Danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều

Ngày đăng: 20/05/2016 - 08:05

picture5 jpgNguyễn Gia Thiều (1941-1798) là một trường hợp độc đáo trong lịch sử Việt Nam: một danh nhân văn hóa, một con người xuất thân từ tầng lớp quý tộc, ưu thời mẫn thé, mà vẫn biết thương xót đến tận cùng những thân phận nhỏ bé... Tài băng trên nhiều mặt khiến người đời sau nể vì cũng lớn không kém những mâu thuẫn và hoang mang trong xuất xử hành tàng của ông.

Phong trần đến cả sơn khê

Nguyễn Gia Thiều ở làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình có nhiều người làm quan, làm tướng, giữ những vị trí quan trọng và đóng góp nhiều công lao cho đất nước. Ông sinh ra và lớn lên vào cuối thời vua Lê chúa Trịnh, nhiều biến động, loạn lạc. Ông nội và cha Nguyễn Gia Thiều đều là võ quan, gia đình bên ngoại cũng thuộc dòng dõi nhà chúa, bởi thế ngay từ khi còn nhỏ, ông không chỉ được sống trong nhung lụa mà còn được thừa hưởng những khí phách và phẩm chất của dòng tộc.

Dù là một vị quan võ (giữ chức Hiệu úy, quản Trung mã tả đội khi mới 18 tuổi) nhưng Nguyễn Gia Thiều vẫn không dứt những đam mê với văn chương nghệ thuật. Ông thường hay bỏ việc quân về nhà riêng cùng bạn bè đàm đạo nhân sinh thế thái và văn học. Có nhiều cứ liệu cho rằng, khi chúa Trịnh không còn tin dùng, Nguyễn Gia Thiều lựa chọn con đường lui với nhiều chán nản và hoang mang. Khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc, đánh thắng quân Thanh, Nguyễn Gia Thiều cáo bệnh từ chối lời mời ra hợp tác với triều Tây Sơn. Lui về quê cũ, sống vui cảnh điền viên lặng lẽ, sáng tác và thanh thản với những thú vui tao nhã mà ông luôn ấp ủ, canh cánh khi còn đương nhiệm.

Những sáng tác của Nguyễn Gia Thiều cho thấy một khả năng nổi trội của ông trong việc nhìn ra quy luật cuộc sống qua những hình mẫu điển hình. Nói một trường hợp mà soi ra toàn thể, viết về một cá nhân mà như viết cho rất nhiều số phận. Cuộc thanh trừng lẫn nhau trong triều đình, sự hy sinh của binh sĩ, sự đói kém của bách tính,… mảnh đất Thăng Long là bối cảnh đủ sức khái quát một xã hội loạn lạc, ly tán và bi thương. Qua những tác phẩm của ông mới thấm thía, phận người mỏng manh nhường nào, và cái hư vô trong cõi nhân gian được khai thác thấm đẫm màu sắc triết học.

Trí tuệ, tài năng của ông được thể hiện qua nhiều tác phẩm, sản phẩm ở các lĩnh vực khác nhau như: bức tranh Tống sơn đồ; bản nhạc Sơn trung âm và Sở từ điệu; vai trò và phong cách về kiến trúc trong các công trình xây dựng phủ chúa và tháp chùa Thiên Tích,… Nhưng dấu ấn đặc biệt nhất của Nguyễn Gia Thiều chính là ở sự gặp gỡ của hai loại hình nghệ thuật là văn chương và triết học. Nếu như giai đoạn trước Nguyễn Gia Thiều, thơ ca và triết học còn có tách biệt thì đến những sáng tác của ông, ngôn ngữ văn chương và tư tưởng triết học đã hòa nhập thành một thực thể khó phân tách. Những tư tưởng sâu sắc được lồng vào cảm xúc, triết và thơ chuyển hóa cho nhau, dung hòa vào nhau. Tư tưởng của văn chương Nguyễn Gia Thiều là một trong những sản phẩm tiêu biểu của tư tưởng trí thức thời loạn lạc. Triết học của Nguyễn Gia Thiều quan trọng nhất là bắt nguồn từ những khổ đau để đi đến một nhận thức đầy khó khăn về tính chất hư vô của cuộc đời:

Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!

(Cung oán ngâm khúc)

Dù thấu hiểu và tâm niệm “cát bụi trở về với cát bụi” nhưng trong thâm tâm, ông vẫn xót xa trước thời cuộc, trước số phận con người và thậm chí là cả vận mệnh dân tộc. Đấy là cái đáng quý và cũng là mâu thuẫn đáng tiếc trong tư tưởng và hành động của Nguyễn Gia Thiều. Sau này, thơ Việt Nam hiện đại cũng có Chế Lan Viên - người hoàn thành xuất sắc việc chuyển hóa triết học vào thơ ca qua những trang viết xuất thần trong Di cảo thơ với nhiều mâu thuẫn của một con người dù ý thức đầy đủ về thời gian hữu hạn nhưng vẫn không thôi xót xa:

Anh không ở lại yêu hoa mãi được

Thiêu xác xong anh về nơi ấy cũng đầy hoa

Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó…

(Từ thế chi ca)

Gia tộc Nguyễn Gia Thiều với khí chất thượng võ nhưng đã dung dưỡng, hun đúc được một tài năng không chỉ trong lĩnh vực văn chương mà còn ở nhiều bộ môn nghệ thuật khác. Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã làu kinh sử, thông kim bác cổ và có hiểu biết sâu rộng cả văn chương và triết học. Những sáng tác chữ Hán đến hàng nghìn tác phẩm cùng kiệt tác Cung oán ngâm khúc đã ghi danh ông là một trong những thi hào kiệt xuất của thời trung đại. Bên cạnh đó, ở những lĩnh vực như âm nhạc, kiến trúc, trang trí, ông đều để lại những dấu ấn riêng. Một tài năng đa dạng như vậy thuộc vào diện hiếm có của lịch sử nước nhà. Nhưng đi cùng với những độc đáo có một không hai ấy lại là cuộc sống với nhiều khúc đoạn thăng trầm, hệt như thời đại ông sống.

Vì đâu nên nỗi dở dang

Địa vị cao quý, cuộc sống nhung lụa, giữ trọng trách trong triều đình, được chúa Trịnh tin cẩn,… nhưng dường như tất cả những điều đó chưa đủ để tạo nên một cuộc sống thỏa mãn với Nguyễn Gia Thiều. Cái tôi, cái tâm của con người ông dường như muốn bứt khỏi những khuôn thước định sẵn, để phản kháng, chống chọi lại sự sắp đặt của thời cuộc và số phận. Nhân cách và hành xử của Nguyễn Gia Thiều là một trường hợp đặc biệt đáng nghiên cứu làm rõ, đánh giá cho đúng trong lịch sử Việt Nam khi một vị trọng quan lại bày tỏ không chỉ nỗi thương xót mà còn có cả niềm đồng cảm, đồng điệu như tri âm với những thân phận hèn mọn. Người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc như một tấm gương cho ông soi vào để nhìn ra những đau khổ, bi kịch của con người, cũng là của chính bản thân ông. Bởi thế, tiếng khóc cho người cung nữ trong tác phẩm được gọi là “tiếng khóc nhân loại”.

Cái bế tắc và ưu thời mẫn thế của Nguyễn Gia Thiều cũng chính là của lớp nhà Nho thời đại ông - cô đơn, mệt mỏi và hoang mang. Soi thân phận mình trong những kẻ đồng cảnh ngộ. Triết lý sống của ông cũng là một xu hướng lựa chọn của kẻ sĩ có nhân cách lúc bấy giờ. Việc ông cáo bệnh từ quan thể hiện nỗi sầu về nhân thế và cái nhìn bi quan về thời cuộc. Nguyễn Gia Thiều từ bỏ cuộc sống giàu sang, quyền chức, muốn thoát khỏi đời sống vật chất đầy đủ để tìm niềm vui nơi những giá trị tinh thần tốt đẹp. Thời đại ông sống, đạo Phật đã hưng thịnh trở lại. Nguyễn Gia Thiều đến với đạo Phật cũng bởi triết lý an nhiên tự tại, gần gũi với những suy ngẫm của ông khi ấy. Tuy thế, khối mâu thuẫn trong ông nhiều lúc vẫn cho thấy sự bế tắc không gì giải thoát nổi. Không ít lần ông bộc lộ điều đó qua những sáng tác rút từ gan ruột:

- Cái quay búng sẵn trên trời

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm 

- Nghĩ thân phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê.

(Cung oán ngâm khúc)

Thế kỷ XVIII là thời kỳ tao loạn, nhiều kẻ sĩ loay hoay tìm cho mình một con đường dứt khoát. Theo GS. Vũ Khiêu, giai đoạn này như một bức tranh vân cẩu với các hình mẫu cực kỳ phong phú về số phận con người. ở đó chứng kiến những tan rã của một thời kỳ rực rỡ, sự phân tách đất nước thành hai, vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Chế độ phong kiến Việt Nam bước vào thời kỳ khủng hoảng, suy vong trầm trọng, bộc lộ trên nhiều phương diện: kinh tế bị kìm hãm, chính trị hỗn loạn, tư tưởng bị cấm đoán… và đặc biệt là sự nổi dậy của các cuộc khởi nghĩa nông dân trên khắp đất nước. Trong đó, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đánh đổ ba tập đoàn phong kiến thống trị trong nước, đánh tan hơn hai mươi vạn quân Thanh xâm lược, lập nên một vương triều phong kiến mới với nhiều chính sách tiến bộ. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động, cuối cùng xã hội Việt Nam vẫn lâm vào tình trạng bế tắc, không lối thoát. Ở vào thời kỳ đó, nhiều trí thức bị khủng hoảng về mặt lý tưởng. Họ không tìm ra hướng đi, hoang mang trước thời cuộc. Sự bế tắc ấy như Nguyễn Du đúc kết:

Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên

Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên

Xuân lan thu cúc thành hư sự

Hạ thử, đông hàn đoạt thiếu niên.  

(Tạp thi)

Tất cả những điều kiện thuận lợi đến từ cuộc sống xa hoa, quyền lực, vinh quang không khiến lối ứng xử của Nguyễn Gia Thiều nương theo. Trái lại, những kháng cự của ông trong hành trình sống đã khiến ông có được cái nhìn đa diện, đầy đủ và tinh tế về cuộc sống. Từ má đào của người cung nữ, ông nhìn ra phận bạc của kiếp người:

        Oán chi những khách tiêu phòng

Mà xui phận bạc nằm trong má đào.

356 câu thơ Nôm theo thể song thất lục bát của Cung oán ngâm khúc có thể xem như tiếng nói đanh thép mà đầy oán hờn của người cung nữ tố cáo chế độ phong kiến đương thời đã đẩy những con người có phẩm giá cao quý vào chốn tù túng, bế tắc, đọa đày. Kiệt tác này đã đóng góp phần lớn để nâng vị thế của Nguyễn Gia Thiều lên thành một tác gia độc đáo của văn học thời trung đại ViệtNam. Tuy nhiên, đến nay trong giới nghiên cứu vẫn còn nhiều tranh cãi, không đồng nhất quan điểm đối với việc đánh giá vai trò của ông.

Soi chiếu những trước tác của ông, những lĩnh vực đạt nhiều thành tựu với bối cảnh lịch sử sẽ hiểu phần nào về nhân cách và tài năng Nguyễn Gia Thiều.

Duyên đã may cớ sao lại rủi

Nghĩ nguồn cơn dở dói sao đang

Vì đâu nên nỗi dở dang

Nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình.

Sự phản kháng của tâm trạng, của tư tưởng mà chưa dứt khoát thành hành động đem đến cho Nguyễn Gia Thiều nhiều bế tắc. Hạn chế này của ông cũng là hình mẫu chung của thời kỳ bão táp sôi động mà không kém những loạn lạc, bi thương trong lịch sử nước nhà.

Trường hợp Nguyễn Gia Thiều hiếm, lạ và độc đáo không chỉ ở thế kỷ XVIII mà còn trong cả lịch sử Việt Nam - cuộc đời sóng gió, tước vị cao, tài năng hội tụ nhưng lại chán chường không lối thoát… Bài thơ Tạ bạn cũ là tác phẩm cuối cùng, cũng là lời tự bạch và tổng kết của ông đối với những phong trần, sóng gió mà ông đã trải nghiệm trong cả cuộc đời:

Mở mắt ra nhìn nước thánh minh,

Xét tài chẳng dám lạm công danh.

Ngửa thân cứ trực trong thời mệnh,

Ẩn tích hằng pha chốn thị thành.

Miệng thấy khói ra câu nọ khí,

Dạ nghe gặn dưới chén kia tình.

Ấy đang vinh buổi anh em thế,

Vì nỗi đa niên liễu phải cành.

Bài thơ này viết năm 1797, khi Nguyễn Gia Thiều được Tây Sơn cho về nhà, là tác phẩm cuối cùng, là lời tự bạch, là bản tổng kết cả cuộc đời tác giả. Bài thơ được chép trong “Gia phả họ Nguyễn Gia” (Liễu Ngạn, Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh).

TS. Trần Văn Trọng 

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam




Bình luận