Dấu tích sớm nhất của con người tại quần đảo Trường Sa
Từ năm 1993 đến năm 1999, Viện Khảo cổ học đã tiến hành nhiều lần điều tra và hai lần khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Kết quả khai quật ở 4 đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca và điều tra, thám sát trên 6 đảo khác đã phát hiện được các di tích, di vật thuộc thời đại Sắt sớm, tương đương với văn hóa Sa Huỳnh muộn - Chămpa sớm ở ven biển miền Trung Việt Nam; các di tích, di vật gốm sứ và đồ sành thời Trần (thế kỷ XIV) đến các di vật thời Lê - Nguyễn cho đến đầu thế kỷ XX. Có thể khẳng định rằng, trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đã có người tiền sử cho đến người Việt Nam cư trú lin tục cho đến hiện nay. Đó là những tư liệu khẳng định chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Khi quát về quần đảo Trường Sa
Quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông, nằm trong khoảng 6o50’ đến 12o vĩ bắc và từ 111o20’ đến 117o20’ kinh đông, cách Vịnh Cam Ranh khoảng 250 hải lý, cách lục địa Trung Quốc khoảng 750 hải lý.
Khi thủy triều xuống thấp, quần đảo Trường Sa có 148 đảo, đá được đặt tên, trải dài trên diện tích 200.000km2. Các đảo có độ cao từ 2m - 6m so với mực nước biển xuống thấp.
Quần đảo Trường Sa chia thành 8 cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Theo diện tích, các đảo được chia thành 3 cấp:
Đảo cấp 1: Có diện tích trên 1km2, gồm đảo Trường Sa Lớn (hình 1), Nam Yết (hình 2) và Song Tử Tây, nằm ở vị trí trung tâm quần đảo. Trên đảo có nhiều cây xanh, có giếng nước ngọt, nên môi trường sinh thái ở đây thuận lợi cho cuộc sống của con người. Trên các đảo cấp 1 còn dấu vết của những tấm bia chủ quyền của chính quyền Việt Nam Cộng hòa dựng năm 1956.
Hình 1. Đảo Trường Sa Lớn
1. Hố khai quật 2. Bia chủ quyền 3. Bia thời Việt Nam Cộng hòa
Hình 2. Đảo Nam Yết
1. Hố khai quật 2. Bia chủ quyền 3. Bia thời Việt Nam Cộng hòa
..+..+.. Đá nửa nổi, nửa chìm ===== Đường mòn
Đảo cấp 2: Có diện tích từ 0,5km2 đến 1km2, gồm các đảo: Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh và Trường Sa Đông (Đá Đông)... Những đảo này được kiến tạo khá sớm, nằm ở phía bắc quần đảo, có khí hậu ôn hòa nên thuận lợi cho con người và các loài sinh vật sinh sống.
Đảo cấp 3: Có diện tích dưới 0,5km2, gồm Đá Tây, Tốc Tan. Nằm ở phía nam quần đảo, các đảo này được kiến tạo muộn hơn, mặc dù hiện nay đã được bê tông hóa và nổi trên mặt biển, nhưng vốn chúng là đảo chìm khi nước biển cao.
Quá trình phát hiện
Theo chỉ thị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) mà trực tiếp là Viện Khảo cổ học đã triển khai 3 chương trình khảo cổ học: Trường Sa, Tây Nguyên và Nam Bộ, bắt đầu từ năm 1993.
Trong ba năm 1993, 1994 và 1995, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Bảo tàng Khánh Hòa và đơn vị Hải quân vùng IV, vùng V, tiến hành điều tra và khai quật khảo cổ trên các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết và Song Tử Tây. Kết quả khai quật thu được những di tích và di vật khảo cổ học, cung cấp nhiều tư liệu quan trọng để nghiên cứu quá trình cư trú của con người trên các đảo này1.
Kết quả điều tra, khai quật khảo cổ ở quần đảo Trường Sa cùng với các chương trình khảo cổ học Tây Nguyên và Nam Bộ là nội dung chính của một hội thảo khoa học tổ chức tại Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia vào năm 1995. Cùng với việc đánh giá về những đóng góp to lớn của công tác khảo cổ học của 3 chương trình này, một yêu cầu mới được đặt ra là, cần tiếp tục điều tra, khai quật trên các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa.
Năm 1999, Viện Khảo cổ học tiến hành điều tra và khai quật khảo cổ trên 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gồm: Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh (Hòn Sập), An Bang, Trường Sa Đông (Đá Đông), Tốc Tan và Đá Tây.
Bài viết giới thiệu những kết quả điều tra, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học quần đào Trường Sa đã triển khai trong 2 đợt: 1993-1994, 1995, 1999. Đây là nguồn tư liệu vật thật quan trọng khẳng định sự có mặt sớm nhất của người Việt cổ trên các đảo thuộc quần đảo trường Sa (Việt Nam).
Văn hóa vật chất của người Việt tại quần đảo Trường Sa (Việt Nam)
Tư liệu về địa tầng
Trong 2 đợt, Viện Khảo cổ học đã điều tra 6 đảo (Song Tử Tây, Phan Vinh, An Bang, Trường Sa Đông, Tốc Tan và Đá Tây), thám sát và khai quật trên 4 đảo (Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn) với tổng diện tích 183m2.
Đây là các đảo san hô, có dáng hình vành khăn, phần rìa ngoài sát biển thường cao và phần giữa đảo thường trũng, do tác động của gió và sóng biển. Một số đảo, như Song Tử Tây, Trường Sa Đông hình dáng đảo có sự thay đổi liên tục do sự đổi chiều của gió và sóng biển. Xung quanh các đảo đều có thềm san hô. Thềm này thường bị ngập khi nước biển cao và lộ ra khi nước biển thấp. Đất trên của các đảo đều được hình thành bằng vụn san hô, có cấu tạo như sau:
- Dưới cùng là vụn san hô màu trắng không có dấu vết cư trú (sinh thổ).
- Lớp giữa là vụn san hô lẫn phân chim, mùn thực vật có màu đen, tơi, xốp, hiện vật khảo cổ thường phát hiện ở lớp này.
- Trên cùng là đất canh tác, một số đảo ở lớp này, ngoài vụn san hô, mùn thực vật, còn lẫn đất sét (mang từ đất liền ra để trồng cây xanh, rau...).
Trong 4 đảo được khai quật đều có tầng văn hóa là đất mùn màu đen, trong chứa hiện vật khảo cổ. Tuy nhiên, độ dày lớp văn hóa ở mỗi đảo khác nhau. Cụ thể như sau:
- Tầng văn hóa trong hố khai quật trên đảo Trường Sa Lớn, dày: 20cm.
- Tầng văn hóa trong hố khai quật trên đảo Nam Yết, dày: 20cm-30cm.
- Tầng văn hóa trong hố khai quật trên đảo Sơn Ca, dày: 10cm-15cm.
- Tầng văn hóa trong hố khai quật trên đảo Sinh Tồn, dày: 20cm-40cm.
Nhìn chung, địa tầng trong các hố khai quật bị xáo trộn nặng nề. Quan sát những nơi còn tương đối ổn định, kết hợp với thống kê hiện vật có thể thấy được có 2 giai đoạn phát triển khác nhau. Giai đoạn sớm tương đương với các di tích của văn hóa Sa Huỳnh muộn - Chămpa sớm, có niên đại khoảng một vài thế kỷ đầu Công nguyên. Giai đoạn muộn trong khoảng thời gian khá dài, từ thế kỷ XIII-XIV cho đến đầu thế kỷ XX.
Trên các đảo: Song Tử Tây, Phan Vinh, An Bang, Trường Sa Đông, do quá trình bê tông hóa, hầu như không còn diện tích khai quật, nên chỉ điều tra, quan sát địa tầng qua các hố đào sẵn và thu nhặt hiện vật trên mặt đất.
Tư liệu về hiện vật
Tổng số hiện vật thu được trong 2 đợt điều tra, khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là 498 hiện vật. Trong đó, gốm thô: 33 hiện vật, chiếm 6,62%; đồ gốm sứ các loại: 236 hiện vật, chiếm 48,00%; đồ sành: 212 hiện vật, chiếm 42,57%; mũi ngói: 1 hiện vật, chiếm 0,20% và tiền kim loại thời Nguyễn: 16 đồng, chiếm 3,21%.
Gốm thô: Chỉ phát hiện được ở đảo Trường Sa Lớn, chủ yếu là các mảnh vỡ (30 mảnh), 1 chì lưới và 2 hiện vật hình con đỉa. Trong 30 mảnh gốm thô, có 24 mảnh màu xám, xốp, được làm từ đất sét pha cát, nên xương thô, nhẹ, độ nung chưa cao. So sánh với đồ gốm cùng loại thuộc thời đại Kim khí phát hiện trong các di chỉ ven biển miền Trung Việt Nam, thấy chúng rất giống nhau.
Chiếc chì lưới hình bầu dục, hai đầu vê tròn, màu đỏ, có khắc rãnh ở thân để buộc lưới. Kích thước: dài 5cm, rộng 3,5cm, dày 1,3cm.
Hai hiện vật hình đĩa nhỏ, trong đó 1 hiện vật để trơn, 1 hiện vật ở phần đế có trang trí hoa văn khá phức tạp, đã phát hiện được đồng loại tại di chỉ Trà Kiệu, thuộc văn hóa Chămpa.
Đồ gốm - sứ: 236 hiện vật, theo dòng men có thể chia thành các loại sau:
a. Men tro: 100 hiện vật, có niên đại và thuộc các dòng men sau:
- Thế kỷ VI-X: 10 hiện vật men tro màu xanh nhạt và 25 hiện vật men tro rạn do thời gian.
- Thế kỷ XIII-XV: 41 hiện vật, chủ yếu là bát, đĩa, được làm từ cao lanh, xương trắng, mỏng, được phủ ngoài men tro, màu lam vẽ dưới men. Đây là loại gốm sứ cao cấp.
- Thế kỷ XVII-XVIII: 24 hiện vật đều ở đảo Nam Yết, men tro màu trứng gà, trong lòng có dấu con kê, xương gốm dày, không trang trí hoa văn.
b. Men vàng chanh, thế kỷ XIV-XV: 13 mảnh ở đảo Nam Yết, trong lòng có dấu con kê, thân có hoa văn khắc chìm. Xương gốm dày, màu xám trắng, độ nung thấp, khoảng 800 - 900oC.
c. Gốm hoa lam thế kỷ XV-XVIII: 80 hiện vật, phát hiện trong hệ khai quật ở đảo Trường Sa Lớn, gồm các loại hình: bát, đĩa, cốc, chén. Xương gốm trắng, mỏng, nhẹ. Hoa văn trang trí chủ yếu là hoa dây, cánh sen.
Ngoài ra, còn 10 mảnh gốm men trắng vẽ chỉ lam quanh miệng, thuộc sứ Đồng Nai - Biên Hòa hiện đại thu lượm trong đợt 2.
Hình 3. Đồ gốm sứ phát hiện ở đảo
Trường Sa Lớn và Nam Yết
d. Gốm men trắng thế kỷ XIX-XX: 33 hiện vật. Trong đó có 20 hiện vật thu lượm trên mặt đất đảo Song Tử Tây (đợt 1) và 13 hiện vật thu lượm trong đợt 2.
Đồ sành: 212 hiện vật đều là các mảnh vỡ, trong đó: Trường Sa Lớn: 60 hiện vật; Nam Yết: 94 hiện vật và 58 hiện vật trong đợt 2. Đồ sành gồm 2 loại: men da lươn: 17 hiện vật và không men: 195 hiện vật.
Mũi ngói: 1 mảnh, phát hiện trong hố khai quật đảo Trường Sa Lớn, màu nâu đỏ, chỉ còn phần mũi phẳng, cong tròn.
Tiền kim loại: 16 đồng hình tròn, lỗ vuông, đều phát hiện trên đảo Song Tử Tây, thuộc tiền thời Minh Mạng và Tự Đức.
Như vậy, hiện vật phát hiện được trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có số lượng khá lớn, phong phú về loại hình và chất liệu.
Đồ gốm thô gần gũi với các di tích văn hóa Sa Huỳnh muộn (Sa Huỳnh, Động Cườm, Tăng Long...), Chămpa sớm (Trà Kiệu, Gò Cấm).
Đồ gốm sứ có 2 loại chính, không hoa lam và hoa lam. Gốm không hoa lam bên ngoài phủ men tro, xương thô, có niên đại khoảng thế kỷ VI-X. Đồ sứ hoa lam cùng nằm trong địa tầng với các hiện vật khác, rất gần gũi với hiện vật ở các di chỉ: Xuân Giang (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), Hợp Lễ (Hải Dương), có niên đại khoảng thế kỷ XV-XVIII. Ngoài ra, còn có một số mảnh sứ thuộc sứ Đồng Nai - Biên Hòa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Khai quật khảo cổ tại đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết
Đồ gốm men phát hiện tại đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết
Mũi ngói phát hiện tại đảo Trường Sa Lớn
Sự có mặt liên tục của người Việt tại quần đảo Trường Sa (Việt Nam)
Với những tư liệu khảo cổ học thu được qua các đợt điều tra khảo cổ học quần đảo Trường Sa vào năm 1993-1994, khai quật có hệ thống trên đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết vào năm 1995 và đảo Sơn Ca vào năm 1999, chúng ta có thể khẳng định sự có mặt liên tục của người Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
1. Trên đảo Trường Sa Lớn, chúng ta đã phát hiện được những mảnh gốm thô có chất liệu, màu sắc, kỹ thuật chế tác tương tự như đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh - một văn hóa thời đại Sắt phân bố rộng ở đất liền, miền Nam Trung Bộ, có niên đại tương đương với văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ và văn hóa Dốc Chùa ở Nam Bộ. Những nghiên cứu khảo cổ học còn cho biết, trên đảo Palawan, một hòn đảo thuộc Philíppin, gần quần đảo Trường Sa, các nhà khảo cổ học Philíppin đã tìm thấy di tích văn hóa Sa Huỳnh, trong đó có khuyên tai hai đầu thú. Văn hóa Sa Huỳnh đã lan tỏa đến Philíppin thì gốm Sa Huỳnh có mặt ở Trường Sa là sự hiển nhiên.
2. Cùng với gốm thô Sa Huỳnh, trên đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết, chúng ta đã phát hiện được đồ gốm sứ Việt Nam thuộc các thế kỷ muộn hơn. Có thể thấy, đồ gốm sứ thuộc 2 giai đoạn: Trước thế kỷ XV và sau thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Nhóm có niên đại trước thế kỷ XV, có đặc trưng là hoa văn khắc chìm dưới men. Men phủ bên ngoài có màu vàng chanh, trôn có bôi màu sôcôla. Nhóm có niên đại muộn, tập trung vào các thế kỷ XVII-XVIII, chủ yếu là sứ hoa lam, được làm từ cao lanh, bên ngoài phủ men tro, màu lam vẽ chìm dưới men.
3. Trên đảo Nam Yết, qua điều tra đã thu được 16 đồng tiền thời Nguyễn, có niên hiệu Minh Mạng và Tự Đức. Sự có mặt của tiền kim loại thời Nguyễn trên đảo Nam Yết, rất phù hợp với những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, viết năm 1776. Lê Quý Đôn cho biết, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã lập những đội Hoàng Sa và Bắc Hải để đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn cũng như các đảo ở Hà Tiên để thu hải sản và các sản vật của những tàu đắm. Tuy nhiên, với các hiện vật thu được trong các hố khai quật ở Trường Sa cho thấy sự có mặt của người Việt Nam trên các đảo này còn sớm hơn nhiều, ít ra là từ cuối thời Trần2.
4. Những tư liệu khảo cổ học trên quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ đã đưa lại những kết quả to lớn. Chúng ta có thể khẳng định rằng, đã tìm thấy những chứng cứ khoa học hiển nhiên về các hoạt động trên biển cả của cư dân tiền sử Việt Nam cũng như của người Việt Nam trong lịch sử. Những tư liệu này hiển nhiên góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.
TS. Lại Văn Tới
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành
Chú thích:
1. Xem: - Nguyễn Văn Hảo: Phát hiện khảo cổ học trên quần đảo Trường Sa và các quần đảo phía nam Việt Nam, Tạp chí Khảo cổ học, số 4, 1996, tr.11-15.
- Nguyễn Mạnh Cường, Dương Trung Mạnh: Khảo cổ học Trường Sa: Tư liệu và suy nghĩ, Tạp chí Khảo cổ học, số 4, 1996, tr.16-25.
- Nguyễn Trung Chiến, Lại Văn Tới: Điều tra khảo cổ học một số đảo ven bờ phía nam Việt Nam, Tạp chí Khảo cổ học, số 4, 1996, tr.27-40.
2. Hà Văn Tấn: Nhận xét về kết quả các chương trình khảo cổ học Trường Sa, Tây Nguyên và Nam Bộ, Tạp chí Khảo cổ học, số 4, 1996, tr.5-10.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực