Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)

Ngày đăng: 02/05/2019 - 16:05

Bộ Nội vụ đang dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Bộ Nội vụ cho biết, ngày 29/11/2005 tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Thanh niên và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2006. Sau 13 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như:

Một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, thiếu nguồn lực thực hiện Luật, chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương.

Cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến thanh niên chưa rõ nét, do đó thanh niên chưa phát huy và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính thanh niên…

Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Những nội dung mới của dự thảo

So với Luật Thanh niên năm 2005, dự thảo có một số nội dung mới gồm: Bổ sung quy định về nguồn lực, kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách phát triển thanh niên như sau: Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm bảo đảm nhân lực và bố trí kinh phí thực hiện chiến lược, chương trình, dự án phát triển thanh niên của Quốc gia và địa phương.

Dự thảo cũng bổ sung 01 Điều quy định về Tháng thanh niên nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về Tháng thanh niên trong luật; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể: Tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên. Hằng năm, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức Tháng Thanh niên. Các bộ, ngành ở Trung ương, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp tổ chức Tháng Thanh niên.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung 01 Điều quy định về đối thoại với thanh niên để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng như sau: Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên. Hình thức đối thoại là hội nghị, diễn đàn, tọa đàm.

BT: Kiều Trang

Theo Báo Chính phủ

Bình luận