Để Luật Quy hoạch nhanh chóng đi vào đời sống

Ngày đăng: 14/05/2019 - 18:05

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Đây là một trong những nghị định được mong chờ, bởi Luật Quy hoạch đã có hiệu lực nhưng sự chậm trễ trong việc xây dựng các văn bản liên quan đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hàng loạt công trình, dự án, tác động lớn đến công tác lập quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2030. Hiện có 368 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng mắc quy hoạch, chủ yếu là các dự án điện; khoảng 39 quy hoạch ngành quốc gia và 63 quy hoạch tỉnh chưa triển khai; 25 quy hoạch ngành và vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành.

Quy định của Luật Quy hoạch khác rất nhiều so với công tác quy hoạch đã làm từ trước đến nay. Nếu như trước đây, chúng ta lập quy hoạch đến từng ngành, từng sản phẩm, dễ tạo ra sự chia cắt, gây xung đột ngày càng lớn về sử dụng không gian giữa các ngành thì Luật Quy hoạch đã khắc phục bằng cách loại bỏ các quy hoạch lĩnh vực, sản phẩm... để tích hợp trong một quy hoạch tổng thể các cấp, thông qua quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh... Theo đó, rất nhiều quy hoạch sẽ được loại bỏ như các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ,... để chuyển sang thực hiện quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn một cách công khai, minh bạch. Bằng quy hoạch được lập theo phương pháp mới, Nhà nước sẽ kiến tạo sự phát triển trên cơ sở tôn trọng quy luật kinh tế thị trường và phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường. Điều này tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, Luật Quy hoạch còn có ý nghĩa lớn trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo ra “điểm hẫng” trong thực hiện chuyển tiếp đối với các quy hoạch thuộc danh mục được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Có 52 luật, pháp lệnh liên quan đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Quy hoạch. Khi pháp luật chuyên ngành hết hiệu lực từ ngày 1-1-2019, nhiều quy hoạch ngành quốc gia phải chuyển sang thực hiện theo Luật Quy hoạch, nhưng lại chưa có nghị định hướng dẫn chi tiết cho nên những quy hoạch đang thực hiện dang dở rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi không biết có được tích hợp hay không; thủ tục trình duyệt ra sao, quy hoạch đã được phê duyệt có được bổ sung hay không,...

Việc Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 7-5-2019 vừa qua sẽ góp phần giải quyết những ách tắc, đình trệ của hàng trăm dự án, công trình cũng như gỡ vướng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, để đưa Luật Quy hoạch nhanh chóng đi vào cuộc sống, rất cần các bộ, ngành liên quan kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật bởi việc lập quy hoạch và cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch là vấn đề mới, có phạm vi rộng, liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Từ đó mới bảo đảm Luật Quy hoạch có thể đi vào cuộc sống, thật sự tạo ra sự thay đổi về tư duy quản lý nhà nước để phát huy những giá trị của luật đúng như kỳ vọng.

BT: Kiều Trang

Theo Nhân dân điện tử

Bình luận