Đối thoại với tác giả ''Viết và đối thoại''

Ngày đăng: 20/06/2019 - 14:06

''Viết và đối thoại'' có thể xem là nhật ký bằng các tác phẩm báo chí về cuộc đời làm báo nhiều sóng gió thăng trầm của tôi' - Nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết trong bài trả lời phỏng vấn.

Đúng 6 năm, cũng tại quán cà phê dưới chân Cột cờ Hà Nội, tôi lại có dịp ngồi với ông trong cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình. Cuộc gặp trước là lần tiếp xúc, trả lời phỏng vấn báo chí đầu tiên của ông sau hơn một thập kỷ kể từ sau "tai họa nghề nghiệp" với bao hệ lụy. Bài "Gặp gỡ Tháng Tư" đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam số kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2013). Cuộc gặp lần này là cuộc đối thoại với ông, tác giả cuốn "Viết và Đối thoại " khá đồ sộ dầy gần 900 trang, khổ sách 16x24cm với trên 100 tác phẩm chọn lọc, gồm nhiều thể loại, cả báo chí và văn học do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành nhân dịp 94 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019).

Bìa cuốn sách Viết và Đối thoại

*Đầu tiên xin được bầy tỏ sự ngưỡng mộ trước sức lao động không mệt mỏi trên "cánh đồng chữ nghĩa" như lời tự bạch của ông. Ông có thể nói đôi lời về các tác phẩm đã ra mắt bạn đọc thời gian qua?

5 năm qua, kể từ 2014, tôi có 4 tác phẩm ra mắt bạn đọc đều do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, gồm: "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", "Lời tựa một tình yêu", "Thời tôi sống", "Viết và Đối thoại", trong đó "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN 2015, được tái bản lần thứ 4 và được dịch sang tiếng Anh giới thiệu với bạn đọc thế giới, được dịch sang tiếng Lào và trở thành sách của Nhà nước Việt Nam trao tặng nước bạn Lào.

*Vậy cuốn "Viết và Đối thoại" vừa ra đời đã nảy sinh trong ông như thế nào?

- Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, tôi chợt thấy chặng đường phía trước không còn nhiều. Vì vậy tôi nghĩ đã đến lúc cần nhìn lại những năm tháng làm báo viết văn của mình. Đó là căn nguyên ra đời hai tác phẩm gần đây nhất của tôi là "Thời tôi sống" cùng "Viết và Đối thoại". Nếu "Thời tôi sống" là những trang nhật ký văn chương gần như tự truyện về những năm tháng chiến tranh đã đi qua cuộc đời tôi, thì "Viết và Đối thoại" có thể xem là nhật ký bằng các tác phẩm báo chí về cuộc đời làm báo nhiều sóng gió thăng trầm của tôi. Là phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam, ngay từ khi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1965, tôi may mắn có mặt tại nhiều điểm nóng của cuộc sống và sự kiện lớn của đất nước.

Những tác phẩm trong "Viết và Đối thoại", với tôi là lát cắt những khoảnh khắc cuộc sống đọng lại trong cuộc đời làm báo của tôi từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, ngày hòa bình đầu tiên, những năm dài vật lộn với khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp bị bao vây cấm vận, đến những năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập. Thực chất thì những tác phẩm báo chí thường chỉ có sức hấp dẫn và thu hút bạn đọc ở ngay thời điểm nó xuất hiện, thời gian càng lùi xa nó càng chìm vào quên lãng và không mấy ai nhớ tới. Tôi chọn in trong cuốn sách "Viết và Đối thoại" những bài báo còn lưu lại được trong tôi về những sự kiện, sự việc, cảnh ngộ con người đã trải qua một thời, còn với độc giả, nó có gợi nhớ được điều gì không thì lại là một câu chuyện khác.

Nhà báo Trần Mai Hạnh (bên trái) trả lời phỏng vấn

*Không chỉ có tác phẩm báo chí, mà còn có các phát biểu, tham luận, đối thoại với báo chí của ông, và lại thêm Phụ lục "Tác phẩm và Dư luận". Phải chăng ông chủ tâm xây dựng một "không gian 4 chiều" trong "Viết và Đối thoại"?

- Đúng là trong tham luận "Về một cách nhìn lịch sử trong tiểu thuyết đương đại" trình bầy tại Hội thảo "Đổi mới tư duy tiểu thuyết" theo lời mời của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 28/2/2018 tại Hà Nội tôi có nêu lên "không gian 4 chiều" mà tôi xây dựng nhằm cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn khác nhau khi tiếp cận, đánh giá các sự kiện, biến cố lịch sử mà tôi phục dựng trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75". Nhưng trong "Viết và Đối thoại" thì không. Tôi không có dụng ý đó. Bản thảo của tôi khi nộp nhà xuất bản chỉ có hai phần, gồm: Phần một :Báo chí; Phần hai: Phát biểu – Tham luận – Đối thoại. Tuy nhiên, nhà xuất bản thấy cần thiết nên đã lựa chọn những bài phân tích, đánh giá của các nhà phê bình, nhà văn, nhà báo về bộ ba tác phẩm "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75". "Lời tựa một tình yêu", "Thời tôi sống" cũng đều do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành thành Phụ lục "Tác phẩm và Dư luận", nên có thể có chuyện "Không gian 4 chiều" trong "Viết và Đối thoại như anh nhận xét chăng?

*Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người có nhận xét đó. Bởi vì 4 chiều không gian trong "Viết và đối thoại" khá rõ:

-Chiều thứ nhất chính là từ các tác phẩm của ông

-Chiều thứ hai là từ sự vận động của hiện thực mà ông phản ánh trong tác phẩm đó, sự kiểm nghiệm nó trong dòng chảy của thời gian

- Chiều thứ ba là từ những phát biểu, tham luận và các cuộc đối thoại với báo chí của ông

-Chiều thứ tư là từ sự nhìn nhận, đánh giá của dư luận đối với tác phẩm của ông

- Tôi xin một lần nữa cám ơn sự nhận xét của anh.

*Nhân đây xin hỏi, có rất nhiều cuộc đối thoại, trả lời phỏng vấn của ông trên báo chí, phát thanh, truyền hình thời gian qua. Vậy cuộc trả lời phỏng vấn nào ông nhớ nhất?

- Đúng là có nhiều cuộc đối thoại, trả lời phỏng vấn báo chí thời gian qua (tôi không nhớ hết được). Nhưng có hai cuộc phỏng vấn mà tôi đặc biệt quan tâm. Với trong nước là cuộc phỏng vấn "Gặp gỡ Tháng Tư" đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam 6 năm trước mà anh thực hiện khi đó với tư cách là Tổng Biên tập Báo. Với phóng viên nước ngoài, đó là cuộc phỏng vấn của Đài Phát thanh-Truyền hình BBC ngay sau Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Chiến thắng 30/4/1975 và ra mắt Phiên bản tiếng Anh cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức sáng 27/4/2017.

*Bài phỏng vấn "Gặp gỡ Tháng Tư" quả là có rất nhiều kỷ niệm với cả tôi và ông, có những điều đến hôm nay cũng chưa thể kể ra hết được. Nhưng xin ông hãy nói đôi lời về cuộc trả lời phỏng vấn của ông trên BBC.

- Trưa ngày 27/4/2017, ngay sau Lễ ra mắt Phiên bản tiếng Anh cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", tôi nhận được điện thoại của phóng viên BBC từ Luân Đôn đề nghị một cuộc phỏng vấn trực tiếp với tôi. Tôi có nêu yêu cầu nếu phỏng vấn thì phải đăng đầy đủ ý kiến của tôi, không được cắt xén; những ý kiến phản bác, tranh luận (nếu có) phải đăng riêng biệt không chen và lồng ghép vào ý kiến của tôi. BBC chấp thuận. Toàn văn cuộc phỏng vấn được đăng trên BBC tiếng Việt ngày 28/4/2017. Nhiều báo điện tử và trang mạng đã đăng lại bài trả lời phỏng vấn trên BBC của tôi. Một vài câu hỏi của BBC trong cuộc phỏng vấn này:

-Vì sao chiến tranh chấm dứt đã trên 40 năm mà hòa giải hòa hợp dân tộc ở Việt Nam vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn?

-Vậy cơ sở cũng như điều kiện tiên quyết của hòa hợp hòa giải dân tộc, theo ông là gì?

-Nhiều ý kiến nói tất cả các bên tham chiến đều thua trong cuộc chiến tranh Việt Nam? Ý kiến của ông thế nào?

-Nếu có những ý kiến phản bác nội dung cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của ông, ông có sẵn lòng tranh luận trực tiếp không?

Nội dung phỏng vấn của BBC được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và tôi chọn in nguyên văn trong cuốn "Viết và Đối thoại" (Bài: Kỷ niệm 30-4-1975:"Hòa giải phải trên cơ sở của sự thật" trang 628).

*Cuốn "Viết và Đối thoại" có Phụ lục in 27 bức ảnh ở cuối sách. Vậy xin hỏi, Phụ lục ảnh đóng góp như thế nào vào nội dung cuốn sách?

- Những bức ảnh đó không chỉ minh họa mà còn đóng góp không cần tranh cãi vào những sự kiện, sự việc đáng quan tâm mà các tác phẩm được chọn in trong "Viết và Đối thoại" đề cập tới.

*Phần Phát biểu - Tham luận – Đối thoại ông chọn in trong "Viết và Đối thoại" có bài rất dài, cặn kẽ, công phu, lập luận chặt chẽ như bài của Kiểm sát viên giữ quyền công tố và của Luật sư trước tòa (ví như bài phát biểu "Còn hơn cả sự im lặng đáng sợ" của ông trong cuộc đối chất với Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Hà Trọng Hòa năm 1987), nhưng có bài chỉ mấy trăm chữ như Phát biểu khai mạc Chương trình chiêu đãi nghệ thuật "Những bài ca đi cùng năm tháng". Vậy xin hỏi, tiêu chí của ông khi chọn đăng các bài phát biểu là gì?

- Đó phải là những phát biểu mà tôi tâm đắc, gắn với một sự việc, một hoạt động thực sự có ý nghĩa, mang được những thông tin giá trị. Tất nhiên, đó là theo suy nghĩ chủ quan của tôi thôi, còn nó có được như thế hay không lại là một câu chuyện khác.

*Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Những bài ca đi cùng năm tháng" được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong thời khắc tạm biệt thế kỷ 20 để bước sang thế kỷ 21, được phát thanh, truyền hình trực tiếp rất hoành tráng, xúc động. Tôi có dự đêm công diễn đó. Trong giờ giải lao giữa đêm diến, tôi thấy nhiều phóng viên tới phỏng vấn ông trong lúc ông đang chuyện trò thân tình với nghệ sĩ Tô Lan Phương và ca sĩ Ngọc Tân

- Cảm nhận của anh cũng chính là lý do tôi chọn in bài phát biểu khai mạc Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Những bài ca đi cùng năm tháng" trong "Viết và Đối thoại". Buổi tối khai mạc, cả anh Ngọc Tân và chị Tô Lan Phương tìm gặp cảm ơn tôi. Chị Tô Lan Phương nói rất bất ngờ khi đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, tiếng hát không còn như xưa mà vẫn được mời biểu diễn tại một đêm nghệ thuật đặc biệt và trang trọng đến thế tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi nói với chị Tô Lan Phương: "Chị đã từng đi B, với tiếng hát của mình đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Nam Bộ. Đại đội Quân Giải phóng thuộc Sư đoàn 9 anh hùng trước lúc lên đường tiến vào Sài Gòn Tết Mậu Thân - 1968 đã lấy tên chị đặt cho đơn vị mình là "Đại đội Tô Lan Phương". Vì vậy, Đài Tiếng nói Việt Nam vui mừng và cảm ơn chị đã nhận lời tham gia Chương trình nghệ thuật ý nghĩa này". Còn anh Ngọc Tân xúc động nói với tôi, sau khi vượt biên không thành, vợ con chết ngoài biển, bị kỷ luật ra khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam anh nghĩ không bao giờ có dịp quay về Đài, nói gì tới việc được mời, được cất tiếng hát trong một chương trình nghệ thuật lớn và trang trọng tới mức này"... "Những bài ca đi cùng năm tháng", tên tôi đặt cho chương trình nghệ thuật đặc biệt từ gần 20 năm trước, sau đó đã trở thành tên gọi chính thức cho một chương trình ca nhạc rất được yêu thích và đón nghe hàng tuần trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh

*Thay mặt các nhà văn được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại Lễ trao giải thưởng, ông có nói: " Thế sự thăng trầm, nhân tình thế thái đổi thay rồi cũng qua đi, chỉ ngôi đền văn chương – nơi trú ngụ và gửi gắm tâm hồn của thân phận con người là còn lại mãi". Ông từng gần 10 năm làm Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng trong chặng cuối cuộc đời ông lại tìm đến, nói đến sự trú ngụ ở ngôi đền văn chương?

- Với tôi, sự yên bình dễ tìm thấy trong sáng tạo văn chương hơn là trong hoạt động báo chí. Do vậy, nỗi niềm thân phận con người muốn gửi gắm cũng phải cậy nhờ đến ngôi đền văn chương thôi. Mặc dầu vậy, tôi vẫn rất yêu nghề báo, rất biết ơn sự cảm thông và ủng hộ của báo chí đối với mình.

*Đài Tiếng nói Việt Nam giữ vị trí thế nào trong đời làm báo và trong đời sống tinh thần của ông?

- TTXVN nuôi dưỡng tôi trưởng thành từ những tháng năm làm phóng viên chiến tranh trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc. Đài Tiếng nói Việt Nam sâu nặng nghĩa tình giữ một vị trí hết sức quan trọng trong cuộc đời làm báo, viết văn và trong đời sống tâm hồn tôi.

*Hơn 70 tuổi mà ông vẫn mải miết viết, vẫn hoạt động báo chí với cương vị Phó Tổng Biên tập Tạp chí Phương Đông - cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông mới ra mắt dịp Xuân Kỷ Hợi 2019. Tôi hình dung ông như người lữ hành không biết mỏi. Xin hỏi, hành trình nào với ông là gian nan nhất?

- Không phải là không biết mỏi. Tôi cũng mỏi mệt từ lâu rồi anh ạ. Nhưng phải gắng gượng thôi, nếu không cuộc sống sẽ đào thải mình. Với tôi, hành trình gian nan nhất chính là hành trình lấy lại danh dự của con người.

- Đọc nhiều bài viết của ông, trên nhiều lĩnh vực, tôi rất xúc động, nhất là hai bài "Day dứt chuyện Nông trường sông Hậu" và "Cảm động một dòng chảy thông tin" viết về vụ án bà Trần Thị ngọc Sương (bà Ba Sương). Tôi rất thích câu kết ông viết, không chỉ dừng ở lời nhắn gửi tới hương hồn ông Năm Hoằng - Anh hùng lao động, thân sinh ra bà Ba Sương:"Không phải quan chức nào cuối đời cũng mua được vé tầu khứ hồi để trở về với dân như con gái ông đâu!". Hoặc nhận xét của ông trong bài báo ngắn " Nghệ sĩ và xe ôm": "Con chim sơn ca khi nhặt hạt dẻ chỉ là một con chim bình thường, nhưng khi cất tiếng hót nó là nghệ sĩ. Thế nhưng, không có hạt dẻ thì chim sơn ca cũng không lấy sức đâu ra mà hót"'

*Xin cám ơn những nhận xét của anh.

*Quả là cuộc đời làm báo sóng gió thăng trầm của ông có không ít những nổi niềm. Phải chăng vì thế, những bài viết của ông, kể cả trong lĩnh vực thể thao như bình luận bóng đá cũng chứa đựng những nỗi niềm gây nên sự day dứt, cảm thông nơi người đọc. Vậy điều ông chiêm nghiệm về cuộc đời lúc này là gì?

- Với tôi, cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước. Không ai gặp toàn những điều may mắn. Con người rốt cuộc phải vươn lên trong cuộc đời này giữa tổng hòa những điều may mắn và không may mắn, kể cả những oan trái, tai họa để cất bước… Cái gì cũng có giá của nó cả.

* Trong "Viết và Đối thoại" có duy nhất một bài chưa đăng báo nhưng được đưa vào cuốn sách. Đó là bài "Đảng trong trái tim nhà báo chiến trường Trần Mai Hạnh". Ông có thể nói đôi lời về trường hợp cá biệt này?

Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019 và chào mừng kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 – 3/2/2019), thực hiện kế hoạch của tòa soạn, phóng viên Báo Nhà báo và Công của Hội Nhà báo Việt Nam có gặp gỡ tôi để viết bài "Đảng trong trái tim nhà báo chiến trường Trần Mai Hạnh". Bài báo hoàn thành đúng lúc bản thảo cuốn "Viết và Đối thoại " của tôi được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chấp thuận xuất bản. Vì vậy, được sự đồng ý của tác giả, tôi đã giữ bản thảo này lại để công bố cùng bài "Thời gian như không lùi xa" ghi lại cuộc phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) của phóng viên Tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đối với tôi và em ruột tôi là Trần Mai Hưởng, cùng là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã, cùng được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng may mắn được chứng kiến viết bài tường thuật và chụp những bức ảnh đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc lập mà sau này một người trở thành Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, một người trở thành Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Tôi chọn đăng hai bài báo này trong "Viết và Đối thoại" là để thưa với bạn đọc rằng, chính niềm tin với lý tưởng cao đẹp đã giúp tôi đứng vững trước những thử thách của cuộc sống và trò đùa của số phận để có được những thành công trong cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm và không ít nỗi niềm của mình.

*Trong Lời tác giả cuốn "Viết và Đối thoại" ông có bầy tỏ mong muốn cuốn tự truyện "Sống đến bình minh" và cuốn hồi ký "Đi qua cái chết" của ông sớm ra mắt bạn đọc. Xin ông nói đôi lời về hai cuốn sách mà tôi nghĩ không ít độc giả chờ đợi này.

- Cả hai cuốn sách trên tôi viết đã lâu, và nay đều đã cơ bản hoàn thành. Tôi sẽ sớm nộp bản thảo và mong muốn được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chấp thuận xuất bản. Nhưng tôi thiết nghĩ không nên nói trước điều gì về các tác phẩm còn ở thì tương lai của mình. Hãy để nó ra đời và chịu sự phán xét công bằng và sòng phẳng của bạn đọc.

*Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi thân tình nhân dịp cuốn "Viết và Đối thoại" của ông ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019).

Theo Báo mới

Bình luận