Công tác kiểm tra, giám sát với kiểm soát quyền lực trong Đảng

Ngày đăng: 13/11/2019 - 15:11

Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” với vấn đề kiểm soát quyền lực hiện nay đã có những quy định, quy phạm để thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những vấn đề mới, phức tạp cần tiếp tục làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền, nhằm kiểm soát tốt quyền lực, phục vụ sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một số thành tựu và hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát quyền lực Đảng

Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị và xã hội. Trong điều kiện đảng duy nhất cầm quyền, đảng viên là những người nắm giữ nhiều công tác, chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, nên việc kiểm soát quyền lực trong Đảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Điều đó cũng đồng nghĩa, quyền lực trong Đảng nếu không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hiệu quả sẽ dễ phát sinh tiêu cực, dẫn đến tha hóa. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và cảnh báo từ rất sớm. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên báo Cứu quốc ra ngày 12/10/1945, với bút danh Chiến Thắng, Người đã lên án tệ nạn tha hóa quyền lực, nhất là việc lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực: “Thứ nhất, dân ghét các ông chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng”1. Nhận thức rõ điều này, trong các nhiệm kỳ, Đảng ta đều đề ra các giải pháp, biện pháp về kiểm soát quyền lực như: Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay coi kiểm soát quyền lực là một trong những vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài; tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), Đảng ta yêu cầu: “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền”2 và chỉ rõ phải: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”3; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã nhấn mạnh mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ.

Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã đạt được những kết quả quan trọng, có bước đột phá, đóng góp tích cực vào việc kiểm soát quyền lực trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn được giao, nhất là trong phòng, chống lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi, thông qua việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra, giám sát thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gợi ý kiểm điểm và kiểm tra việc khắc phục các tồn tại, yếu kém; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết tố cáo… và xử lý kiên quyết, nghiêm minh một số cán bộ, đảng viên có hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền hạn trong thi hành công vụ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, được đảng viên, Nhân dân đồng thuận cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng còn nhiều hạn chế, bất cập trước yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng. Nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, kiểm tra, xử lý, hoặc xử lý kéo dài, nên kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi chưa nghiêm; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát”4; “Thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ”5 dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cho cá nhân, “nhóm lợi ích”...

Thực tế, sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở nước ta thời gian qua diễn ra dưới nhiều phương thức tinh vi, phức tạp, dùng quyền hạn của mình để tác động không đúng, “ưu ái” đối với các lĩnh vực nhằm trục lợi cho mình và nhóm lợi ích. Hầu hết các sai phạm đều có liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn trong việc quyết định chủ trương, chính sách, cấp phép, cấp vốn, như: những sai phạm xảy ra ở Ban Thường vụ Đảng ủy và một số cá nhân lãnh đạo, quản lý của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn viễn thông Mobifone trong nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015; Ban Cán sự đảng và một số cá nhân Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 và nhiệm kỳ 2016-2021…; tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ, như trường hợp quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ ở Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016; Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Đảng ủy Sở Xây dựng Thanh Hóa nhiệm kỳ 2010-2015… Không chỉ có cán bộ lãnh đạo, quản lý tha hóa quyền lực mà có cả cán bộ tham mưu, giúp việc, trợ lý, thư ký riêng... cũng lợi dụng vị trí công tác được phân công để trục lợi cá nhân, phe nhóm, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, sự tha hóa quyền lực vừa trắng trợn vừa tinh vi, câu kết chặt chẽ “trên - dưới”, “trong - ngoài” bằng “luật ngầm” đã xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều ngành. Thậm chí trong chừng mực, đã xuất hiện tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên gắn với tội phạm có tổ chức.

Điều đáng lưu tâm là hiện nay, sự tha hóa quyền lực đã có nhiều dư luận, nhiều người biết, nhưng để phòng, chống được các biểu hiện này lại không hề dễ dàng, vì sự đan xen trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ gắn với người có chức vụ, có quyền hạn. Mặt khác, việc phát hiện và xử lý các vụ việc có liên quan đến tha hóa quyền lực thường rất khó khăn vì nó gắn với mối quan hệ phức tạp của những người có chức, có quyền. Thực tế, chủ yếu các vụ việc tha hóa quyền lực đều nhằm mục đích trục lợi - tức là tham nhũng, nên nảy sinh sự cấu kết rất chặt chẽ trong quá trình thực hiện hành vi của những người liên quan, bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bất chấp cả đạo lý. Những vụ việc tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý biểu hiện rất đa dạng, tinh vi, theo từng vụ việc và thường “vây quanh” một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế và chế tài kiểm soát quyền lực, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức lợi dụng kẽ hở trong các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trục lợi. Lợi ích càng lớn thì sự tha hóa quyền lực càng mạnh. Luật pháp càng lỏng lẻo, quyền lực càng ít bị kiểm tra, giám sát thì sự tha hóa quyền lực càng công khai, trắng trợn hơn...

Những hạn chế, khuyết điểm trên do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là: “Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở”6, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nhận thức và thực hiện đúng quyền hạn của mình được giao - vượt quyền hoặc ngược lại, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ, “đến nơi đến chốn” quyền hạn được giao trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; một số cán bộ cấp trên chưa kiểm soát được việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn của cấp dưới;...

Những giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong Đảng

Để phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tức là kiểm soát chặt chẽ quyền lực được trao - quyền lực trong Đảng, của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, cụ thể hóa các biểu hiện tha hóa quyền lực đối với từng vị trí, lĩnh vực công tác, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý để biết và thực hiện, tự phòng tránh, không mắc phải sự tha hóa quyền lực dù là nhỏ nhất. Đây là cách tốt nhất để kiểm soát với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Thực tế cho thấy, những biểu hiện tha hóa quyền lực thường gặp của cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực công tác đảng và công tác cán bộ là: giải quyết công việc không đúng nguyên tắc, quy định, thẩm quyền, quy trình, thủ tục; nhận hoặc “gợi ý” tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân khác tài trợ tiền, tài sản để chạy chức, chạy quyền sau đó tạo điều kiện, gây ảnh hưởng tốt cho đối tượng; tác động, yêu cầu tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận vợ (chồng), con, người thân trong gia đình vào làm việc, được nâng lương, đề bạt, bầu, bổ nhiệm trái quy định hoặc không đúng tiêu chuẩn, điều kiện; nhận các giá trị vật chất, tinh thần của tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân khác trái quy định; chỉ đạo cấp dưới thực hiện hoặc không thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để có lợi cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân khác trái nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bao che cho cấp dưới làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, đơn vị; làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn được giao; làm môi giới chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy vốn, chạy giấy phép cho chủ dự án trái quy định, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân, tổ chức đảng; tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, nhận xét, quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước;... Để hạn chế và khắc phục các biểu hiện tha hóa quyền lực, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định này, nhất là trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hai là, thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát. Xây dựng quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân, bảo đảm phải rõ quyền, đủ quyền, đúng quyền và thực quyền. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế phản biện, chất vấn, giải trình để bảo đảm công khai, minh bạch; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc đùn đẩy, né trách, trù dập. Nghiên cứu xây dựng quy định phát huy vai trò, trách nhiệm, quyền của các đại biểu dự đại hội đảng các cấp trong suốt nhiệm kỳ, trước hết là quyền chất vấn, kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy viên do mình bầu ra. Xây dựng các quy định về: Báo cáo công việc liên quan đến công tác cán bộ (tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng...) của cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền các cấp. Hoàn thiện và đổi mới các quy định của Đảng, trước hết cần làm rõ, cụ thể hóa nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng ta.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống mẫu mực, trình độ, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về công tác cán bộ. Khi xem xét về sự tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên đều phải xét từ góc độ hai phía: người có quyền lực và đối tượng chịu sự tác động của quyền lực đó. Trong thực tế, sự tha hóa quyền lực thường xảy ra giữa cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước với cán bộ, đảng viên dưới quyền thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý mà thường qua đó, các bên đều có lợi ích nhất định. Do đó, việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ cấp Trung ương đến cơ sở là vô cùng quan trọng, quyết định tới kết quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương để tạo sự lan tỏa trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị.

Bốn là, đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Đặc biệt, cần quy định hạn chế cấp hàm và cấp phó tối đa của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là cấp phó trong nội bộ các cơ quan đảng. Nếu quá nhiều cấp hàm và cấp phó sẽ khó cho việc kiểm soát quyền lực mà hiệu lực, hiệu quả công tác sẽ không cao. Đồng thời, rà soát và sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong đó cần quy định rõ nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể, của người đứng đầu và từng cấp phó, công chức, viên chức, nhân viên để mọi người thực hiện đúng vị trí công việc, chức danh của mình, nhất là ở những nơi “nhất thể hóa” bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, xã.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong việc kiểm soát quyền lực. Trong đó, cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và cán bộ theo hướng đồng bộ hóa các quy định của Nhà nước theo chủ trương, quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực và triển khai thực hiện nghiêm túc. Thực hiện đồng thời cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ, giám sát từ dưới lên; giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức; giám sát của Nhân dân. Tổ chức tốt việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư tố cáo hành vi tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò của Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong phát hiện dấu hiệu tha hóa quyền lực để tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp đối với việc phòng, chống tha hóa quyền lực, tham nhũng; tập trung thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành kiểm tra Đảng là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm. Xử lý “công minh, chính xác, kịp thời”, “không có vùng cấm, không có vùng trống, không có ngoại lệ” đối với những cán bộ, đảng viên, dù bất kể là ai, giữ cương vị nào, có các hành vi tha hóa quyền lực, tham nhũng.

Sáu là, tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm về phương thức cầm quyền và việc kiểm soát quyền lực với các đảng cầm quyền trên thế giới. Đảng phải chú trọng xây dựng bộ máy tinh gọn, không bao biện, làm thay chính quyền; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy tư tưởng dân chủ chỉ đạo toàn bộ quá trình hoạt động của Đảng; bảo đảm hoạt động và hiệu quả cầm quyền của Đảng phải phản ánh lợi ích căn bản của đông đảo quần chúng nhân dân. Thúc đẩy dân chủ trong các khâu bầu cử, ra quyết sách, quản lý và giám sát. Lấy phát triển dân chủ trong Đảng để dẫn dắt dân chủ trong chính quyền và xã hội. Mỗi quốc gia trên thế giới có thể chế chính trị và điều kiện khác nhau, song chúng ta có thể tham khảo, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm trong kiểm soát quyền lực của đảng cầm quyền của các nước sao cho phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu hướng phát triển của thời đại ngày nay.

Thực hiện tốt một số giải pháp nêu trên sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ việc trao và thực thi quyền lực. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát sẽ ngày càng góp phần tích cực hơn vào kiểm soát quyền lực và phòng, chống sự tha hóa quyền lực trong Đảng.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 51.

2, 3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 40, 47, 195-196, 193.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 26.

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

2. TS. Đặng Đình Tân - TS. Đặng Minh Tuấn (Đồng chủ biên): Thể chế đảng cầm quyền: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012.

Cao Văn Thống

Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Bình luận