Công tác bảo vệ chính trị nội bộ trước thềm đại hội đảng bộ các cấp

Ngày đăng: 17/03/2015 - 10:03

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ (BVCTNB) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy đã quan tâm tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch phá hoại nội bộ ta, tạo nên sự chuyển biến về nhận thức bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ trong thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.

Việc ban hành và thực hiện kịp thời các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã tạo được sự thống nhất cao về quan điểm trong Đảng khi xem xét sử dụng, quản lý những trường hợp cán bộ, đảng viên có vấn đề về lịch sử chính trị. Đã phát hiện, đấu tranh nhận diện và kết luận xử lý được một số trường hợp cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị hiện nay. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ góp phần quan trọng làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước.

Để tăng cường hơn nữa công tác BVCTNB trong tình hình mới, đặc biệt khi chúng ta đang chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, trong đó có việc lựa chọn nhân sự bầu vào cấp ủy, cơ quan lãnh đạo các cấp, cần  chú trọng một số vấn đề sau:

1. Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên về quan điểm, nội dung, phương hướng, nhiệm vụ công tác BVCTNB. Thực hiện tốt công tác rà soát chính trị nội bộ, khâu thẩm định tiêu chuẩn chính trị cán bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý vi phạm. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu, nhất là cấp ủy cơ sở trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh việc giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

2. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu dân chủ, mất dân chủ, lợi dụng dân chủ, bè phái gây mất đoàn kết nội bộ trong bộ máy lãnh đạo các ngành, địa phương. Ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên nói, viết và làm trái Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng, tham ô, tham nhũng, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết. Ngăn chặn kịp thời âm mưu hình thành phe nhóm, tổ chức chính trị đối lập.

3. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên ngay từ cơ sở. Xác định trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về tuyển chọn, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Đồng thời với xem xét vấn đề lịch sử chính trị, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề chính trị hiện nay khi thẩm định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ. Những trường hợp có vấn đề về chính trị hoặc có quan hệ chính trị phức tạp phải được thẩm tra, xác minh và có kết luận của cấp ủy có thẩm quyền. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ.

4. Thực hiện nghiêm trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc quản lý thông tin, tài liệu, giữ gìn bí mật quốc gia. Ngăn chặn việc để lộ, lọt thông tin, tài liệu bí mật quốc gia và các hoạt động thu thập thông tin bí mật của các cơ quan nước ngoài. Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về chế độ bảo mật. Xây dựng danh mục các cơ quan, bộ phận trọng yếu, cơ mật của ngành, địa phương.

Tăng cường đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Lãnh đạo, chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng về tư tưởng chính trị. Tăng cường công tác quản lý đối với các mạng xã hội cá nhân trực tuyến, nhất là các mạng Facebook, Snapchat, Twitter, Microblog... Chủ động thông tin đối ngoại, kịp thời đập tan luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

5. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong BVCTNB. Ngoài 5 cơ quan phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương theo Quyết định số 69-QĐ/TW ngày 25-7-2007 của Ban Bí thư, tùy theo tình hình, đặc điểm của mỗi địa phương có thể đưa thêm một số cơ quan cần thiết vào danh sách các cơ quan phối hợp. Nghiên cứu, xem xét, bổ sung những quy định có tính nguyên tắc trong Quy chế phối hợp cả về nội dung, phương thức phối hợp, đặc biệt là việc cung cấp, trao đổi thông tin, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác BVCTNB ở mỗi cấp, mỗi ngành. Quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ BVCTNB.

6. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng chất lượng cán bộ làm công tác BVCTNB các cấp theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm trong việc theo dõi, quản lý cán bộ, đảng viên, bảo đảm đủ năng lực tham mưu giúp cấp ủy xử lý, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến chính trị nội bộ.

Giải quyết tốt những vấn đề trên, công tác BVCTNB sẽ là một trong những yếu tố quyết định bảo vệ Đảng, chế độ, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng.

TS. Trần Văn Minh

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương

(Theo Tạp chí Xây dựng Đảng)


Bình luận