Du lịch làng chè - Hướng phát triển du lịch xanh của Thái Nguyên

Ngày đăng: 20/10/2015 - 08:10

Việc kết hợp phát triển hoạt động sản xuất, chế biến chè với phát triển mô hình du lịch làng chè đang mang lại "lợi ích kép" cho sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa của mỗi vùng chè trên đất Thái Nguyên. Ngoài mục đích phát triển kinh tế địa phương, mô hình du lịch làng chè đang dần phù hợp và đáp ứng nhu cầu du lịch xanh, du lịch sinh thái của du khách; góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Thái Nguyên.

du lich doi che

Một trong những nội dung quan trọng của tăng trưởng xanh là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. “Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại… duy trì lối sống hòa mình với thiên nhiên”.

Trong xu hướng du lịch hiện nay, du khách, đặc biệt du khách nước ngoài rất ưa chuộng loại hình du lịch bền vững, hòa mình với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống dân dã mà không làm biến đổi môi trường tự nhiên. Trong số đó, du lịch xanh đang là một trong những lựa chọn hàng đầu. Cách thức phát triển của loại hình du lịch này là triển khai những hoạt động du lịch khai thác cảnh quan thiên nhiên, khai thác cuộc sống của người dân bản địa mà không gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và văn hóa địa phương, qua đó góp phần giáo dục thêm môi trường cho khách du lịch. Là địa phương có tiềm năng du lịch khá mạnh, Thái Nguyên đang định ra hướng đi mới cho du lịch xanh, đó là phát triển du lịch đồi chè, khai thác các làng sản xuất chè truyền thống nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời phát triển sinh kế cho người dân trồng chè.

Du lịch xanh - xu hướng phát triển của du lịch

Du lịch xanh có khá nhiều tên gọi như: du lịch dựa vào thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng hay du lịch trách nhiệm… Trong những năm qua, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới và ngày càng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với những người có nhu cầu tham quan du lịch và nghỉ ngơi. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hoá cộng đồng, sự phát triển du lịch xanh đã và đang còn mang lại lợi ích kinh tế to lớn, tăng thêm cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho đất nước cũng như cộng đồng người dân địa phương, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa - nơi có các khu bảo tồn tự nhiên và cảnh quan hấp dẫn. Ngoài ra, du lịch xanh còn góp phần nâng cao dân trí và sức khoẻ cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường, văn hoá lịch sử và nghỉ ngơi giải trí. Chính vì vậy, ở nhiều nước và khu vực trên thế giới, bên cạnh các lợi ích về kinh tế, du lịch xanh còn được xem như một giải pháp rất có hiệu quả để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quá trình giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên phục vụ nhu cầu của khách du lịch, của người dân địa phương khi tham gia vào các hoạt động du lịch.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện phát triển du lịch theo hướng này. Tận dụng thế mạnh biển và rừng núi của mình, nhiều nước Đông Nam Á đưa ra những sản phẩm du lịch xanh như tham quan các khu bảo tồn, cùng trải nghiệm cuộc sống với người dân địa phương, tham quan bằng xe đạp, trồng cây, lặn biển ngắm san hô và cá, thưởng thức cây và hoa, thám hiểm rừng, chinh phục thác nước,... Khi tham gia các tour du lịch này, khách du lịch được khuyến khích hòa nhập thiên nhiên, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương mà không gây tác động đến môi trường.

Tuy nhiên, nếu không có biện pháp phát triển lâu dài thì hoạt động du lịch này cũng sẽ làm tăng nguy cơ hủy hoại môi trường sống, tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đối với cuộc sống của người dân bản địa; về lâu dài làm thay đổi môi trường tự nhiên. Điều đó, không những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn ảnh hưởng đến chính môi trường du lịch của điểm đến.

Du lịch làng chè - hướng phát triển du lịch xanh Thái Nguyên

Tiềm năng phát triển du lịch làng chè Thái Nguyên

Thái Nguyên là một tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, có khoảng 17.000 ha diện tích đất nông, lâm nghiệp, chiếm 23% tổng diện tích đất tự nhiên, tập trung ở các huyện Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ và thành phố Thái Nguyên. Từ lâu, cây chè đã là nông sản điển hình của tỉnh; góp phần làm nên thương hiệu Chè Thái Nguyên nổi tiếng khắp cả nước và trên nhiều thị trường thế giới như: Nga, Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu, vùng Trung Đông,… Sản phẩm chính của chè Thái Nguyên ở thị trường trong nước là chè xanh, chè xanh chất lượng cao, chè ướp hương đóng gói hay đóng hộp. Còn chè dùng để xuất khẩu đi các nước chủ yếu là chè thô.

Điều kiện tự nhiên, khí hậu đã ưu đãi cho Thái Nguyên có một vị chè riêng biệt không nơi nào có. Bên cạnh đó, kinh nghiệm trồng và chế biến chè của người dân nơi đây cũng góp phần tạo nên hương vị quyến rũ của sản phẩm, chinh phục được cả những khách hàng khó tính nhất. Diện tích chè được trồng tập trung chủ yếu ở vùng chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) và huyện Đại Từ, Võ Nhai. Vùng chè Tân Cương nằm ở phía tây, cách thành phố Thái Nguyên chừng 10km, phong cảnh đồi chè xanh tươi mát, kết hợp hài hòa với không gian Hồ Núi Cốc tạo nên cảnh sắc du ngoạn hấp dẫn. Sự trù phú của những làng chè như làng chè Trại Cài ở xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ), làng chè ở xã La Bằng (Đại Từ) ẩn mình trong sắc xanh của núi rừng đã làm nên vẻ đẹp đặc trưng, hấp dẫn du khách. 

Việc chế biến chè, bao gồm từ chăm chè, hái chè, sao chè cho đến thưởng chè là một quá trình công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, thậm chí đạt đến độ nghệ thuật. Thực tế cho thấy, rất nhiều khách tham quan tỏ ra hứng thú với việc tìm hiểu quá trình chế biến chè, từ việc lựa chọn búp chè tươi, sao chè và đến cả quá trình pha trà tỉ mẩn, tinh tế, thể hiện nét văn hóa, sự tinh hoa của người làm chè.

Thực trạng phát triển du lịch làng chè ở Thái Nguyên

Khu vực trung du Thái Nguyên không những nổi tiếng vì có sản phẩm chè ngon mà còn bởi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với cả núi lẫn sông. Bởi vậy, trong vài năm trở lại đây, nắm bắt xu hướng của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế vốn rất hứng thú với các loại hình du lịch xanh, Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều mô hình du lịch làng chè kết hợp với tham quan cảnh sắc thiên nhiên Hồ Núi Cốc.

Một mô hình du lịch làng chè điển hình ở Thái Nguyên là làng văn hóa du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương, được xây dựng bởi sự tài trợ của Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế (CIDA), thông qua Liên đoàn Đô thị Canađa (FCM). Làng chè này được xây dựng với mục đích là khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân trên cơ sở bảo tồn, phục hồi các giá trị truyền thống, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tạo các điểm đến mới cho khách du lịch. Khu vực được lựa chọn để xây dựng mô hình là những làng nghề chè truyền thống, có diện tích chè tập trung, trình độ trồng, chế biến sản phẩm chè của người dân cao, có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và có cơ sở hạ tầng tốt, bao gồm các xóm Hồng Thái 2 (xã Tân Cương); xóm Khuôn 1 và Khuôn 2 (xã Phúc Trìu) và xóm Gò Móc (xã Quyết Thắng) của thành phố Thái Nguyên. Ngoài ra, một số làng văn hóa cũng đang được công nhận và triển khai hoạt động du lịch làng chè như làng chè La Bằng (huyện Đại Từ) đang được tập trung xây dựng thành điểm đến của khách du lịch. Tại đây, địa phương đang xây dựng vườn chè cổ và cải tạo, chỉnh trang, chăm sóc vườn chè của các xóm: Tiến Thành, Đồng Đình, Kẹm với diện tích 100 ha, trong đó chọn xóm Tiến Thành là trung tâm. Cũng tại điểm trung tâm này, du khách có thể đi tham quan vườn chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, xem người dân thu hái chè, thăm vườn chè cổ, nghe người dân địa phương hát Then với đàn tính, thưởng thức trà ngon và các món ăn đặc sản của địa phương...

Cách sao chè của làng nghề Xóm Giuộc, Tân Cương, TP. Thái Nguyên. Ảnh:http://thainguyen.gov.vn

Bên cạnh đó, việc triển khai một số hoạt động sự kiện như năm Du lịch Thái Nguyên (2007); Lễ hội Trà Việt Nam tại Thái Nguyên (năm 2011, 2013) đã góp phần thúc đẩy việc triển khai các làng chè phục vụ mục đích du lịch. Vào thời điểm diễn ra sự kiện, những vạt chè xanh được quy hoạch, các hộ dân tích cực chỉnh trang nhà cửa, vườn chè, trau dồi kỹ năng, kiến thức cần thiết để sẵn sàng làm vừa lòng du khách.

Việc hướng dẫn người nông dân làm du lịch, biến công việc hằng ngày thành sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những đặc trưng cơ bản khi khai thác và đưa các làng chè vào hoạt động du lịch xanh ở Thái Nguyên. Người nông dân được trang bị các kiến thức cơ bản về hoạt động du lịch; kỹ năng thuyết minh, giới thiệu; cách đón tiếp khách, sắp xếp cơ sở lưu trú tại gia, lên thực đơn, phân loại, sơ chế, chế biến thực phẩm, cách trình bày, lên giá thành phẩm bữa ăn; nghệ thuật giao tiếp với du khách, giới thiệu những nét đặc sắc của vùng chè Thái Nguyên.

Lợi ích mà hình thức du lịch này đem lại cho người nông dân trồng chè ở Thái Nguyên là không những có thể thu lợi trực tiếp từ việc cung cấp dịch vụ lưu trú, ẩm thực và hướng dẫn khách tham quan, mà còn nâng cao được lượng tiêu thụ sản phẩm chè. Điều đó đồng nghĩa với việc không những nguồn lợi truyền thống được bảo đảm, mà còn có thể đa dạng sinh kế cho người dân, bởi vậy, những hộ nhiệt tình tham gia mô hình đều là những hộ đã có tiếng làm chè ngon, chè sạch. Xét về lợi ích xã hội, việc phát triển du lịch tại các làng nghề chè không chỉ giúp thương hiệu nông nghiệp Thái Nguyên phát triển, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân mà còn là cơ hội cho du lịch Thái Nguyên phát triển theo hướng bền vững, bảo tồn không gian xanh đặc trưng của vùng núi trung du; đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Bên cạnh một Hồ Núi Cốc đẹp thơ mộng, Thái Nguyên đang đi đúng hướng trong việc triển khai loại hình du lịch đồi chè - một hình thức du lịch xanh bền vững, góp phần tạo nên hình ảnh du lịch đặc trưng của vùng chè ngon nổi tiếng cả nước.

Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch đồi chè ở Thái Nguyên đang gặp một số khó khăn: việc đảm bảo chất lượng chè theo tiêu chuẩn VietGap đạt hiệu quả thấp, điều này ảnh hưởng đến thương hiệu chè Thái Nguyên; việc triển khai làng chè vào hoạt động du lịch mới ở giai đoạn đầu, người nông dân dù rất hứng khởi với loại hình sinh kế này nhưng còn nhiều bỡ ngỡ, chưa chuyên nghiệp trong quá trình phục vụ du khách. Việc triển khai các mô hình nhà dân phục vụ dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ của khách mới chỉ tập trung ở một số hộ gia đình nổi tiếng về nghề chè. Theo Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Thái Nguyên, số lượng khách du lịch đến với các đồi chè chưa nhiều, chủ yếu là du lịch tham quan đồi chè, chưa nhiều khách du lịch tham gia vào những hoạt động trải nghiệm. Các hoạt động du lịch xanh còn ít.

Giải pháp phát triển du lịch đồi chè Thái Nguyên theo hướng du lịch xanh

Thứ nhất, quy hoạch các khu vực phát triển du lịch đồi chè trên địa bàn tỉnh. Dựa vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên và Định hướng phát triển du lịch Thái Nguyên tầm nhìn đến năm 2030 để xác định và quy hoạch các khu vực phát triển du lịch đồi chè. Hiện nay, dựa trên cơ sở các làng chè truyền thống và không gian vùng chè trong tỉnh, Thái Nguyên cần phải đưa ra định hướng cụ thể về mục tiêu phát triển du lịch đồi chè, quy hoạch các làng du lịch; sản phẩm du lịch; tuyến, điểm du lịch.

Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đồi chè. Là loại hình “du lịch làng nghề nông nghiệp”, trước hết các địa phương cần vận động nhiều gia đình tham gia vào mạng lưới “du lịch nhà vườn”, sửa chữa nhà cửa để đón khách du lịch. Không nhất thiết là những căn nhà mới xây dựng với tiện nghi hiện đại, mà là ưu tiên các ngôi nhà vốn có, được tu bổ cho hợp với tiêu chuẩn của hệ thống du lịch. Nhưng cơ sở lưu trú đặc thù này cần bảo đảm đầy đủ không gian phục vụ nhu cầu của khách du lịch: phòng tiếp khách, phòng ngủ, bàn ăn và quan tâm đặc biết đến nguồn nước sạch và khu công trình phụ văn minh…

Làng du lịch cũng nên xây dựng một số công trình như “Nhà nghỉ nông thôn” thiết kế theo kiểu nhà sàn… để có thể đón tiếp nhiều đoàn du khách có mong muốn được sống trong khung cảnh khác lạ, êm ả, thơ mộng và ấm cúng của đồng quê Việt Bắc, khác với nơi đô thị ồn ào, náo nhiệt; “Quán ăn nông thôn” với các món ăn đặc sản địa phương; “Nhà truyền thống làng nghề” với đội văn nghệ quần chúng, chuyên biểu diễn dân ca và các điệu múa dân tộc. Ngoài ra, có thể bố trí xe ngựa để đưa du khách đi rong ruổi thăm đồi chè, danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa lịch sử trong vùng... Các làng chè còn cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch xanh hơn nữa như xây dựng tour du lịch trải nghiệm: “một ngày làm nông dân”, tổ chức hướng dẫn khách du lịch cách hái chè; sao chè và trồng chè, đạp xe quanh đồi chè.

Thứ ba, phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, ưu tiên sử dụng người dân bản địa. Hơn ai hết, người nông dân trồng chè hiểu và thông thạo nhất những kỹ năng trồng chè, cuộc sống, phong tục và văn hóa miền trung du. Họ sẽ là người hướng dẫn tự nhiêm, tỉ mỉ và có thể giải đáp các thắc mắc của khách du lịch. Đây là đội ngũ hướng dẫn có kinh nghiệm, giàu tình yêu đối với làng chè nhưng vẫn cần thiết phải bổ sung kiến thức, năng lực giao tiếp, ngoại ngữ và kỹ năng phục vụ khách. Người dân trong “làng du lịch” cần có thái độ giao tiếp nồng hậu, niềm nở và tự hào khi hướng dẫn khách du lịch tham quan làng quê mình. Đối với du khách nước ngoài, cần có nhiều thanh thiếu niên địa phương có trình độ ngoại ngữ tốt, nhất là tiếng Anh, để họ được giao lưu thoải mái, được giới thiệu cặn kẽ.

Kết luận

Tổng cục Du lịch cho biết, “Du lịch làng nghề đang là lựa chọn số một của du khách. Theo thống kê, lượng du khách chọn du lịch văn hóa làng nghề chiếm tới 60% trong tổng số 800 triệu du khách trên toàn thế giới”. Sản phẩm chè nổi tiếng cùng với sự đa dạng về tài nguyên của các làng chè Thái Nguyên chắc chắn sẽ có sức cuốn hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước.

TS. Nguyễn Lan Anh

Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội

 

*****

Tài liệu tham khảo:

  1. Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam: Từ chiến lược đến kế hoạch hành động, (2014).
  2. IUCN: “Hướng dẫn cho các nhà lập kế hoạch và quản lý”, Dự án Tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý môi trường sinh thái Việt Nam, 1999.
  3. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên: Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2009-2015, 2009,
  4. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên: "Thái Nguyên - hội nhập và phát triển”, UBND tỉnh Thái Nguyên.

 

 

 

 

Bình luận