Con đường đi tới Cuộc đàm phán Giơnevơ về Đông Dương
Ý tưởng triệu tập một hội nghị quốc tế để giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương đã xuất hiện tại Hội nghị Ngoại trưởng bốn nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp (1-1954), nhưng cục diện đàm phán và kết quả của Hội nghị Giơnevơ lại do những thắng lợi quân sự của Việt Nam trong Đông - Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định. Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được ký kết đã kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ của dân tộc Việt Nam để đi tới độc lập, tự do, đáp ứng nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới.
Xu thế hòa hoãn và việc giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trật tự hai cực Xô - Mỹ hình thành, chi phối quan hệ quốc tế, có ảnh hưởng lớn tới những diễn biến ở Đông Dương, nhất là từ năm 1950, khi Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, viện trợ vật chất cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, còn Mỹ, Anh và một số nước khác lại công nhận Chính phủ Quốc gia Việt Nam do Pháp dựng lên và viện trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Chiến tranh Đông Dương trở thành một vấn đề quốc tế, “lồng vào cuộc xung đột toàn cầu giữa phương Đông và phương Tây”1, “được quốc tế hóa và trở thành một bộ phận của cuộc thập tự chinh chống cộng của Mỹ”2.
Khi Chiến tranh lạnh lên tới đỉnh cao và đang có hai cuộc chiến tranh nóng ở châu Á (Triều Tiên và Đông Dương), cũng là lúc xuất hiện xu thế hòa hoãn giữa các cường quốc.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), thực chất là một cuộc đọ sức giữa hai phe, kết thúc mà không phân thắng, bại. Sau khi đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp ở Đông Dương, vì nếu “để mất Đông Dương vào tay cộng sản” sẽ làm “nguy kịch cho nền an ninh của Mỹ”. Ngày 13-1-1954, Ngoại trưởng Mỹ Dulles tuyên bố: “Đứng về chiến lược, quyền lợi của Mỹ ở vùng Viễn Đông gắn chặt với các đảo ở bờ biển vùng đó. Các đảo đó có hai cứ điểm ở trên lục địa: phía bắc là Triều Tiên và phía nam là Đông Dương. Giữa hai cứ điểm đó là các đảo Nhật Bản, Lưu Cầu, Ôkinaoa, Đài Loan, Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan…”3.
Anh còn nhiều quyền lợi ở Đông Nam Á, không muốn chiến tranh ở khu vực này mở rộng và bị quốc tế hóa, cũng cho rằng đình chiến ở Triều Tiên sẽ dẫn tới việc đàm phán về vấn đề Đông Dương.
Liên Xô mong muốn đi đến giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh ở Đông Dương nhằm ngăn chặn Mỹ có thể mở rộng chiến tranh ở đây và thúc đẩy xu thế làm dịu tình hình thế giới. Liên Xô chủ trương triệu tập một hội nghị năm nước lớn (Liên Xô, Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc) để tìm biện pháp giảm bớt tình hình căng thẳng ở Viễn Đông.
Trung Quốc, vừa ra khỏi chiến tranh Triều Tiên, cũng chủ trương giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh ở khu vực Viễn Đông, nhất là lúc Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Trung Quốc triển khai chính sách cùng tồn tại hòa bình. Bài xã luận của Nhân dân nhật báo ngày 3-9-1953 khẳng định: dư luận châu Á và phần còn lại của thế giới đòi hỏi rằng cuộc đình chiến ở Triều Tiên phải đưa đến hòa bình ở toàn châu Á.
Hội nghị Ngoại trưởng bốn nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp họp tại Berlin (1-1954) quyết định triệu tập Hội nghị Giơnevơ với sự tham dự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để bàn về một giải pháp chính trị cho Triều Tiên và giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương.
Về phía Pháp, càng kéo dài và mở rộng chiến tranh, Pháp càng phải nhận nhiều viện trợ của Mỹ và lệ thuộc Mỹ; bị dư luận nước Pháp và quốc tế lên án mạnh mẽ. Giới cầm quyền chia rẽ, đấu tranh gay gắt với nhau trong chính phủ và quốc hội, làm cho nội tình nước Pháp không ổn định. Chính phủ Laniel lên cầm quyền (28-6-1953) bắt đầu nghĩ đến một giải pháp chính trị thông qua thương lượng. Tuy nhiên, các chính phủ Pháp và Mỹ muốn thương lượng trên thế mạnh, vì thế họ đã cử Đại tướng H. Navarre (Nava) làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Kế hoạch quân sự Nava được thực hiện nhằm giành thắng lợi về quân sự, buộc đối phương phải đàm phán theo điều kiện do Pháp đặt ra, nếu không sẽ bị quân đội Pháp tiêu diệt. Khi tiếng súng tiến công của bộ đội chủ lực Việt Nam vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chưa nổ, Pháp vẫn tin rằng Điện Biên Phủ sẽ là một cái “máy nghiền nát Việt Minh”.
Như vậy, ý tưởng đàm phán để kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã xuất hiện từ nhiều phía trước lúc diễn ra cuộc đấu trí, đấu lực ở Điện Biên Phủ, mà bên nào cũng muốn giành lợi thế.
Thắng lợi quân sự của nhân dân Việt Nam và cục diện đàm phán
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, quân Pháp trở lại xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cứu vãn “một nền hòa bình mong manh”, kiên trì đàm phán, nhân nhượng. Nhưng lập trường thực dân và hy vọng giành thắng lợi bằng quân sự của Pháp đã dẫn tới một cuộc chiến tranh trên toàn cõi Việt Nam.
Mặc dù cuộc kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ, nhưng với mong muốn vãn hồi hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tám lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, tiếp xúc trực tiếp với đại diện Chính phủ Pháp với yêu cầu đình chiến, nhưng không được phía Pháp đáp ứng. Dân tộc Việt Nam hiểu rằng sẽ không thể có thắng lợi trên bàn đàm phán nếu không có thắng lợi trên chiến trường.
Trong giai đoạn kết thúc cuộc kháng chiến, để đập tan cố gắng cao nhất, cũng là cố gắng cuối cùng của Pháp với sự giúp sức của Mỹ - kế hoạch quân sự Nava, tạo cơ sở cho đấu tranh ngoại giao, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954. Tổng Bí thư Trường Chinh nói: “Muốn ủng hộ cho cuộc đấu tranh ngoại giao mau thắng lợi, phải động viên nhân dân toàn quốc đẩy mạnh mọi mặt công tác để làm hậu thuẫn cho đấu tranh ngoại giao của ta”4.
Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 làm cho kế hoạch quân sự Nava không thể thực hiện được theo dự kiến. Nhưng với bản chất ngoan cố và còn hy vọng vào sự cứu giúp của Mỹ, Pháp điều chỉnh kế hoạch, chọn Điện Biên Phủ làm khâu chính, xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, âm mưu giăng một “cái bẫy”, để thu hút chủ lực Việt Minh tới đó mà tiêu diệt.
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ và thông qua kế hoạch tác chiến. Điện Biên Phủ trở thành “điểm hẹn lịch sử” giữa dân tộc Việt Namvà thực dân Pháp xâm lược trên con đường đi tới bàn đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh. Cựu sĩ quan tình báo Mỹ A. Patti đã nhận xét: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thấy được một cách đúng đắn đây là một trận đánh có tính chất quyết định, không phải chỉ nhằm giành được một chiến thắng vang dội mà sẽ làm cho họ mạnh hẳn lên, họ đã chuẩn bị bao vây cứ điểm này”5.
Ngày 26-4-1954, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu họp. Thời gian Hội nghị bàn về Triều Tiên là lúc quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ đang lâm vào nguy kịch. Hàng loạt cứ điểm ở Phân khu Bắc và khu Đông Mường Thanh bị tiêu diệt. Ngày 1-5-1954, khu trung tâm bắt đầu bị tiến công dồn dập, chiều ngày 7-5-1954, Bộ chỉ huy quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng.
Thế là so với những năm đầu chiến tranh, ý chí xâm lược của thực dân Pháp đã bị đánh bại, thái độ của giới cầm quyền Pháp buộc phải thay đổi. Họ cần đàm phán để kết thúc chiến tranh, tránh để cho đồng bằng Bắc Bộ có thể trở thành mồ chôn quân viễn chinh Pháp.
Hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Pháp bị tiêu tan. Sáng ngày 8-5-1954 (ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức), trong Thông điệp gửi người Pháp ở Đông Dương, Cao ủy Pháp viết: “Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nay đối với ta là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và về pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa”.
Tại Paris, Quốc hội Pháp nghe Thủ tướng Laniel công bố sự thất thủ của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Theo mô tả của tờ Rạng Đông (Aurore) ngày 8-5-1954: “Mặc quần áo đen, nét mặt co rúm vì xúc động, ông Laniel nặng nề bước chân lên các bậc của diễn đàn. Tất cả nghị sĩ đều đứng dậy trong một sự im lặng nặng nề. Chỉ riêng có 15 nghị sĩ cộng sản và ông Chamberun vẫn ngồi yên… Laniel bắt đầu bằng giọng đứt quãng: “Chính phủ vừa nhận được tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 giờ chiến đấu gay go liên tục”. Laniel nói chậm rãi trong không khí của hội trường rộng rãi âm vang. Người ta nghe tiếng nói của Laniel “như tiếng khóc nức nở của một thiếu phụ ở chốn xa xăm nào đó”. Ông ta ra lệnh cho các công sở treo cờ rủ “để nhớ tiếc cái mộng xâm lăng đã bị chôn vùi ở Điện Biên Phủ””.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ bị chấn động bởi tấn thảm kịch của Pháp ở Điện Biên Phủ. Người ta ngừng làm việc để đọc những bản tin đăng trên trang nhất các báo. Sáng 9-5-1954, Tổng thống Eisenhower họp phiên đặc biệt của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ về tình hình Việt Nam và Đông Dương. Cay cú trước ý muốn giúp Pháp ở Điện Biên Phủ không thành, Mỹ tìm cách phá hoại Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương.
Báo Chiến đấu (La Lutte) của Pháp ngày 8-5-1954 viết: “Trên toàn thế giới, việc thất thủ Điện Biên Phủ xuất hiện như một sự kiện hàng đầu trong những năm gần đây, khiến những đồng minh của phương Tây buồn rầu. Còn những nước cộng sản thì vui mừng”.
Theo tướng Yves Gras, “sự sụp đổ của Điện Biên Phủ đã có tác động đến mức, dù muốn hay không muốn, nó vẫn trở thành trận hội chiến quyết định không những chỉ đối với chiến cục mà còn đối với cả cuộc chiến tranh”6.
Hội nghị Giơnevơ và vấn đề kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương
Ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơnevơ họp phiên đầu tiên về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn bước vào Hội nghị với tư thế của người chiến thắng. Đoàn đại biểu Pháp tới Hội nghị Giơnevơ với trang phục màu đen, Ngoại trưởng Bidault thông báo về kết cục bi thảm của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ và đề nghị chấp thuận nguyên tắc của một cuộc tổng ngưng chiến tại Đông Dương.
Buổi họp đầu tiên của Hội nghị được A. Patti mô tả:
“Cuộc hội nghị mở đầu một cách gay cấn trong một bầu không khí ảm đạm, không chắc chắn và đầy nghi ngờ. Khối cộng sản nắm toàn bộ các chủ bài. Tất cả những người tham dự Hội nghị đều mang theo những động cơ riêng của mình: Pháp đã mất hết ý chí chiến đấu và mong muốn có một cuộc hòa giải nhanh chóng; Mỹ đã thất bại trong việc cố buộc Pháp vào hoạt động quân sự thống nhất nhằm đấu tranh chống lại sự bành trướng của cộng sản ở Đông Nam Á; Anh mong thiết lập lại hòa bình và làm giảm căng thẳng quốc tế đang tác động tai hại đến quyền lợi Anh trong vùng; Trung cộng lại muốn nắm lấy thời cơ để đối phó với Mỹ trên một thế bình đẳng trong các vấn đề quốc tế, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì mong muốn và hy vọng được công nhận như một thực thể có chủ quyền để được đối xử một cách tương xứng với cái giá họ đáng phải được”7.
Thất bại ở Điện Biên Phủ buộc Thủ tướng Laniel và Ngoại trưởng Bidault phải từ bỏ chủ trương thương lượng trên thế mạnh. Nội bộ giới cầm quyền Pháp càng thêm chia rẽ, lục đục, đấu tranh gay gắt với nhau. Sau khi Chính phủ Laniel sụp đổ, Chính phủ Mendès France lên thay (6-1954), chủ trương giải quyết cuộc chiến tranh bằng thương lượng, hứa với Quốc hội và nhân dân Pháp sẽ lập lại hòa bình ở Đông Dương trong vòng một tháng.
Diễn biến của Hội nghị rất phức tạp với sự đấu tranh quyết liệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự dàn xếp của các nước lớn. Trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc đó, theo xu thế chung giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (21-7-1954).
Khi ký bản Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Pháp mới chỉ công nhận tính thống nhất của nước Việt Nam (là “một quốc gia”), nhưng không công nhận nền độc lập. Hội nghị Giơnevơ là lần đầu tiên trong lịch sử, một hội nghị quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tạo cơ sở pháp lý để nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh trong hai thập kỷ tiếp theo để giành độc lập và thống nhất hoàn toàn.
Hội nghị Giơnevơ, với sự có mặt của cả các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, đã giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương, phá vỡ khuôn mẫu hai phe đối lập nhau. Nó có ý nghĩa hiện thực là đem lại một tinh thần, một kinh nghiệm giải quyết những xung đột quốc tế, giải quyết quan hệ giữa các quốc gia dân tộc bằng biện pháp hòa bình. 59 năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được ký kết, đã có những đánh giá khác nhau về nội dung văn bản Hiệp định, nhưng đối với dân tộc Việt Nam, đây chỉ là sự kết thúc một chặng đường trong toàn bộ quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập, tự do.
PGS. TS. VŨ QUANG HIỂN
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội
1, 6. Yves Gras: Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, bản dịch lưu tại Thư viện Quân đội, tr. 610.
2, 5, 7. Archimedes L. A. Patti: Tại sao Việt Nam?, Nxb. Đà Nẵng, 2000, tr. 770, 826, 838.
3. Dẫn theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 188.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 186.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực