Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên

Ngày đăng: 16/07/2015 - 08:07

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được xác định là công cụ quan trọng của Đảng trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

1-615ba

Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng. Trong mọi giai đoạn của cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng hết sức quan tâm và có nhiều chủ trương, biện pháp để giữ vững, nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

Hai mươi năm trước, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã ra Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, cảnh báo tình trạng một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi theo con đường khác. Tiếp đó, Đại hội VIII, Đại hội IX và Đại hội X của Đảng nhận định không ít cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất đạo đức và nhấn mạnh tình trạng đó có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn...

Đến Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp,…”(1). Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, không những đã tập trung phân tích làm rõ nguyên nhân của tình trạng đó, mà còn xác định mục tiêu, phương châm, giải pháp để khắc phục.

Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là vấn đề rất khó, vì sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống luôn được che đậy rất khôn khéo dưới nhiều hình thức, lại gắn liền với lợi ích của từng cá nhân, liên quan mật thiết đến tập thể cấp ủy và toàn đơn vị. Hơn nữa, tình trạng dĩ hòa vi quý, biết mà vẫn làm ngơ, tâm lý cho rằng “đấu tranh thì tránh đâu”, lo ngại bị truy chụp là gây mất đoàn kết nội bộ... đã trở thành nếp nghĩ, thủ tiêu tinh thần đấu tranh của một bộ phận cán bộ và đảng viên.

Ở nước ta, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội, nên hầu hết những người có chức, có quyền là đảng viên đều chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên.

Trong các nhiệm kỳ vừa qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực tham gia và đã có đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên bằng việc tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra tài chính đảng; giải quyết đơn thư tố cáo… Qua công tác kiểm tra đã góp phần trực tiếp giải quyết một số vụ, việc nổi cộm.

Năm 2014, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Ðảng, tập trung vào kiểm tra việc khắc phục các hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư trực tiếp làm trưởng đoàn, kiểm tra 18 Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng cơ quan Trung ương về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, trọng tâm là công tác cán bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản công.

Ngoài việc tham gia tích cực các đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng đã phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn trực tiếp kiểm tra ở một số địa phương, lĩnh vực phụ trách. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kịp thời tham mưu, giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy ban hành một số văn bản quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Ðảng, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã coi trọng việc lựa chọn nội dung, lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình để tập trung kiểm tra; công tác thẩm tra, xác minh thận trọng, khách quan, kết luận rõ đúng sai, xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan kiểm tra đảng các cấp vẫn còn có nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra các cấp chưa được tăng cường toàn diện, triệt để; những quyền hạn hiện có khó thực hiện trong thực tế do nhiều đối tượng kiểm tra, giám sát là những cán bộ có chức, có quyền nên công tác kiểm tra, giám sát bị ràng buộc, chi phối bởi đối tượng kiểm tra, giám sát. Việc chỉ đạo đi sâu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cả ở tầm vĩ mô và vi mô để kịp thời đề xuất với Trung ương, các cấp ủy bổ sung, sửa đổi những chính sách, quy định không còn phù hợp và có biện pháp đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng còn thiếu kịp thời, chưa đồng bộ.

Việc phân tích, đánh giá, xác định các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên ở nước ta là vấn đề cần thiết, vừa có giá trị thực tiễn vừa có ý nghĩa lý luận.

Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng

Cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng phải nắm vững đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác xây dựng Đảng; nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa, nội dung các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng, chức trách nhiệm vụ của đảng viên và chấp hành nghiêm chỉnh khi được kiểm tra, giám sát.

Tăng cường công tác phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, trước hết là đối với người đứng đầu về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; trách nhiệm của các tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra, của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phục vụ đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, quy chế, quy trình về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; quy chế phối hợp giữa các tổ chức đảng với các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và tổ chức thực hiện có kết quả.

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản về công tác tổ chức, cán bộ nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác này và có căn cứ, cơ sở thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát.

Ban hành mới các quy chế, quy định: Quy chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; Quy chế về chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng; Quy chế miễn nhiệm, thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất và năng lực, để công việc trì trệ, mất uy tín; Quy chế kiểm tra trong Đảng; Quy định về giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng; Quy chế về trách nhiệm của cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Thanh tra, Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Đấu thầu một cách đồng bộ và thống nhất. Ban hành Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ nhân chứng, Luật Đầu tư công,…

Ba là, đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp và chi bộ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả

Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, phạm vi lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng của các cấp uỷ, các tổ chức đảng và của chi bộ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng của ủy ban kiểm tra các cấp.

Tập trung chỉ đạo kiểm tra, giám sát cấp uỷ viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý, cán bộ tham mưu chiến lược, trước hết là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước ở trung ương và địa phương.

Tập trung vào kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân sách, đầu tư phát triển, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Thông qua kiểm tra, giám sát, đề xuất các cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới và sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra cấp dưới với ủy ban kiểm tra cấp trên trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Thực hiện thường xuyên việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa cấp uỷ, ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng, tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan báo chí về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, giám sát của các cơ quan nhà nước, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là trong việc chủ động cung cấp, trao đổi thông tin tài liệu về dấu hiệu vi phạm, đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên...

Bốn là, đổi mới và hoàn thiện quy trình, phương pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng theo hướng cải cách thủ tục hành chính trong Đảng

Việc đổi mới phải bảo đảm các nguyên tắc, phương pháp công tác đảng; khoa học, công khai, dân chủ, cụ thể, đơn giản hoá thủ tục, dễ thực hiện và được quy chuẩn hoá; hướng tới Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định thực hiện Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; Bộ Chính trị ban hành quy chế giám sát trong Đảng, Quy chế kiểm tra trong Đảng, Quy chế giải quyết tố cáo trong Đảng, Quy định xử lý kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng.

Năm là, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra và tăng cường cán bộ kiểm tra các cấp bảo đảm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao

Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra theo mô hình thống nhất từ trung ương đến cấp quận, huyện và tương đương, bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo hướng: Đổi mới cơ chế bầu ủy ban kiểm tra các cấp hướng tới ủy ban kiểm tra do đại hội Đảng cùng cấp bầu, tăng số lượng và cơ cấu thành viên ủy ban kiểm tra các cấp; tăng thẩm quyền cho ủy ban kiểm tra, tăng vị trí độc lập xem xét, xử lý và kỷ luật đảng viên cho ủy ban kiểm tra các cấp.

Thống nhất về tổ chức bộ máy giữa cơ quan kiểm tra của Đảng và cơ quan thanh tra của Nhà nước theo mô hình "một nhà hai cửa"; trước mắt, chỉ đạo thực hiện thí điểm việc uỷ ban kiểm tra các cấp do đại hội Đảng cùng cấp bầu và sáp nhập cơ quan thanh tra của Nhà nước vào cơ quan kiểm tra của Đảng ở một số tỉnh, thành uỷ và cấp huyện uỷ, sau đó tổng kết, nếu thấy có hiệu lực, hiệu quả thì tiến hành chỉ đạo, tổ chức thực hiện trên diện rộng.

Đổi mới nhiệm vụ, nội dung, phương pháp của công tác kiểm tra, giám sát, trong đó có công tác điều tra hành vi sai phạm của đảng viên, tổ chức đảng.

Tổ chức thành lập Cục Giám sát ở cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, phòng giám sát thuộc cơ quan ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, thành; lập tổ giám sát ở một số bộ, ngành trọng điểm và một số tỉnh, thành uỷ có vị trí chiến lược, quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh để tăng cường khả năng, năng lực giám sát, nắm tình hình kịp thời, chính xác hơn, phục vụ đắc lực cho công tác kiểm tra.

Xây dựng, hoàn thiện các quy định và đổi mới công tác tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, bố trí, luân chuyển, sử dụng, khen thưởng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát.

Sáu là, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

Tập trung đầu tư nghiên cứu cả ở tầm vĩ mô và vi mô, nghiên cứu lý luận, kết hợp với tổng kết thực tiễn để đề xuất bổ sung, phát triển chủ trương, quan điểm, định hướng, phương pháp, kỹ năng, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát.

Coi trọng nghiên cứu, dự báo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu về các chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách để chủ động cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.

Chú trọng nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấp.

Tăng cường nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, công tác phòng, chống tham nhũng với các đảng cộng sản, đảng cầm quyền một số nước trên thế giới.

TS. Trần Duy Hưng

Ủy ban Kiểm tra Trung ương

                                                                             (Theo Tạp chí Cộng sản)

--------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.173.

 

 

Bình luận