp luật về bầu cử của Nhà nước ta nói riêng. Và mục tiêu cụ thể của họ là gây rối cuộc bầu cử vào sắp tới.

Lịch sử cách mạng nước ta cho thấy, hiếm có một Đảng chính trị nào như Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm ý thức được quyền lực nhà nước và xã hội phải thuộc về nhân dân. Bởi vậy, ngay sau khi lãnh đạo cuộc cách mạng giành được độc lập (tháng Tám 1945), Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định sớm tiến hành Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu ra Chính phủ. Ngày 6-1-1946, thực hiện chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra trong cả nước; tiếp đó là thành lập Quốc hội và lập ra Chính phủ và chính quyền các cấp. Các cuộc bầu cử Quốc hội khóa tiếp theo đều thực hiện theo tinh thần quyền lực Nhà nước phải thuộc về nhân dân. Hiến pháp 2013 đã tái khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân… Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

Với trách nhiệm là người lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Chỉ thị số 51-CT/TW, ngày 4-1-2016 của Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử theo tinh thần:

- Bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật; giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, đặc biệt “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ".

- Rút kinh nghiệm từ các khóa trước, Chỉ thị 51 yêu cầu cuộc bầu cử lần này cần chú ý đến cơ cấu đại biểu hợp lý: Giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…

Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử phải bảo đảm theo đúng quy trình, trong đó phải bảo đảm việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật… Hiệp thương giữa các tổ chức chính trị, xã hội để giới thiệu đại biểu là một nét ưu việt của chế độ dân chủ trong bầu cử của chế độ ta. Chỉ với các tổ chức chính trị - xã hội mới có thể nhìn nhận bao quát được các nhóm xã hội đồng thời trao đổi để đi đến một cơ cấu đại biểu hợp lý.

Tại Hội nghị hiệp thương Lần thứ nhất 16-2-2016 vừa qua, với tinh thần dân chủ cởi mở, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nêu vấn đề. Chẳng hạn có ý kiến cho rằng nên nâng cao hơn số lượng đại biểu là người ngoài Đảng; xem xét thêm cơ cấu đại biểu là dân tộc ít người; cần rút kinh nghiệm phát huy dân chủ của Đại hội XII đưa vào cuộc bầu cử Quốc hội lần này; nên có cơ cấu cho người tự ứng cử nhưng chú ý đến tiêu chuẩn…

Như vậy là cả trong Chỉ thị của Đảng và thảo luận, quyết định của các cơ quan tham gia Hội nghị Hiệp thương đều không có chuyện như những người “bất đồng chính kiến”, những nhà “dân chủ mạng” phát tán: “Việc đề cử chỉ là “độc quyền của Đảng”… Ngoài “vài” người được Đảng lựa chọn “ngầm”, hầu hết những người tự ứng cử bị loại bỏ một cách “không thương tiếc”...

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, các tổ chức chính quyền các cấp sẽ có không ít công việc phải làm để bảo đảm cho cuộc bầu cử Quốc hội XIV thành công. Trong đó cần tỉnh táo trước những thủ đoạn phá hoại, gây rối của họ, không để cho những cá nhân, tổ chức đã từng xuyên tạc, bôi nhọ chế độ lạm dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử lần này.

VỌNG ĐỨC 

Theo báo Quân đội nhân dân

 

 

Bình luận