Cạnh tranh Trung - Mỹ ở Mỹ Latinh: Những chuyển động mới

Ngày đăng: 08/09/2015 - 15:09

Từ những năm đầu thế kỷ XXI đến nay, cùng với sự lớn mạnh về kinh tế và gia tăng tham vọng trở thành cường quốc có địa vị chi phối trên toàn cầu, Trung Quốc đang ngày càng cạnh tranh giành ảnh hưởng với Mỹ ở nhiều khu vực trên thế giới, ngay cả Mỹ Latinh - khu vực vốn được mệnh danh là “sân sau” của Mỹ - cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, với việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba và điều chỉnh chiến lược khu vực và toàn cầu của mình; những khó khăn kinh tế, chính trị đang gia tăng với Trung Quốc, trong tương lai gần, cạnh tranh Trung - Mỹ ở Mỹ Latinh vẫn gay gắt, song sẽ có những chuyển động, thay đổi khác so với giai đoạn vừa qua. 

Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 10-4-2015

Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 10-4-2015.

Thời kỳ "vàng son" của Trung Quốc ở Mỹ Latinh

Trung Quốc vừa có một giai đoạn “vàng son” trong việc thúc đẩy hợp tác và gia tăng ảnh hưởng với các quốc gia Mỹ Latinh. Bất luận trên “mặt trận” kinh tế hay chính trị, Bắc Kinh đều để lại dấu ấn đậm nét và vượt trội so với Mỹ trong quan hệ hợp tác với Mỹ Latinh.

Về kinh tế, kim ngạch đầu tư, thương mại của Trung Quốc với khu vực này đã tăng rất nhanh trong hơn mười năm đầu của thế kỷ XXI. Theo Hãng Tân Hoa Xã, Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh, kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2013 đạt 261,6 tỉ USD, tăng 20 lần so với năm 2000. Trung Quốc đã đầu tư hơn 80 tỉ USD vào khu vực này. Trong khi đó, Hãng tin CNN của Mỹ vừa có bài phân tích về cạnh tranh Trung - Mỹ ở Mỹ Latinh, trong đó nhận định, Trung Quốc đang “qua mặt” Mỹ trong hợp tác kinh tế với các nước Mỹ Latinh. Mức đầu tư của ngân hàng Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh đã tăng khoảng 71% vào năm 2014 và dự kiến kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với khu vực Trung, Nam Mỹ sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.

Đối với nhiều quốc gia trong khu vực này, Trung Quốc cũng là đối tác quan trọng hàng đầu. Tại Braxin, từ năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành nhà đầu tư số một. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương tăng từ 3,2 tỉ USD năm 2001 lên gần 78 tỉ USD năm 2014, trong đó Braxin đạt mức thặng dư 3,3 tỉ USD. Nhân dịp chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đến Braxin tháng 6-2015, Chính phủ Braxin khẳng định Trung Quốc có đầy đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư nước ngoài số một ở quốc gia Nam Mỹ này.

Trung Quốc cũng đang cung cấp các khoản vay nhiều tỉ USD cho Vênêxuêla trong bối cảnh kinh tế Vênêxuêla khó khăn và nước này đứng đầu chiến tuyến phản đối Mỹ. Năm 2007, Trung Quốc đã cho đối tác Nam Mỹ vay khoảng 50 tỉ USD để đổi lấy dầu thô. Hiện nay, Vênêxuêla xuất khẩu hơn 500.000 thùng dầu mỗi ngày sang Trung Quốc, trong đó một nửa là để trả nợ. Ngày 7-1-2015, Tổng thống Vênêxuêla Nicolas Maduro, nhân chuyến thăm Bắc Kinh, tuyên bố đã ký kết một loạt thỏa thuận song phương mới với Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh sẽ “bơm” cho Caracas thêm 20 tỉ USD, tập trung vào lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và nhà đất... Tại Nicaragoa, một tỷ phú Trung Quốc có những quan hệ gần gũi với chính quyền Bắc Kinh hiện đang tiến hành một dự án lên tới 50 tỉ USD xây dựng một kênh đào nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương qua Nicaragoa. Bất chấp những quan ngại lớn về môi trường, dự án này nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Tổng thống Nicaragoa Daniel Ortega...

Riêng với Cuba - quốc gia vừa bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Trung Quốc cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt. Năm 2004, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào tới thăm Cuba. Ông Raul Castro, sau khi kế nhiệm anh trai, cũng có chuyến thăm Trung Quốc năm 2012. Chủ tịch nước Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình công du tới Cuba tháng 7-2014 trong chuỗi chuyến đi tới các nước Mỹ Latinh... Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Cuba đã đạt 1,3 tỉ USD năm 2014.

Về chính trị, đối ngoại, các nước Mỹ Latinh cũng đã bắt tay chặt hơn với Trung Quốc và hàng loạt chuyến thăm cấp cao, các sự kiện đối ngoại quan trọng đã diễn gần đây, nhất là từ năm 2014 đến nay. Hồi tháng 7-2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du 7 ngày đến khu vực này, trong đó kêu gọi Pêru, Braxin và Trung Quốc thảo luận kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt từ bờ biển Thái Bình Dương của Pêru đến bờ biển Đại Tây Dương của Braxin. Chuyến thăm 4 quốc gia Nam Mỹ, gồm Braxin, Côlômbia, Pêru và Chilê hồi tháng 5-2015 vừa qua của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là minh chứng mới nhất cho sự quan tâm ngày càng gia tăng của Bắc Kinh đối với khu vực này. Đặc biệt, từ ngày 8 đến 9-1-2015, Diễn đàn hợp tác giữa Trung Quốc với Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê (CELAC) được tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh. Tại đây, đại diện của 30 nước và một số tổ chức đã thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác song phương về nhiều mặt trong thời gian tới… 

Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác và gia tăng ảnh hưởng với các nước Mỹ Latinh bởi một số lý do chủ yếu sau:

Một là, do nhu cầu lớn của nền kinh tế Trung Quốc đối với các loại nguyên liệu thô chủ chốt mà Mỹ Latinh đang sở hữu, Bắc Kinh đã nỗ lực “nâng cấp” các quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực này và đây là mối quan hệ tự nhiên, cùng có lợi.

Hai là, tương quan lực lượng Trung - Mỹ thay đổi đáng kể sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008 mà Mỹ là một “nạn nhân”. Năm 2009, Mỹ bắt đầu lâm vào khủng hoảng tài chính - ngân hàng và chính phủ nước này phải tập trung sức giải quyết các vấn đề trong nước; sức mạnh kinh tế của Mỹ bị suy giảm; tương quan lực lượng kinh tế Trung - Mỹ thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Theo đó, từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu tích cực can dự vào tình hình địa chính trị ở Mỹ Latinh, trước hết bằng một “cuộc đổ bộ” về kinh tế.

Ba là, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Mỹ Latinh nhằm đối phó với chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á mà theo nhận định của Bắc Kinh là nhằm bao vây, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, đang có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đối phó với sự chuyển trục chiến lược của Mỹ sang châu Á bằng việc can dự sâu hơn vào khu vực Mỹ Latinh, khu vực sân sau quan trọng của Washington.

Zocalo, Mexico - Quảng trường lớn nhất khu vực Mỹ - La tinh. Nguồn: internet

Zocalo, Mexico - Quảng trường lớn nhất khu vực Mỹ - La tinh. Nguồn: Internet.

"Gió đảo chiều" và những khó khăn của Trung Quốc

Với việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với Mỹ Latinh như trên, có nhiều ý kiến cho rằng sức mạnh ảnh hưởng của Mỹ tại Mỹ Latinh đang suy giảm, và rằng khu vực này không còn là “sân sau” của Mỹ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thực tế cho thấy nhiều dấu hiệu về việc “gió đảo chiều” trong cạnh tranh Trung - Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh. Theo đó, Mỹ đã có một loạt bước đi chiến lược trong cải thiện quan hệ với khu vực này. Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thăm Mêhicô và Côxta Rica, trong khi Phó Tổng thống Joe Biden đã thăm Côlômbia, Braxin, Tơriniđát và Tôbagô. Sự kiện nổi bật nhất trong động thái hòa giải của Mỹ là việc bình thường hóa quan hệ với Cuba. 

Sau một năm rưỡi bí mật đàm phán, Mỹ và Cuba hồi tháng 12-2014 đồng ý tiến tới bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao. Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro hồi tháng 4 đã có cuộc gặp mặt lịch sử tại Panama. Hai nước công bố đạt được thỏa thuận tái thiết lập quan hệ hôm 1-7-2015. Một số nhà phân tích cũng cho rằng, quyết định của Cuba xuất phát từ tình trạng khủng hoảng kinh tế mà đồng minh của nước này là Vênêxuêla đang phải đối mặt. Vênêxuêla đã hỗ trợ cho Cuba về kinh tế trong nhiều năm và việc nước này khó khăn cũng sẽ khiến Cuba lâm vào cảnh kinh tế khó khăn và buộc phải tìm lối thoát cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài lý do nêu trên, tiến trình hòa giải giữa hai quốc gia cựu thù này còn xuất phát từ những thay đổi nhận thức và toan tính chiến lược từ phía Mỹ. Tổng thống Obama mới đây đã rất thẳng thắn thừa nhận, chính sách của Washington về Cuba những năm qua chỉ có “rất ít ảnh hưởng”. Mặc dù Chủ tịch Raul Castro tỏ ra dè dặt khi bình luận về sự kiện bình thường hóa quan hệ Cuba - Mỹ, nhưng đây vẫn là một thắng lợi chính trị, đối ngoại mang tính lịch sử của cả hai nước.

Việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba được cho là để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh và đây là một thách thức lớn với Trung Quốc. Một số chuyên gia nhận định rằng các động thái gần đây cho thấy Mỹ đã thay đổi chiến lược đối ngoại với các nước Mỹ Latinh. Sự chú ý của Mỹ đối với Mỹ Latinh đã suy giảm trong thời kỳ cựu Tổng thống George W. Bush cầm quyền và nhiệm kỳ đầu của ông Obama, do Mỹ phải tập trung sức cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ đã “ra tay” để không mất khu vực “sân sau” của mình. Mỹ cũng đã thay đổi đáng kể chiến lược đối ngoại với các nước Mỹ Latinh theo hướng thân thiện hơn. Không giống như kỷ nguyên trước, ảnh hưởng của Mỹ hiện giờ không còn được xác định bởi khả năng “cài đặt và lật đổ” các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh. Trái lại, Washington giờ đây sẵn sàng công nhận lợi ích đa dạng của Mỹ Latinh, lấy quan hệ thương mại làm đòn bẩy.

Mỹ tận dụng lợi thế là một cường quốc, kết hợp sức mạnh kinh tế và một nền văn hóa phổ biến để vươn ra toàn cầu. Mỹ hiện có lợi thế hơn tất cả các cường quốc khác trong lĩnh vực này, nhất là khi áp dụng tại Mỹ Latinh. Theo đó, Mỹ  hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh. Mới đây, nước này đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Côlômbia và Panama, duy trì các FTA khác với Pêru, Chilê và Mêhicô. Một số quốc gia Trung Mỹ và vùng Caribê đang phụ thuộc vào sự hợp tác quân sự với Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn nạn buôn lậu ma túy. Các quốc gia như: Pêru, Chilê, Mêhicô sẽ còn gắn kết chặt chẽ hơn nữa về kinh tế, thương mại với Mỹ, nếu Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết trong năm nay, bởi họ đều là thành viên TPP.

Tuy nhiên, việc Mỹ gia tăng ảnh hưởng trở lại ở Mỹ Latinh không đồng nghĩa với việc Trung Quốc chịu rút lui. Trong tương lai, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Cuba nói riêng và Mỹ Latinh nói chung chưa thể có hồi kết. Giới phân tích dự báo rằng, cạnh tranh Trung - Mỹ sẽ tiếp tục khốc liệt trong thời gian tới và sau khi Mỹ bắt tay hòa giải với Cuba, Trung Quốc sẽ chọn Vênêxuêla làm “điểm tựa” quan trọng để triển khai sức mạnh và ảnh hưởng của mình ở “sân sau” của Mỹ.

Mặc dù vậy, trong giai đoạn tới, Trung Quốc đang và sẽ đứng trước nhiều khó khăn trong việc gia tăng ảnh hưởng tại Mỹ Latinh, do Bắc Kinh phải đối phó với nhiều vấn đề kinh tế - chính trị trong nước. Kể từ năm 2014, kinh tế Trung Quốc bắt đầu bước vào chu kỳ đi xuống và đối mặt với nhiều vấn đề lớn về cơ cấu, cân đối tài chính vĩ mô… Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã dự báo kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 6,8%, thấp nhất kể từ năm 1990. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, kinh tế Mỹ đang ở thế phục hồi ngày càng vững chắc. Nước Mỹ đã dần lấy lại được vị thế kinh tế của mình sau một thời gian khủng hoảng kéo dài. Trong bối cảnh nêu trên, Trung Quốc không còn nhiều lợi thế kinh tế trong cuộc đua với Mỹ ở Mỹ Latinh.

Về phía Mỹ, nước này cũng vẫn gặp không ít khó khăn trong cạnh tranh với Trung Quốc ở Mỹ Latinh. Một số lý do chủ yếu gồm:

Thứ nhất, tại một số quốc gia, Mỹ không thể vượt qua Trung Quốc do sân chơi không lành mạnh, bởi các doanh nghiệp Trung Quốc có một số lợi thế hơn hẳn so với các doanh nghiệp Mỹ và họ sẵn sàng chiến thắng đối thủ bằng các chiêu trò thiếu minh bạch. 

Thứ hai, Mỹ còn có nhiều mối bận tâm khác ngoài Mỹ Latinh. Trong những năm tới, các hoạt động ngoại giao của Mỹ còn phải tập trung mạnh hơn vào những khu vực khác trên thế giới ngoài Mỹ Latinh. Chẳng hạn, Mỹ vẫn bị ám ảnh bởi các vấn đề của Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố.

Thứ ba, phong trào cánh tả tại Mỹ Latinh dù có giảm sút gần đây, song vẫn còn khá mạnh. Các đảng cánh tả thường có xu hướng chống Mỹ và sự hiện diện, gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở quốc gia mình. Do vậy, một khi các đảng cánh tả còn nắm quyền hoặc có tiếng nói quan trọng ở các nước Mỹ Latinh, Mỹ khó lòng thao túng được khu vực này.

Ngoài ra, trong thời gian tới, cả Trung Quốc và Mỹ đều phải đối diện với một Mỹ Latinh ngày càng tự tin, đoàn kết và không dễ gia tăng ảnh hưởng với các chính phủ ở khu vực này. Các nước khu vực đang tìm cách tự giải quyết các vấn đề của chính mình thông qua các khối như Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribê (CELAC), hay Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA)...

ThS. Nguyễn Quốc Trường

Bình luận